Trang chủ    Từ điển mở    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Tư duy mới của Đảng về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc
Thứ năm, 08 Tháng 7 2021 10:41
21258 Lượt xem

Tư duy mới của Đảng về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc

(LLCT) - Tư duy mới của Đảng về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc thể hiện trong đường lối, chủ trương, chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đặt ra vừa cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài. Bởi vậy, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cần được quán triệt, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong giai đoạn cách mạng mới.

1. Tầm nhìn và quan điểm chỉ đạo của Đảng

Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Trước tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chúng ta đã coi trọng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh, chủ động xử lý thành công các tình huống, không để bị động, bất ngờ. An ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc”(1). Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày càng nặng nề, phức tạp hơn. Đảng ta nhấn mạnh: trong những năm tới “tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi toàn Đảng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, có quyết tâm chính trị cao, dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình, chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”(2). Đây là sự bổ sung, phát triển tư duy lý luận mới trong việc xác định sức mạnh của quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc khi tình hình khu vực và quốc tế dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Quốc phòng, an ninh mang bản chất chính trị, giai cấp sâu sắc. Đó là bản chất của giai cấp công nhân, do Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quốc phòng, an ninh là lĩnh vực trực tiếp diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc quyết liệt, phức tạp. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, bản chất đó được biểu hiện ở mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương”(3). Đây vừa là định hướng chiến lược, vừa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Điều đó thể hiện sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với đặc điểm nổi bật là: tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, biên giới, biển đảo, nhất là ở biển Đông diễn ra gay gắt; các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng nước ta bằng những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt,...

Trong khi đó, các tình huống quốc phòng, an ninh cùng những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đối với nước ta ngày một gia tăng, nhất là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch. Trong bối cảnh đó, tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh càng có ý nghĩa quan trọng, với những nhiệm vụ mới, cần được nghiên cứu, quán triệt sâu sắc, làm cơ sở để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Với quan điểm: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng ta nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mạnh mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”(4).

2. Về nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc

Phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh thời đại để bảo vệ Tổ quốc, “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân”(5). Quán triệt và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, trong những năm qua, sự nghiệp quốc phòng, an ninh nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân tiếp tục được tăng cường; sức mạnh về mọi mặt của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân không ngừng được nâng cao. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật”(6). Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc tiếp tục được tăng cường, tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố; thế trận quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc được xây dựng vững chắc. Thế bố trí chiến lược quốc phòng, an ninh được quy hoạch, điều chỉnh phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Năng lực công nghiệp quốc phòng, an ninh của đất nước không ngừng phát triển toàn diện, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu...

Bên cạnh những thuận lợi, sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc của chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức về quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ. Các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng nước ta, nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Vấn đề giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước đang đặt ra nhiều vấn đề mới phải giải quyết. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại còn một số mặt hạn chế”(7).

Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Trong khi luôn đặt lên hàng đầu phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải thường xuyên coi trọng nhiệm vụ giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số, quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(8); kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta về quốc phòng, an ninh qua các kỳ Đại hội của Đảng.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh là: “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố, nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị”(9). Đây vừa là định hướng chiến lược quốc phòng, an ninh, vừa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, với chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao là sự cụ thể hóa mối quan hệ biện chứng giữa hai nhiệm vụ chiến lược. Điều đó thể hiện sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

3. Giải pháp cơ bản tăng cường quốc phòng, an ninh

Để tiếp tục tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn cách mạng mới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào những giải pháp cơ bản sau:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đây vừa là giải pháp cơ bản, vừa là định hướng chỉ đạo giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh là giải pháp có ý nghĩa quyết định để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định bản chất cách mạng, toàn dân, toàn diện, sức mạnh quốc phòng, an ninh của Việt Nam, quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, phải thường xuyên quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực hiện nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh. Điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống, cơ cấu tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thống nhất từ Trung ương đến các địa phương. Tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành, mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh. Đây vừa là giải pháp, vừa là yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao tính thiết thực, chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành, mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho toàn dân, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và học sinh, sinh viên. Phổ cập những vấn đề cơ bản về xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ cho các đối tượng, nhất là cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện. Đẩy mạnh tuyên truyền, coi trọng phổ biến kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả của các địa phương; tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao. Đây là giải pháp có tính nguyên tắc trong công tác tổ chức. Triển khai đồng bộ, thống nhất sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững chắc. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, nhất là xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, “thế trận lòng dân”; kết hợp chặt chẽ thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Chuẩn bị chu đáo các phương án động viên nhân tài, vật lực cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi cần thiết. Xây dựng kế hoạch bảo đảm quốc phòng, an ninh thống nhất, đồng bộ từ thời bình, kịp thời điều chỉnh khi có chiến tranh; sẵn sàng chuyển nền kinh tế sang thời chiến. Nâng cao chất lượng xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc toàn diện. Phát triển sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố thế trận an ninh nhân dân. Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các ngành, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đây vừa là giải pháp, vừa là nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh phải được thể hiện ngay trong chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển trong từng lĩnh vực, từng vùng. Xây dựng kế hoạch bảo đảm quốc phòng, an ninh thống nhất, đồng bộ từ thời bình và kịp thời điều chỉnh khi có nguy cơ chiến tranh, sẵn sàng huy động mọi tiềm năng, nguồn lực của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh kinh tế, đặc biệt là an ninh tài chính - tiền tệ, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và an toàn thực phẩm. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, các tầng lớp dân cư, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, biên giới, hải đảo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng, chống các loại tệ nạn xã hội, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

Đảng ta chỉ rõ: “Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng miền, trên biển. Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở. Xây dựng, củng cố đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo”(10). Cùng với đó, “Tiếp tục nghiên cứu phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới. Nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”(11). Thường xuyên bổ sung, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh và những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Đây là sự kế thừa những bài học kinh nghiệm quý, kế sách giữ nước đặc sắc của dân tộc và được bổ sung phát triển đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.

Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại, lưỡng dụng. Đây là giải pháp quan trọng. Để “xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội”, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh: Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thông báo kết luận số 25-TB/TW ngày 11-4-2017 của Bộ Chính trị về Đề án đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị định số 63/2020/NĐ-CP ngày 8-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công nghiệp an ninh.

Tập trung xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia theo hướng độc lập, tự chủ, làm chủ được khoa học, công nghệ hiện đại và phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động nghiên cứu, phát triển, tạo bước chuyển biến và hình thành các sản phẩm có tính đột phá về khoa học, công nghệ; đổi mới công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật.

Tiếp tục bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; tăng cường đầu tư đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng, an ninh chất lượng cao. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ, từng bước hình thành thị trường công nghiệp quốc phòng, an ninh; đồng thời tiếp tục sắp xếp lại các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp tạo nguồn kinh phí phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2021

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.22, 109, 117, 110, 156, 67, 87, 157-158, 117, 158, 159.

 

Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh

Ủy viên Trung ương Đảng,

Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền