Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội khoa học – những giá trị bền vững và những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, phát triển
Thứ sáu, 08 Tháng 9 2017 16:27
3225 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội khoa học – những giá trị bền vững và những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, phát triển

(LLCT) - Ngày 7-9-2017, nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và một thế kỷ chủ nghĩa xã hội hiện thực (1917-2017), Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phối hợp với Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị Bộ Quốc Phòng tổ chức hội thảo khoa học: Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội khoa học - Những giá trị bền vững và những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, phát triển.

 

PGS, TS Bùi Thị Ngọc Lan, quyền Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học và Đại tá, PGS, TS Lưu Ngọc Khải, Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, các giảng viên, nghiên cứu viên, học viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Bộ Quốc Phòng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị khu vực I.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS Bùi Thị Ngọc Lan nhấn mạnh: C.Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin không bao giờ xem Chủ nghĩa xã hội khoa học là một hệ thống lý luận nhất thành, bất biến; việc áp dụng các nguyên lý Chủ nghĩa xã hội khoa học phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Trên thực tế, trong quá trình hoạt động lý luận và thực tiễn cách mạng, các nhà kinh điển đã luôn có những điều chỉnh, bổ sung, phát triển lý luận Chủ nghĩa xã hội khoa học để nó thực sự là nền tảng tư tưởng lý luận khoa học, soi đường, dẫn lối cho cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân đi đến thắng lợi.

Mục đích của Hội thảo nhằm nghiên cứu, tổng kết, bổ sung và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh đổi mới đất nước, đặc biệt là trước ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu và giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học trên phạm vi cả nước.

Hội thảo đã nhận được 28 bài tham luận tập trung vào 4 vấn đề chính, đó là:

Thứ nhất, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; vai trò của đảng cộng sản trong cách mạng XHCN. Tham luận của Đại tá, TS Lê Xuân Thuỷ, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, đó là tự giải phóng mình, giải phóng nhân loại. Dựa trên quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, khi phân tích xã hội tư sản và các giai cấp gắn với quá trình phát triển nền đại công nghiệp, Mác không hề phủ nhận vai trò của giai cấp tư sản, mà còn đánh giá rất cao vị trí, vai trò của giai cấp tư sản, là một lực lượng tiên tiến, chống lại các thế lực lạc hậu của chế độ phong kiến. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản càng phát triển, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hoá với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ sở hữu tư nhân tư bản càng gay gắt. Vì lợi nhuận, giai cấp tư sản tìm mọi cách bóc lột người công nhân một cách thậm tệ, bóp méo thị trường, dẫn đến kết cục là: giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản. Giai cấp công nhân là lực lượng sản xuất tiến bộ, đại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ trong lịch sử, với tư cách là giai cấp thật sự cách mạng, có sứ mệnh giải phóng, lãnh đạo xã hội thông qua đội tiền phong là đảng cộng sản, tiến hành cách mạng nhằm thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phân tích luận điểm này của C.Mác trong bối cảnh hiện nay, khi mà đất nước ngày một hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TS Lê Xuân Thuỷ đặt ra những vấn đề cần tiếp tục phân tích, đánh giá để làm rõ hơn sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện nay: cần tiếp tục nghiên cứu giai cấp công nhân, mối quan hệ giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản ở các nước tư bản, giai cấp công nhân hiện nay ở các nước tư bản cũng như ở những nước phát triển theo con đường XHCN có nắm được vũ khí của mình hay không?.

Phát biểu tại hội thảo, GS, TS Trịnh Quốc Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin luôn nhấn mạnh vai trò của lý luận cách mạng đối với Đảng Cộng sản. Trong tác phẩm “Làm gì”, V.I.Lênin viết: “ không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng”, “chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sỹ tiên phong”. Lý luận phải bắt nguồn từ thực tiễn, phản ánh đúng thực tiễn, và trở lại phục vụ thực tiễn. PGS, TS Trịnh Quốc Tuấn đồng thời chỉ ra tình trạng xem nhẹ việc học tập lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam hiện nay, nhất là trong bộ phận giới trẻ. Đó chính là biểu hiện của suy giảm, phai nhạt lý tưởng cách mạng.

Thứ hai, những vấn đề về tính tất yếu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bàn về thời kỳ quá độ, PGS, TS Phan Thanh Khôi nhấn mạnh, thời kỳ quá độ là một thời kỳ khó khăn, lâu dài; là thời kỳ cải biến cách mạng một cách toàn diện, triệt để về kinh tế - xã hội, tương ứng với nó là thời kỳ quá độ chính trị. Thời kỳ quá độ bao gồm nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, liên tục và biến đổi không ngừng. Đối với nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về thời kỳ quá độ có các điểm mới, đó là: Tại Đại hội VI (1986), Đảng ta xác định Việt Nam đang ở chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ, đến Văn kiện Đại hội VIII (1996), Đảng ta xác định nhiệm vụ cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành, chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; tại Đại hội IX (2001) xác định đặc điểm của thời kỳ quá độ ở Việt Nam là bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, nghĩa là bỏ qua sự thống trị của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Thứ ba, những vấn đề về dân chủ, về đấu tranh giai cấp và liên minh giai cấp trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Bàn về vấn đề dân chủ trong quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, PGS, TS Đỗ Thị Thạch cho rằng: dân chủ là một hình thức tổ chức nhà nước để thống trị. Trong dân chủ XHCN thì dân chủ và xã hội chủ nghĩa gắn kết với nhau, không có dân chủ thì không có chủ nghĩa xã hội. Sự khác nhau giữa dân chủ tư sản và dân chủ XHCN, đó là: dân chủ XHCN là dân chủ của đa số, vì đa số người lao động, không phải của thiểu số bóc lột; dân chủ XHCN là chế độ dân chủ mà ở đó, người dân lao động làm chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được pháp luật bảo đảm. Lênin đã từng khẳng định, dân chủ vô sản là dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh thế giới hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đang phải học hỏi, kế thừa những thành tựu của nền dân chủ tư sản. Điều đó không có nghĩa những luận điểm của Lênin về dân chủ tư sản là sai, mà khi nghiên cứu ta phải dựa trên bối cảnh lịch sử cụ thể của thời kỳ đó. Hiện nay, dân chủ XHCN vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ và bổ sung những điểm mới cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Thứ tư, những vấn đề về thời đại, con người, dân tộc, tôn giáo, gia đình; bảo vệ tổ quốc XHCN và chủ nghĩa quốc tế cộng sản.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hưởng, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng đã nêu bật những quan điểm của Lênin về bảo vệ tổ quốc XHCN. Theo đó, bảo vệ tổ quốc XHCN là một quy luật; muốn bảo vệ tổ quốc XHCN phải xây dựng lực lượng vũ trang công nông vững mạnh; nhấn mạnh hình thức bảo vệ bằng bạo động, quân sự, phải kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Vận dụng vào Việt Nam, lực lượng bảo vệ Tổ quốc hiện nay đó là quân đội, công an, kết hợp với sức mạnh toàn dân; phương thức bảo vệ Tổ quốc được xác định tại Đại hội IX (2001) là kết hợp chặt chẽ phương thức vũ trang và phi vũ trang, trong đó đối với hình thức phi vũ trang, cần khắc phục tình trạng suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ.

Thúy Thảo

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền