Trang chủ    Tin tức    Tọa đàm khoa học Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Hà Nội Điện Biên Phủ trên không (1972-2017)
Thứ ba, 02 Tháng 1 2018 10:26
1878 Lượt xem

Tọa đàm khoa học Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Hà Nội Điện Biên Phủ trên không (1972-2017)

(LLCT) - Sáng 29-12-2017, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học “Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Hà Nội Điện Biên phủ trên không (1972-2017)”. PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Lê Văn Lợi, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Phạm Tuân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh chính trị Quân chủng Phòng không – Không quân; Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, Đại tá Nghiêm Đình Tích, nguyên Trưởng Ban Tổng kết Lịch sử quân chủng Phòng không – Không quân, nguyên Đài Trưởng đài rađa P35; Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Hải Phòng; nhiều tướng lĩnh đại điện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cùng đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài Học viện.

Chiến dịch Linebacker II là đòn tấn công quân sự cao nhất của Hoa Kỳ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, diễn ra từ ngày 18-12 đến ngày 30-12 năm 1972; là sự nối tiếp chiến dịch Linebacker diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1972. Ngoại trừ điểm khác biệt lớn là lần này Hoa Kỳ tấn công dồn dập bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 thay vì các máy bay chiến thuật, mục đích là dùng sức mạnh và biện pháp không hạn chế đánh thẳng vào trung tâm đầu não của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong chiến dịch này, Mỹ đã huy động loại máy bay ném bom chiến lược mạnh nhất là “pháo đài bay” B-52 làm nòng cốt để ném bom rải thảm hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh. Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc Việt Nam trong toàn thời kỳ từ 1969 đến 1971.

Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng đã góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc XHCN, giữ vững thành quả cách mạng; buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, góp phần quan trọng vào giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS, TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh: Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vừa là dịp để ôn lại chiến công hào hùng của quân và dân ta, đồng thời, thêm một lần khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, là dịp để các thế hệ cán bộ và nhân dân Việt Nam đi sâu nghiên cứu những nhân tố làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, cuộc đọ sức 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 nói riêng, làm sáng tỏ thêm sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong thời đại mới, mà cốt lõi được biểu hiện bằng tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Hơn 40 tham luận và các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đã làm sáng tỏ những nội dung sau:

(1) Khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, sáng tạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

(2) Phân tích làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” với thắng lợi trên chiến trường miền Nam và chiến trường 3 nước Đông Dương trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo bước ngoặt làm thay đổi căn bản cục diện chiến tranh, mở ra thời cơ lớn cho quân và dân ta giành thắng lợi quyết định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.

(3) Khẳng định tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” là đỉnh cao của cuộc đụng đầu lịch sử giữa lực lượng phòng không – không quân nhân dân Việt Nam với lực lượng không quân chiến lược Mỹ, là biểu tượng của ý chí kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam.

(4) Làm rõ Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của chiến tranh nhân dân, của “thế trận phòng không nhân dân” bảo vệ miền Bắc XHCN, đỉnh cao của chiến tranh nhân dân đất đối không chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ; sự kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới.

Phát biểu tại Tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Đức Soát nêu rõ bối cảnh lịch sử diễn ra chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Trong thời điểm đó, để cứu vãn tình thế cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn cùng những tổn thất nặng nề, Mỹ buộc phải tìm cách thoát khỏi chiến tranh Việt Nam bằng một trận chiến kết thúc chiến tranh. Ngày 7-11-1972, sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ  nhiệm kỳ thứ hai, Ních xơn bí mật chuẩn bị một kế hoạch tập kích đường không chiến lược bằng B-52 đánh vào một số mục tiêu quan trọng trên miền Bắc nhằm đánh hủy diệt, làm tê liệt ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta, buộc ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện mà chúng đưa ra ở Hội nghị Paris.

Phát biểu tại Tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt nêu rõ những nguyên nhân thắng lợi của “Điện Biên Phủ trên không”, trong đó nguyên nhân quan trọng và then chốt là trí tuệ, tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Đó là động lực để Đảng, bộ đội và nhân dân Việt Nam tìm tòi, nghiên cứu những phương thức chiến đấu, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm chiến đấu trên lý thuyết với thực tiễn chiến trường nhằm tạo được những lợi thế cho ta trong suốt chiến dịch. Việc cải tiến vũ khí để phù hợp với tình thế chiến đấu cũng được xem là yếu tố quan trọng làm nên từng chiến thắng nhỏ, từ đó làm nên đại thắng của trận chiến.

Chia sẻ tại Tọa đàm, Trung tướng Phạm Tuân, một trong ít người Việt Nam bắn hạ máy bay B-52 khẳng định, thắng lợi của 12 ngày đêm “Điện Biên phủ trên không” là thắng lợi của nghệ thuật chiến đấu với máy bay B-52; chiến tranh nhân dân ở mức độ cao có sự kết hợp giữa bộ đội địa phương, dân quân du kích và bộ đội Phòng không - Không quân; ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong hoàn thành mục tiêu của Trung ương Đảng. Có được thắng lợi đó là do có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong đánh giá âm mưu, diễn tiến cuộc chiến, chỉ đạo và vận dụng phương thức chiến đấu sáng tạo, linh hoạt; sự tích cực chủ động trong xây dựng lực lượng chiến đấu, đặc biệt là xây dựng lực lượng chuyên biệt bắn hạ máy bay B-52; chủ động chuẩn bị, nghiên cứu kỹ các tình thế chiến đấu của địch và các chiến thuật ứng phó. Những điều đó đã được minh chứng qua từng cuộc chiến trong chiến dịch.

Tại Tọa đàm, Đại tá Nghiêm Đình Tích cung cấp những thông tin về đặc trưng vũ khí chiến đấu của máy bay B-52 và những kỹ thuật phát hiện máy bay B-52 qua hệ thống rađa giúp các bộ đội Quân chủng Phòng không – Không quân nắm chắc tình hình địch trên không và có những biện pháp ứng phó kịp thời. Với nghệ thuật sáng tạo, độc đáo trong tác chiến phòng không - không quân, các chiến sĩ phụ trách rađa theo dõi đã không để Hà Nội, Hải Phòng bị bất ngờ trước âm mưu của Mỹ. 

Kết thúc Tọa đàm, PGS, TS  Lê Văn Lợi đánh giá cao những ý kiến đóng góp, các phát biểu tại Tọa đàm đã làm sáng rõ và khẳng định tầm nhìn chiến lược nhạy bén, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình thế chiến tranh; chiến thắng của chiến dịch là đỉnh cao của ý chí, nghệ thuật quân sự phòng không – không quân và chiến tranh nhân dân, có ý nghĩa và giá trị vận dụng trong thế trận phòng không – không quân hiện nay. Qua các kiến của các nhà khoa học, góc nhìn của các nhân chứng sống, Tọa đàm đã thu nhận được nhiều tư liệu gốc quý giá, làm cơ sở chuẩn hóa những tư liệu liên quan phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành Lịch sử Đảng trong hệ thống giáo dục - đào tạo.

Nguyễn Thị Lan

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền