Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”
Chủ nhật, 20 Tháng 11 2022 14:28
743 Lượt xem

Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”

(LLCT) - Ngày 19-11-2022, tại Hà Nội,Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới về chủ nghĩa xã hộivà con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và Chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đại diện lãnh đạo Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, các đồng chí Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng các nhà khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam...

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ hoạch định đường lối, chiến lược xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, mã số KX.01.04/21-25 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Đây là nhiệm vụ quan trọng mà đồng chí Tổng Bí thư giao cho Hội đồng Lý luận Trung ương và các nhà nghiên cứu lý luận của Việt Nam tại Hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2016-2021, bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, đến năm 2025, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước, cần hoàn thiện cơ bản hệ thống lý luận về đường lối đổi mới; đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tổng kết 100 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có thể bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; và đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta sẽ có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Do đó, đây là nhiệm vụ rất quan trọng của Hội đồng Lý luận Trung ương.

Trong khuôn khổ của Chương trình KX.01.04/21-25, 39 đề tài đều đặt ra yêu cầu tổng kết, phát hiện, làm rõ những vấn đề mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam (trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị).

Đây là Hội thảo lớn đầu tiên của đề tài, bàn về một vấn đề lớn, hệ trọng và khó. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng gợi mở 4 vấn đề về mặt lý luận và thực tiễn, đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận:

(1) Nền tảng phát triển của đất nước sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn mới.

(2)  Nhận thức về thời đại và về chủ nghĩa xã hội hiện thực trong thế kỷ XXI.

(3)  Nền tảng tư tưởng, lý luận của chủ nghĩa xã hội trong thời đại mới.

(4)  Bản chất, mô hình, đặc trưng, những mối quan hệ lớn, những vấn đề mang tính quy luật và điều kiện bảo đảm sự thành công của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Hội thảo đã nhận được 40 bài tham luận của các nhà khoa học và nhiều chuyên gia từ các cơ quan nghiên cứu khoa học, trung tâm đào tạo như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Đại học Quốc gia Hà Nội… Các bài viết đều thể hiện tinh thần trách nhiệm, khoa học, nhiều bài có chất lượng khoa học cao.

Tại Hội thảo, đã có 10 tham luận và ý kiến phát biểu, tập trung làm rõ các vấn đề chủ yếu:

Một là, góp phần làm sáng tỏ và cụ thể hóa thêm những quan điểm, giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà chúng ta cần tiếp tục kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo trong hoạch định đường lối, chiến lược xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới của giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hai là, cung cấp thêm luận cứ khoa học để đánh giá về bối cảnh mới của thế giới với những xu hướng mới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi trong hoạch định đường lối, chiến lượccủa Đảng thời gian tới, không những phải bảo đảm yêu cầu giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự ổn định chính trị - xã hội, mà còn phải chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với nhiều thách thức truyền thống và “phi truyền thống” đan xen nhau, từ đó đặt ra nhiều vấn đề mới đối với phát huy nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực để xây dựng được một nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trong một thế giới biến động không ngừng.

Ba là, góp phần khẳng định và làm rõ thêm những vấn đề trọng yếu trong đường lối đổi mới của Đảng. Một số ý kiến đã tập trung vào phân tích, bổ sung những nội dung lý luận mới về đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng với tư cách là một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân. Nhiều ý kiến cho rằng, việc hoạch định đường lối, chiến lược xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời gian tới cần dựa trên những nhận thức lý luận mới về phương hướng cơ bản, về những mối quan hệ lớn cần giải quyết, về chủ thể, động lực và nguồn lực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam …

Bốn là, đã góp phần cụ thể hóa, bổ sung và làm rõ thêm những vấn đề lý luận, thực tiễn mới về xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới trên các lĩnh vực, bao gồm: (1) Nhận thức mới về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; (2) Những vấn đề lý luận mới về phương hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (3) Về mô hình, phương hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển bền vững; (4) Về văn hóa, khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường; (5) Về phương hướng bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; (6) Về đối ngoại và hội nhập quốc tế; (7) Về phương hướng xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; (8) Về phương hướng xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị…

Năm là, đã đúc rút được những giá trị tham khảo hữu ích cho Việt Nam từ nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng và phát triển đất nước một số quốc gia, đặc biệt là những nhận thức, phát triển lý luận mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc; những phát triển về nhận thức, lý luận mới trên thế giới về chống chịu rủi ro trong phát triển kinh tế, về quốc phòng, an ninh…

Phát biểu kết luận Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, các ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết, đóng góp thiết thực vào việc bổ sung căn cứ khoa học mới cho công tác hoạch định đường lối, chiến lược xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốcViệt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới. Nội dung của các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo sẽ tiếp tục được nghiên cứu, chắt lọc để phục vụ nghiên cứu Đề tài khoa học cấp nhà nước “Cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ hoạch định đường lối, chiến lược xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban chủ nhiệm sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến đóng góp, chỉ đạo đội ngũ nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện đề tài.

MINH PHƯƠNG

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền