Trang chủ    Tin tức    Hội thảo: “Đồng chí Lê Duẩn -Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị”
Thứ ba, 04 Tháng 4 2017 08:59
3141 Lượt xem

Hội thảo: “Đồng chí Lê Duẩn -Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị”

(LLCT) - Sáng 2-4-2017, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Quảng trị tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị”. Đây là hoạt động thiết thực  Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn (7-4-1907 – 7-4-2017).

(Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc) 

Tới dự và chỉ đạo Hội thảo có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị; đồng chí Lâm Phương Thanh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; đại diện lãnh đạo Bộ Công an; Bộ Khoa học công nghệ; Bộ Văn hóa Thông tin, thể thao và du lịch; Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;…đại diện gia đình đồng chí Lê Duẩn cùng đông đảo các nhà khoa học, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.

Hơn 40 tham luận gửi về Ban Tổ chức và các ý kiến tham luận tại Hội thảo đã làm sáng tỏ về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, trong đó nhấn mạnh những nội dung chính: Đồng chí Lê Duẩn-người chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng; nhà lý luận lớn, một tư duy sáng tạo của cách mạng Việt Nam; người học trò xuất sắc, người cộng sự gần gũi và tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân cách cộng sản mẫu mực; người con ưu tú của quê hương Quảng Trị. 

Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7-4-1907, trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Với 79 tuổi đời, 56 tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với quá trình cách mạng của dân tộc ta từ những năm 20 đến những năm 80 thế kỷ XX, nêu tấm gương sáng của một chiến sĩ cộng sản tiên phong, trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng CNXH.

Đồng chí Lê Duẩn tham gia phong trào yêu nước từ năm 1925, gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1928 và đến năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn diễn ra liên tục trên phạm vi cả nước với nhiều trọng trách được Đảng và nhân dân tin cậy giao phó như: Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ (năm 1931); Bí thư Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ (năm 1937); Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (năm 1939); Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1946-1951, 1954-1957), Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1951-1954), Ủy viên Bộ Chính trị (từ năm 1951); Bí thư thứ nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1960-1986).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ:Hội thảo khoa học kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thưLê Duẩn được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng;Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị Vềđẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minhvà Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII)về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Hội thảo vừa để tri ân những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Lê Duẩn với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng thời vừagóp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, cổ vũ, động viên cán bộ,đảng viên, đồng bào và chiến sĩ cả nướchăng hái thi đua  thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng đang đặt ra.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Đồng chí Lê Duẩn là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.

Là một nhà cách mạng kiên định, đồng chí luôn vững vàng trước những biến cố của thời cuộc. Trong nhà tù đế quốc khắc nghiệt cũng như những năm tháng phong trào cách mạng bị kẻ thù khủng bố, đàn áp khốc liệt, đen tối như không có đường ra, đồng chí vẫn luôn lạc quan tin tưởng, nhìn thấy khả năng tất thắng của cách mạng Việt Nam. Sự sáng suốt của đồng chí thể hiện rõ trước những bước ngoặt của lịch sử và tình huống phức tạp của cách mạng.

Cống hiến lý luận của đồng chí Lê Duẩn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc được thể hiện trong những tư tưởng chiến lược chủ yếu sau:Tư tưởng dám đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược; Tư tưởng chiến lược tiến công và nghệ thuật đánh thắng từng bước, đánh bại từng âm mưu, đánh đổ từng bộ phận tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn;Quan điểm sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị và vũ trang, với hai hình thức đấu tranh cơ bản: đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự; Tư tưởng chiến lược đánh địch và thắng địch bằng sức mạnh tổng hợp.

Những tư tưởng chiến lược nói trên của Đảng - mà người thiết kế chủ yếu là đồng chí Lê Duẩn, là nhân tố quan trọng hàng đầu để dân tộc ta lập nên những chiến công lịch sử có ý nghĩa thời đại trong thế kỷ XX.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng XHCN, đồng chí Lê Duẩn đã sớm có những suy nghĩ, trăn trở tìm tòi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện của Việt Nam, với lịch sử - văn hóa, kinh tế - xã hội và con người Việt Nam.

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã lãnh đạo Đảng ta khởi động quá trình đổi mới tư duy kinh tế, bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 6 khóa IV và được phát triển một bước trong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX.

Với tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tiến công, tình cảm cách mạng sâu sắc và mong muốn cháy bỏng sớm “đưa nước ta hùng mạnh ngang tầm với các nước giàu có trên thế giới”, đồng chí Lê Duẩn rất tâm huyết trong việc tìm tòi con đường đi riêng của Việt Nam để quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tư duy lý luận sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn luôn luôn bắt rễ từ thực tiễn Việt Nam, từ truyền thống văn hóa - tinh thần Việt Nam, từ thực tiễn đi tới lý luận, dùng lý luận để soi sáng thực tiễn; luôn luôn dị ứng với mọi biểu hiện xơ cứng, sao chép, mô phỏng của chủ nghĩa giáo điều.

Trên hướng tìm tòi đúng đắn đó, có nhiều vấn đề đã được đồng chí làm sáng tỏ về mặt lý luận, đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn, sáng tạo; cũng có nhiều vấn đề còn quá mới, còn ở bước đầu khai phá, thử nghiệm, chưa thật đủ, chưa thật sáng, còn đòi hỏi có thời gian để bổ sung, phát triển, hoàn thiện. Có những vấn đề cũng chưa vượt lên khỏi mô hình kinh tế đang bao trùm cả hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ.

Điều chủ yếu toát lên từ tấm gương của đồng chí Lê Duẩn, đó là một nhà lãnh đạo suốt đời say mê tìm tòi, sáng tạo, luôn luôn nêu cao phong cách tư duy độc lập, tự chủ, luôn luôn xới lật vấn đề, khuyến khích tranh luận để tiếp cận chân lý. Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát hiện quy luật, vận dụng cho được quy luật (quy luật chiến tranh nhân dân, quy luật từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, quy luật kinh tế, văn hóa, tư tưởng...) vào thực tiễn đời sống, lấy thực tiễn để kiểm nghiệm chân lý. Nhờ đó, trên bình diện nhà lý luận, đồng chí Lê Duẩn đã thực sự có những đóng góp quan trọng, làm phong phú thêm lý luận của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

PGS, TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) với tham luận: Đồng chí Lê Duẩn với việc nắm vững ngọc cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã khẳng định: Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấu hiểu và thấu cảm tư tưởng của Người, trải cuộc đời hoạt động cách mạng gần 60 năm, đồng chí Lê Duẩn thể hiện lý tưởng và hoài bão suốt đời là “Tổ quốc độc lập và thống nhất, nhân dân có quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ cuộc sống của mình”.

Ngay từ thập kỷ 40 thế kỷ XX, đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định ba nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Đó là: đánh đổ đế quốc Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập; đập tan các thế lực phong kiến, chỗ dựa của quân xâm lược, câu kết với đế quốc chống lại cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, đang cản trở công cuộc kiến thiết quốc gia;  hướng dẫn dân tộc Việt Nam vào con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ba nhiệm vụ này không có gì mâu thuẫn với nhau, ngược lại gắn bó mật thiết, tác động qua lại, đan xen vào nhau, nhiệm vụ trước làm tiền đề cho nhiệm vụ sau, nhiệm vụ sau củng cố thành quả của nhiệm vụ trước với sợi chỉ đỏ xuyên suốt là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

Một dấu ấn lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn là xây dựng Đề cương cách mạng miền Nam (tháng 8- 1956). Tháng 1-1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II), bàn về đường lối cách mạng miền Nam. Tuy nhiên, do tính chất và tầm ảnh hưởng sâu rộng của vấn đề nên tại Hội nghị, có nhiều ý kiến khác nhau về mối quan hệ giữa giải phóng miền Nam và xây dựng CNXH ở miền Bắc. Với một tư duy biện chứng, tầm nhìn và cách nhìn toàn diện, gắn lý luận với tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế, đồng chí Lê Duẩn chỉ ra rằng cách mạng miền Nam không chỉ vì miền Nam mà vì cả miền Bắc, bảo vệ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc; bảo vệ miền Bắc cũng vì giải phóng miền Nam...

Theo quan điểm của đồng chí Lê Duẩn, quan hệ dân tộc và giai cấp không phải nhất thời mà còn rất lâu dài ở nước ta. Dân tộc và giai cấp là nhất trí, không có gì đối lập; lợi ích của giai cấp vô sản không mâu thuẫn mà hoàn toàn nhất trí với lợi ích của dân tộc. Phê phán những quan điểm tách rời giai cấp ra khỏi dân tộc, đối lập giai cấp với dân tộc, đồng chí Lê Duẩn khẳng định vấn đề dân tộc đi liền với giai cấp vô sản, với CNXH.

Tham luận: Quan điểm của đồng chí Lê Duẩn vể Đảng cầm quyền của đồng chí Đức Lượng (nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân) nêu rõ: Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Duẩn thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Khi Đảng gánh vác vai trò lãnh đạo chính quyền, điều lo lắng nhất của đồng chí là làm sao tránh được hai nguy cơ nguy hiểm nhất của một đảng cầm quyền. Đó làsai lầm về đường lối và Đảng thoái hóa, biến chất, xa rời nhân dân, mất nguồn cội sức mạnh của mình.Điều căn bản nhất là phải xuất phát từ thực tiễn phong phú của nước ta, bản thân Đảng ta và các đảng anh em, rút ra bài học kinh nghiệm về xây dựng Đảng, để làm cho Đảng ta luôn luôn giữ vững được bản chất, đặc điểm của một đảng vô sản kiểu mới trong điều kiện lãnh đạo chính quyền, làm cho Đảng là một khối thống nhất ý chí và hành động, gắn bó chặt chẽ với quần chúng, có đường lối, chính sách đúng,có tư tưởng cách mạng triệt để, có tổ chức vững mạnh, có đội ngũ cán bộ vững về chính trị, giỏi về hoạt động thực tiễn. Theo đồng chí Lê Duẩn, muốn có đường lối đúng, có căn cứ khoa học, sát với thực tiễn, thì phải tổ chức tốt hệ thống thông tin của Đảng từ Trung ương đến cơ sở; tăng cường công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết kinh nghiệm; tổ chức chu đáo việc học tập lý luận Mác- Lênin, học tập những kiến thức về kinh tế, về khoa học, kỹ thuật,... Đối với Đảng ta, chủ nghĩa Mác- Lênin vẫn là một ngọn đuốc soi đường quan trọng nhất để đưa dân tộc ta tiến lên…

Tham luận: Đồng chí Lê Duẩn với tư tưởng Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ của TS Nguyễn Văn Hùng (Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương) nêu rõ: Đồng chí Lê Duẩn đã để lại cho chúng ta di sản tư tưởng lý luận phong phú trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quan điểm, tư tưởng xây dựng cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Theo đồng chí Lê Duẩn, sự lãnh đạo của Đảng là bảo đảm cao nhất cho chế độ làm chủ tập thể XHCN bởi mục đích của Đảng là thiết lập CNXH, đem lại quyền làm chủ tập thể cho nhân dân lao động. Đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “trong thời đại ngày nay, chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có khả năng đi đầu trong cuộc giải phóng xã hội khỏi ách áp bức dân tộc và áp bức giai cấp; chỉ có giai cấp công nhân mới tiêu biểu được cho chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa. Sự lãnh đạo của Đảng, như vậy, tuyệt đối không phải là sự áp đặt chủ quan, trái lại bắt nguồn một cách khách quan từ tính tất yếu lịch sử, từ chính lợi ích giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, từ nhu cầu thiết thân của nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng cuộc sống mới. Đảng ta quyết tâm làm tròn sứ mệnh cao cả đó.

Về quản lý nhà nước, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: Nhà nước ta là nơi biểu hiện tập trung sự lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Đảng cầm quyền phải biết sử dụng Nhà nước, coi đó là một công cụ hùng mạnh và sắc bén để thực hiện quyền làm chủ thật sự của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng trên quy mô toàn xã hội. 

Về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Phương hướng cơ bản để tăng cường Nhà nước là thực hiện đầy đủ quyền làm chủ tập thể của nhân dân trong việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và xã hội”. Đồng chí còn chỉ rõ: “Phải ra sức nâng cao chất lượng và phát huy vai trò các đoàn thể quần chúng, xây dựng Công đoàn, Đoàn Thanh niên, tổ chức nông dân tập thể, Hội Phụ nữ, thành những tổ chức mạnh trong cơ chế làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa. Các đoàn thể phải tổ chức một cách thường xuyên, sâu rộng phong trào cách mạng của quần chúng, đưa hội viên tích cực tham gia sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, qua đó làm cho đoàn thể thật sự là tổ chức chiến đấu của người lao động, là trường học rèn luyện con người mới xã hội chủ nghĩa.

Vận dụng tư tưởng của đồng chí về Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ để tiếp tục giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh’’ vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tham luận: Những điểm đột phá trong Đề cương cách mạng miền Nam và bài học rút ra của PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nêu rõ: Trong gần 60 năm hoạt động cách mạng, với 26 năm giữ vị trí người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã để lại những dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, đồng chí được mệnh danh là “Tổng công trình sư” của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và bản Đề cương cách mạng miền Nam do đồng chí soạn thảo chính là phác thảo ban đầu. Với những quan điểm mang tính đột phá, bản Đề cương đã góp phần tìm ra lối thoát cho cách mạng miền Nam và tỏ rõ tầm nhìn vượt trội, tư duy sáng tạo, tinh thần cách mạng tiến công cũng như sự gắn bó máu thịt với nhân dân của một nhà cách mạng kiệt xuất.

PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết nêu rõ: Bản Đề cương cách mạng Việt Nam trở thành kim chỉ nam hành động của cách mạng miền Nam nhưng ở thời điểm ra đời, nó thực sự mang tính đột phá. Thứ nhất, chủ trương tiến hành “con đường cách mạng”ở miền Nam của đồng chí Lê Duẩnhoàn toàn khác biệt với quan điểm của Liên Xô, Trung Quốc về chiến tranh Việt Nam; Thứ hai, tác giả bản Đề cươngcái nhìn rất mới, rất khoa học về kẻ thù;Thứ ba, quan điểm coi “con đường cách mạng” là giải pháp duy nhất để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của đồng chí Lê Duẩn cũng là bước đột phá so với chủ trương đấu tranh hòa bình của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ở thời điểm đó.

Tham luận tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị khẳng định: Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, dù ở đâu, trên cương vị nào, đồng chí Lê Duẩn cũng luôn dành cho quê hương Quảng Trị sự quan tâm đặc biệt, tình cảm tốt đẹp và nồng hậu nhất. Mặc dù thời gian trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tỉnh Quảng Trị không nhiều nhưng đồng chí Lê Duẩn đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, góp phần quan trọng đối với sự phát triển của phong trào cách mạng tỉnh Quảng Trị. Mỗi lần về thăm quê hay gặp gỡ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, đồng chí luôn căn dặn đạo lý “lao động, tình thương, lẽ phải”, coi đó là tư tưởng chủ đạo để xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa và chính đồng chí là một tấm gương mẫu mực. Cứ mỗi lần đồng chí về thăm quê là mỗi lần Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị được tiếp thêm sức mạnh mới. Phấn khởi, thi đua thực hiện những lời căn dặn của đồng chí, quyết tâm xây dựng tỉnh Quảng Trị giàu đẹp, văn minh.

Minh Phương

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền