Trang chủ    Tin tức     Hội thảo khoa học quốc tế: Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng
Thứ sáu, 09 Tháng 11 2018 08:07
1375 Lượt xem

Hội thảo khoa học quốc tế: Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng

(LLCT) - Sáng ngày 8-11-2018, Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng” đã diễn ra tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo Đại biểu nhân dân và cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đồng tổ chức.

.

Hội thảo có sự tham dự của: GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương; PGS, TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân; ông Kim Do-hyon, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Đại hàn dân quốc tại Việt Nam; ông Kim Jinoh, Giám đốc quốc gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc; cùng các chuyên gia của Việt Nam và Hàn Quốc trong các lĩnh vực hoạch định, truyền thông và giảng dạy chính sách.

Chủ trì Hội thảo có: PGS, TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân; ông Kim Do-hyon, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Kim Jinoh, Giám đốc quốc gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc.

Hội thảo gồm 2 phiên với 10 tham luận do các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc trình bày. Phiên 1 tập trung vào kinh nghiệm của Việt Nam và Hàn Quốc trong truyền thông chính sách lấy công chúng làm trung tâm. Phiên 2 tập trung vào các giải pháp và sáng kiến nhằm tăng cường sự tham gia của công chúng trong quá trình chính sách. Với cách tiếp cận lấy công chúng làm trung tâm, Hội thảo tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp để gắn kết người dân trong quá trình chính sách, từ đó nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, truyền thông chính sách nhằm xây dựng đồng thuận xã hội là vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Hiệu quả truyền thông chính sách không chỉ quyết định sự thành công của từng chính sách riêng lẻ mà còn góp phần bảo đảm năng lực điều hành của Chính phủ cũng như năng lực của đảng cầm quyền. Công chúng là trung tâm trong quá trình chính sách không chỉ ở việc công chúng là đối tượng của chính sách mà còn là người tham gia quá trình chính sách, phản hồi về các lựa chọn chính sách và đánh giá tác động của chính sách. Đề làm được điều này, cần có các mô hình và giải pháp để tiếp nhận, phân tích phản hồi của công chúng như mô hình chính phủ điện tử hay các mô hình truyền thông ứng dụng công nghệ khác.

Theo PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân, gắn kết công chúng trong quá trình chính sách là giải pháp quan trọng không chỉ để tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách mà còn nâng cao năng lực tiếp nhận, đánh giá và phản hồi chính sách của công chúng. Đây là yêu cầu đối với việc bảo đảm quyền thong tin của người dân và tang cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan hoạch định chính sách.

Nhiều ý kiến trao đổi tại hội thảo tập trung vào điều kiện tiếp nhận chính sách của công chúng hiện nay. Trong đó, minh bạch hoá thông tin là điều kiện cơ bản để người dân có thể thực hiện quyền được biết của mình. Chỉ khi người dân tiếp cận được những thông tin đầy đủ và chính xác, họ mới có thể thực hiện “quyền được bàn”. Công tác truyền thông về các kỳ họp của Quốc hội giúp người dân theo dõi các cuộc thảo luận chính sách tại nghị trường. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia về làm rõ tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin của công chúng trong bối cảnh bùng nổ công nghiệp và truyền thông xã hội như hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc bảo đảm công bằng thông tin giữa các khu vực có trình độ phát triển khác nhau trở thành một yêu cầu cấp thiết. Một số đại biểu cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường điều kiện và năng lực tiếp nhận thong tin của người dân ở khu vực nông thôn và miền núi.

Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng” là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ Học viện Báo chí và Tuyên truyền tăng cường năng lực thực thi chính sách của Chính phủ” do KOICA tài trợ.

Nguyễn Thúy Thảo     

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền