Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học: Chính sách của chính quyền mới ở Mỹ và những tác động đến Việt Nam
Thứ sáu, 31 Tháng 3 2017 15:29
1722 Lượt xem

Tọa đàm khoa học: Chính sách của chính quyền mới ở Mỹ và những tác động đến Việt Nam

(LLCT) - Ngày 30-3-2017, Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Toạ đàm: “Chính sách của chính quyền mới ở Mỹ và những tác động đến Việt Nam”. Tham dự Toạ đàm có đông đảo giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện và một số trường chính trị.

 

 

 

 

(Thiếu tướng, PGS,TS, NGND Nguyễn Bá Dương)

Tại Tọa đàm, Thiếu tướng, PGS,TS, NGND Nguyễn Bá Dương, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, trình bày tham luận: Sự thay đổi chiến lược của Chính quyền mới ở Mỹ và những tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam. Theo đó, từ khi Tổng thống thứ 45 của Mỹ D. Trump nhậm chức, chính quyền mới ở Mỹ có những thay đổi chiến lược trong chính sách kinh tế. Trump quyết tâm đưa nước Mỹ phát triển theo mô hình chủ nghĩa tư bản công nghiệp mới: nền kinh tế Mỹ chủ yếu dựa vào nền sản xuất thực, không dựa nhiều vào dịch vụ tài chính - ngân hàng. Chính sách hạn chế người nhập cư từ một số quốc gia Hồi giáo, hủy bỏ Obamacare, không thông qua TPP… đã tác động lớn đến tình hình nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Bên cạnh đó, chính sách ngoại giao nhất là ngoại giao với các nước lớn: Nga, Trung Quốc đã tác động đến quan hệ giữa các nước lớn, đặt ra nhiều vấn đề với cá nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Mặc dù kinh tế, ngoại giao có những thay đổi nhưng chính sách quân sự không thay đổi, thậm chí tiếp tục phát triển chính sách quân sự của chính quyền Obama. Chiến lược “xoay trục” - “tái cân bằng” đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ với mục tiêu, biện pháp chiến tổng thể toàn diện, cả chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự và ngoại giao vẫn được duy trì. Điều đó làm cho quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Nga và Trung Quốc - Nga có nhiều diễn biến mới.

Trước tình hình đó, Việt Nam kiên trì thực hiện Chính sách 3 không trong quân sự, bao gồm: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Nhờ đó, Việt Nam giữ được sự hài hoà quan hệ với nhiều nước trên thế giới trong đó có các nước lớn.

Âm mưu của các thế lực thù địch: xoá bỏ Đảng Cộng sản và chế độ XHCN là không thay đổi; diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ, ngoại giao hoà bình, vượt trên ngăn chặn... còn tiếp tục và ngày càng có nhiều biến đổi phức tạp. Do đó, sự đồng thuận, đoàn kết của đông đảo nhân dân; hiện đại hoá quân sự; xây dựng Đảng; giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ... là vô cùng cần thiết. Việt Nam luôn kiên trì mục tiêu: tạo môi trường thuận lợi, hoà bình để phát triển bền vững đất nước, thực hiện mục tiêu XHCN; mong muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy của các quốc gia trên thế giới.

PGS,TS Trương Hồ Hải

PGS, TS Trương Hồ Hải, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trình bày tham luận: Chính quyền mới ở Mỹ và những tác động đến chính trị - xã hội nước Mỹ, khu vực và thế giới. Theo đó, việc rút khỏi TPP của Mỹ tác động đến Việt Nam rất lớn. Kim ngạch xuất khẩu một số ngành hàng sẽ bị thiệt hại, giảm tốc độ tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất khu vực/toàn cầu; kéo theo đó là các khoản đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia được mong đợi sẽ không ồ ạt hoặc đầu tư nhỏ giọt, thiếu “cú hích” cho việc thành lập các cụm công nghiệp, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mà Việt Nam có lợi thế so sánh như dệt may. Một vấn đề nữa là động lực để Việt Nam cải thiện hệ thống thể chế kinh tế sẽ chậm lại do TPP yêu cầu các nước thành viên phải thực hiện ngay và đầy đủ các cam kết khi quốc gia đó đã phê chuẩn và cam kết thực hiện.

Theo PGS, TS Trương Hồ Hải, chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump tác động đến vấn đề Biển Đông. Chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” đối với châu Á - Thái Bình Dương sẽ được Chính quyền D. Trump tính toán và có những bước đi khác trước so với thời B.Obama. D.Trump cho rằng, nước Mỹ đã phung phí quá nhiều nguồn lực để can dự vào những vấn đề bên ngoài nên cần phải tập trung trước hết vào giải quyết các vấn đề trong nước để Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn. Chính vì thế, ông tuyên bố, giảm cam kết với bên ngoài để đặt lợi ích của đất nước và người dân Mỹ lên trên hết, đồng thời dùng sức mạnh kinh tế nhằm khôi phục vị trí trung tâm của Mỹ trên trường quốc tế. Điều đó cho thấy tham vọng “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Chính quyền D.Trump không phải là việc chứng tỏ với thế giới rằng khả năng can dự vào mọi vấn đề ngoài nước Mỹ mà là tiềm lực về kinh tế - xã hội trong bản thân nước Mỹ. Vì thế, vấn đề Biển Đông sẽ không được quan tâm ở cấp cao Mỹ - Trung. Tuy nhiên, Mỹ vẫn phải tăng cường sức mạnh quân sự và triển khai sức mạnh đó một cách thích hợp đến Biển Đông và Hoa Đông. Donald Trump cho rằng những hành động nêu trên sẽ “ngăn cản chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc xâm phạm đến lợi ích của Mỹ ở châu Á”; “sự hiện diện quân sự mạnh sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho Trung Quốc và các nước châu Á cũng như toàn thế giới biết rằng Mỹ đã trở lại với vai trò lãnh đạo toàn cầu”.

Trước tình hình đó, Trung Quốc với giấc mơ “vững mạnh và quyền lực giữa tất cả các nước trên thế giới và đóng góp lớn hơn cho nhân loại” có những điều chỉnh chiến lược về vấn đề Biển Đông.  Do vậy, Đông Nam Á trong đó có Việt Nam sẽ luôn phải thận trọng trong khi hai cường quốc đang quyết tâm đưa đất nước “vĩ đại trở lại”.

Hoa Mai

 
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền