Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Sửa đổi lối làm việc – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”
Thứ năm, 19 Tháng 10 2017 10:54
3391 Lượt xem

Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Sửa đổi lối làm việc – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”

(LLCT) - Sáng 18-10-2017, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Sửa đổi lối làm việc – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Võ Văn Phuông, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS, TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, đại diện Ban tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Thành ủy Hà Nội,… và đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

Hội thảo nhằm làm rõ những nội dung, giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; vận dụng trong giáo dục đạo đức cách mạng, đổi mới phong cách, lề lối làm việc cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam trong điều kiện xây dựng, phát triển đất nước hiện nay.

Trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; Đảng ta phải rút vào hoạt động bí mật, Nhà nước Dân chủ Cộng hòa mới còn non trẻ phải đối phó với hàng loạt khó khăn, thử thách, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (tháng 10-1947) nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, tự lực cánh sinh.

Tác phẩm gồm sáu phần lớn, đề cập việc sửa chữa, đổi mới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nhằm sửa chữa các khuyết điểm, phát huy các ưu điểm. Đây là tác phẩm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đặt vấn đề và trình bày một cách hệ thống tư tưởng đổi mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Từ khi ra đời, Sửa đổi lối làm việc đã thực sự trở thành cuốn cẩm nang hết sức bổ ích, thiết thực góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Khẳng định sức sống mãnh liệt của tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, GS, TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng: Ra đời từ 70 năm trước nhưng đến nay, tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên tính thời sự nóng hổi. Tác phẩm đặt ra những vấn đề mang tính cốt lõi như: “sửa đổi làm việc” để giữ vững tư cách của Đảng chân chính cách mạng; chỉ rõ trách nhiệm, tư cách, yêu cầu phận sự của người đảng viên; công tác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của người đảng viên; công tác huấn luyện cán bộ; nội dung, phương pháp, phong cách và các kỹ năng lãnh đạo. Những vấn đề đặt ra trong tác phẩm là những dự báo, đánh giá và giải pháp sáng suốt của Người; mặt khác, cũng là những cơ sở về phương pháp luận trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 45 tham luận của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạt động thực tiễn. Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận, làm sáng tỏ những vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, khẳng định Sửa đổi lối làm việc là nhiệm vụ thường xuyên, khách quan của cách mạng và là quy luật phát triển của Đảng cầm quyền.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, nhận diện và phòng chống nguy cơ suy thoái của đảng cầm quyền là yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng, quy luật tồn tại và phát triển của một đảng. Đó vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, để Đảng luôn giữ được bản chất của một đảng chân chính cách mạng, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang và to lớn mà dân tộc đã trao cho.

Thứ hailàm rõ sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, yêu cầu nâng cao hiểu biết lý luận và thực tiễn đối với cán bộ, đảng viên.

TS Đặng Văn Thái khẳng định: Quán triệt quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò của thực tiễn đối với công tác lý luận: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc đấu tranh, xem xét so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”. Như vậy, vai trò của thực tiễn với lý luận thể hiện ở chỗ, thực tiễn là cơ sở của nhận thức lý luận, là động lực của nhận thức lý luận, là mục đích của nhận thức lý luận và là tiêu chuẩn để kiểm tra tính đúng đắn của lý luận; đồng thời thực tiễn không ngừng bổ sung, điều chỉnh, sửa chữa, phát triển và hoàn thiện nhận thức lý luận.

Xác định rõ vai trò của thực tiễn đối với nhận thức lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn quán triệt quan điểm thực tiễn. Người yêu cầu lý luận phải xuất phát từ thực tiễn, dựa trên cơ sở thực tiễn, đi sâu vào thực tiễn, phải coi trọng công tác tổng kết thực tiễn.

Thứ ba, khẳng định quan điểm của Hồ Chí Minh trong Sửa đổi lối làm việc hàm chứa những nguyên lý xây dựng Đảng về đạo đức, những chỉ dẫn quý báu về cán bộ và công tác cán bộ của Đảng.

Các tham luận tại Hội thảo khẳng định, Sửa đổi lối làm việc là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Người về vấn đề  xây dựng Đảng về đạo đức. Nội dung xây dựng Đảng về đạo đức được Người đề cập trên cả 2 phương diện: tổ chức đảng và cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên. Với tư cách là một tổ chức, Đảng cần bảo đảm các tiêu chí: đặt lợi ích của Tổ quốc, dân tộc lên trên hết; vừa gắn bó mật thiết với nhân dân, vừa chú trọng giáo dục, lãnh đạo và học hỏi nhân dân; thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình, loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất; thống nhất giữa nói và làm. Với mỗi cán bộ, đảng viên, cần thực hiện “chí công vô tư”, phải đặt lợi ích của Đảng, dân tộc lên trên hết. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng, là tính đảng.

Đối với “vấn đề cán bộ”, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thế nhấn mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát, luận giải rõ những việc Đảng phải tập trung giải quyết là: huấn luyện cán bộ; dạy cán bộ và dùng cán bộ; lựa chọn cán bộ; cách đối với cán bộ; chính sách cán bộ,…; trong đó, huấn luyện cán bộ được xác định là “công việc gốc của Đảng”. Từ góc độ Sửa đổi lối làm việc, Người tập trung chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm thường gặp trong công tác cán bộ và cách thức khắc phục nhằm làm cho đội ngũ cán bộ của Đảng ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng.

Thứ tư, khẳng định Sửa đổi lối làm việc là sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Dân.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để Đảng thực sự đáp ứng vai trò của Đảng cầm quyền là tinh thần nổi bật trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm lãnh đạo đúng là: 1) Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng, 2) Phải tổ chức thi hành cho đúng, 3) Phải tổ chức kiểm soát đúng.

Chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Người chỉ ra hai cách thức lãnh đạo căn bản giúp mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn: một là liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng, hai là liên hợp người lãnh đạo với quần chúng.

Về quan điểm và phương pháp xây dựng mối quan hệ giữa Đảng và Dân trong Sửa đổi lối làm việc, GS, TS Hoàng Chí Bảo cho rằng: Sứ mệnh và trọng trách của Đảng là ở chỗ, Đảng tồn tại, phát triển, phấn đấu hy sinh chỉ vì phục vụ dân, mưu cầu độc lập và dân chủ, tự do và hạnh phúc cho Dân. Mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và Dân là mối quan hệ làm nên sức mạnh để chiến thắng mọi khó khăn, mọi kẻ thù, bảo đảm cho sự bền vững của chế độ dân chủ vì quyền làm chủ của người dân, là nhân tố quyết định mọi thành công của sự nghiệp cách mạng. Để củng cố bền chặt mối quan hệ giữa Đảng và Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải dựa vào dân mà xây dựng chỉnh đốn Đảng, dựa vào dân mà kiểm tra lại đường lối, nghị quyết của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng phải dựa trên khoa học - dân chủ - đạo đức - luật pháp, kỷ cương và văn hoá, đặc biệt phải chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức và văn hoá.

Thứ năm, khẳng định từ tinh thần tác phẩm Sửa đổi lối làm việc góp phần gợi mở, vận dụng vào việc cải cách bộ máy, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong điều kiện mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng nội dung về xây dựng phong cách làm việc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, bởi cán bộ, đảng viên luôn là người đi đầu, gương mẫu, và quyết định trực tiếp đến sự thành bại của cách mạng. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người đã chỉ ra những cách thức hiệu quả để các cán bộ, đảng viên sửa chữa sai lầm, khuyết điểm; đồng thời chỉ ra những phong cách công tác, lề lối làm việc một cách khoa học, mang lại kết quả cao nhất trong thực tế. Người cho rằng, cán bộ, đảng viên cần xây dựng phong cách làm việc quần chúng và biết lắng nghe, cần xây dựng phong cách làm việc tập thể - dân chủ, và xây dựng phong cách làm việc khoa học, hợp lý.

Thứ sáu, khẳng định Sửa đổi lối làm việc có ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Thông qua tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, có thể tìm thấy những vấn đề đặt ra và lời giải trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, nhất là những bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền.

Theo Đại tá, PGS, TS Đinh Ngọc Hoa, Học viện Chính trị Công an nhân dân, trong Sửa đổi lối làm việc, cụm từ “chỉnh đốn Đảng”  được Hồ Chí Minh nhắc lại nhiều lần. Sửa đổi lối làm việc trước hết là khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sửa đổi phương pháp, cách thức lãnh đạo của Đảng để xây dựng mối quan hệ tốt hơn giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân theo nguyên tắc nhân dân làm chủ. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đặt lên hàng đầu là đạo đức cách mạng, đạo đức của mỗi cán bộ đảng viên.

Trong cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, tác phẩm Sửa đổi lối làm việc vừa mang ý nghĩa lý luận, vừa mang ý nghĩa thực tiễn đối với vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; đồng thời trang bị tri thức, nâng cao trình độ tư tưởng lý luận, tình cảm cách mạng, phẩm chất đạo đức, phương pháp lãnh đạo và tác phong công tác của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.

Thùy Linh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền