Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học – thực tiễn: “Một số vấn đề về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong giai đoạn hiện nay”
Thứ tư, 02 Tháng 10 2013 15:10
5763 Lượt xem

Hội thảo khoa học – thực tiễn: “Một số vấn đề về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong giai đoạn hiện nay”

(LLCT) - Ngày 22-7-2013, tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh uỷ Đắk Nông tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn "Một số vấn đề về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong thời kỳ hiện nay".

 

PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, phát biểu đề dẫn

 

Dự và chủ trì Hội thảo có PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông Bùi Văn Mùa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Phan Thanh Ba, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đắk Nông.

Ban Tổ chức đã nhận được trên 20 tham luận gửi đến Hội thảo của các đồng chí lãnh đạo các Tỉnh ủy Đắk Nông và các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên, các nhà khoa học Học viện, Ban Dân vận Trung ương.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Lê Quốc Lý khẳng định trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, nhờ vậy đã khơi dậy, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng mỗi giai đoạn.

Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết để đổi mới công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Để tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Hội nghị Trung ương 7 khóa XI vừa qua đã đề ra bảy nhiệm vụ và giải pháp nhằm làm tốt hơn nữa công tác vận động quần chúng trong thời kỳ mới.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo là hoạt động để quán triệt các quan điểm, chủ trương mới của Đảng thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 7, đồng thời là dịp để từ thực tiễn công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên, địa bàn chiến lược về an ninh, quốc phòng của đất nước, đúc rút những bài học kinh nghiệm, những giải pháp để làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong tình hình mới.

Thực hiện định hướng thảo luận tại báo cáo đề dẫn do PGS, TS Lê Quốc Lý trình bày, Hội thảo tập trung vào thảo luận, làm rõ, sâu sắc hơn các nội dung chủ yếu: Về các vấn đề mang tính lý luận về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, trên cơ sở những đặc điểm, đặc trưng của công tác vận động, về phẩm chất và phong cách cán bộ dân vận, các đại biểu hướng vào thảo luận, làm rõ hơn nữa những khía cạnh lý luận, quán triệt sâu sắc chỉ dẫn của Hồ Chí Minh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Về thực trạng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nói chung, các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, những kết quả đạt được và những yếu kém, bất cập; nguyên nhân. Nêu những kinh nghiệm từ thực tiễn công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở Tây Nguyên. Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong giai đoạn mới.

Các tham luận gửi đến và các phát biểu tại Hội thảo đã tập trung làm rõ những nội dung cơ bản sau:

Về đặc điểm tình hình tư tưởng, dân tộc, tôn giáo nói chung, tình hình trên địa bàn Tây Nguyên, tỉnh Đắk Nông nói riêng, các tham luận của đồng chí Nguyễn Văn Thử, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông, Cao Đức Kiêm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk, Lê Văn Toàn Trưởng Đại diện Ban Dân vận Trung ương tại miền Trung, Nguyễn Xuân Ảnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai nêu rõ tư tưởng chủ đạo trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo vẫn là một lòng một dạ đi theo Đảng, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng; tích cực lao động sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội. Mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, giữa đồng bào có đạo và không có đạo tiếp tục được củng cố.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, một số tham luận chỉ rõ những yếu tố tác động dẫn đến tình hình tư tưởng của đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dân vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp. Đó là một bộ phận đồng bào dân tộc có tâm lý tự ty, tư tưởng ỷ lại vào chính sách ưu tiên, hỗ trợ của Nhà nước, không phấn đấu vươn lên; sự phân hoá giàu nghèo giữa đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc, giữa đồng bào thiểu số tại chỗ và đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do ngày càng lớn.

Không gian truyền thống bị thu hẹp và thay đổi nhanh chóng dẫn đến sự hẫng hụt trong phương thức sống và nhận thức của một bộ phận không nhỏ đồng bào. Các giá trị văn hóa truyền thống bị lấn át bởi các giá trị văn hóa mới. Một bộ phận lớp trẻ thờ ơ với những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc, tôn giáo còn hạn chế về chính sách đoàn kết dân tộc, tôn giáo, về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá chế độ,...

Tình trạng thiếu trách nhiệm của một số chủ dự án đối với nhân dân sau khi hoàn thành dự án. Tình trạng các dự án không giải quyết thoả đáng lợi ích của người dân trong vừng dự án, như những dự án thủy điện ở Gia Lai, có thủy điện đã hoạt động 4 năm, người dân vẫn đấu tranh.

Có nơi, có lúc, đồng bào chưa tin tưởng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tư tưởng hẹp hòi; tư tưởng ly khai, chống đối, vượt biên trái phép... vẫn còn trong một bộ phận đồng bào dân tộc.

Về vấn đề tôn giáo, an ninh chính trị trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay, tham luận của đồng chí Bùi Văn Mùa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông, Phan Thanh Ba, Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đăk Nông, TS Lê Văn Cường, Học viện Xây dựng Đảng chỉ rõ, thực tế nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đó là sự xuất hiện một số tà đạo như  “Đạo Hà Mòn”  và những tà đạo từ nơi khác xâm nhập vào, gây mâu thuẫn giữa đồng bào các tôn giáo.

PGS, TS Lê Kim Việt, TS Lê Văn Lợi, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Thanh Ba cho rằng, các tà đạo, các tổ chức phản động là có sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch từ bên ngoài, làm tình hình càng thêm phức tạp; chúng tuyên truyền về việc lập một tôn giáo riêng của người thiểu số; tuyên truyền bất hợp tác. Một số tín đồ, chức sắc có thái độ cực đoan, lợi dụng các hình thức sinh hoạt tôn giáo để tán phát tài liệu xuyên tạc, vu cáo và kích động tư tưởng chống đối. Tình trạng lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật, mê tín dị đoan tuy đã giảm nhưng vẫn chưa thực sự chấm dứt.

Đồng chí Bùi Văn Mùa, Lê Văn Toàn chỉ rõ, tình hình dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên có nhiều vấn đề mới nảy sinh. Thí dụ, tỉnh Đắk Nông trước đây chỉ có 3 dân tộc, nay tăng lên 40 dân tộc. Tây Nguyên vốn là địa bàn có những đặc thù đa dạng về văn hóa dân tộc, nay càng đa dạng hơn bởi các nhóm dân cư từ các vùng miền tới định cư, do vậy khó khăn cho công tác tuyên truyền vận động.

PGS, TS Lê Kim Việt cho rằng, sự chênh lệch trình độ cán bộ cấp cơ sở với cấp tỉnh, huyện là rất lớn. Đặc biệt là trình độ của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở Tây Nguyên so với các vùng miền khác chênh lệch lớn. Với đặc thù Tây Nguyên như vậy, cấp huyện có vai trò rất quan trọng.

Về tư tưởng, tâm trạng của các tầng lớp dân cư, Tây Nguyên có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng sự phân tầng xã hội diễn ra mạnh, làm cho sự cố kết cộng đồng, sự đồng thuận xã hội khó khăn. Do vị trí chiến lược về mọi mặt, Tây Nguyên là vùng căn cứ trong hai cuộc kháng chiến, nhưng khi hòa bình, kinh tế - xã hội phát triển chậm hơn các vùng miền khác. Sự chống phá của các thế lực thù địch, các đảng phái chính trị phản động tập trung chống phá vào Tây Nguyên, như tổ chức FULRO còn đang tiềm ẩn những nguy cơ, khó lường định.

Các tham luận làm rõ thực trạng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên

Các tham luận của PGS, TS Trần Khắc Việt, PGS, TS Vũ Hoàng Công, Nguyễn Văn Thử, Cao Đức Kiêm khẳng định trong những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của Đảng đã đạt nhiều thành công, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của các tổ chức Đảng đã có nhiều đổi mới, phù hợp với từng giai đoạn, đối tượng, lĩnh vực. Phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong cộng đồng, trong các tôn giáo vào công tác tuyên truyền, vận động, trở thành cầu nối giữa đồng bào dân tộc thiểu số với các cấp uỷ đảng, chính quyền...

Bên cạnh đó cũng còn nhiều yếu kém, bất cập: việc nắm bắt tâm tư, tâm trạng xã hội chưa kịp thời, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tuyên truyền còn hạn chế, thiếu sắc bén. Chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến về cơ cấu xã hội, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số mới di cư tới. Một số chính sách chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, nhiều bức xúc chưa được giải quyết, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí... làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đội ngũ cán bộ, nhất là cấp cơ sở còn bất cập về trình độ, năng lực, kinh nghiệm…

Nguyên nhân là một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức công tác này. Địa bàn Tây Nguyên rộng, dân cư phân bố không đều, giao thông khó khăn; cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyên truyền, vận động còn nhiều thiếu thốn; đa số đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn hạn chế, vì vậy, hiệu quả tuyên truyền thấp. Sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch cũng gây nên không ít khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động…

Hội thảo nêu những mô hình làm công tác dân vận hiệu quả. Tham luận của đồng chí Nguyễn Văn Thử, Đỗ Bích Huy, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đắk Nông nêu những mô hình "dân vận khéo" thành công, mô hình kết nghĩa của các cơ quan với thôn bản Đắk Nông; phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, công chức trong tuyên truyền, vận động quần chúng. Đồng chí Đoàn Văn Kỳ, Hiệu trưởng Trường Chính trị Đăk Nông nêu giải pháp phát huy vai trò của những người có uy tín trong tuyên truyền, vận động quần chúng. Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọ, Chính ủy Binh đoàn 15 nêu kết quả mô hình gắn kết hộ “Hộ lao động người Kinh gắn kết với hộ lao động người dân tộc thiểu số” của Binh đoàn 15. Đồng chí Nguyễn Xuân Ảnh nêu kinh nghiệm của Đảng bộ tỉnh Gia Lai trong việc xây dựng hệ thống các cơ sở cốt cán làm công tác thông tin; tổ chức các hội thi "dân vận khéo" chuyên sâu vào từng lĩnh vực, dân vận đối tượng cụ thể.

Về những vấn đề mới đặt ra đối với công tác dân vận nói chung, công tác dân vận ở Tây Nguyên nói riêng, tham luận của PGS, TS Vũ Hoàng Công nêu sự khác nhau giữa lãnh đạo và quản lý, vị trí tầm quan trọng của công tác tuyên tuyền, vận động trong hoạt động lãnh đạo và nhấn mạnh những yếu tố tác động từ kinh tế thị trường, những khó khăn, thuận lợi hiện nay. Nhiều tham luận nhấn mạnh đặc thù của Tây Nguyên là đất rộng, người thưa, địa bàn rừng núi hiểm trở, đi lại khó khăn, dân cư sống xen kẽ; là vùng đất giàu truyền thống cách mạng; làvùng đa dân tộc, tôn giáo với khoảng 1,7 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm tới 34,9% dân số toàn vùng; trình độ dân trí còn thấp so với cả nước, một bộ phận dân cư dễ bị kích động.Tình hình môi trường sống truyền thống của đồng bào có sự thay đổi nhanh chóng dẫn đến sự hẫng hụt trong phương thức sống và nhận thức của một bộ phận không nhỏ đồng bào. Hoạt động kinh tế sôi động, tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao, nông nghiệp phát triển khá nhưng không đều giữa các khu dân cư.

PGS, TS Lê Kim Việt cho rằng, vấn đề cần đặc biệt quan tâm là tình hình chất lượng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị vùng Tây Nguyên chưa đồng đều, cơ cấu chưa hợp lý; tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số còn thấp. Tình trạng thiếu đất sản xuất vẫn chưa giải quyết được, đến cuối năm 2012 vẫn còn trên 21 nghìn hộ thiếu đất sản xuất ở nhiều mức độ khác nhau.

Tham luận của đồng chí Lê Văn Toàn chỉ rõ những vấn đề cần quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và dân di cư tự do còn cao (63,26%) tổng số hộ nghèo, chưa kể một bộ phận lớn hộ cận nghèo (76.499 hộ). Ngoài ra, tình trạng di dịch cư tự do vào Tây Nguyên quá lớn, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2013 đã có 613 hộ với 3.069 người dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào Tây Nguyên.

Các thế lực thù địch luôn coi Tây Nguyên là vùng đất trọng điểm để tấn công, lập các tổ chức phản động như “FULRO”, “Nhà nước Đềga” các tà đạo, đạo lạ như Canh tân đặc sủng, Tin lành Đềga, Hà Mòn, Pháp Luân công, Thanh Hải vô Thượng sư...

Các tham luận đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trên địa bàn Tây Nguyên trong giai đoạn mới.

Các tham luận chỉ rõ, công tác vận động đồng bào dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay đã thay đổi, không chỉ có các dân tộc bản địa, mà có ngày càng nhiều đồng bào các dân tộc từ phía Bắc di cư vào sinh cơ lập nghiệp. Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu mới đối với công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Trước hết là phải xuất phát từ đặc điểm, đặc trưng của từng nhóm đối tượng vận động. Phải giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ rằng, việc thực hiện các chủ trương, dự án là lợi ích và nhiệm vụ của mình, do đó phải hăng hái làm cho kỳ được; phải bàn bạc với dân, cùng với dân lập kế hoạch cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương rồi động viên và tổ chức toàn dân thực hiện.

PGS, TS Trần Khắc Việt, Giám đốc Học viện Xây dựng Đảng, PGS, TS Vũ Hoàng Công, đồng chí Nguyễn Văn Thử, Cao Đức Kiêm, Lê Văn Toàn,... nêu những yêu cầu đặt ra đối với công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong tình hình mới là phải huy động các lực lượng tham gia công tác dân vận, gồm các tầng lớp cán bộ, giáo viên, quân đội, thực hiện phương châm “Toàn Đảng làm công tác tư tưởng”, “Mỗi đảng viên là một tuyên truyền viên hiệu quả ở cơ sở”.

Từ cơ sở lý luận và thực tiễn công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, PGS, TS Nguyễn Văn Giang, Phó Giám đốc Học viện Xây dựng Đảng nêu rõ những ưu điểm và cũng là những nguyên nhân thành công của công tác này trong những năm qua, nhất là thực hiện tốt phương châm "Tỉnh nắm xã, huyện nắm thôn, xã nắm hộ dân", với phong cách công tác “không đứng trên, không đứng ngoài, không làm thay cơ sở”.

Cần có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; công tác dân vận cần được cụ thể hoá tới từng tổ chức, đặc biệt là dân vận chính quyền. Phải hướng về cơ sở, giải quyết các vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở, thực hiện phương châm “tất cả đều phải từ bon, buôn và tất cả phải đến bon, buôn”.

Cán bộ làm công tác vận động quần chúng phải có trình độ và kinh nghiệm thực tiễn, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, gắn bó với nhân dân: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào. Phải có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ ở cơ sở đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thường xuyên tập huấn, trao đổi kinh nghiệm công tác dân vận cho các lực lượng cốt cán và đội ngũ cộng tác viên cơ sở vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số.

Muốn tạo ra sức mạnh và tính thuyết phục của công tác dân vận phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể quần chúng, giữa đoàn thể với các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang.

Cần đổi mới nội dung và phương thức vận động cho phù hợp với tình hình hiện nay và tính đặc thù của các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, cần tăng cường thực hiện phối hợp giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông và riêng với Tây Nguyên, phải thêm sự phối hợp của nhà binh.

Tham luận của đồng chí Đặng Văn Tin, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong đề xuất những giải pháp thiết thực từ thực tiễn công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở cơ sở, đó là kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động với nhiệm vụ củng cố quốc phòng anh ninh; tập trung vào xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đấu tranh đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

Từ những kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu, giáo dục truyền thống dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Đắk Nông, PGS, TS Trần Thị Thu Hương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, đồng chí Hoàng Văn Vân, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông nêu những kinh nghiệm, giải pháp trong công tác này thời gian tới và cũng là những kinh nghiệm hay đối với các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên.

Từ thực tế những hạn chế, yếu kém trong việc giải quyết lợi ích của người dân là một số thủy điện trên địa bàn Tây Nguyên đã làm nảy sinh những vấn đề phức tạp, tham luận của đồng chí Nguyễn Xuân Ảnh nêu giải pháp giải quyết hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện các dự án thủy điện, công nghiệp trên địa bàn.

Quan tâm không gian sinh tồn truyền thống của đồng bào dân tộc. Đồng bào dân tộc cần có không gian sinh tồn gắn với đất đai, núi rừng, hiện nay đồng bào có xu hướng giữ đất bằng cách phá rừng để làm rẫy nhằm giữ đất, đáng chú ý là một số người tham gia phá rừng do bị xúi giục.

Từ thực tiễn các tỉnh Tây Nguyên, nhiều tham luận nhấn mạnh giải pháp tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân vận về kiến thức, kỹ năng công tác, đặc biệt là về kiến thức dân tộc, tôn giáo và về vận động đồng bào dân tộc, tôn giáo. Cần quán triệt, thực hiện các chỉ thị về công tác đối với đồng bào dân tộc, gồm cả dân tộc bản địa và dân tộc mới di cư đến. Hiện Đắk Nông còn tới 20 điểm dân cư đồng bào dân tộc chưa ổn định nơi ở.

Đồng chí Nguyễn Duy Ngọ nêu kinh nghiệm của Binh đoàn 15 trong vận động đồng bào dân tộc là phải kiên trì, gần dân, sâu sát dân, sự kiên trì của của cán bộ, chiến sĩ là một yếu tố quyết định tạo nên thành công. Trước yêu cầu thực tiễn, Binh đoàn kiến nghị: cần có những chính sách phù hợp hơn nữa đối với đồng bào dân tộc, như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông; đề nghị được giao thêm đất để Binh đoàn tổ chức mở rộng sản xuất vì nhu cầu của đồng bào vào Binh đoàn làm ngày càng lớn.

Một trong những giải pháp quan trọng là quan tâm đầu tư, thực hiện các dự án, đẩy mạnh phát triển chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tập trung thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Hội thảo được tổ chức thành công tại Đắk Nông có ý nghĩa thiết thực, vừa là dịp quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI về Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới và từ thực tiễn công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở các địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên, địa bàn chiến lược về an ninh, quốc phòng của đất nước, nêu những kinh nghiệm, những giải pháp, kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác này, góp phần vào công tác chỉ đạo thực tiễn của các Đảng bộ trên địa bàn Tây Nguyên và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

 

Nguyễn Trịnh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền