Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học “Đồng chí Lê Hồng Phong - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”
Thứ tư, 06 Tháng 9 2017 17:06
2823 Lượt xem

Tọa đàm khoa học “Đồng chí Lê Hồng Phong - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”

(LLCT) - Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong (1902-2017) và 75 năm ngày mất (6/9/1942-6/9/2017), ngày 5-9-2017, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Tọa đàm khoa học “Đồng chí Lê Hồng Phong - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”.

Chủ trì Tọa đàm có các đồng chí: PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện; PGS, TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; PGS, TS Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Tham dự Tọa đàm có đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Được nuôi dưỡng và giáo dục bởi truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương; truyền thống lao động chăm chỉ, hiếu học, đoàn kết, thật thà chất phác của gia đình; tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, các phong trào đấu tranh yêu nước bị đàn áp tàn bạo, đẫm máu, đồng chí Lê Hồng Phong sớm hình thành tư tưởng yêu nước và cách mạng. Cuối năm 1923, ở tuổi 21, với ý chí yêu nước, Lê Hồng Phong cùng một số thanh niên đã đi Thái Lan rồi đến Quảng Châu (Trung Quốc) tìm đường cứu n­ư­ớc, cứu dân. Năm 1924, Lê Hồng Phong là một trong những người tham gia thành lập Tâm tâm xã, một tổ chức cách mạng của thanh niên yêu n­ư­ớc Việt Nam ở Trung Quốc, có ảnh h­ư­ởng mạnh mẽ đối với thanh niên nư­­ớc ta lúc bấy giờ.

Năm 1925, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu, Lê Hồng Phong trở thành một trong những thanh niên Việt Nam đầu tiên gia nhập tổ chức cách mạng này khi đồng chí đang theo học Tr­­ường quân sự Hoàng Phố và bắt đầu sự nghiệp của một nhà cách mạng chuyên nghiệp dư­­ới sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Cuối năm 1925, sau khi tốt nghiệp Trường quân sự Hoàng Phố, Lê Hồng Phong học tiếp tại Trư­ờng không quân ở Quảng Châu (1-1926 đến 9-1926) và sau đó đư­ợc cử đi học ở Trư­­ờng Không quân (BBC) ở Lêningrát, Liên Xô (10-1926 đến tháng 12-1927); sau khi tốt nghiệp, đồng chí lại đ­ược cử đi học ở Trư­­ờng Cao đẳng không quân ở Bôrítxgơlépxcơ. Tháng 12-1928, đồng chí đ­ược chuyển tới học khóa 3 năm của Tr­ư­ờng Đại học Phương Đông (KYTB); kết thúc khóa học, đồng chí được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh.

Trư­­ớc khi trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương, từ năm 1926, Lê Hồng Phong đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc và năm 1928, trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản (b) Nga. Đồng chí còn là ngư­­ời Việt Nam đầu tiên và duy nhất, là một trong hai đại diện của các dân tộc thuộc địa được Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (năm 1935) bầu là Uỷ viên chính thức của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản sau khi trở thành Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đồng chí Lê Hồng Phong là nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam, người cộng sản mẫu mực, người chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.  

Ban tổ chức đã nhận được 19 ý kiến tham luận của các nhà khoa học, 7 ý kiến phát biểu, tập trung làm sáng tỏ các nội dung:

Về những đóng góp của đồng chí Lê Hồng Phong.

Trong việc khôi phục, xây dựng tổ chức Đảng và phong trào cách mạng thời kỳ 1931-1935, nhiều ý kiến tại Tọa đàm đã làm rõ những cống hiến của đồng chí Lê Hồng Phong đối với việc tái lập tổ chức Đảng, khôi phục phong trào cách mạng trong cả nước: vai trò và cống hiến trong việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương, năm 1932; vai trò và cống hiến trong việc thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương, năm 1934; vai trò và cống hiến trong việc triệu tập Hội nghị của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng (gồm Ban Chỉ huy ở ngoài và đại diện các tổ chức Đảng ở trong nước) họp ở Ma Cao (6-1934). Từ những đóng góp trên, các nhà khoa học khẳng định: đồng chí Lê Hồng Phong là người chủ trì công việc của Đảng thời kỳ gặp nhiều khó khăn, tổn thất rất nặng nề và hoàn thành xuất sắc trọng trách được Đảng và Quốc tế Cộng sản giao.

Trong việc khởi xướng và chỉ đạo cuộc đấu tranh dân chủ thời kỳ 1936-1939, các ý kiến tại Tọa đàm đều cho rằng:đồng chí Lê Hồng Phong đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương (7-1936) tại Thượng Hải (Trung Quốc) bàn về công tác tổ chức của Đảng và đường lối đấu tranh trong tình hình mới sau Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Đồng chí đã góp phần cùng Trung ương Đảng chuẩn bị những tiền đề cho việc hình thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương; có công lớn trong việc chuyển hướng chiến lược và sách lược đấu tranh nhằm tập hợp rộng rãi quần chúng cách mạng. Đồng chí Lê Hồng Phong tích cực lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh trên mặt trận báo chí. Sự phục hồi và mỗi bước tiến của phong trào cách mạng Việt Nam trong cao trào dân chủ 1936-1939 đều in rõ dấu ấn, công lao và cống hiến của đồng chí Lê Hồng Phong.

Với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Lê Hồng Phong có nhiều đóng góp, thể hiện trên các mặt:

- Hoạt động cách mạng của Lê Hồng Phong không chỉ gắn với đất nước Việt Nam mà còn có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều nước khác như Thái Lan, Trung Quốc, Liên Xô. Lê Hồng Phong không chỉ là lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Liên Xô. Các nước Trung Quốc, Liên Xô cũng là nơi đồng chí Lê Hồng Phong được đào tạo, học tập về lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ một cách bài bản, có hệ thống.

- Đóng góp của Lê Hồng Phong đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế được thể hiện rõ nét ở các hoạt động của Lê Hồng Phong tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Là Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong đã góp phần tích cực vào thành công của Đại hội. Bản tham luận của Lê Hồng Phong “Về phong trào cách mạng Đông Dương” đã giúp cho những người tham dự Đại hội hiểu rõ hơn tình hình và triển vọng của cách mạng Đông Dương. Nhiều báo cáo khẳng định: Việc Đại hội VII bầu Lê Hồng Phong là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, việc Quốc tế Cộng sản chính thức công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một phân bộ của Quốc tế Cộng sản là sự ghi nhận đóng góp của đồng chí đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Đồng chí Lê Hồng Phong là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đồng chí Lê Hồng Phong được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp lựa chọn,  và trở thành người học trò xuất sắc của Người. Trong thư gửi Lê Hồng Phong ngày 2-3-1930, Nguyễn Ái Quốc viết “Hồng Phong lão” và thông báo để Lê Hồng Phong biết việc các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đã được hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1935, khi Lê Hồng Phong dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, đồng chí luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Điều quan trọng nhất là Lê Hồng Phong sớm tiếp thu tư tưởng, đạo đức và phong cách của Nguyễn Ái Quốc, phấn đấu hy sinh theo con đường và tấm gương của Người. Nhiều ý kiến tại Tọa đàm nhấn mạnh: Lê Hồng Phong là người tiếp tục khẳng định và giương cao ngọn cờ cách mạng theo tư tưởng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Mih. Sự trưởng thành về nhận thức và những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với Đảng và cách mạng Việt Nam in đậm dấu ấn Hồ Chí Minh. Đồng chí là lớp học trò đầu tiên xuất sắc của Người.

Đồng chí Lê Hồng Phong là tấm gương chiến đấu hy sinh vì Đảng và dân tộc, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa

Các tham luận cho rằng, những phẩm chất trên đây của Lê Hồng Phong được thể hiện mọi lúc, mọi nơi, trên mọi lĩnh vực mà đồng chí sống và hoạt động. Những phẩm chất đó càng ngời sáng mỗi khi đồng chí bị kẻ thù bắt và giam cầm trong lao tù, địa ngục trần gian. Nhiều tham luận nhắc tới hình ảnh “bát cơm chan máu” và lời nói đanh thép của Lê Hồng Phong trước bọn đao phủ. Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn lạc quan tin tưởng ở thắng lợi của cách mạng. Sự hy sinh quên mình của Lê Hồng Phong mãi mãi là tấm gương sáng cho mỗi chúng ta học tập và noi theo.

Hoa Mai

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền