Trang chủ    Tin tức    Hội nghị thông tin đối ngoại “Bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam: Bối cảnh mới và kiến nghị, giải pháp”
Thứ tư, 15 Tháng 3 2017 06:32
3153 Lượt xem

Hội nghị thông tin đối ngoại “Bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam: Bối cảnh mới và kiến nghị, giải pháp”

(LLCT) - Ngày 14-3-2017, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị thông tin đối ngoại “Bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam: Bối cảnh mới và kiến nghị, giải pháp”, nhằm chia sẻ thông tin và trao đổi những  kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Việt Nam.

(Toàn cảnh Hội nghị)

PGS,TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện, PGS, TS Phan Văn Rân, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế và PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì Hội nghị.Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Bộ Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Quốc phòng, Học viện Ngoại giao cùng đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện; lãnh đạo và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí dự và đưa tin.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo nêu rõ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác thông tin đối ngoại, được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Đối ngoại Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị thông tin đối ngoại về chủ đề “Bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam: Bối cảnh mới và kiến nghị, giải pháp”. Thời gian qua, nhiều hoạt động thong tin, truyền thông về bảo vệ chủ quyền biển đảo đã được tổ chức, cung cấp thông tin quý báu để Đảng và Nhà nước giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; nhiều vấn đề quan trọng đã được làm sáng tỏ. Song, đấu tranh bảo vệ chủ quyền vẫn là nhiệm vụ nặng nề cần tiếp tục tăng cường, nhất là bối cảnh mới. Hội nghị này là dịp để các nhà quản lý, nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị phân tích và trao đổi thông tin, học thuật về bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về một số vấn đề cơ bản.

Về bối cảnh mới, TS Lê Hải Bình, Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao; GS, TS Đỗ Tiến Sâm, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao… cho rằng, công tác thông tin đối ngoại bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức lớn.

Đó là sự diễn biến nhanh và khó lường của tình hình thế giới đương đại. Sự phát triển nhanh chóng của truyền thông thế hệ mới với yêu cầu thông tin nhanh, gọn đang đặt ra cho người làm công tác thông tin đối ngoại nhiều yêu cầu mới. Thông tin nhanh, rộng và đa chiều yêu cầu phải phản ứng nhanh chóng, kịp thời.

Bên cạnh đó, vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hóa cao độ, với sự tham gia của các nước lớn; chính sách đối với vấn đề Biển Đông của những cơ hội và thách thức đan xen trong giải quyết vấn đề tranh chấp và bảo vệ hòa bình ổn định ở khu vực.

Về những giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường công tác thông tin đối ngoại bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, các ý kiến tham luận: Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Quốc phòng;  TS Lê Hải Bình; GS, TS Ngô Tiến Sâm ; PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; TS Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, cho rằng: cần xây dựng cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin khoa học về biển đảo giữa các cơ quan nghiên cứu, cần phối hợp trong tuyên truyền thông tin đối ngoại; đặc biệt là cần phân loại đối tượng tuyên truyền để có nội dung và phương pháp phù hợp; chú ý thông tin đối nội bởi thông tin đối nội trong bối cảnh phát triển của truyền thông thế mới hiện nay cũng chính là thông tin đối ngoại, phát huy vai trò của các nhà khoa học, nhà Việt Nam học,…

Kết thúc Hội nghị, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo khẳng định: 34 tham luận gửi đến Ban tổ chức và nhiều ý kiến tại hội nghị đã tập trung làm rõ bối cảnh mới và các giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trong tình hình mới. Bối cảnh mới mà các ý kiến tham luận nêu ra là:

- Bản thân nội hàm chủ quyền quốc gia trong thế giới đương đại có nhiều thay đổi về cả kết cấu, khuynh hướng.

- Vấn đề bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia cần chú ý và đảm bảo gắn liền với giữ vững ổn định và hòa bình trong khu vực và thế giới.

- Xu hướng quốc tế trong 1-2 năm gần đây với một số điểm đáng lưu ý: sự điều chỉnh chiến lược hội nhập quốc tế và chủ nghĩa bảo hộ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, sách lược ngoại giao của một số quốc gia…; vấn đề Biển Đông có nhiều điểm mới; mức độ hội nhập sâu rộng của Việt Nam; vai trò, vị trí của Trung Quốc…

- Các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thông tin đối ngoại bảo vệ độc lập, chủ quyền là: nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền về biển đảo trong các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược về Trung Quốc và các đối tác liên quan; tranh thủ sự ủng hộ của giới khoa học; công tác chỉ đạo, phối hợp thống nhất, hiệu quả; vừa xây dựng mặt trận quốc tế rộng rãi, vừa củng cố tiềm lực trên thực địa…

 

Hoa Mai

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền