Trang chủ    Tin tức    Hội thảo chuyên đề: “Nâng cao chất lượng tổ chức Hội thi Giảng viên giảng dạy giỏi”
Thứ tư, 20 Tháng 9 2017 18:15
2845 Lượt xem

Hội thảo chuyên đề: “Nâng cao chất lượng tổ chức Hội thi Giảng viên giảng dạy giỏi”

(LLCT) - Ngày 20-9-2017, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo chuyên đề trực tuyến với các Học viện trực thuộc, lấy ý kiến nhằm nâng cao chất lượng tổ chức Hội thi Giảng viên giảng dạy giỏi dự kiến tổ chức vào năm 2018. GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Học viện chủ trì Hội thảo.

Hội thi Giảng viên giảng dạy giỏi được Học viện triển khai từ năm 2014 với hình thức tổ chức hội thi 2 năm/lần với ý nghĩa tôn vinh các giảng viên có kỹ năng giảng dạy tốt, tạo động lực và phong trào thi đua giảng dạy trong toàn hệ thống Học viện. Đến nay, Học viện đã tổ chức 6 lần hội thảo, lấy ý kiến, xây dựng khung quy định, quy chế Hội thi khá hoàn thiện, nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao từ phía các nhà quản lý, các giảng viên.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao hiệu quả của Hội thi Giảng viên giảng dạy giỏi qua 2 kỳ tổ chức, ghi nhận những đóng góp bước đầu của Hội thi trong xây dựng phong trào thi đua giảng dạy. Đồng chí cũng đề nghị Hội thảo đóng góp ý kiến cụ thể về các vấn đề của quy chế tổ chức Hội thi, như xác định đối tượng dự thi, các tiêu chí dự thi, tiêu chí đánh giá, tránh tình trạng cảm tính, vị nể, thiếu khách quan.

Về đối tượng tham gia, nhiều ý kiếntại Hội thảocho rằng nên mở rộng đối tượng giảng viên, không phân biệt ngạch giảng viên chính hay giảng viên cao cấp để khuyến khích cả những giảng viên trẻ tham gia Hội thi. PGS, TS Bùi Thị Ngọc Lan kiến nghị cần xem xét nớirộngđộ tuổi tham gia để bảo đảm tính công bằng.

Về hình thức tổ chức,đồng chí Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện khu vực IV đề xuấtcó thể thi theo hai hình thức, gồm tiết giảng do giảng viên tự lựa chọn và tiết giảng bắt buộc theo hình thức bốc thăm. Ý kiến bốc thăm nội dung thi được nhiều đại biểuđồng tình ủng hộ. Nhiềuý kiến cho rằng nên kéo dài thời gian thi từ 1 tiết giảng tương đương 45 phút lên 60 phút, trong đó có phần giảng viên dự thi lắng nghe ý kiến góp ý và trả lời câu hỏi của Hội đồng giám khảo cũng như của các học viên.

Về cách thức đánh giá, chấm điểm, PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Học viện chính trị khu vực II đề nghị quy định chặt chẽ hơn nữa trong thang điểm đánh giá để bảo đảm tính khách quan, có thể nghiên cứu phương án loại trừ những điểm đánh giá quá cao hoặc quá thấp trong một hội đồng giám khảo. Bên cạnh đó, nên nghiên cứu hình thức điểm khuyến khích cho giảng viên trẻ tham gia dự thi. Đặc biệt, cần tổ chức vòng chung kết giữa các giảng viên đạt kết quả cao nhất ở từng Học viện trực thuộc, có tổ chức quay phim, ghi hình giờ giảng dự thi để làm mẫu cho các giảng viên trẻ nghiên cứu, học tập, rút kinh nghiệm, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy.

Về tổ chức Hội đồng đánh giá, nhiều ý kiến cho rằng cần có chuyên gia về phương pháp trong thành phần hội đồng giám khảo để đánh giá chính xác, công tâm hơn về phương pháp giảng dạy. PGS,TS Nguyễn Văn Lý, Giám đốc Học viện khu vực III đề nghị cần bổ sung thành viên của các Học viện trực thuộc vào thành phần Hội đồng đánh giá. PGS,TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng Hội đồng đánh giá cần có những chuyên gia về giáo dục để góp phần đánh giá đúng, công tâm về kỹ năng sư phạm của giảng viên tham gia, đồng thời cần xem xét lại cơ cấu tính điểm đánh giá trong quy chế hiện nay, tránh thiênvề đánh giá việc truyền đạt kiến thức mà xem nhẹ phương pháp truyền đạt (tỷ lệ điểm đánh giá trong quy chế hiện nay là 55 điểm nội dung bài giảng và 25 điểm phương pháp giảng dạy).

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng đánh giá các ý kiến phát biểu tại Hội thảo là những đóng góp sâu sắc, thiết thực, góp phần hoàn thiện quy chế và làm phong phú hình thức Hội thi Giảng viên giảng dạy giỏi. Đồng chí đề nghị các Học viện trực thuộc, các đơn vị trong toàn hệ thống Học viện tiếp tục nghiên cứu và gửi ý kiến đóng góp để Ban tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, sớm hoàn thiện quy chế Hội thi, triển khai tích cực, có hiệu quả Hội thi trong năm học tới.

 

Minh Ngọc

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền