Trang chủ    Tin tức    Hội thảo “Dân chủ trực tiếp, dân chủ cơ sở trên thế giới và ở Việt Nam”
Thứ hai, 24 Tháng 3 2014 14:50
5821 Lượt xem

Hội thảo “Dân chủ trực tiếp, dân chủ cơ sở trên thế giới và ở Việt Nam”

(LLCT) - Ngày 10-3-2014, tại Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phối hợp với Viện Chính sách công và Pháp luật, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tổ chức Hội thảo Dân chủ trực tiếp, dân chủ cơ sở trên thế giới và ở Việt Nam.

 

(Toàn cảnh Hội thảo)

Dự hội thảo có PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và bà Tone Worldsen, Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam và các nhà khoa học Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Chính sách công và Pháp luật, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân… GS, TSKH Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Chính sách công và Pháp luật; PGS, TS Trịnh Đức Thảo, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật chủ trì Hội thảo. 18 bản tham luận gửi đến Ban tổ chức và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung làm rõ các nội dung:

Chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về dân chủ

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện khẳng định dân chủ trực tiếp là một cách thức để bảo đảm quyền và vị thế của nhân dân với tư cách người làm chủ nhà nước và xã hội. Cùng với dân chủ đại diện, các hình thức dân chủ trực tiếp có ý nghĩa quan trọng, không thể thiếu trong các nhà nước hiện đại.

Các nhà khoa học đều cho rằng, dân chủ nói chung và dân chủ trực tiếp nói riêng là một vấn đề được các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin xác định không chỉ là công cụ, phương tiện để phát huy tính sáng tạo của quần chúng mà còn là bản chất tồn tại của nhà nước XHCN. TS Tào Thị Quyên (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng: C.Mác, Ph.Ăngghen là V.I.Lênin không chỉ là những lãnh tụ trong cuộc đấu tranh cho dân chủ vô sản, dân chủ tiến bộ, dân chủ cho đa số nhân dân lao động mà còn là những nhà tư tưởng lỗi lạc về dân chủ nói chung và dân chủ trực tiếp nói riêng.Theo C.Mác, tính hiện thực của nền dân chủ vô sản chính là việc thủ tiêu chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất để thiết lập những thiết chế dân chủ đại diện của mình, từ đó làm tiền đề hiện thực hóa các quyền dân chủ trực tiếp.Kế thừa và tiếp tục tư tưởng của C.Mác về dân chủ, V.I.Lêninkhẳng định: trong điều kiện của chế độ dân chủ mới thì điều quan trọng nhất là toàn bộ công việc nhà nước từ dưới lên phải do bản thân quần chúng tổ chức, quần chúng thực sự tham gia. Muốn phát triển lên CNXH một cách có kế hoạch, vững chắc và kiên quyết phải nhờ vào việc xây dựng được một nhà nước thực sự dân chủ của nhân dân, trong đó quần chúng ngày càng nắm vững nghệ thuật quản lý nhà nước và điều khiển toàn bộ chính quyền nhà nước và các yêu cầu và nội dung dân chủ của nhà nước vô sản phải được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.

GS, TSKH Đào Trí Úc cho rằng: xuất phát từ truyền thống và đạo lý nhân nghĩa của dân tộc, trên cơ sở kinh nghiệm lịch sử của các phòng trào yêu nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, trên nền tảng và vớisự phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và các giá trị tư tưởng tiến bộ của của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trước sau như một khẳng định bản chất của quyền lực chính trị và Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là một nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích là vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều là của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra”. Tư tưởng đó đã khẳng định quan điểm mà C.Mác đã tiên đoán trước đây về sự chuyển hóa Nhà nước từ trạng thái “nhân dân bị quản lý” sang trạng thái “tự quản của nhân dân”, đã gắn quyền lực của nhân dân với dân chủ. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia vào công việc của Nhà nước”.

TS Ngô Vương Anh (Báo Nhân dân) khẳng định: phạm trù làm chủ là nội dung trung tâm trong tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh. Nhân dân có quyền làm chủ, là người chủ của xã hội là tiêu chí quan trọng xác định bản chất của chế độ dân chủ nhân dân. Những luận điểm đó được hiện thực hóa từng bước trong quá trình xây dựng chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo Hồ Chí Minh, con người là chủ thể của nền dân chủ và nền dân chủ - với tư cách như một thể chế chính trị - phải lấy con người làm nhân tố chủ đạo, phải đặt con người ở vị trí trung tâm trong các chính sách phát triển của mình. Bên cạnh cơ chế dân chủ gián tiếp, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh hình thức dân chủ trực tiếp như một phương cách hữu hiệu để xây dựng xã hội mới. Điều này được thể hiện rõ khi Người nhấn mạnh quyền phúc quyết của nhân dân, động viên sự phát huy sáng kiến của nhân dân, nêu rõ quyền bãi miễn những đại biểu không còn xứng đáng của nhân dân.

Cùng với những bước tiến vững chắc của công cuộc đổi mới, quan điểm của Đảng về dân chủ và pháp quyền cũng không ngừng được phát triển và hoàn thiện. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một phạm trù chính trị biểu thị một hình thức chính trị - nhà nước mà ở đó quyền con người, các quyền tự do, bình đẳng của công dân được thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ; trong chế độ đó, nhân dân phải là chủ thể đích thực và cao nhất của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. Mọi thiết chế quyền lực đều được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát, trước hết là của nhân dân.

Về lịch sử dân chủ trực tiếp trên thế giới

GS,TS Nguyễn Đăng Dung khẳng định: Nền dân chủ Athen được xây dựng và phát triển trong các thế kỷ thứ VI và thứ V trước Công nguyên. Athen trở thành Nhà nước - thành bang hùng mạnh nhất trong số các thành bang của văn minh Hy Lạp. Ảnh hưởng của Athenlan tỏa đến toàn bộ khu vực châu Âu và thế giới phương Tây hiện nay. Những sáng tạo của nền dân chủ ở đây đã làm thay đổi thế giới. Tuy nhiên, chế độ dân chủ của người Hy Lạp ngay từ đầu đã bộc lộ một số khuyết điểm: dân chủ là quyền lực của số đông gồm những người bình dân dễ đưa ra các quyết định theo cảm tính; công dân chỉ thuộc về một số người ở Athen.

TS Vũ Công Giao (Viện Chính sách công và Pháp luật), TS Nguyễn Minh Tuấn (Đại học Quốc gia Hà Nội)cho rằng: Nhà nước dân chủ chủ nô Athen tiến bộ ở chỗ quy định những công dân có tài sản và công dân tự docó quyền bỏ phiếu, dự đại hội để trực tiếp quyết định các vấn đề của nhà nước. Tuy nhiên, chế độ dân chủ trực tiếp ở Athen chưa hoàn chỉnh, bởi quyền bỏ phiếu chỉ được trao cho các công dân nam, còn phụ nữ và nô lệ không được hưởng quyền này. Ưu điểm rõ nét của hình thức dân chủ này là cho phép nhân dân tự mình tham gia, quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước, ngăn ngừa sự độc tài, chuyên chế..

Vấn đề dân chủ trực tiếp, kinh nghiệm quốc tế và thực hiện tại Việt Nam được Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận. Các hình thức dân chủ trực tiếp gồm: bầu cử, bãi miễn đại biểu dân cử, trưng cầu ý dân, thực hiện quyền sáng kiến lập pháp, bỏ phiếu toàn dân.

Về bầu cử, còn nhiều ý kiến chưa thống nhất: bầu cử là dân chủ trực tiếp hay dân chủ đại diện? Cũng có ý kiến cho rằng, bầu cử vừa là dân chủ trực tiếp, vừa là dân chủ gián tiếp. GS, TSKH Đào Trí Úc cho rằng: bầu cử dân chủ không chỉ là hình thức thể hiện ý chí của nhân dân mà còn là phương thức kiểm tra, kiểm soát quyền lực nên đây là hình thức tiêu biểu nhất của dân chủ trực tiếp.

Nhiều ý kiến khẳng định, trưng cầu ý dân là hình thức dân chủ trực tiếp ở mức cao, qua đó, các cử tri có quyền và có dịp bày tỏ quan điểm của mình và là điều kiện để các cơ quan lãnh đạo và quản lý “tự kiểm tra” mình. Nhưng quan trọng hơn là qua đó, người dân có điều kiện kiểm tra, giám sát trực tiếp việc thực hiện ý kiến trưng cầu, được cung cấp đầy đủ thông tin về các vấn đề và sự kiện có liên quan.

Về kinh nghiệm dân chủ trực tiếp trên thế giới, TS Vũ Công Giao, TS Cao Anh Đô (Viện Nhà nước và Pháp luật) nêu, việc áp dụng các hình thức dân chủ trực tiếp đã tăng lên trong thời gian gần đây, cả về số lượng các quốc gia áp dụng và số lượng các vấn đề được đề xuất và đưa ra bỏ phiếu. Xu hướng này phản ánh sự không hài lòng ngày càng tăng của người dân với hình thức dân chủ đại diện Những thành công, hạn chế trong thực hiện hình thức này của một số quốc gia Việt Nam có thể tham khảo.

TS Ngô Vương Anh, TS Nguyễn Minh Tuấn,TS Nguyễn Văn Thuận (Viện Chính sách công và Pháp luật) khẳng định:tại Việt Nam, dân chủ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm,dân chủ nói chung và dân chủ trực tiếp nói riêng đã hiện diện trong đời sống chính trị - xã hội trên các phương diện nhận thức, pháp lý và tổ chức thực thi trên thực tế; nhân dân thể hiện ý - sáng kiến của mình, phản biện các chính sách, quyết định trên nhiều lĩnh vực.Tuy nhiên, dân chủ trực tiếp ít được sử dụng, chưa trở thành một công cụ trong tổ chức và quản trị xã hội.

Thông điệp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi đến đồng bào cả nước và cộng đồng quốc tế nhân dịp năm mới 2014 thể hiện điểm nổi bật là tinh thần dân chủ và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Theo đó, phải đặt mối quan hệ giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trong tổng thể các giải pháp bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

Về dân chủ ở cơ sở, nhiềutham luận cho rằng, trong thực tế ở nhiều cơ sở việc thực hiện quy chế dân chủ còn hạn chế, bất cập: một số cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ, thiếu tập trung chỉ đạo về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; còn lúng túng về cách thức tiến hành; nhiều cán bộ xã hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới; do trình độ dân trí không đồng đều, nên việc tiếp thu chủ trương về thực hiện quy chế thực hiện dân chủ còn hạn chế, một bộ phận dân cư chưa phân biệt được rõ quyền lợi, trách nhiệm, dẫn đến những hành vi sai lệch; việc gắn thực hiện quy chế dân chủ với cải cách hành chính còn chậm; nhiều nơi dân chủ chưa thực sự tạo ra sự chuyển biến mạnh đối với việc phát triển kinh tế.

Nhiều ý kiến khẳng định, các hình thức dân chủ trực tiếp đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp và Việt Nam hiện nay đã có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy dân chủ trực tiếp. Tuy nhiên, để thực hiện dân chủ trực tiếp, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức: sự bất cập của hệ thống pháp luật, trình độ dân trí, văn hóa thực thi dân chủ, năng lực lập pháp và tổ chức thực thi pháp luật về dân chủ còn hạn chế… Để giải quyết những thách thức, cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó những việc cấp bách là truyên truyền, giáo dục về dân chủ trực tiếp trong xã hội và hoàn thiện pháp luật.

Về dân chủ trực tiếp trong Hiến pháp 2013. TS Vũ Công Giao, TS Ngô Vương Anh và nhiều tham luận thống nhất khẳng định các quy định về trưng cầu ý dân, bãi miễn đại biểu dân cử và quyền tham gia quản lý nhà nước, xã hội của người dân là nhất quán trong Hiến pháp và Hiến pháp 2013 đã quy định rõ ràng, cụ thể về việc nhân dân có hai phương thức thực hiện quyền lực nhà nước làdân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.Hiến pháp 2013 đã quy định rõvề việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, trong đó hình thức dân chủ trực tiếp được thể hiện rõ. Đồng thời,Hiến pháp 2013 cũng ấn định trách nhiệm của Nhà nước phảitạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. Hiến pháp 2013 đã mở ra triển vọng cho việc mở rộng và phát triển các hình thứcdân chủ trực tiếp.

PGS, TS Trịnh Đức Thảo, PGS, TS Nguyễn Văn Mạnh (Viện Nhà nước và Pháp luật) đề xuất, cần cụ thể hóa quy định về bãi miễm, bãi nhiệm đại biểu dân cử của cử tri trên thực tế: thống nhất nhận thức về nội dung, ý nghĩa, vai trò của bãi nhiệm; cần có các nguyên tắc rõ ràng cho việc tổ chức bãi nhiệm; cần có tiêu chí rõ ràng để xác định mức độ tín nhiệm đối với đại biểu dân cử; thủ tục bãi miễn cũng phải tuân theo những trình tự luật định rõ ràng.

Về mở rộng và phát triển các hình thức dân chủ trực tiếp ở Việt Nam. Nhiều tham luận đề xuất kiến nghị, giải pháp cụ thể về tiếp tục hoàn thiện pháp luật và thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp đã được quy định trong pháp luật hiện hành:pháp luật về bầu cử; cụ thể hoá các quy định về bãi miễn đại biểu dân cử; hoàn thiện cơ sở pháp lý và tổ chức triển khai cho nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật; hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế giám sát của nhân dân đối với các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung và thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp mới: xây dựng và ban hành Luật Trưng cầu ý dân; nghiên cứu và xây dựng pháp luật về phản biện xã hội; nghiên cứu và xây dựng pháp luật về biểu tình,...

                                                                              Hoa Mai

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền