Trang chủ    Tin tức     Hội thảo khoa học: “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -Liên minh kinh tế Á -Âu: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”
Thứ bảy, 11 Tháng 11 2017 18:47
2946 Lượt xem

Hội thảo khoa học: “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -Liên minh kinh tế Á -Âu: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”

(LLCT) - Sáng 10-11-2017, tại Hà Nội, Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minhtổ chức Hội thảo khoa học:“Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -Liên minh kinh tế Á -Âu:Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”.

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạoHội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục thuế, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tạp chí Người làm báo, các viện chuyên ngành, các đơn vị chức năng củaHọc viện, đông đảo các nhà khoa học, giảng viên trong và ngoài Học viện.

Hội thảo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu: Cơ hội và thách thức đối với Việt Namđược tổ chứcnhằm làm rõbản chất của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -Liên minh kinh tế Á -Âu, đồng thời có thể hiểu rõ hơn những cơ hộivà thách thức của Hiệp địnhnày với sự phát triển của nước ta hiện nay.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EAEU là một kiểu FTA mới, bao quát nhiều lĩnh vực; gồm 16 chương với 216 điều và 12 phụ lục. Nội dung chính của Hiệp định gồm các cam kết về thuế quan, các cam kết về xuất xứ và một số cam kết thể hiện qua các chương Hiệp định, bao gồm: Thương mại hàng hóa; Quy tắc xuất xứ; Phòng vệ thương mại; Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật (SPS); Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT); Thuận lợi hóa và hải quan; Thương mại dịch vụ; Đầu tư; Sở hữu trí tuệ; Thương mại điện tử; Cạnh tranh; Pháp lý và thể chế. Ngoài ra còn có các phụ lục hiệp định về mở cửa thị trường, thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ... Thực tế, việc ký kết FTA Việt Nam - EAEU mang đến cho Việt Nam kỳ vọng lớn: khai thông hàng rào thuế quan cao khi nhập khẩu vào EAEU; khai thác được lợi thế đặc biệt – Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên của khu vực EAEU; cơ cấu sản phẩm hai bên chủ yếu là bổ sung cho nhau.

Tại Hội thảo, các đại biểu phân tích làm rõ bản chất, ý nghĩa của FTA; tiềm năng phát triển ngành năng lượng giữa Việt Nam - Liên bang Nga trong khuôn khổ FTA giữa Việt Nam  EAEU; Kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra khi triển khai FTA; Cơ hội, thách thức và giải pháp đối với Việt Nam trong một số lĩnh vực: nông nghiệp, xuất khẩu nông sản, thương mại - du lịch... Đồng thời, đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm thu hút đầu tư từ các nước EAEU vào Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EAEU.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EAEU đã giúp Việt Nam có những lợi thế về mở cửa nền kinh tế các nước thành viên Liên minh. Chẳng hạn, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam khoảng 150% GDP (trong khi Nga chỉ đạt 40,7%). Do đó, Việt Nam sẽ chủ động hơn trong việc thực hiện FTA Việt Nam - EAEU. Phần lớn các nước thành viên Liên minh là thị trường truyền thống của Việt Nam, do vậy sẽ thúc đẩy phát triển các ngành mà Việt Nam có lợi thế, như dệt may, giày da, nuôi trồng thủy sản... Đồng thời, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong các ngành, nghề phục vụ xuất khẩu, cũng như các lĩnh vực FDI từ các nước thành viên Liên minh.

Đại tá Nguyễn Nhâm (nguyên cán bộ Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng) nêu rõ, cho đến nay các mô hình toàn cầu hóa theo kiểu liên minh, liên kết như: Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (OAU), Liên minh Kinh tế tiền tệ Tây Phi (UEMOA), Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)... EAEU là Liên minh gồm 5 nước thành viên: Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan và Armenia, là những đối tác truyền thống quan trọng của Việt Nam trong khối SNG. FTA giữa Việt Nam và EAEU mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp cả hai bên trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu... Do đó, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường có tổng GDP (theo sức mua) khoảng gần 4,5 nghìn tỷ USD, ngược lại doanh nghiệp các nước thành viên EAEU cũng có cơ hội tiếp cận thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam và tiềm năng hợp tác với ASAN.

TS Hồ Văn Chiểu (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, việc ký kết Hiệp định này sẽ mở rộng cơ hội đối với cả hai bên, trong đó kim ngạch xuất – nhập khẩu hai chiều có khả năng tăng lên 12 tỷ USD vào năm 2020, gấp 3 lần so với năm 2014.

TS Nguyễn Minh Ngọc (Tổng cục thuế) khẳng định, cần nhìn nhận EAEU là một thị trường tương đối rộng mở và hiện tại vẫn còn tương đối “đóng” với hàng hóa nước ngoài do hàng rào thuế quan cao, trong đó đặc biệt áp mức thuế cao đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu. FTA giữa Việt Nam – EAEU có thể khai thông hàng rào thuế quan này.

Hội thảo đã đề xuấtmột số giải pháp: (1) Có chính sách tuyên truyền, phổ biến tích cực hơn nữa về ý nghĩa, lợi thế, cơ hội và thách thức của FTA Việt Nam - EAEU để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nắm được thế chủ động trong việc nghiên cứu và phát triển thị trường; (2) Nhà nước cần có chiến lược đề chủ động tiếp cận, nắm bắt kịp thời xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt là 21 loại sản phẩm đặc trưng của FIR 4.0 đang và sẽ xuất hiện với quy mô thương mại vào năm 2025, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), robot thông minh, Internet vạn vật (IOT); (3) Với các cộng đồng doanh nghiệp, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở năng suất, chất lượng và hiệu quả gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi phải chủ động trong việc tận dụng tác động lan tỏa của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). (4) Trong bối cảnh các Hiệp định khác như: EVFTA sắp được ký kết, TPP-11, RCEP đang đàm phán và vị thế APEC đang nâng cao; các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp cần nắm được những khó khăn, thách thức trong việc thực thi FTA Việt Nam - EAEU để chủ động, tích cực trong việc vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần mở rộng thị trường, phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

 

ThS Nguyễn Kim Anh

Viện Thông tin khoa học

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

         

         

         

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền