Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Thách thức chính trị - an ninh của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế những năm đầu thế kỷ XXI
Thứ tư, 29 Tháng 11 2017 09:17
2582 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Thách thức chính trị - an ninh của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế những năm đầu thế kỷ XXI

(LLCT) - Ngày 24-11-2017, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học: Thách thức chính trị - an ninh của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế những năm đầu thế kỷ XXI.

Chủ trì Hội thảo: GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện; PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện; PGS, TS Ngô Huy Đức, Viện trưởng Viện Chính trị học. Tham dự hội thảo có đông đảo các nhà khoa học Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Phát biểu khai mạc, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc đánh giá các nhân tố tác động, thách thức đối với an ninh chính trị là yêu cầu cấp thiết. Do đó, đồng chí đề nghị các nhà khoa học cần chú ý đến phương pháp đánh giá cục diện thế giới đương đại để có nhận định chính xác, đáp ứng được yêu cầu dự báo tình hình, phục vụ chiến lược phát triển trong tương lai.

Đồng thời, cần phân tích năng lực cạnh tranh của các quốc gia, đánh giá vị trí của họ một cách xác đáng để có đối sách thích hợp. Cần xác định được các thách thức đối với sự phát triển (như: an ninh phi truyền thống), đặc biệt, cần xác định rõ các thách thức đối với sự ổn định và bền vững của chế độ chính trị, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam hiện nay.

Báo cáo Đề dẫn hội thảo, PGS, TS Lê Quốc Lý nêu rõ: hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 185 quốc gia; quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc gia nhập WTO đã đưa quá trình hội nhập của đất nước từ khu vực lên cấp độ toàn cầu. Việt Nam cũng nâng tầm vị thế trên trường quốc tế thông qua việc đảm nhiệm thành công nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế. Hội nhập quốc tế là một quá trình với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Trong đó, sự lũng đoạn của CNTB toàn cầu đặt chế độ chính trị Việt Nam trước những thách thức không nhỏ: nguy cơ chệch hướng XHCN, "diễn biến hoà bình", tự diễn biến trong Đảng, nguy cơ tụt hậu về kinh tế; nguy cơ không kiểm soát và không xử lý được hàng loạt vấn đề xã hội nảy sinh trong bối cảnh quốc tế và khu vực biến đổi nhanh chóng như hiện nay…

Việc chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là chiến lược đúng đắn nhằm giúp Việt Nam tận dụng, phát huy được thời cơ và hạn chế những tác động tiêu cực của xu thế này trên các lĩnh vực: an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hoá, phát triển kinh tế - xã hội.

Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn như vậy, các tham luận tại Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Những thách thức lớn về chính trị và an ninh mà Việt Nam phải đối mặt trong hội nhập quốc tế hiện nay, các tác nhân ảnh hưởng; đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của các nhân tố trên; hướng đi, lộ trình, giải pháp và cách thức quản trị giúp Việt Nam hội nhập.

Một là, thách thức về chính trị và an ninh mà Việt Nam phải đối mặt

Các nhà khoa học cho rằng, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động phức tạp, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ. Các vấn đề an ninh phi truyền thống đang nổi lên mạnh mẽ, thậm chí phạm vi ảnh hưởng, tác động sâu rộng hơn.

PGS, TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Khoa học Bộ Công an nhận định: bối cảnh quốc tế hiện nay đang trong tình trạng rối loạn, mất phương hướng, khó đoán định. Chính trị - an ninh thế giới ở cấp độ toàn cầu do 3 cường quốc chi phối: Trung Quốc, Mỹ, Nga. Việc tìm hiểu chính sách của họ có ảnh hưởng lớn đến chính sách, đối sách của nước ta. Cấp độ khu vực dù không mang tác động chi phối nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam. PGS, TS Lê Văn Cương cho rằng: hiện nay có một số nhân tố tác động đến chính trị - an ninh, đó là: tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống; tham nhũng, lãng phí... làm suy giảm lòng tin trong Đảng và nhân dân; sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp… Bên ngoài, an ninh phi truyền thống (an ninh mạng, tài chính tiền tệ…) cũng có tác động không nhỏ.

TS Tô Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao, khẳng định: hiện nay, môi trường đối ngoại thay đổi nên cần có sự thay đổi về nhận thức về thách thức, thời cơ. Sức mạnh dân tộc là sức mạnh tổng thể cả kinh tế, quân sự, thể chế, quan hệ. Thế giới bước vào cuộc chơi mới mang tính thực tế, thực dụng cao, đề cao lợi ích dân tộc. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhiều dịch chuyển trong quan hệ kinh tế và địa chính trị. Khu vực này đang thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Bối cảnh đó đặt ra cho Việt Nam nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có quan hệ với 2 nước lớn: Mỹ, Trung Quốc và tập hợp lực lượng.

Hai là, phương hướng, giải pháp cụ thể

Nhiều ý kiến tại hội thảo (PGS, TS Lê Văn Cương, PGS,TS Phan Văn Rân, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, PGS,TS Nguyễn Hữu Đổng, Viện Chính trị học, TS Tô Anh Tuấn…) cho rằng, việc giảm thiểu tác động của các thách thức cần sự vào cuộc của nhiều bộ ngành và cả hệ thống chính trị. Cần linh hoạt trong tập hợp lực lượng; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Mặt khác, cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc đổi mới tư duy về chính trị, đối ngoại để định vị Việt Nam trên thế giới cũng có ý nghĩa lớn.

 

Hoa Mai

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền