Trang chủ    Tin tức    Kết quả và kinh nghiệm qua 3 năm thực hiện dự án “Thúc đẩy phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc tham chính”
Thứ tư, 10 Tháng 5 2017 11:31
3072 Lượt xem

Kết quả và kinh nghiệm qua 3 năm thực hiện dự án “Thúc đẩy phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc tham chính”

(LLCT) - Trong những năm qua,Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm việc thực hiện bình đẳng giới, tăng cường sự tham chính của phụ nữ nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng. Dự án “Thúc đẩy phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc tham chính” do Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á thực hiện từ năm 2014 đến 2016, đạt nhiều kết quả tích cực. Ngày 8-5-2017, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả 3 năm thực hiện Dự án.

 

Đến dự và chủ trì Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ sự quan tâm sâu sắc của Học viện với công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và đánh giá cao sự hợp tác nghiên cứu giữa Học viện và Quỹ Rosa Luxemburg - Cộng hòa Liên bang Đức trong thời gian qua. Đồng chí cũng đề nghị các đại biểu địa phương, các nhà khoa học đánh giá kết quả Dự án trên tinh thần cởi mở, khách quan để khai thác sâu hơn nữa kết quả nghiên cứu hiện tại và gợi mở những hướng nghiên cứu mới trong tương lai.

Vấn đề bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị - xã hội là một trong những ưu tiên trong chính sách, đã được thể chế hóa tại Điều 26 Hiến pháp 2013, trong đó khẳng định sự bình đẳng về mọi mặt giữa công dân nam, nữ và nghĩa vụ của Nhà nước đối với bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhiều luật ra đời, được bổ sung để cụ thể hóa các quy định về bình đẳng giới: Luật Bình đẳng giới (2006), Bộ luật Lao động (2013) có chương quy định về lao động nữ, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo hiểm xã hội,... Về quyền tham chính của phụ nữ và người dân tộc thiểu số, khoản 2, 3 Điều 8 Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân (2015) quy định trong danh sách chính thức ứng cử có ít nhất 18% số người là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% là phụ nữ.

Dự án Thúc đẩy phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc tham chính là một nỗ lực nhằm tháo gỡ những rào cản để phụ nữ dân tộc thiểu số tham chính sâu rộng, thực chất hơn, thực hiện bình đẳng giới một cách toàn diện. Dự án tiến hành khảo sát trên địa bàn 3 tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Hòa Bình, trong đó tập trung các chương trình hành động tại một số xã tập trung đồng bào dân tộc thiểu số.

Toàn bộ Dự án gồm 6 hoạt động lớn, bao gồm khảo sát thực trạng tham chính của phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc; rà soát khung pháp lý hiện hành; tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng cử cho nữ ứng cử viên dân tộc thiểu số tiềm năng; xuất bản ấn phẩm truyền thông tại địa phương; biên soạn và diễn kịch tương tác giữa ứng cử viên nữ dân tộc thiểu số và cử tri; và tổ chức tập huấn cho phụ nữ dân tộc thiểu số đã trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Chủ trì nhóm nghiên cứu, PGS, TS Đỗ Thị Thạch khái quát các kết quả tiêu biểu của Dự án, trong đó chỉ rõ rào cản liên quan đến bản thân phụ nữ là rào cản cơ bản nhất khi phụ nữ dân tộc thiểu số tham chính. Nhiều đại biểu phụ nữ dân tộc thiểu số cũng khẳng định, sự tự ti, thiếu ý chí vươn lên và những ràng buộc với gia đình là khó khăn lớn nhất đối với họ khi tham chính. Bên cạnh đó, khảo sát khung pháp lý cũng chỉ ra các văn bản luật hiện hành về vấn đề này còn nhiều khoảng trống, chỉ mang tính chất định hướng, chưa có chế tài cụ thể, thiếu cơ chế động viên khen thưởng nên chưa tạo được động lực lớn đối với các địa phương trong thúc đẩy bình đẳng giới.

Đáng chú ý là các hoạt động thực tế của Dự án đối với nữ ứng cử viên dân tộc thiểu số. Phương pháp tiếp cận cơ bản là tương tác trực tiếp, cùng tham gia, trải nghiệm, tập trung vào những kỹ năng mà nữ dân tộc thiểu số còn rất thiếu như kỹ năng xây dựng chương trình hành động, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thu thập thông tin, chất vấn và trả lời chất vấn,... Nhiều nữ đại biểu dân tộc thiểu số cho biết, trước khi tham gia tập huấn, họ chưa từng diễn thuyết trước đám đông, thậm chí chưa hiểu đúng về các khái niệm Quốc hội, Hội đồng nhân dân cũng như nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, chưa hề có kỹ năng xây dựng hình ảnh cá nhân, thiếu kỹ năng giao tiếp...

Kết quả tại hai địa bàn có Dự án tham gia: Nhiệm kỳ 2016-2021, tỉnh Bắc Kạn có 4/6 đại biểu Quốc hội là nữ, đạt tỷ lệ cao nhất cả nước, trong đó có 3 nữ đại biểu là người dân tộc thiểu số. Nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại địa phương: cấp tỉnh 20/50 đại biểu, đạt 40%, tăng 3,37% so với nhiệm kỳ trước; cấp huyện 71/247 đạt 29,5% (tăng 2,07%); cấp xã 679/2686 đạt 25,1% (tăng 3,34%). Bà Hà Thị Liễu, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, một học viên của Dự án chia sẻ, lần đầu tiên các nữ ứng cử viên dân tộc thiểu số tại địa phương được tiếp xúc với những hoạt động mới mẻ như diễn kịch tương tác “Cô ấy thật tuyệt”, thu hút được gần 700 khán giả là cử tri tham gia. Đặc biệt là ứng cử viên trúng cử tiếp tục được tập huấn kỹ năng thiết yếu cho quá trình thực hiện vai trò đại biểu nhân dân.

Đối với Lào Cai, kết quả thu được cũng rất khả quan: tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số là đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đều tăng so với nhiệm kỳ trước, tỉnh có 2 nữ đại biểu Quốc hội (đạt 33,3%); tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều cao hơn nhiệm kỳ trước, đạt trên 32%. Trong số nữ đại biểu tham chính, tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số rất cao, trên 60%, riêng cấp tỉnh đạt trên 80%. Theo báo cáo của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai, đã có 43/75 (tương đương 57,3%) phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các lớp tập huấn trước bầu cử của Dự án trúng cử Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó có 1 ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội.

Hướng phát triển Dự án trong thời gian tới

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần trao quyền và hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia sâu rộng hơn vào hệ thống chính trị, từ các cấp ủy Đảng, các cơ quan dân cử đến các cơ quan đoàn thể. Theo TS Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, cần chú ý đến cơ cấu dân tộc, tăng tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số ngay từ cơ cấu tuyển dụng để tạo động lực cho công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình hợp lý, từng bước nâng tỷ lệ nữ, đặc biệt là nữ dân tộc thiểu số.

Các ý kiến đều nhấn mạnh hướng phát triển các lớp tập huấn cho nữ đại biểu tăng cường kỹ năng giám sát, thực hiện chương trình hành động đã công bố trước cử tri. Đại diện nữ dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn, bà Nguyễn Thị Kim Thông đề nghị Dự án tiếp tục mở rộng các khóa tập huấn kiến thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số ứng phó với các hệ quả của biến đổi khí hậu tại địa phương cũng như các vấn đề xã hội khác. Bắc Kạn hiện đang triển khai các biện pháp hỗ trợ, tư vấn phụ nữ ứng phó với bạo lực gia đình, vì vậy tiếng nói của phụ nữ trong các hoạt động của địa phương sẽ góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế và bảo đảm quyền lợi của các nhóm yếu thế trong xã hội.

PGS, TS Nguyễn Viết Thảo đề nghị hai cơ quan thực hiện Dự án tiến hành tổng kết để nhân rộng mô hình, cập nhật vào nội dung về bình đẳng giới trong các khóa đào tạo, bồi dưỡng ở hệ thống các trường chính trị trên cả nước. Đồng thời, cần biên soạn tài liệu hướng dẫn để mở lớp thường xuyên cho nữ dân tộc thiểu số đang và sẽ tham chính, không chỉ giới hạn ở Hội đồng nhân dân các cấp mà cần mở rộng ra đối tượng nữ tham gia lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan chính quyền, đoàn thể. Một gợi ý khác là mở rộng truyền thông, tác động thay đổi nhận thức của cộng đồng, cử tri tại địa phương, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những khu vực còn tồn tại nhiều định kiến và rào cản đối với phụ nữ. 

Để duy trì kết quả và tầm ảnh hưởng của Dự án, cần kết hợp với các giải pháp căn cơ, lâu dài, đẩy mạnh phát triển kinh tế tại địa phương, xóa đói giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số nhằm bảo đảm đời sống, giải phóng sức lao động của phụ nữ; đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, quan niệm về vị trí, vai trò người phụ nữ trong gia đình, xã hội.

Minh Ngọc

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền