Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học “Quản lý xã hội: Lý luận và thực tiễn”
Thứ hai, 10 Tháng 4 2017 17:12
2883 Lượt xem

Hội thảo khoa học “Quản lý xã hội: Lý luận và thực tiễn”

(LLCT) - Sáng 7 - 4 - 2017, Viện Xã hội học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh  tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý xã hội: Lý luận và thực tiễn”. Đây là một chủ đề đang thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà quản lý và dư luận xã hội trong bối cảnh hướng đến xây dựng chính phủ kiến tạo và phục vụ.

PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GT,TS Lê Ngọc Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Xã hội học chủ trì Hội thảo .

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, các khách mời: bà Akiko Fuiji, Phó Giám đốc UNDP tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo Hội Xã hội học Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các Vụ, Viện thuộc Học viện cùng các cán bộ khoa học, các viện chuyên ngành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS,TS Lê Quốc Lý đã khẳng định, công cuộc đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó có thành công của công tác quản lý xã hội nhằm khuyến khích làm giàu hợp pháp; đồng thời phát triển hệ thống an sinh xã hội để trợ giúp xã hội, bảo trợ xã hội và nâng cao năng lực đối phó với các rủi ro trong quá trình đổi mới kinh tế - xã hội nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, có không ít vấn đề đang đặt ra như phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội, ô nhiễm môi trường… trong khi  động lực tăng trưởng và phát triển đang suy giảm, các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chưa được phát triển cả về lượng và chất. Những vấn đề này đặt ra yêu cầu mới đối với lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo về lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là về lĩnh vực quản lý xã hội. Các  tham luận, ý kiến tại hội thảo tập trung làm sáng tỏ những vấn đề sau:

- Những vấn đề lý luận về quản lý xã hội.

- Đánh giá thực trạng quản lý xã hội ở Việt Nam từ nhiều góc độ lý luận và thực tiễn với những kinh nghiệm trong nước và quốc tế.

- Nguyên nhân, các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến quản lý xã hội nói chung và năng lực, kỹ năng quản lý xã hội nói riêng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành.

- Đề xuất phương hướng, nội dung nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng về quản lý xã hội cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý trên cơ sở những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra đối với quản lý xã hội ở Việt Nam.

Liên quan đến những vấn đề lý luận, khái niệm quản lý xã hội, hiện có nhiều cách tiếp cận khác nhau: cách tiếp cận từ góc độ quản trị học/hành chính học,  thuyết quản lý, xã hội học, cách tiếp cận mới dựa trên quyền lực và phát triển xã hội, quản lý xã hội ở cơ sở, quản lý xã hội từ góc độ tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng. Tựu trung lại các cách tiếp cận về quản lý xã hội đều lấy yếu tố con người làm trung tâm, tập trung vào xây dựng, phát triển nguồn tài nguyên con người nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Từ đó, vấn đề lý luận  chính đặt ra đối với quản lý xã hội đó là đổi mới, phát triển xã hội từ mô hình chiều rộng sang mô hình chiều sâu và sang mô hình tiên tiến và những khía cạnh khác như bảo đảm cân bằng các loại quyền lực, trụ cột của quản lý xã hội; tạo động lực đổi mới, sáng tạo để phát triển bao trùm, bền vững…

Trong quá trình đổi mới tư duy lý luận về quản lý xã hội, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể:

- Cấu trúc lại chức năng giai cấp và chức năng xã hội của nhà nước.

- Đa dạng hóa các chủ thể tham gia tổ chức, cung ứng dịch vụ công.

- Xây dựng nhà nước pháp quyền để quản lý xã hội.

- Chấp nhận và vận dụng các quy luật của thị trường một cách phù hợp trong quản lý xã hội.

- Xem nhân dân là chủ thể của các quá trình phát triển xã hội với vai trò chủ động, tích cực.

- Mở rộng hợp tác với các nước, các định chế quốc tế theo quan điểm đa dạng hóa, đa phương hóa.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn không ít những bất cập, hạn chế:  

- Nhận thức và xử lý mối quan hệ giữa phát triển xã hội với phát triển kinh tế ở từng giai đoạn chưa thỏa đáng.

- Phân định chưa thật rõ các mặt quản lý, tổ chức cung ứng dịch vụ và chi trả phí trong quá trình xã hội hóa các dịch vụ công liên quan đến phát triển xã hội.

- Chưa có quan niệm thống nhất về công bằng và bình đẳng, về sự phân hóa giàu nghèo ở nước ta.

- Vai trò, chức năng cũng như tính giới hạn của các chủ thể ngoài nhà nước trong quản lý xã hội chưa được làm rõ, còn nhiều mặt mâu thuẫn.

-Nhận thức lệch lạc hoặc lạm dụng quy luật của thị trường khi vận dụng vào quản lý phát triển xã hội đã gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Về nguyên nhân của những mặt hạn chế nêu trên: Về khách quan, là do tính quá độ của quá trình chuyển đổi mô hình quản lý xã hội; thực trạng của đất nước có thu nhập thấp bắt đầu chuyển sang thu nhập trung bình; những biến cố  về môi trường, xã hội. Nguyên nhân chủ quan, đó là những “khoảng trống” về lý luận quản lý xã hội, nhiều “kỵ húy” thể chế chưa được giải phóng, tạo ra rào cản tâm lý cho sáng tạo lý luận về phát triển xã hội và quản lý xã hội, thiếu thể chế hóa trách nhiệm  trước các vấn đề xã hội.

Trên cơ sở thảo luận những vấn đề lý luận và thực tiễn về quản lý xã hội, các nhà khoa học đề xuất  phương hướng nhằm giải quyết những vấn đề về quản lý xã hội ở Việt Nam như: sử dụng phương pháp quản lý xã hội có sự tham gia của cộng đồng; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; sự tác động của yếu tố truyền thông tới hoạt động quản lý xã hội.

TS Đỗ Văn Quân

Viện Xã hội học

ThS Mai Hạnh Trang

NCS Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền