Trang chủ    Tin tức    Hội thảo “Kinh tế chính trị học Việt Nam - lý luận và thực tiễn”
Thứ ba, 29 Tháng 11 2016 17:32
3377 Lượt xem

Hội thảo “Kinh tế chính trị học Việt Nam - lý luận và thực tiễn”

(LLCT) - Sáng 28-11-2016, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, diễn ra Hội thảo “Kinh tế chính trị học Việt Nam - lý luận và thực tiễn”. Tham dự hội thảo có đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

Phát biểu đề dẫn, PGS,TS Phạm Quốc Trung nhấn mạnh: Kể từ khi Adam Smith cho xuất bản tác phẩm “Của cải của các dân tộc” (1776) đến nay, Kinh tế chính trị học đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Hệ thống học thuyết kinh tế nhị nguyên luận ở A.Smith đã được David Ricardo xây dựng và phát triển thành một hệ thống nhất nguyên luận - tuy nhiên chưa triệt để do còn bị hạn chế bởi “Tầm nhìn tư sản”. Đỉnh cao của kinh tế chính trị học - trên phương diện tổng quan nhất về phương thức sản xuất TBCN (châu Âu – nước Anh) chỉ có thể đạt được ở C.Mác. Tuy nhiên, trong các bản thảo trước bộ Tư bản, C.Mác đã đề cập cái tư bản mà ông đang nghiên cứu chỉ với tư cách là phương thức sản xuất (PTSX) đặc thù trong lịch sử, và là cái đại diện mà không phải là tất cả. Vẫn còn nhiều PTSX khác cần được nghiên cứu.

Việc khẳng định đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị học là quan hệ sản xuất có nghĩa là ở đâu có sản xuất thì ở đó cần phải có nghiên cứu kinh tế chính trị. Do đó, nghiên cứu kinh tế chính trị luôn tồn tại; một khi có sản xuất trên bình diện quốc gia, nền kinh tế thì cũng cần có kinh tế chính trị trên bình diện quốc gia, nền kinh tế. Hơn nữa, thực tiễn xây dựng nền kinh tế mới ở Việt Nam - nền kinh tế quá độ lên CNXH, đã chứng tỏ vai trò quan trọng của lý luận kinh tế chính trị. Có thể nói, những thành tựu của đổi mới kinh tế ở nước ta thời gian qua - đặc biệt, những thành công có tính hệ thống, cơ bản, trọng yếu… đều gắn với những đóng góp của Kinh tế chính trị học. Ngược lại, những bất cập, hạn chế hay chệch hướng đều phản ánh những hạn chế từ kinh tế chính trị học hoặc xa rời những quan điểm kinh tế chính trị đúng đắn.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã cho rằng có đầy đủ cơ sở để thiết lập ngành Kinh tế chính trị học Việt Nam.

PGS,TS Đoàn Xuân Thủy khẳng định: Kinh tế chính trị học là môn khoa học có tính lịch sử, được hình thành và phát triển đã lâu, bắt nguồn từ quan điểm, tư tưởng kinh tế của các nhà kinh tế theo trường phái tư sản cổ điển. Tuy nhiên, cuộc cách mạng thật sự chỉ được thực hiện bởi C.Mác và Ph. Ăng ghen, sau đó được kế thừa, bổ sung, phát triển bởi V.I. Lênin, cũng như thông qua văn kiện của các đảng cộng sản, các tác phẩm của các nhà kinh tế mác xít, trong đó có Việt Nam.

Ở Việt Nam, trước đây chưa có ngành khoa học kinh tế chính trị, sau này dần được hình thành. Sự hình thành và phát triển kinh tế chính trị học Việt Nam trước hết dựa vào những chỉ dẫn có tính phương pháp luận của các nhà kinh điển Mác - Lênin.

Theo Mác, không có một môn kinh tế chính trị học duy nhất cho tất cả các nước và cho mọi thời đại. Kinh tế chính trị học là một khoa học có tính lịch sử, nó nghiên cứu những tư liệu có tính lịch sử, nghiên cứu các quy luật có tính đặc thù của từng giai đoạn phát triển, sản xuất và trao đổi, trên cơ sở đó xác định các quy luật chung cho sản xuất, trao đổi.

Việt Nam có hoàn cảnh đặc thù, do đó trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN, chắc chắn sự phát triển của Việt Nam vừa tuân theo quy luật chung, vừa có tính đặc thù trong việc vận dụng các quy luật đó. Do vậy, hoàn toàn có cơ sở hình thành nên khoa học Kinh tế chính trị học Việt Nam với nhiệm vụ làm rõ nội dung đặc thù, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định, thực thi đường lối phát triển đất nước.

PGS, TS Đoàn Xuân Thủy cũng chỉ ra nhiệm vụ của kinh tế chính trị học Việt Nam hiện nay là cần tiếp tục giải quyết một số vấn đề sau: Thứ nhất, sử dụng kinh tế thị trường như thế nào để đạt mục tiêu CNXH. Thứ hai, giải quyết vấn đề sở hữu của các thành phần kinh tế một cách hợp lý để tạo động lực cho phát triển, đồng thời xác lập được quan hệ sản xuất mới tiến bộ. Thứ ba, lựa chọn mô hình phát triển sản xuất trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ. Thứ tư, vai trò kinh tế của Nhà nước tuy đã có thay đổi song vẫn tồn tại nhiều vấn đề, do đó cần nhấn mạnh việc xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Minh Quang cho rằng, Kinh tế chính trị học Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời, là sự kế thừa của Kinh tế chính trị học mác xít, sau đó là Kinh tế chính trị học trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

Đối tượng nghiên cứu của nó là QHSX trong mối liên hệ giữa LLSX và kiến trúc thượng tầng tương ứng, được đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay là đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng KTTT hiện đại và kinh tế tri thức.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng cần xác định phạm trù xuất phát trong nghiên cứu kinh tế chính trị học Việt Nam. Theo GS,TS Hoàng Ngọc Hòa, phạm trù xuất phát có thể là lao động sản xuất hàng hóa, và tính hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó cần tìm ra quy luật về mối quan hệ giữa con người lao động với tự nhiên và giữa con người với con người trong quá trình sản xuất.

Thùy Linh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền