Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản tư tưởng C.Mác và ý nghĩa thời đại”
Thứ sáu, 04 Tháng 5 2018 15:55
2856 Lượt xem

Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản tư tưởng C.Mác và ý nghĩa thời đại”

(LLCT) - Sáng ngày 4-5-2018, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh C.Mác (5/5/1818 – 5/5/2018), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam,Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản tư tưởng C.Mác và ý nghĩa thời đại”.Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học đến từ Việt Nam, Trung Quốc và Lào.

(GS, TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo)

Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS,TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS,TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; PGS,TS Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS,TS Lê Quốc Lý , Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, khẳng định: C.Mác là nhà lý luận thiên tài, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Cuộc đời và những di sản tư tưởng của C.Mác đã đi vào lịch sử nhân loại với vị trí kiệt xuất trong hàng ngũ những vĩ nhân. Đúng như Ph.Ăngghen khẳng định: "Tên tuổi Người, sự nghiệp của Người sống mãi nghìn thu!". C.Mác đã để lại cho nhân loại một kho tàng tri thức đồ sộ và phong phú ở nhiều mặt, trên nhiều lĩnh vực như: triết học, xã hội học, kinh tế học, lịch sử, pháp lý, chính trị,... Đó là kết quả của sự lao động quên mình, niềm say mê nghiên cứu khoa học, tiếp thu có phê phán, vượt qua cả những thiên tài trước đó. Đó còn là kết quả của sự tổng kết thực tiễn và khái quát lý luận về phong trào công nhân châu Âu sôi động lúc bấy giờ. Nhưng trên hết và trước hết, đó là sự sáng tạo tuyệt vời của một bộ óc thiên tài, một bậc vĩ nhân, có ảnh hưởng to lớn nhất trong mọi thời đại của nhân loại. Những đóng góp lớn lao của ông là:

  • Xây dựng một thế giới quan và phương pháp luận mới, khoa học và cách mạng, đem lại cho nhân loại tiến bộ và nhất là cho giai cấp công nhân một công cụ vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới. Đó là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.
  • C. Mác đã vạch ra những quy luật kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa, nhìn nhận chủ nghĩa tư bản trong cả quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của nó.Một trong hai phát kiến vĩ đại của Mác là việc phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư được ví như “hòn đá tảng” trong toàn bộ học thuyết của Mác. Quy luật giá trị thặng dư là quy luật cơ bản, phổ biến của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
  • Với hai phát kiến khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, C.Mác đã đặt nền móng vững chắc cho việc hiện thực hóa tư tưởng về chủ nghĩa xã hội khoa học - học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột và tha hóa.

Vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào điều kiện lịch sử cụ thể ở nước Nga trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, bước đầu bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, V.I.Lênin đã bổ sung, phát triển, tạo nên giai đoạn Lênin trong sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác và hình thành nên chủ nghĩa Mác - Lênin. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười năm 1917, chủ nghĩa xã hội từ một học thuyết trở thành một chế độ chính trị - xã hội hiện thực; chủ nghĩa Mác từ một “bóng ma ám ảnh châu Âu” đã được hiện thực hóa trong phong trào công nhân, mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Sự hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đã tác động mạnh mẽ đến tiến trình phát triển của loài người, là chỗ dựa cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đứng lên đấu tranh tự giải phóng, xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Những thắng lợi to lớn của chủ nghĩa xã hội đã làm thay đổi bộ mặt thế giới, là minh chứng hùng hồn cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết khoa học và cách mạng, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân và toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành cách mạng thành công, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nỗ lực xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ công cuộc đổi mới. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước. Việt Nam từ một nước có trình độ kinh tế - xã hội lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng cao. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn 30 năm đổi mới, một lần nữa khẳng định sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tính đúng đắn của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng của Mác  cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin đã, đang và sẽ là ngọn đuốc dẫn đường  cho cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà khoa học tập trung thảo luận về: giá trị lý luận trong di sảntư tưởng của C.Mác; vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển tư tưởng của C.Mác phù hợp thực tiễn ở mỗi quốc gia, dân tộc; một số vấn đề do thực tiễn mới đặt ra cần được soi sáng bằng  tư tưởng của C.Mác.

Với 85 tham luận gửi tới Hội thảo và nhiều tham luận trình bày tại hội trường: Tư tưởng C.Mác về môi trường và tự nhiên – vấn đề tăng trưởng xanh và bảo vệ toàn cầu hiện nay (TS Phương Sỉ Lâu Phủng, Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Lào); Tính khoa học và tính cách mạng của chủ nghĩa Mác và ý nghĩa thời đại (GS,TS Lê Hữu Nghĩa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); Từ tư tưởng của C.Mác về dân chủ đến nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương); Sức sống nội tại của chủ nghĩa Mác trong tương quan với khả năng, tính tất yếu của quá trình bản địa hóa (GS,TS Kim Dân Khanh, Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác, Trung Quốc); Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác trên lĩnh vực triết học và vấn đề tìm đường phát triển của Trung Quốc (GS,TS Uông Tín Nghiêm, Đại học Vũ Hán, Trung Quốc)… các nhà khoa học phân tích làm rõ hơn một số nhóm vấn đề:

Về giá trị lý luận trong di sản tư tưởng của C.Mác

Các nhà khoa học tiếp tục khẳng dịnh: nhiều giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn mang sức sống trường tồn, vẫn tiếp tục tỏa sáng: chủ nghĩa nhân văn vì con người, với phương pháp biện chứng duy vật, quan niệm duy vật về lịch sử, học thuyết về giá trị thặng dư, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, học thuyết về chủ nghĩa xã hội… Chủ nghĩa Mác đã trải qua hơn 170 năm, thực tiễn đã có nhiều thay đổi; khoa học - kỹ thuật có những bước phát triển vượt bậc; phong trào công nhân trở nên rất đa dạng và có những thay đổi to lớn; chủ nghĩa tư bản với những thích nghi mới vẫn tồn tại, song những thách thức, khủng hoảng thuộc về bản chất nội tại của nó vẫn tiếp tục tiềm ẩn; các lực lượng thù địch dùng nhiều thủ đoạn chống phá, bôi nhọ, xuyên tạc, thậm chí tìm mọi cách phủ nhận, nhưng tư tưởng của C.Mác cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn phát triển, vẫn tràn đầy sức sống, vẫn là thế giới quan, phương pháp luận khoa học của hàng triệu người trên trái đất.

Các nhà khoa học nhấn mạnh: với tinh thần khoa học và khách quan, cần phải đặt học thuyết Mác trong bối cảnh lịch sử cụ thể để nhìn nhận, đánh giá đúng những luận điểm của học thuyết Mác. Chúng ta cần học tập tầm nhìn chiến lược, phương pháp tư duy và bản lĩnh của V.I.Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào điều kiện cụ thể, làm cơ sở để bổ sung, hoàn thiện chủ nghĩa Mác. Điều cần tránh là đánh giá học thuyết Mác một cách giáo điều, chung chung. Những người cộng sản cần vững vàng trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp tục đấu tranh, bác bỏ những quan điểm sai trái, xuyên tạc học thuyết Mác - Lênin; vững tin vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Về sự cần thiết phải vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển tư tưởng của C.Mác phù hợp thực tiễn ở mỗi quốc gia, dân tộc

Các tham luận trình bày tại Hội thảo đều khẳng định: việc vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển tư tưởng của C.Mác phù hợp thực tiễn ở mỗi quốc gia, dân tộc là yếu tố tiên quyết để cách mạnh thành công; là cách bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác hữu hiệu nhất.Sự hình thành tư tưởng của C.Mác là một quá trình phát triển từ tinh thần dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản chủ nghĩa; từ thế giới quan duy tâm sang thế giới quan duy vật biện chứng. Mỗi nguyên lý trong học thuyết của C.Mác cũng luôn được bổ sung, phát triển bằng tổng kết thực tiễn phong trào công nhân và khái quát các thành tựu khoa học hiện đại. Sau này, V.I. Lênin, xuất phát từ những điều kiện thực tiễn cụ thể của thời đại mình đã bổ sung, phát triển lý luận của C.Mác. Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những vận dụng hết sức sáng tạo và bổ sung nhiều luận điểm mới cho chủ nghĩa Mác phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Nghiên cứu và vận dụng, bổ sung, phát triển  tư tưởng của C.Mác phải dựa trên tinh thần biện chứng chứ không được giáo điều, xơ cứng; phải linh hoạt, tùy từng điều kiện thực tiễn lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc. Thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới đã chứng tỏ rằng: lúc nào, ở đâu những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng đúng đắn, sáng tạo thì ở nơi đó, lúc đó cách mạng vượt qua được những thử thách để tiến lên. Ngược lại, ở đâu và lúc nào, các nguyên lý ấy bị hiểu sai, vận dụng máy móc giáo điều, xét lại, thì cách mạng gặp khó khăn, tổn thất, thậm chí thất bại.

Về một số vấn đề do thực tiễn mới đặt ra cần được soi sáng bằng  tư tưởng của C.Mác

Chủ nghĩa tư bản hiện đại mặc dù có tiến bộ hơn so với chính nó vào thời điểm mà C.Mác nghiên cứu nhưng vẫn có những khiếm khuyết nội tại không thể tự mình khắc phục. Bất bình đẳng xã hội vẫn tồn tại và ngày càng gay gắt ở ngay các nước tư bản giàu có; chênh lệch giàu nghèo giữa các nước phát triển và đa số các nước đang phát triển ngày càng trầm trọng. Xung đột, khủng bố, bạo lực và bất ổn xã hội vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức lớn của nhân loại. Điều này càng chứng tỏ, lý luận của chủ nghĩa Mác về xã hội tư bản chủ nghĩa vẫn luôn đúng và lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội vẫn giữ nguyên giá trị khoa học, thực tiễn.

Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong thời đại mới vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị thời đại.Dù nền sản xuất hiện đại được tự động hóa, nhưng xét về nội dung kinh tế thì giai cấp công nhân hiện đại vẫn là người sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu cho xã hội và là những người phải được hưởng thụ xứng đáng các thành quả phát triển; chỉ có giai cấp công nhân mới tập hợp được các giai tầng lao động khác do Đảng Cộng sản lãnh đạo để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; chỉ có giai cấp công nhân mới giải quyết được các vấn đề chính trị - xã hội trong quá trình xây dựng xã hội mới; chỉ có giai cấp công nhân mới là lực lượng xác lập được các hệ giá trị mới, như: lao động, công bằng, dân chủ, bình đẳng, tự do… để thay thế cho hệ giá trị tư sản cũ.

Những mục tiêu mà các mô hình phát triển hiện đại trên thế giới hướng tới, như: mang đến cho con người một cuộc sống tiện nghi, không phân biệt về tuổi tác, sức khỏe, giới tính, địa lý, ngôn ngữ; bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững; giải phóng và phát triển con người... cũng chính là luận điểm căn bản mà C.Mác đã khẳng định trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cách nay 170 năm, phù hợp với bản chất nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội. Ýnghĩa thời đại của học thuyết Mác với những tiên lượng và giá trị trường tồn, là luận cứ khoa học đầy sức thuyết phục, luôn thôi thúc chúng ta xây dựng khát vọng và tầm nhìn phát triển hướng tới một xã hội hiện đại, nhân văn, bao trùm và bền vững, vì con người, lấy con người làm trung tâm, do con người và giải phóng con người như một giá trị cốt lõi, phổ quát nhất của nhân loại.

Kết luận Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định thành công của Hội thảo ở sự phong phú về chủ đề, số lượng và chất lượng của các bài tham luận gửi tới Ban tổ chức Hội thảo. Nhờ đó, cung cấp cái nhìn hệ thống về học thuyết Mác, về những đóng góp vĩ đại và sức sống vĩ đại của Học thuyết Mác trên các lĩnh vực khác nhau, để vận dụng linh hoạt vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tham luận gửi đến Ban Tổ chức sẽ được xuất bản để phổ biến đến đông đảo bạn đọc.

Hoa Mai

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền