Trang chủ    Tin tức    Chuyên đề “Các Đảng chính trị ở Cộng hòa Pháp hiện nay”
Thứ hai, 24 Tháng 10 2016 14:07
8216 Lượt xem

Chuyên đề “Các Đảng chính trị ở Cộng hòa Pháp hiện nay”

(LLCT) - Chiều 19-10, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Thông tin khoa học tổ chức chuyên đề “Các Đảng chính trị ở Cộng hòa Pháp hiện nay”. Chuyên đề là một nội dung trong Báo cáo kết quả chuyến công tác của Đoàn cán bộ Học viện tại Cộng hòa Pháp từ ngày 24-9 đến ngày 5-10-2016. Tham dự  Chuyên đề có PGS,TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng đông đảo các nhà khoa học và giảng viên của Học viện.

Mở đầu Chuyên đề, PGS,TS Nguyễn Viết Thảo đã nêu ra những nét nổi bật của tình hình Liên minh châu Âu (EU) hiện nay, đó là: 1. Khủng hoảng dân di cư và nguy cơ tan rã của khu vực Schengen; 2. Khủng hoảng nợ công và nguy cơ đối với Eurozone; 3. Nền kinh tế EU tiếp tục gặp khó khăn, nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn tiềm tàng; 4. Chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng; 5. Thách thức gay gắt với nền dân chủ và chế độ phúc lợi châu Âu.

Từ bối cảnh chung của châu Âu, PGS,TS Nguyễn Viết Thảo đã trình bày những đặc điểm cơ bản của hệ thống chính trị Pháp hiện nay. Theo đó, Pháp là một quốc gia dân chủ, theo thể chế tổng thống bán phần (lưỡng tính). Pháp cũng là quốc gia đa đảng, hiện có tất cả 8 đảng đang tham chính. Bầu cử tổng thống tại Pháp diễn ra theo nguyên tắc bầu cử phổ thông, trực tiếp qua 2 vòng, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm. Cơ cấu Quốc hội gồm có Hạ viện và Thượng viện,  với số lượng nghị sĩ lần lượt là 577 và 348. Một nhiệm kỳ Quốc hội của Pháp kéo dài 6 năm, sau mỗi 3 năm bầu lại 50% cơ cấu. Nhìn chung, Pháp có đội ngũ trên 60 nghìn dân biểu các cấp, 10 nghìn người hoạt động chính trị chuyên nghiệp và 20 nghìn cộng tác viên chính trị.

Cũng theo PGS,TS Nguyễn Viết Thảo, các đảng chính trị ở Pháp đều ra đời tương đối sớm, trong đó có nhiều đảng lớn mạnh, có tổ chức bộ máy đầy đủ, từ Trung ương đến cơ sở. Các đảng của Pháp đều hoạt động trong khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, có nguồn tài chính thống nhất, được quản lý một cách minh bạch; có cơ chế giao ban định kỳ giữa lãnh đạo đảng cầm quyền với người đứng đầu chính quyền. Hiện nay, 3 đảng chính trị lớn nhất tại Pháp là Đảng Xã hội, Đảng Cộng hòa và Đảng Mặt trận Quốc gia, trong đó:

- Đảng Xã hội hiện nay là đảng cầm quyền tại Pháp, có 273/577 đại biểu Quốc hội, 109/348 thượng nghị sĩ và 12/74 nghị sĩ Nghị viện châu Âu.

- Đảng Cộng hòa có 199/577 đại biểu Quốc hội, 144/348 thượng nghị sĩ và 19/74 nghị sĩ Nghị viện châu Âu.

- Đảng Mặt trận Quốc gia có 2/677 đại biểu Quốc hội, 2/348 thượng nghị sĩ và 21/74 nghị sĩ Nghị viện châu Âu.

Thùy Linh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền