Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Động lực mới cho phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện nay
Thứ sáu, 26 Tháng 5 2017 16:49
1674 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Động lực mới cho phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện nay

(LLCT) Ngày 25-5-2017, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: Động lực mới cho phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện nay. GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chỉ đạo Hội thảo. Cùng chủ trì Hội thảo có PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Ngô Tuấn Nghĩa, Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Hội đồng lý luận Trung ương, Thành ủy Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Hội đồng nhân dân tỉnh ủy Ninh Bình; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện cùng đông đảo các nhà khoa học, giảng viên trong và ngoài Học viện.

Gần 40 tham luận gửi đến Hội thảo tập trung phân tích ba vấn đề lớn: Những vấn đề chung về phát triển nông nghiệp ở Việt Nam; những vấn rào cản phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện nay; động lực mới cho phát triển nông nghiệp Việt Nam và gợi ý chính sách.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nhận định, nông nghiệp Việt Nam hiện đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Tổ chức sản xuất trong nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đang là bài toán khó. Doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp rất ít, chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số doanh nghiệp; rất ít nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Vấn đề liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp còn nhiều hạn chế… Để khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, khơi dậy các nguồn lực trong sản xuất nông nghiệp như đất đai, lao động, tài chính, tín dụng, các hình thức tổ chức sản xuất; cần xác định rõ thể chế, chủ thể và cơ chế vận hành hiệu quả, cần tìm kiếm động lực mới trong sản xuất nông nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngành nông nghiệp cần tìm hướng tháo gỡ những khó khăn về vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng phó với biến đổi khí hậu; cơ chế khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để tạo ra vùng nguyên liệu, nguồn cung ứng, tạo sự liên kết bền chất giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao. 

Trên tinh thần đó, Hội thảo tập trung xác định rõ những “điểm nghẽn” và nguyên nhân của từng “điểm nghẽn” đối với nông nghiệp Việt Nam, tìm giải pháp xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, tăng liên kết theo chuỗi giá trị khép kín và có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Lê Quốc Lý nêu rõ,hiện nay, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần. Giai đoạn 2005-2010 tăng trưởng bình quân 4,85%, nhưng giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 3,13%. 6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên trong nhiều năm, nông nghiệp tăng trưởng âm (-0,18%), dẫn đến mức tăng trưởng nông nghiệp năm 2016 chỉ đạt 1,2%. Mặc dù hầu hết các địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, song quá trình tái cơ cấu nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, như sản xuất vẫn phổ biến ở quy mô hộ, nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu. Chuỗi sản phẩm tạo ra, trừ một số mặt hàng lớn, còn đa phần là chế biến thô, giá trị thấp. Thị trường thiếu tính ổn định. Nhân tố hạt nhân cho tái cơ cấu là các doanh nghiệp và hợp tác xã nhưng lại chưa nhiều, chỉ có 4 nghìn doanh nghiệp và 12 nghìn hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thể chế phát triển nông nghiệp đang bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập. Có thể thấy nông nghiệp đã tới điểm nghẽn của sự tăng trưởng, do đó nếu không có sự thay đổi, cải cách sẽ không thể đóng góp lớn vào tăng trưởng, thậm chí có thể trở thành gánh nặng kéo theo sự suy giảm về tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Các tham luận tại Hội thảo làm rõ hơn các chính sách cần thiết đối với sản xuất nông nghiệp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tăng liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng bền vững; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, đa chức năng, có khả năng cạnh tranh quốc tế; từng bước đưa Việt Nam đứng trong nhóm các quốc gia nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới và trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, có vị thế quan trọng trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại Hội thảo, TS Phạm Tú Tài (Học viện Chính trị Khu vực I) nêu rõ những hạn chế trong chính sách hạn điền trong nông nghiệp Việt Nam. Hạn điền không phải là vấn đề mới mà đã được đề cập từ Hội nghị Trung ương 5 khóa II và Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng (11-1953), khi bàn về nhiệm vụ cải cách ruộng đất, thực hiện chính sách chia đều ruộng đất cho nông dân với khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Tuy nhiên, đến nay vẫn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về hạn điền. Đây cũng là một điểm nghẽn trong nông nghiệp Việt Nam hiện nay vì các quy định hiện hành về diện tích và thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trong “hạn điền” đang cản trở quá trình tích tụ ruộng đất, hiện đại hóa nông nghiệp.

Phân tích những hạn chế về nguồn lực phát triển nông nghiệp hiện nay, TS Trần Hồng Quảng, Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Bình cho rằng, chỉ có sản xuất nông nghiệp theo mô hình lớn, áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại mới phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Những khó khăn cơ bản của sản xuất nông nghiệp hiện nay là vướng mắc về tín dụng, cơ chế, nguồn nhân lực chất lượng cao, bất ổn thị trường… Người dân và doanh nghiệp hiện rất khó tiếp cận các nguồn tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, cơ chế bảo hiểm nông nghiệp trong bối cảnh thị trường bất ổn, “được mùa, mất giá”, thiên tai phức tạp. 

PGS, TS Trần Thị Minh Châu (Viện Kinh tế) cho rằng, Việt Nam cần xây dựng cơ chế thị trường đúng nghĩa trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhà nước phải chung tay với người dân và doanh nghiệp trong nghiên cứu, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp; chú trọng các khâu phát triển thị trường, bảo quản, chế biến và tổ chức sản xuất để phát triển nông nghiệp hài hòa với bảo đảm an sinh xã hội.

Nhiếu ý kiến phát biểu tại Hội thảo cho rằng, Chính phủ cần đánh giá lại hiệu quả đầu tư công để phân bổ nguồn lực hợp lý cho phát triển nông nghiệp; định hướng cho người dân, doanh nghiệp lựa chọn sản phẩm, phương thức, kỹ thuật sản xuất và tìm kiếm thị trường; tham gia dịch vụ cung cấp thông tin phục vụ sản xuất, đánh giá thị trường, trợ giúp pháp lý, bảo hiểm nông nghiệp.

Nguyễn Thị Lan

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền