Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm “Công nghệ số phục vụ phát triển – Thực tiễn tốt nhất ở quốc tế và Việt Nam”
Thứ sáu, 01 Tháng 12 2017 15:31
2842 Lượt xem

Tọa đàm “Công nghệ số phục vụ phát triển – Thực tiễn tốt nhất ở quốc tế và Việt Nam”

(LLCT) - Sáng 29-11-2017, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Công nghệ số phục vụ phát triển – Thực tiễn tốt nhất ở quốc tế và Việt Nam”.

PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; bà Victoria Rhodin Sandstrom, Bí thư thứ nhất, Trưởng ban Chính trị, Đại sứ quán Thụy Điển đồng chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có ông Mans Svensson, Giám đốc Nghiên cứu Viện Internet, Đại học Lund; ông Guy Berger, chuyên gia UNESCO; GS Louis David Benyayer, giảng viên Trường ESCP Europe Business School; bà Đỗ Thị Thanh Huyền, chuyên gia chính sách của UNDP tại Việt Nam cùng đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS,TS Hoàng Văn Nghĩa nhấn mạnh: Năm 2017 đánh dấu mốc 20 năm Internet chính thức có mặt tại Việt Nam. Sau 20 năm phát triển, Việt Nam có khoảng 50 triệu người dùng Internet (chiếm 54% dân số), cao hơn mức trung bình thế giới. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia có số lượng người dùng Internet cao nhất châu Á. Hiện nay, Internet đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt: từ cuộc sống hàng ngày của người dân, hoạt động của các tổ chức doanh nghiệp, đến hoạt động của cơ quan nhà nước, Chính phủ...

Chia sẻ tại Tọa đàm, bà Victoria Rhodin Sandstrom cho biết: Thụy Điển vốn là quốc gia nghèo nhất châu Âu, song đến nay Thụy Điển đã trở thành một trong những quốc gia có trình độ phát triển cao. Đặt nền móng cho sự thành công của Thụy Điển chính là việc công bố Luật Báo chí vào năm 1766; đây cũng là Luật Báo chí đầu tiên trên thế giới. Bộ luật này đã góp phần tạo môi trường tích cực, năng động, sáng tạo cho sự phát triển của Thụy Điển. Do đó, trong bối cảnh CMCN 4.0, sự tự do, cởi mở trong tiếp cận thông tin chính là điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển Internet tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Louis David Benyayer, Internet chính là hạt nhân then chốt trong CMCN 4.0. Hiện nay, khái niệm Internet vạn vật ngày càng phổ biến, ngày càng nhiều thiết bị được kết nối Internet như: điện thoại, ô tô, máy bay, thậm chí đồ gia dụng… mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho con người. Internet là sự liên kết. Nó giúp các cá nhân, cộng đồng và các cơ quan, tổ chức kết nối và cùng hành động để hướng tới những lợi ích chung. Do đó, cần tìm kiếm và kiến tạo nên một hệ thống Internet cởi mở, dễ tiếp cận và an toàn cho tất cả mọi người.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Mans Svenssonkhẳng định: Internet đã và đang phát triển vượt bậc với những công nghệ đột phá, trở thành một phương tiện có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quốc gia trên toàn thế giới. Chính sự tác động tích cực này đã kiến tạo nên hàng loạt những đổi mới trong kinh doanh, tạo ra các phương thức kinh tế mới, đồng thời mở ra cơ hội để mỗi người dân có thể liên tục cập nhật và nắm bắt nhiều vấn đề cũng như giúp các cơ quan công quyền có thể cởi mở hơn, minh bạch hơn và có trách nhiệm giải trình cao hơn.

Kinh nghiệm của Thụy Điển là đổi mới, sáng tạo để phát triển từ xã hội thuần nông thông qua cách mạng công nghiệp tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sau đó phấn đấu tiến tới xã hội số hóa. Để làm được điều đó, cần xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, trong hoạch định chính sách cần tính đến các yếu tố bình đẳng xã hội, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội; đặc biệt, người dân phải là chủ thể sáng tạo tham gia vào quá trình đổi mới.

Theo bà Victoria Rhodin Sandstrom, Internet là nền tảng của xã hội số, xã hội kết nối, nó làm thay đổi cách thức quản trị nhà nước. Ngày nay, các nhà hoạch định chính sách không thể bỏ qua các khái niệm “Chính phủ điện tử”, “Dữ liệu mở”, “Thành phố thông minh” hay “Truyền thông mạng xã hội”. Trong phát triển thành phố thông minh, cần chú trọng đến phát triển giao thông, xây dựng kết cấu hạ tầng, thiết lập các tiện ích xã hội… nhằm phục vụ người dân. Để làm được điều đó, cần khuyến khích, thúc đẩy chia sẻ dữ liệu mở để các cá nhân có thể tiếp cận; đánh giá, sàng lọc và sử dụng thông tin một cách chính xác; bảo đảm công khai, minh bạch trong tiếp cận dữ liệu; sử dụng công nghệ hiện đại, thí dụ công nghệ điện toán, v.v.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, những thay đổi to lớn mà Internet mang lại, thì hiện nay các nước trên thế giới ngày càng quan tâm hơn đến mặt trái của Internet, cụ thể là các thách thức như an ninh mạng, thông tin độc hại, những tác động tiêu cực về mặt văn hóa - xã hội. Hiện nay lượng thông tin xấu, độc hại trên mạng Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều, vấn nạn tấn công mạng, mất an toàn thông tin như thư rác, mã độc tống tiền đang nhằm vào nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hiện đang gia tăng về số lượng và quy mô. ÔngMans Svenssonchia sẻ: Thụy Điển đã có nhiều quy định liên quan đến việc sử dụng Internet nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, bảo vệ quyền riêng tư và ngăn chặn việc sử dụng Internet vào mục đích phá hoại, khủng bố. EU cũng đã ban hành các quy với  các chế tài xử phạt nghiêm hành vilợi dụng mạng xã hội để phát tán tin tức giả mạo, phá hoại.

Tại Tọa đàm, ông Guy Berger cũng chia sẻ về nguyên lý trong ứng dụng Internet tạo nền tảng cho sự phát triển của xã hội với 4 trụ cột là: nhân quyền, tính cởi mở, quyền tiếp cận và sự tham gia của các bên liên quan. Quyền bảo đảm sự riêng tư là một quyền hết sức quan trọng của con người; hiện nay, trên mạng Internet xuất hiện tình trạng vi phạm quyền bình đẳng, công bằng, và riêng tư của các cá nhân, do đó cần có biện pháp ngăn chặn hợp lý, kịp thời. Bên cạnh đó, mọi người đều có quyền tiếp cận thông tin, tuy nhiên cần định hướng cho người sử dụng Internet, đặc biệt là giáo dục thanh thiếu niên, trẻ em trong việc chọn lọc, tiếp cận thông tinmột cáchphù hợp.

Thùy Linh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền