Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học: Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên, nhà lý luận xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh
Thứ năm, 02 Tháng 5 2019 10:04
1300 Lượt xem

Hội thảo khoa học: Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên, nhà lý luận xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh

(LLCT) - Kỷ niệm 115 ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1-5-1904 - 1-5-2019), chiều 26-4-2019, tại Hà Tĩnh, Trường Chính trị Trần Phú Hà Tĩnh phối hợp với Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Hội thảo khoa học: Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên, nhà lý luận xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh; PGS, TS Trần Minh Trưởng, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Đinh Quốc Thị, Hiệu trưởng Trường Chính trị Trần Phú Hà Tĩnh chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Đào Duy Báu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, đại diện lãnh đạo ban, ngành của Tỉnh, thân nhân của đồng chí Trần Phú cùng đông đảo cán bộ Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, cán bộ các cơ quan ban ngành Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Đồng chí Trần Phú được sinh ra tại thôn An Thổ, xã Dân An, huyện Tuy An (Phú Yên), nay là xã Tùng Ảnh huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) – một vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi mới lên 6 tuổi, được sự giúp đỡ của bà con họ hàng, năm 1918, ông học xong bậc Tiểu học tại Trường Pháp - Việt Đông Ba, sau đó tiếp tục theo học Trường Quốc học Huế. Năm 1922, đồng chí Trần Phú làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, Vinh - Nghệ An. Đồng chí Trần Phú sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng trên cương vị là người tham gia sáng lập và hoạt động tích cực trong tổ chức yêu nước. Tháng 7 năm 1930, đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được phân công trực tiếp khởi thảo Luận cương Chính trị của Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 10-1930, Luận cương chính trị được thông qua và đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Giữa lúc phong trào cách mạng Việt Nam đang đòi hỏi sự lãnh đạo tập trung của Đảng và vai trò của đồng chí Tổng Bí thư, ngày 19-4-1931, đồng chí Trần Phú bị thực dân Pháp bắt và tra tấn dã man. Ngày 6-9-1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 27, để lại niềm cảm phục, tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Trần Minh Trưởng ôn lại tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú: Cuộc đời cách mạng của đồng chí Trần Phú tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại một tấm gương sáng chói về chí khí cách mạng và tinh thần kiên trung, bất khuất của người cộng sản. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú đã trở thành biểu tượng cao đẹp, mãi mãi được cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tin yêu, kính phục. Hội thảo khoa học: Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên, nhà lý luận xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh là dịp để các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam nhận rõ hơn những đóng góp của đồng chí Trần Phú với quê hương Hà Tĩnh và cách mạng Việt Nam. Trên tinh thần đó, các tham luận tại Hội thảo cần tập trung làm sâu sắc thêm những đóng góp xuất sắc về lý luận của đồng chí Trần Phú đối với cách mạng Việt Nam, vào việc xây dựng Đảng và các tổ chức đoàn thể cách mạng cũng như quê hương Hà Tĩnh.

Hơn 35 tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung phân tích làm rõ quá trình hoạt động cách mạng và những cống hiến xuất sắc của đồng chí Trần Phú với sự nghiệp cách mạng của dân tộc; những đóng góp của đồng chí Trần Phú với quê hương Hà Tĩnh.

Các tham luận tại Hội thảo khẳng định, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, người cộng sản kiên trung và là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, đã để lại những di sản quý báu, những bài học có ý nghĩa sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Đồng chí Trần Phú có những đóng góp xuất sắc về lý luận đối với cách mạng Việt Nam, trực tiếp soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng của Đảng, trong đó Luận cương chính trị (tháng 10-1930)đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, những luận điểm cơ bản trong chính cương vắn tắt và sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng. Luận cương đã xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với vận mệnh nước nhà; đồng thời vạch rõ chủ trương, đường lối chính trị của Đảng trong việc giành độc lập cho dân tộc và phát triển đất nước.

Với công tác xây dựng Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong những năm đầu thành lập, đồng chí Trần Phú đã có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền, giác ngộ phong trào cách mạng vô sản; xây dựng, củng cố tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng các tổ chức đoàn thể cách mạng như: tổ chức Thanh niên Cộng sản thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương và các văn kiện xây dựng các tổ chức quần chúng Mặt trận dân tộc, Nông hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cứu tế đỏ... Đồng chí Trần Phú đưa ra các quan điểm mới về xây dựng tổ chức đoàn thể quần chúng và phương pháp vận động công nhân (công vận), đó là trong công tác công vận, cần phải có quan niệm đúng, phải nắm thợ "áo xanh”, trong khẩu hiệu đấu tranh, phải biết hướng dẫn tổ chức tập hợp giữa đấu tranh kinh tế với đấu tranh chính trị. Hệ thống các quan điểm của Tổng Bí thư Trần Phú trong xây dựng Đảng và các tổ chức quần chúng cách mạng là sự vận dụng sáng tạo quan điểm, tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin vào cách mạng Việt Nam.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học phân tích làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và chí hướng cách mạng của đồng chí Trần Phú. Truyền thống văn hóa yêu nước, cách mạng của gia đình và quê hương Hà Tĩnh, yếu tố nội lực bản thân đồng chí Trần Phú như: thông minh, say mê học tập, nỗ lực, tận tụy trong công việc, kiên định, bền bỉ, “giữ vững chí khí chiến đấu” trong mọi hoàn cảnh là các nhân tố tác động hình thành nhân cách, phẩm chất và ý chí chiến đấu cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Trần Phú. Ở đồng chí Trần Phú là sự kết tinh trọn vẹn tinh hoa của gia đình và quê hương hài hòa trong bối cảnh thời đại.

Kết thúc Hội thảo, đồng chí Đinh Quốc Thị đánh giá cao các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo, đã phân tích làm sâu sắc thêm hệ thống quan điểm, tư tưởng, phẩm chất đạo đức cách mạng của đồng chí Trần Phú, những đóng góp lý luận xuất sắc của đồng chí với các mạng và quê hương Hà Tĩnh. Đồng chí Trần Phú là tấm gương sáng ngời về ý chí, nghị lực của người đảng viên cộng sản mà các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân ta luôn tin yêu, kính phục và noi theo.

Nguyễn Thị Lan

 

 

 

         

         

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền