Trang chủ    Tin tức    Hội thảo khoa học quốc tế về nghiệp vụ báo chí điều tra
Thứ tư, 02 Tháng 4 2014 15:42
2003 Lượt xem

Hội thảo khoa học quốc tế về nghiệp vụ báo chí điều tra

(LLCT)­ Ngày 31-3-2014, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế: “Kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế về nghiệp vụ báo chí điều tra”.

 

(Toàn cảnh Hội thảo)

Hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI), Văn phòng Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức với sự tài trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam. Đây là một trong những hội thảo quốc tế chuyên sâu đầu tiên về báo chí điều tra và nghiệp vụ nhập vai được tổ chức tại Việt Nam, thu hút sự quan tâm của hơn 100 phóng viên và các nhà quản lý báo chí.

Đến dự Hội thảo có PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lãnh đạo các đơn vị thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện Hội Nhà báo Việt Nam; Đại sứ quán Đan Mạch và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo, phóng viên trong nước và quốc tế...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS,TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định vai trò quan trọng của báo chí điều tra trong xã hội hiện nay cũng như trong đào tạo nhà báo tương lai và mong rằng: “Hội thảo thực sự trở thành diễn đàn để các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các kết quả nghiên cứu của mình”.

Ngài John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, báo chí luôn có một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của bất kỳ xã hội nào. Báo chí Việt Nam có một đội ngũ tâm huyết với nghề nhưng cũng cần được đào tạo cao hơn, theo chuẩn quốc tế để bắt kịp với tốc độ hội nhập nhanh của Việt Nam và thế giới. Hội thảo sẽ là bước mở đầu đánh dấu hợp tác lâu dài về truyền thông báo chí  của hai nước Đan Mạch và Việt Nam.

Đồng chí Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Bộ luôn nhận thấy vai trò quan trọng của báo chí điều tra trong sự phát triển của đất nước vì mục tiêu CNH, HĐH và coi đây là một đóng góp vào sự phát triển của báo chí Việt Nam.

Hội thảo diễn ra 4 phiên, tập trung vào một số nội dung như: nghiệp vụ báo chí điều tra của Việt Nam và quốc tế; quy trình tòa soạn trong làm báo điều tra ở Việt Nam và quốc tế; kinh nghiệm nghiệp vụ nhập vai của phóng viên điều tra ở Việt Nam và quốc tế.

Bà Trần Lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển, trong tham luận mở đầu Hội thảo cho rằng: báo chí điều tra nhiều khi trở thành chỗ dựa và giải tỏa những bức xúc của người dân. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, báo chí điều tra đang đối mặt với nhiều thách thức, do vậy hoạt động báo chí điều tra cần được hỗ trợ bài bản từ nhà nước, từ ban biên tập, được đầu tư nghiệp vụ tốt hơn để đảm bảo sự chính xác, khách quan trong các bài báo, tránh những sai sót. Bà Trần Lệ Thùy cũng cho biết thêm, báo chí điều tra thường là những vấn đề nhạy cảm, vì vậy các nhà báo điều tra cần được pháp luật bảo vệ khi hành động vì lợi ích công. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng nguyên tắc vì lợi ích công để biện hộ cho nhà báo khi họ đối mặt với cáo buộc liên quan đến pháp luật. Nếu nhà báo chứng minh được họ điều tra vì lợi ích công và đã làm hết trách nhiệm của mình thì có thể được hưởng quyền miễn trừ trước pháp luật.

PGS,TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đưa ra 4 yêu cầu với báo chí điều tra trong sự nghiệp CNH, HĐH, hội nhập quốc tế: nỗ lực thống nhất nhận thức về gia tăng trong thực tế vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí; cần quan niệm báo chí điều tra bao gồm hệ vấn đề từ nhận thức đến hành nghề không chỉ riêng nghề báo, mà cần sử dụng kết quả làm việc từ nhiều ngành nghề; sau khi nhận thức vai trò ngày càng lớn của báo chí điều tra, cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí và Hội Nhà báo cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho báo chí điều tra hoạt động hiệu quả; cần quan tâm xây dựng đội ngũ nhà báo có khả năng thực hành báo chí điều tra hiệu quả.

Ông Stephen Whittle, chuyên gia báo chí, nguyên Giám đốc biên tập BBC cho biết: việc bảo đảm lợi ích công trong quá trình điều tra chính là một trong những nguyên tắc hoạt động của các nhà báo ở Anh. Theo đó, báo chí điều tra đòi hỏi tính chính trực và mong muốn phục vụ cộng đồng hơn là vì chính mình. Nhà báo không được kích động hay khuyến khích hành vi mà mình đang tìm kiếm trong quá trình điều tra. Vai trò của nhà báo là ghi lại chuyện xảy ra chứ không phải làm nó xảy ra.

Về kinh nghiệm nghiệp vụ nhập vai phóng viên điều tra ở Việt Nam và quốc tế, Hội thảo đã nhận được một số tham luận, ý kiến trao đổi  tiêu biểu của các nhà báo: Nguyễn Vũ Bình, (Trưởng ban Chính trị - Xã hội, báo Tuổi trẻ), Đức Hiển (Tổng thư ký Tòa soạn báo Phát luật thành phố Hồ Chí Minh), Đặng Anh Tuấn (Anh Thoa, Phóng viên điều tra báo Tuổi trẻ), Nguyễn Thu Trang (phóng viên điều tra báoPhụ nữ thành phố Hồ Chí Minh) Hoài Nam (Phóng viên điều tra báo Thanh niên)… Các nhà báo đều cho rằng, báo chí điều tra là một đề tài khó, nhiều khi rất nguy hiểm, đòi hỏi phóng viên phải tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng, dũng cảm. Hội thảo sẽ diễn ra tại báo Tuổi trẻ (TP Hồ Chí Minh) ngày 2-4 tới.

 

Hoa Mai

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền