Trang chủ    Tin tức    Hội thảo “Chính sách tài khóa của Việt Nam sau khủng hoảng tài chính toàn cầu”
Thứ năm, 01 Tháng 12 2016 17:27
3413 Lượt xem

Hội thảo “Chính sách tài khóa của Việt Nam sau khủng hoảng tài chính toàn cầu”

(LLCT) - Sáng 29-11-2016, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Kinh tế học tổ chức Hội thảo “Chính sách tài khóa của Việt Nam sau khủng hoảng tài chính toàn cầu”. Tham dự Hội thảo có PGS,TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam; ông Hoàng Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp, Ban kinh tế Trung ương; đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính cùng đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Đinh Thị Nga nhấn mạnh: Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Hoa Kỳ năm 2008, sau đó lan rộng ra toàn thế giới đã để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng đối với các nền kinh tế, không phân biệt xuất phát điểm cũng như trình độ phát triển. Để đối phó và giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng, các quốc gia đã thực hiện điều chỉnh các chính sách,trong đó có chính sách tài khóa.

Trình bày về thực trạng nợ công của Việt Nam giai đoạn 2008-2015, ông Hoàng Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Về cơ bản các chỉ số nợ công của nước ta hiện nay đều ở trong giới hạn cho phép, trước mắt các khoản nợ được trả đúng hạn. Chúng ta đã huy động được lượng lớn vốn vay cho đầu tư phát triển. Thể chế, chính sách quản lý nợ công đang từng bước được xây dựng và hoàn thiện, tiếp cận gần hơn với thông lệ quốc tế; thị trường trái phiếu cũng có những bước phát triển nhất định.

Tuy nhiên, các khoản nợ tiềm ẩn chưa được phân tích và tính toán đầy đủ, cụ thể nợ của DNNN hiện không được tính vào nợ công (năm 2015 chiếm 40% GDP), nợ quỹ BHXH hiện là 22.000 tỷ đồng. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng nợ công là 18,4%, cao gấp 3 lần mức tăng trưởng kinh tế.Hiệu quả đầu tư công thấp, đầu tư công hiện chiếm 44% tổng vốn đầu tư toàn xã hội song hiệu quả không cao, chỉ số ICOR giai đoạn 2006-2010 là 9,2. Cơ cấu nợ chưa bền vững, quản lý nợ công còn có sự phân tán, hiệu lực chưa cao.

Tham luận tại Hội thảo, PGS,TS Đặng Văn Thanh nêu rõ: Ở Việt Nam,sau giai đoạn tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, trung bình trên 7%/năm, bắt đầu từ năm 2007, những yếu kém trong nội tại nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm dần, lạm phát tăng cao, có lúc vượt khỏi tầm kiểm soát của Chính phủ, những bất ổn kinh tế vĩ mô cùng với những diễn biến phức tạp củathị trường chứng khoán, vàng, ngoại tệ, bất động sản. Thị trường tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro với hệ thống các tổ chức tín dụng yếu kém, nợ xấu tăng cao. Số doanh nghiệp phá sản lên tới hàng chục nghìn mỗi năm. Suy thoái kinh tế toàn cầu làm nguồn thu từ nội địa và thu từ các hoạt động thương mại quốc tế của Chính phủ giảm sút, trong khi chi tiêu công, đầu tư công không được kiểm soát chặt chẽ, bội chi ngân sách nhà nước liên tục gia tăng dẫn tới gánh nặng nợ công tăng cao, đưa tỷ lệ nợ công/GDP tiến sát ngưỡng trần nợ công quốc gia.

Trước những yếu kém trong nội tại nền kinh tế cùng với tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng vừa suy thoái vừa lạm phát cao,PGS,TS Phạm Quốc Trung nhấn mạnh: Để ứng phó với cuộc khủng hoảng cũng như để duy trì ổn định và tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh nhiều chính sách như Chính phủ đã cho phép giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quý IV/2008 và cả năm 2009 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa ra gói kích cầu trị giá 17.000 tỷ đồngđể hỗ trợ 4% lãi suất vayvốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời thực hiện miễn, giảm, giãn một số loại thuế, kéo dài thời hạn nộp thuế xuất nhập khẩu, khoảng 28.000 tỷ đồng để kích cầu...Chính phủđã đề ra những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ nhằm phục hồi thị trường bất động sản, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước.Thủ tướng Chính phủ đã ban hànhChỉ thị 1792 để tăng cường quản lý đầu tư  từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ…

Theo PGS,TS Đặng Văn Thanh, những điều chỉnh trong chính sách tài khóa của Việt Nam trong thời gian qua đã góp phầnổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy vậy,sự phù hợp và hiệu quả cũng như hiệu lực tác động của chính sách tài khóa còn nhiều hạn chế. Những điều chỉnh trong chính sách thuế chưa thực sự tạo ra động lực mạnh mẽ cho đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.Vẫn còn nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể, phá sản đã tác động trực tiếp đến nguồn thu ngân sách. Việc tham gia các hiệp định thương mại với các cam kết mở cửa thị trường cũng làm cơ sở thuế bị xói mòn nhanh. Trong khi đó, các cải cách thuế đến nay vẫn diễn ra khá chậm. Chi tiêu, đầu tư công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng vẫn còn tình trạng kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí. Ngân sách nhà nước mất cân đối nghiêm trọng và có nguy cơ mất thanh khoản, kỷ luật tài khóa, ngân sách lỏng lẻo, thiếu nghiêm minh.Nợ công vẫn tiếp tục gia tăng về quy mô và tốc độ,đồng thời các khoản nợ nước ngoài phải đối mặt với nhiều rủi ro từ những biến động về tỷ giá, áp lực đến hạn trả nợ trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại,quản lý nợ bị phân tán.

Trong thời gian tới, hệ thống các chính sách kinh tế của Việt Nam,trong đó có chính sách tài khóa vừa phải tiếp tục khắc phục những hậu quả từ dư chấn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vừa phải hỗ trợ, tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng, kiến tạo cho sự phát triển trong điều kiện Việt Nam tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng, thúc đẩy và khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Thùy Linh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền