Trang chủ    Tin tức    Hội nghị Tổng kết, đánh giá kết quả triển khai các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp
Thứ hai, 18 Tháng 9 2017 11:16
1491 Lượt xem

Hội nghị Tổng kết, đánh giá kết quả triển khai các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp

(LLCT) - Sáng 15-9-2017, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Tổng kết, đánh giá kết quả triển khai các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Vũ Khoan, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Về phía Học viện, có GS, TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện; các đồng chí Phó Giám đốc và nguyên Phó Giám đốc Học viện; các đồng chí thủ trưởng các đơn vị trực thuộc...

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đạt được trong công tác đào tạo các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp. Đồng chí khẳng định: Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp vừa qua là một hoạt động quan trọng, có ý nghĩa trước mắt và lâu dài trong công tác cán bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới.

Trình bày Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả triển khai các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 2013 đến năm 2015, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức bồi dưỡng nguồn cán bộ cao cấp chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng. Học viện đã tổ chức 6 lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp, với tổng số cán bộ tham gia học tập là 511 đồng chí, trong đó có 447 nam (87,47%), 6 nữ (12,53%); 280 cán bộ ở các bộ, ban, ngành trung ương; 231 cán bộ từ các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Các học viên tham gia học tập là cán bộ chủ chốt và diện quy hoạch dự nguồn cán bộ chủ chốt cấp chiến lược của các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố; bao gồm các đồng chí là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI); cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; cán bộ quy hoạch lãnh đạo chủ chốt các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng chí đánh giá, nhìn chung, trong quá trình học tập, đội ngũ giảng viên, học viên luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Chỉ đạo lớp học. Học viện đã nghiệm thu, hoàn thiện chương trình và kế hoạch đào tạo, cập nhật các tri thức khoa học phong phú, đa dạng vào nội dung giảng dạy. Trong quá trình đào tạo, học viên được trang bị hệ thống kiến thức lý luận chung, cũng như các kiến thức thực tế, được rèn luyện và bổ sung kỹ năng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, kỹ năng hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, kỹ năng tổng hợp, phân tích, xử lý thông tin, nghiên cứu và dự báo tình hình, v.v.. Học viện cũng làm tốt công tác quản lý, đánh giá học viên; bố trí đội ngũ giảng viên phù hợp; sắp xếp hoạt động ngoại khoá, nghiên cứu thực tiễn cho học viên; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo.

Nhờ vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng dự nguồn cán bộ đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo thống kê, 100% số học viên các lớp dự nguồn công tác tại địa phương được bầu vào Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh, thành; 45/61 đồng chí đắc cử bí thư tỉnh ủy, thành ủy là học viên của lớp dự nguồn. Đặc biệt, 114/511 học viên của các lớp dự nguồn đã trở thành Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, trong đó 94 đồng chí là Ủy viên chính thức và 20 đồng chí là Ủy viên dự khuyết.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bồi dưỡng dự nguồn còn tồn tại một số hạn chế như: chương trình đào tạo còn nặng về lý luận, một số chuyên đề thiếu tính cập nhật, chưa liên hệ chặt chẽ với thực tiễn; nội dung chương trình ngoại khóa, nghiên cứu thực tiễn còn thiếu tính chuyên sâu; mặt bằng chuyên môn của học viên trong lớp học chưa đồng đều, ảnh hưởng đến chất lượng học tập…

Để nâng cao hiệu quả các lớp dự nguồn khóa XIII và các khóa tiếp theo, đồng chí Phạm Minh Chính đưa ra phương hướng: Học viện cần phát huy những điểm mạnh, các kết quả đã đạt được, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, giảng dạy. Cụ thể, cần hoàn thiện, cập nhật nội dung chương trình giảng dạy, bám sát nội dung Văn kiện Đại hội XII của Đảng, nghiên cứu, làm sâu sắc hơn những giá trị cốt lõi các vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan tâm các nội dung xây dựng Đảng, hội nhập quốc tế, quản trị quốc gia. Đa dạng hoá, nội dung, mô hình nghiên cứu thực tiễn; hiện đại hóa cơ sở vật chất nhà trường, xây dựng hệ thống giảng đường đa năng, áp dụng phương pháp giảng dạy tíchcực, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, ứng dụng thư viện điện tử. Bên cạnh đó cần phối hợp chặt chẽ, chủ động giữa nhà trường, địa phương và các cơ quan có liên quan, đặc biệt là sự lãnh đạo sát sao của Ban Bí thư Trung ương Ðảng, Ban Tổ chức Trung ương, lãnh đạo địa phương, bộ, ngành... trong quá trình thực hiện.

Tại Hội nghị, các đại biểu, nhà khoa học, nhà quản lý và học viên các lớp dự nguồn khóa XII đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp xoay quanh vấn đề các lớp bồi dưỡng dự nguồn cao cấp. Các ý kiến đều cho rằng việc tổ chức các lớp dự nguồn là đặc biệt cần thiết. GS, TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh nên chọn lọc, sàng lọc công khai minh bạch đối tượng học viên; đối với chương trình giảng dạy, cần tập trung vào những vấn đề mới nhất và những vấn đề nhận thức lại. Đồng chí Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủyTP HCM đưa ra ý kiến nên phân cấp đối tượng người học, từ đó có chương trình đào tạo và công tác quản lý phù hợp. Ngoài ra,cần nâng cao kỹ năng xử lý tình huống, đặc biệt là kỹ năng ứng xử với truyền thông cho học viên, giúp người họcáp dụng vào thực tiễn công tác. Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng cần lựa chọn cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy hoạch vào các chức danh chủ chốt khóa tới ở Trung ương và địa phương; chú ý nâng cao tính thực tiễn cho nội dung chương trình bồi dưỡng; ưu tiên các giảng viên là các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước; đa dạng hóa địa bàn nghiên cứu thực tế cho phù hợp với từng nhóm học viên... để các lớp bồi dưỡng dự nguồn đạt hiệu quả cao nhất.

Thùy Linh

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền