Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: 50 năm hai công ước về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và việc thực hiện ở việt nam (1966 – 2016)
Thứ ba, 10 Tháng 1 2017 10:15
3173 Lượt xem

Hội thảo khoa học: 50 năm hai công ước về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và việc thực hiện ở việt nam (1966 – 2016)

(LLCT) - Sáng 5 - 1 - 2017, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh  tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm hai công ước về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và việc thực hiện ở Việt Nam (1966 – 2016)”. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm Liên Hợp quốc thông qua hai công ước về quyền con người năm 1966.

Chủ trì Hội thảo: PGS,TS Nguyễn Tất Giáp - Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Đặng Dũng Chí, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người; PGS, TS Lê Văn Lợi, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học; PGS, TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng viện Nghiên cứu quyền con người. Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Ngoại giao, Ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ, đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tất Giáp nêu rõ: Nhà nước Việt Nam ý thức sâu sắc trách nhiệm, nghĩa vụ quốc gia đối với cộng đồng quốc tế về những cam kết tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm quyền con người, đó vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Điều này được thể hiện qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) thông qua tại Đại hội XI của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Trong hơn 30 năm thực hiện các cam kết của mình đối với các công ước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội và văn hóa, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Hội thảo là dịp để ôn lại chặng đường 50 năm Công ước ra đời và 30 năm Việt Nam gia nhập và thực hiện, đánh giá những mặt làm được và chưa được, những hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện Công ước, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao việc thực hiện Công ước nói riêng và các cam kết quốc tế nói chung trong thời gian tới.

Hội thảo tập trung vào những nội dung sau:

Làm rõ nền tảng tư tưởng, giá trị và ý nghĩa pháp lý của hai công ước quốc tế về quyền con người 1966, các quan điểm khác nhau còn tồn tại xung quanh hai nhóm quyền và vấn đề quyền phát triển.

Xem xét, đánh giá mức độ bảo đảm quyền con người trên thực ở Việt Nam, những thành tựu đã đạt được và những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm cần được rút ra.

Đánh giá cụ thể mức độ thực hiện đối với một số quyền được quy định trong hai Công ước cơ bản về quyền con người năm 1966.

Đánh giá một cách khách quan các nhận xét, khuyến nghị của cộng đồng quốc tế về Báo cáo thực hiện hai công ước ở Việt Nam.

Đề xuất giải pháp, kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để thực hiện có hiệu quả hơn nữa các cam kết về nghĩa vụ quốc gia trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người nói chung, hai công ước cơ bản năm 1966 nói riêng.

Đánh giá về kết quả thực hiện hai Công ước năm 1966, các tham luận khẳng định Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có việc xây dựng và thông qua Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật liên quan; tuyên truyền, giáo dục về quyền con người; tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế đa phương về bảo vệ quyền con người v.v. đặc biệt là phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân, phát triển y tế, giáo dục, an sinh xã hội… Những thành tựu đó đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế.

Trong công tác đấu tranh về nhân quyền của Việt Nam hiện nay, Việt Nam đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền; tăng cường hợp tác với các quốc gia trên thế giới về vấn đề quyền con người, không để cho các thế lực thù địch tuyên truyền kích động chống phá nhà nước.

Để tăng hiệu quả trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, các đại biểu kiến nghị thành lập Ủy ban nhân quyền quốc gia, đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, các học giả về quyền con người. Tại Hội thảo, đồng chí Vũ Anh Quang, Vụ Trưởng các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho rằng: Hiện nay có 3 thách thức lớn trong ngoại giao của Việt Nam là chủ quyền quốc gia; vấn đề dân chủ, nhân quyền, vấn đề nguồn nước; Thiếu tướng, TS Nguyễn Thanh Sơn, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo nhân quyền nêu: Cuộc đấu tranh về dân chủ, nhân quyền diễn ra gay gắt. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá ta? Do vậy, cần thông tin, tuyên truyền rộng rãi tư tưởng chỉ đạo, kế hoạch của Thường trực Ban Bí thư về vấn đề nhân quyền; GS, TS Phạm Quang Nghị nêu vấn đề cần có sự đồng thuận quốc tế trong việc can thiệp nhân đạo nhằm bảo vệ quyền con người nhưng phải có giới hạn, đúng mức phù hợp luật pháp quốc tế. PGS,TS Nguyễn Thị Báo nêu tầm quan trọng của việc thành lập Ủy ban nhân quyền quốc gia và những vướng mắc về lý luận và thực tiễn cản trở việc thành lập Ủy ban nhân quyền quốc gia.

Nhiều chuyên gia, các nhà khoa học trao đổi sâu về vấn đề thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia và vấn đề can thiệp nhân đạo trong việc bảo vệ quyền con người. Từ những lý luận cơ bản về quyền con người, Hội thảo nêu ra những vấn đề thực tiễn cấp bách hiện nay, như vấn đề nhập cư, phòng chống khủng bố, bảo đảm các quyền cơ bản của con người trong bối cảnh bảo vệ an ninh quốc gia, cân bằng giữa quyền của cá nhân riêng lẻ và quyền của số đông, bảo đảm quyền của đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta; bảo vệ quyền con người ở các nước ASEAN hiện nay…

Kết thúc hội thảo, PGS,TS Nguyễn Tất Giáp nhấn mạnh: từ kết quả Hội thảo  có thể bước đầu chắt lọc một số nội dung trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng như một kênh tham khảo:

- Kiến nghị đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân.

- Kiến nghị việc xây dựng kế hoạch hành động nhân quyền quốc gia như khuyến cáo của Cao ủy nhân quyền Liên Hợp quốc.

- Kiến nghị mạnh việc xây dựng Ủy ban nhân quyền quốc gia.

- Kiến nghị về việc thông qua một số chính sách nhằm tạo chuyển biến nhanh, hiệu quả, bền vững đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta.

- Kiến nghị một số vấn đề cần quan tâm, lưu ý khi thông qua một số luật về quyền con người trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay.

- Kiến nghị việc Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm quốc gia trong việc nộp báo cáo đúng kỳ hạn đối với Ủy ban nhân quyền.

- Kiến nghị việc Việt Nam cần phối hợp với một nhóm nước thúc đẩy việc cho ra đời một số Công ước về quyền phát triển.

Thành công của Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm ngày ra đời hai công ước nhân quyền năm 1966, 30 năm ngày ra đời Tuyên bố về quyền phát triển và 30 năm ngày Việt Nam gia nhập hai công ước về quyền con người. Đây cũng là hoạt động nhằm tiếp tục đưa tinh thần của Đại hội XII và Hiến pháp 2013 vào cuộc sống để đạt được bước phát triển to lớn hơn nữa trong việc bảo đảm quyền con người cho tất cả mọi người dân ở Việt Nam.

ThS Mai Hạnh Trang 

Nghiên cứu sinh Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền