Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: 60 năm tác phẩm "Đạo đức cách mạng" - Giá trị lý luận và thực tiễn
Thứ sáu, 18 Tháng 5 2018 10:50
3721 Lượt xem

Hội thảo khoa học: 60 năm tác phẩm "Đạo đức cách mạng" - Giá trị lý luận và thực tiễn

(LLCT) - Kỷ niệm 60 năm ra đời tác phẩm Đạo đức cách mạng và 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2018), sáng 17-5-2018, Lớp Cao học k24, chuyên ngành Hồ Chí Minh học, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng tổ chức Hội thảo khoa học: 60 năm tác phẩm Đạo đức cách mạng – Giá trị lý luận và thực tiễn. PGS, TS Trần Minh Trưởng, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng dự và chủ trì Hội thảo.

 

Trước tình hình mới của cách mạng, tháng 12-1958, dưới bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Đạo đức cách mạng. Tác phẩm được in lần đầu trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), sau đó được Nhà xuất bản Sự thật (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ngày này) in thành sách và phát hành ngay trong tháng 12 -1958. Tuy cuốn sách chưa đầy 20 trang nhưng nội dung rất phong phú, lối viết súc tích, văn phong giản dị, dễ hiểu, chứa đựng những tư tưởng lớn về đạo đức mới – đạo đức cách mạng.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đại diện Học viên Lớp nêu rõ những giá trị của tác phẩm Đạo đức cách mạng, là tác phẩm đầu tiên và duy nhất trình bày một cách hệ thống, hoàn chỉnh và bao quát những vấn đề cơ bản của Hồ Chí Minh và đạo đức cách mạng. Tác phẩm khẳng định vai trò quan trọng của đạo đức cách mạng, chỉ rõ kẻ thù, những nguy cơ đạo đức cách mạng, đồng thời nêu rõ nêu rõ những biện pháp để ngăn ngừa và sửa chữa căn bệnh đó. Tác phẩm có ý nghĩa to lớn về lý luận và thực tiễn đối với Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên và toàn dân ta.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Trần Minh Trưởng nhấn mạnh ý nghĩa của Hội thảo “60 năm tác phẩm Đạo đức cách mạng – Giá trị lý luận và thực tiễn”, là dịp để làm sâu sắc hơn những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm Đạo đức cách mạng, đồng thời góp phần tuyên truyền các chuẩn mực đạo đức cách mạng tới mỗi cán bộ, đảng viên.

Hơn 30 tham luận và phát biểu tại Hội thảo tập trung làm rõ vai trò, nội dung của đạo đức cách mạng; những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm Đạo đức cách mạng.

Các tham luận tại Hội thảo khẳng định, trong tác phẩm  Đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ, để chống lại chủ nghĩa cá nhân, nhất định phải rèn luyện, tu dưỡng và thấm nhuần sâu sắc đạo đức cách mạng. Có đạo đức cách  mạng thì khi gặp khó khăn gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước… Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Theo Người, đạo đức cách mạng là: quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.

Nội dung cụ thể của đạo đức cách mạng là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, đoàn kết chặt chẽ với nông dân, trí thức và toàn dân tộc, ngoài lợi ích của giai cấp và dân tộc, Đảng không có lợi ích nào khác. Đạo đức cách mạng là phải thực hiện được các mục tiêu của Đảng, phải hoàn thành một cách xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Đạo đức cách mạng là, vô luận cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không cúi đầu. Đạo đức cách mạng là, phải luôn luôn thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên phải thật sự gương mẫu, lời nói phải đi đôi với việc làm, tư tưởng phải thống nhất với việc làm. Đạo đức cách mạng là, phải biết hy sinh cho sự nghiệp của Đảng, của Tổ quốc và của dân tộc, coi đó là niềm vinh dự.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Luyến (Trường Chính trị tỉnh Hòa Bình)  phân tích những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa tập thể được thể hiện trong tác phẩm, đồng thời nêu những cách thức xây dựng phong cách làm việc quần chúng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Theo đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống; chống và bài trừ các hành vi mang tính chủ nghĩa cá nhân, đặc quyền, đặc lợi; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân...

Trình bày tham luận Quan điểm về giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích cách mạng của Hồ Chí Minh trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Kim Huệ (Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang)  chỉ rõ tính biện chứng, đúng đắn của việc giải quyết hài hòa lợi ích cách mạng và lợi ích cá nhân trong quan điểm của Hồ Chí Minh. Theo Người, lợi ích của nhân dân, dân tộc và cách mạng phải đặt lên trước lợi ích cá nhân. Khi hai lợi ích mâu thuẫn nhau thì lợi ích cá nhân phải phục tùng lợi ích cách mạng, nhân dân, dân tộc. Ngược lại, lợi ích chung cũng sẽ tạo điều kiện cho cá nhân phát triển. Sự thống nhất, hài hòa giữa hai lợi ích này là động lực cho cá nhân hoạt động, là cơ sở cho sự gắn bó giữa cá nhân với tập thể và xã hội, đồng thời phát huy được sức mạnh cá nhân, cộng đồng trong sự nghiệp cách mạng chung.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trần Văn Cường (Trường Chính trị Tiền Giang) phân tích một số giải pháp nhằm đẩy mạnh việc hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng”. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với lý tưởng của Đảng, quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân; ham học hỏi, tự tu dưỡng, tự rèn luyện bản thân để không ngừng tiến bộ; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; tích cực tự phê bình và phê bình, dám chống lại cái sai, bảo vệ cái đúng; tích cực học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; rèn luyện tác phong quần chúng, gần dân, hiểu dân, tôn trọng nhân dân...

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS, TS Lý Việt Quang, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội thảo. Các tham luận và phát biểu đã khẳng định nội dung, những vấn đề có tính nguyên tắc để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng, để chống chủ nghĩa cá nhân trong tác phẩm Đạo đức cách mạng. Trong tình hình hiện nay, khi đất nước đang thực hiện đẩy mạnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, những chuẩn mực đạo đức cách mạng trong tác phẩm càng sáng rõ và có giá trị thực tiễn cao trong việc chống tham ô, quan liêu, tham nhũng, lãng phí; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, vững mạnh. nội dung, những vấn đề có tính nguyên tắc để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, để chống chủ nghĩa cá nhân trong tác phẩm Đạo đức cách mạng. Trong tình hình hiện nay, khi đất nước đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, những chuẩn mực đạo đức cách mạng trong tác phẩm càng sáng rõ và có giá trị thực tiễn cao trong việc chống tham ô, quan liêu, tham nhũng, lãng phí; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, vững mạnh.

Nguyễn Thị Lan

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền