Trang chủ    Tin tức    Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thăm và làm việc tại Học Viện
Thứ năm, 17 Tháng 4 2014 16:20
2075 Lượt xem

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thăm và làm việc tại Học Viện

(LLCT) - Ngày 16-4-2014, tại Trung tâm Thông tin khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã đến thăm và có buổi nói chuyện với các thế hệ cán bộ của Học viện. Tới dự buổi nói chuyện có lãnh đạo một số Vụ, Viện và đông đảo cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên tại Học viện.

(Toàn cảnh Buổi nói chuyện, nguồn: hcma.org.vn)

Phát biểu tại buổi nói chuyện, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định, trong những năm qua, Học viện đã có những đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tuyên truyền lý luận chính trị của Đảng ta, đồng thời nhấn mạnh những trọng trách và nhiệm vụ nặng nề mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó cho Học viện, đòi hỏi toàn thể cán bộ đảng viên không ngừng đổi mới, sáng tạo, nêu cao tinh thần học hỏi, rèn luyện để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

 Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hiện là Chủ tịch quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam, người sáng lập và Chủ tịch quỹ học bổng Phan Chu Trinh, Chủ tịch danh dự quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Dù đã thôi giữ cương vị Phó Chủ tịch nước nhưng Bà vẫn hoạt động rất tích cực và không ngừng cống hiến cho hoạt động ngoại giao, văn hoá và giáo dục của đất nước.

Đồng chí Nguyễn Thị Bình đã khái quát những vấn đề lớn của thế giới đương đại, khẳng định toàn cầu hoá là một quy luật tất yếu, quá trình này đã góp phần kiến tạo và phát triển xu thế dân chủ, biểu hiện mạnh mẽ ở phong trào cánh tả của các quốc gia khu vực Mỹ Latinh và đang dần phát triển và được nhân rộng ra nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, bản chất của toàn cầu hóa hiện nay là toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa với những mặt trái như nguy cơ bị chủ nghĩa tư bản hiện đại lợi dụng để thao túng kinh tế, can thiệp sâu vào an ninh và chính trị nội bộ của các quốc gia khác thông qua việc thao túng nền kinh tế, từ đó gây ra các cuộc bạo động, cách mạng màu nhằm lật đổ, thay thế chính quyền.

Trao đổi về những vấn đề của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng chí đặt ra những vấn đề cần các nhà khoa học, lý luận nghiên cứu, giải đáp như kinh tế nhà nước cần được đổi mới, quản lý, sắp xếp như thế nào, có vị trí ở đâu trong bức tranh kinh tế tổng thể để vừa đảm bảo được tính ổn định của thị trường, vừa làm chỗ dựa cho các khu vực kinh tế khác cùng phát triển và hoạt động hiệu quả. Về mặt lý luận, Đảng và Nhà nước ta lâu nay đã nhận thức đúng đắn và vận dụng khá linh hoạt nền kinh tế thị trường, đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta vẫn còn nhiều yếu kém, thiếu sót trong quản lý và điều tiết thị trường, mà nguyên nhân căn bản là do áp dụng các biện pháp hành chính để can thiệp, điều chỉnh, đường lối phát triển kinh tế còn chưa xuyên suốt, quá trình CNH - HĐH còn chưa thực sự đạt được những kết quả như mong muốn. Hệ quả là nền kinh tế của chúng ta hiện nay vẫn chưa thực sự vững mạnh, sản xuất chưa nhiều, chủ yếu là dựa trên bán tài nguyên dạng thô, gia công sản phẩm, làm đại lý cho các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, chúng ta chưa mạnh về nội lực, còn lệ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu, kỹ thuật và vốn của nước ngoài.

Trong thời gian tới, chúng ta cần tích cực đổi mới tư duy hơn nữa để đề ra những chính sách phát triển nhất quán, dựa trên những quy luật tự nhiên của kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, cần tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp và nông thôn mới theo hướng hợp tác hóa, đi vào sản xuất lớn. Đồng chí nhấn mạnh, trước hết cần thay đổi nhận thức của đội ngũ lãnh đạo trong quản lý, điều hành bộ máy Nhà nước, đồng thời khơi dậy tư duy, ý thức và tinh thần của nhân dân, phát huy mọi nguồn lực của dân tộc để phát triển đất nước.

Lê Minh Ngọc

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền