Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học về đội ngũ trí thức trong tình hình mới
Thứ tư, 14 Tháng 12 2022 15:31
1194 Lượt xem

Hội thảo khoa học về đội ngũ trí thức trong tình hình mới

(LLCT) - Sáng ngày 13-12-2022, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện về đội ngũ trí thức trong tình hình mới”, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Hội thảo. Đồng chủ trì Hội thảo có PGS, TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, TS Phạm Thị Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học.

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: hcma.vn

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi nêu rõ, xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức lớn mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa mang tầm chiến lược đối với nước ta. Đây là công việc hệ trọng đối với sự phát triển của đất nước nên phải được nghiên cứu, xây dựng, thực hiện một cách công phu, bài bản, khoa học.

Nhận diện về đội ngũ trí thức trong tình hình mới là chủ đề rộng lớn, phức tạp nhưng cũng rất gần gũi, thiết thực. Để nhận diện trí thức cần xác định rõ các đặc điểm, tiêu chí cần và đủ. Theo đó, trí thức có nhiều đặc điểm để xác định, nhận diện, trong đó có 5 tiêu chí, đặc điểm cơ bản. Tùy tiêu chí mà có thể phân loại các nhóm trí thức khác nhau. Việc xây dựng, phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, cả bên trong và bên ngoài... Đây là cơ sở nhận thức quan trọng cần thiết để nhận diện, đánh giá, phân tích đúng đắn, sâu sắc, thỏa đáng thực trạng, nguyên nhân, vấn đề đặt ra cũng như đề xuất các định hướng, giải pháp phù hợp cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay.

Từ định hướng đó, các nội dung trao đổi tại Hội thảo sẽ góp phần nhận diện, đánh giá đầy đủ, khách quan, sâu sắc về đội ngũ trí thức, từ đặc điểm, vai trò, cơ cấu, thực trạng, thời cơ và thách thức, những vướng mắc, những yêu cầu đặt ra và đề xuất giải pháp phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam trong bối cảnh mới.

Các phát biểu tham luận tại Hội thảo khẳng định, đội ngũ trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội; phương thức lao động có dấu ấn cá nhân, lý trí cao, ở những không gian và thời gian linh hoạt; sản phẩm lao động chủ yếu là sản phẩm tinh thần (công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ, bài giảng, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, quyết định quản lý...) khó đo lường về giá trị. Về tâm lý, lối sống và nhu cầu: đội ngũ trí thức cần môi trường, điều kiện bảo đảm tự do, dân chủ cho sáng tạo, cống hiến, song họ cũng rất cần những nhu cầu vật chất, tinh thần bảo đảm cho đời sống cá nhân, gia đình...

Dự thảo đề án Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030 nhận diện, đánh giá, phát triển đội ngũ trí thức ở Việt Nam hiện nay theo các nhóm cơ bản sau: (1) trí thức là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; (2) trí thức trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ; (3) trí thức trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; (4) trí thức trong lực lượng vũ trang; (5) trí thức trong khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân; (6) trí thức hoạt động trong các hội; (7) trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài; (8) trí thức trẻ. Cách phân loại này cơ bản phù hợp với thực tiễn hiện nay của nước ta.

Theo đó, đội ngũ trí thức Việt Nam thời gian qua phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng và đã thực sự hình thành một đội ngũ trí thức mới. Đến năm 2017, ước tính cả nước có khoảng 6,5 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Nước ta còn có khoảng hơn 400.000 trí thức Việt kiều trên tổng số hơn bốn triệu người Việt Nam đang sinh sống ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đội ngũ trí thức có những đóng góp không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Họ có mặt ở tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, như chính trị, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn học - nghệ thuật...; đồng thời là lực lượng trực tiếp tham mưu, góp ý, phản biện, có những đóng góp tích cực vào hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, các hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở.

Trong bối cảnh thế giới có sự phát triển vượt bậc, nhất là về khoa học - công nghệ; trong nước đang diễn ra nhiều sự vận động theo hướng hội nhập và phát triển, với tư cách là bộ phận giữ vị trí trụ cột trong lực lượng sản xuất xã hội, đội ngũ trí thức Việt Nam đang có sự chuyển biến rõ nét cả về lượng và chất, có nhiều điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực và vị thế xã hội, tham gia sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước với vai trò là lực lượng nòng cốt, tiên phong, vươn lên khẳng định mình, trở thành lực lượng đại diện cho trí tuệ, sức mạnh quốc gia; được Đảng và Nhà nước coi trọng, tạo mọi điều kiện để phát triển và cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đội ngũ trí thức nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức do những khó khăn, trở ngại trong tình hình mới. Đó là những thách thức từ áp lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới đất nước; những biến động mạnh mẽ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến; sự xâm lấn, đan xen của các luồng tư tưởng, hệ giá trị khác nhau trên các mạng thông tin xã hội hiện nay cũng như yêu cầu ngày càng cao và chặt chẽ của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện. Do đó, việc xây dựng đội ngũ trí thức nước ta hiện nay không chỉ cần đáp ứng về kiến thức, năng lực, trình độ chuyên môn, mà cần tăng cường giáo dục nền tảng văn hóa tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử, ứng phó những tình huống mới trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng để bảo vệ và thực hiện hiệu quả lợi ích quốc gia cũng như khả năng thương thảo, hợp tác quốc tế nhằm tăng cường vị thế, uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học cho rằng, thực trạng đội ngũ trí thức có nhiều chuyển biến tích cực, định hướng của Đảng trong phát triển đội ngũ này ngày càng hoàn thiện đã thể hiện tính hội nhập của đội ngũ trí thức Việt Nam với toàn cầu. Các vấn đề về kinh tế thị trường, dân chủ xã hội, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được đội ngũ trí thức Việt Nam tiếp cận nhanh chóng. Song, so với yêu cầu thực tiễn, chất lượng đội ngũ trí thức còn chưa đáp ứng, rất cần giải pháp về chế độ, chính sách cho đội ngũ trí thức phát triển, đặc biệt là bảo đảm tự do dân chủ của họ trong nghiên cứu khoa học.

Phân loại trí thức theo các tiêu chí về lớp thế hệ, theo khu vực làm việc (nhà nước và tư nhân), và công việc đảm nhiệm nhận thấy các chính sách hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đội ngũ trí thức, chưa tạo được môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức phát triển, do đó rất cần có các giải pháp về đầu tư môi trường học thuật, tạo diễn đàn sâu rộng cho đội ngũ này hoạt động và phát triển.

Tại Hội thảo, các tham luận phân tích, đánh giá chính sách phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X với những thành tựu và thách thức. Theo đó, việc thực hiện chính sách phát triển đối với đội ngũ trí thức đã có những bước phát triển và đạt hiệu quả đáng kể. Trên cơ sở Nghị quyết 27 và các quy định của pháp luật, các bộ, cơ quan ngang bộ và nhiều địa phương đã ban hành chương trình hành động, thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chất lượng đội ngũ trí thức đã được cải thiện nhiều hơn. Tuy nhiên, nhìn chung, việc triển khai thực hiện chính sách phát triển đội ngũ trí thức vẫn còn những hạn chế như: chậm trong việc triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong các đề án xây dựng đội ngũ trí thức; một số nhiệm vụ triển khai chưa đạt được mục tiêu đề ra; ở một số nơi chưa thật sự tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho trí thức chuyên tâm cống hiến, chưa khai thác hết tiềm năng của đội ngũ trí thức; một số địa phương lúng túng trong cụ thể hóa các chính sách, pháp luật…

Các đại biểu đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay, như: nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức; hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức; tăng cường thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; thực hiện đổi mới căn bản đào tạo, bồi dưỡng trí thức; có những hình thức đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức…

Kết luận Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi đánh giá cao các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo, mặc dù tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau song đều thống nhất nhận thức trong nhận diện đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay, điều kiện cần và đủ, vai trò, đặc điểm, cơ cấu của trí thức, các nhân tố tác động đến sự phát triển về số lượng và chất lượng của trí thức Việt Nam; qua đó đánh giá thực trạng của trí thức nước ta với những nguyên nhân, vấn đề, yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển của trí thức và việc phát huy vai trò đội ngũ này trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Các tham luận đã phân tích làm rõ những thành tựu và thách thức qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, khả thi nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh mới.

NGUYỄN THỊ LAN

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền