Trang chủ    Từ điển mở    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Thứ tư, 04 Tháng 8 2021 09:18
20727 Lượt xem

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

(LLCT) - Văn kiện Đại hội XIII của Đảng toát lên nội dung, tinh thần xuyên suốt là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bài viết luận giải cơ sở lý luận và thực tiễn của quan điểm chỉ đạo này; từ đó phân tích một số giải pháp cơ bản trong Văn kiện Đại hội XIII nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

1. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là thống nhất ý Đảng lòng dân

Từ khi Đảng ra đời đã khơi dậy tinh thần, ước vọng, khát vọng và đấu tranh để đạt được độc lập, tự do, thống nhất, phát triển đất nước, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ khi thống nhất đất nước, chưa bao giờ mà ước vọng, khát vọng phát triển trở nên mạnh mẽ, trào dâng, cháy bỏng như hiện nay. Trong lịch sử, với khát vọng độc lập, thống nhất, tự do cháy bỏng, trào dâng mạnh mẽ trong thời kỳ đất nước chưa độc lập, Đảng ta đã khơi dậy ý chí và tinh thần yêu nước của dân tộc, huy động toàn bộ sức mạnh chiến đấu hy sinh trong suốt 45 năm để thực hiện được một cách trọn vẹn. Khát vọng thứ hai trên cơ sở đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay, chúng ta phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Điều này được thể hiện rõ trong tinh thần của Đại hội XIII.

Trong Văn kiện Đại hội XIII đã có năm chỗ nói về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Cụ thể, ngay trong chủ đề Báo cáo Chính trị trình Đại hội đã có từ “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”(1). Trong quan điểm chỉ đạo, đặc biệt quan điểm chỉ đạo thứ ba đã chỉ ra: “Khơi dậy... khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(2). Trong Mục tiêu phát triển, phần Mục tiêu phát triển tổng quát nhấn mạnh: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(3). Trong Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, định hướng thứ tư khẳng định: “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy... khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(4). Cuối cùng, phần Những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, nhiệm vụ thứ tư chốt lại: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(5).

Như vậy, trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, xuyên suốt từ đầu đến cuối đều toát lên một tinh thần là phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Khát vọng phát triển đất nước thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII là sự phản ánh khát vọng của non sông, đất nước ta hiện nay. Đây không chỉ là ý Đảng, mà còn là lòng dân, ý Đảng đã bắt gặp lòng dân, lòng dân hợp với ý Đảng, lòng dân với ý Đảng đã thống nhất với nhau, không tách rời nhau.

Vậy, tại sao cả trên bình diện lý luận lẫn thực tiễn, ở nước ta lại bùng lên ngọn lửa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đến như vậy? Bởi lẽ, như Đại hội XIII đã chỉ ra, trên thế giới, tình hình diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn”(6). Trong nước, “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn”(7). Trong bối cảnh đó, đất nước cần có sự bứt phá trong sự phát triển; cần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Mặt khác, “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn”(8). Bởi vậy, đất nước ta cần có sự phát triển bứt phá thì mới giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Trong khi đó, “cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư nước ngoài giữa các nước ngày càng quyết liệt, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu”(9). “Năm năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn và sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra”(10). Do đó, đất nước cần có sự phát triển bứt phá hơn nữa. Như vậy, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, không chỉ do đòi hỏi khách quan từ bên ngoài, mà còn là nhu cầu nội tại, tất yếu bên trong.

2. Một số giải pháp cơ bản nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Trong Văn kiện Đại hội XIII đã nêu rõ những giải pháp để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc:

(1) Cần xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, niềm tin, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; phải đổi mới mạnh mẽ tư duy. Lịch sử đã chứng minh rằng, khi nào chúng ta tạo được môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy các giá trị truyền thống khi đó đất nước ta phát triển mạnh mẽ vượt bậc. Nếu như trước kia, yêu nước, ý chí tự cường thể hiện tập trung ở việc đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập tự do cho Tổ quốc; thì nay, những giá trị đó phải được thể hiện ở việc lao động sáng tạo phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

(2) Để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chúng ta cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ra sức phát huy tốt các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khắc phục một số biểu hiện dân chủ hình thức; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Không phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo, quyền làm chủ của nhân dân thì không thể phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

(3) Về kinh tế, để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chúng ta cần tiến hành một cách khẩn trương hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; làm cho kinh tế - xã hội phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước.

Cụ thể, chúng ta cần tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập trong thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; khắc phục những hạn chế về năng lực xây dựng thể chế; nâng cao chất lượng luật pháp và chính sách, làm sao cho môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch; tạo ra sự đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển; nâng cao năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế.

Các doanh nghiệp nhà nước cần đẩy nhanh tái cơ cấu và đổi mới cơ chế quản trị; cần tháo gỡ những vướng mắc trong thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cả về thể chế và tổ chức thực hiện; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Một số loại thị trường, phương thức giao dịch thị trường hiện đại cần nhanh chóng hình thành và phát triển, tháo gỡ những vướng mắc trong vận hành, nâng cao hiệu quả, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cần phát triển đồng bộ. Cần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Khắc phục tình trạng vốn vay nước ngoài giải ngân chậm, sử dụng còn dàn trải, lãng phí. Mặt khác, cần có sự chọn lọc trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; khắc phục hạn chế trong kết nối và chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Xuất khẩu tăng nhanh nhưng chú ý giá trị gia tăng; khắc phục những bất cập trong việc bảo vệ thị trường trong nước; phòng ngừa, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế.

(4) Đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ phải thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có nhiều đột phá, đạt hiệu quả cao trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội. Khắc phục xu hướng chạy theo lợi nhuận và lợi ích trước mắt trong khai thác tài nguyên. Nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới, tiết kiệm. Cải thiện chất lượng môi trường; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngăn ngừa sự suy giảm của các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học. Nhanh chóng phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường, tái chế chất thải, xử lý rác, khắc phục lạc hậu trong lĩnh vực này. Cần khắc phục tình trạng nhập khẩu công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu không đạt chuẩn về môi trường. 

(5) Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới. Làm rõ vấn đề đổi mới đồng bộ, phù hợp giữa kinh tế với chính trị, văn hóa, xã hội, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của nhân dân. Hệ thống pháp luật cần phải thống nhất, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Chấp hành pháp luật phải nghiêm minh; không để kỷ cương, phép nước bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật kịp thời, chế tài xử lý phải đủ sức răn đe. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp phải đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cần đổi mới mạnh mẽ.

Mặt khác, cần khắc phục một số hạn chế trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chẳng hạn, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện nghị quyết cần khắc phục sự chậm chạp, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng.

Công tác tư tưởng cần kịp thời, manh tính thuyết phục cao. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận cần được quan tâm đúng mức, tránh thiếu đồng bộ; một số vấn đề mới, khó, phức tạp cần được làm sáng tỏ. Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch, cần phải chủ động, sắc bén, nâng cao tính chiến đấu; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ cần phải kịp thời.

Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong công tác cán bộ cần phải khẩn trương; có sự thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng. Cần nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, khắc phục việc sinh hoạt chi bộ ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức; thiếu tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình. Công tác quản lý, rèn luyện đảng viên cần chặt chẽ. Việc đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên phải đi vào thực chất.

Báo cáo Chính trị Đại hội XIII đã chỉ ra hạn chế của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chẳng hạn, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt; còn hình thức. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, trọng tâm là đối với Nhà nước còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

6) Có cơ chế đào tạo, trọng dụng nhân tài; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia; có phát huy được hiền tài thì đất nước mới phát triển. Chúng ta đã chủ trương lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài; nhưng cơ chế chưa được cụ thể, rõ ràng, do đó việc thực hiện trong thực tế cũng chưa thực sự hiệu quả. Cơ chế này phải kết hợp với cơ chế dân chủ cơ sở, nếu không cũng khó thực hiện. Muốn khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần có cơ chế cụ thể, hiệu quả, thực tế để lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài. Điểm mới trong Văn kiện lần này là đưa ra chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đó là một số giải pháp cơ bản mà Văn kiện Đại hội XIII đưa ra nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chủ trương hoàn toàn đúng đắn, vấn đề là thực hiện, hiện thực hóa trong đời sống xã hội, để phấn đấu đến năm 2025: nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2021

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.57, 110, 111, 116, 202, 105, 108, 107, 106, 107-108.

GS, TS NGUYỄN HÙNG HẬU

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền