Trang chủ    Video Clip    Giá trị vĩ đại và sức sống bền vững về phương pháp luận của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản
Thứ hai, 22 Tháng 1 2018 16:24
642 Lượt xem

Giá trị vĩ đại và sức sống bền vững về phương pháp luận của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

(LLCT) - Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản không chỉ là một văn kiện mang tính cương lĩnh mà còn là một tác phẩm lý luận bất hủ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế 170 năm qua. Lịch sử đã có nhiều biến đổi lớn, sự thay đổi cơ cấu kinh tế trong nền kinh tế thế giới đã dẫn đến sự biến động về kết cấu và tiến trình phát triển của giai cấp vô sản trên phạm vi thế giới; CNXH hiện thực đã trải qua bao thăng trầm, song lịch sử tiếp tục chứng minh rằng những nguyên lý cơ bản đã được trình bày trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn là ánh sáng soi đường cho nhân loại tiến về tương lai.

 

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnđánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa Mác, một thế giới quan hoàn chỉnh, một quan niệm mới về các nguyên tắc nhận thức và cải tạo thế giới. Trong Lời tựa, bản tiếng Đức xuất bản năm 1883, Ph.Ăngghen khẳng định: “Tư tưởng cơ bản và chủ đạo của “Tuyên ngôn” là: trong mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - cơ cấu này phải do sản xuất kinh tế mà ra, - cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy; do đó (từ khi chế độ công hữu ruộng đất nguyên thủy tan rã), toàn bộ lịch sử là lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa những giai cấp bị bóc lột và những giai cấp đi bóc lột, giữa những giai cấp bị trị và những giai cấp thống trị, qua các giai đoạn của sự phát triển xã hội của họ; nhưng cuộc đấu tranh ấy hiện nay đã đến một giai đoạn mà giai cấp bị bóc lột và bị áp bức (tức là giai cấp vô sản) không còn có thể tự giải phóng khỏi tay giai cấp bóc lột và áp bức mình (tức là giai cấp tư sản) được nữa, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách bóc lột, ách áp bức và khỏi cuộc đấu tranh giai cấp,- tư tưởng cơ bản ấy hoàn toàn và tuyệt đối là của Mác”(1).

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnlà cương lĩnh chính trị của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, ngay từ phần mở đầu Tuyên ngônđã khẳng định rõ lý do, mục đích của Đảng Cộng sản “... phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình” và Tuyên ngôn xác định: “Mục đích trước mắt của những người cộng sản cũng là mục đích trước mắt của tất cả các đảng vô sản khác: tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”(2). Bước tiếp theo là: “Giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị, và để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất”(3) và xây dựng một xã hội tương lai “... trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(4).

 Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnlà cương lĩnh chính trị. Con đường Tuyên ngôn chỉ ra là con đường đấu tranh cách mạng chứ không phải con đường cải lương, ảo tưởng. Đó là sức sống bền vững, phương pháp luận của Tuyên ngôn để một đảng khẳng định bản chất cách mạng là “Mác xít chân chính hay Mác xít giả hiệu” trong việc xác định mục tiêu, con đường phát triển.

Vận dụng những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận giải một cách khoa học về quy luật phát triển khách quan của lịch sử nhân loại. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnđã khẳng định: “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”(5). Xã hội tư bản ra đời cũng là kết quả tất yếu của sự phát triển trong mối quan hệ giai cấp và đấu tranh giai cấp. Cái khác trong sự ra đời của chủ nghĩa tư bản đó “... là đã đơn giản hóa những đối kháng giai cấp. Xã hội ngày càng chia thành hai phe lớn thù địch với nhau, hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản”(6).

Với sự tuân thủ nghiêm ngặt lôgíc và hiện thực lịch sử, Tuyên ngôn đã tập trung sự phân tích vào hai giai cấp cơ bản, trung tâm trong sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản, đó là giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Với ý nghĩa là cương lĩnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã xác định cụ thể đối tượng đấu tranh trực tiếp của giai cấp vô sản trong chủ nghĩa tư bản là giai cấp tư sản.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã sử dụng phép biện chứng trên quan điểm duy vật để luận chứng cho sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản trên cơ sở phân tích, mổ xẻ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa - phương thức sản xuất đã sản sinh ra hai giai cấp cơ bản của xã hội: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Trên cơ sở phân tích sự ra đời, phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ, xét theo quan điểm tiến hóa của lịch sử “giai cấp tư sản hiện đại cũng là sản phẩm của một quá trình phát triển lâu dài, của một loạt những cuộc cách mạng trong phương thức sản xuất và trao đổi”(7). Do đó, vai trò lịch sử và vận mệnh của giai cấp tư sản được C. Mác và Ph.Ăngghen phân tích gắn với quá trình phát triển của phương thức sản xuất và trao đổi đã sinh ra nó. Tuyên ngôn khẳng định: “Giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử”(8). “Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”(9).

Để đáp ứng yêu cầu của sản xuất và trao đổi, giai cấp tư sản đã tập hợp các địa phương cát cứ, các khu vực dân cư tản mạn “thành một dân tộc thống nhấtcó một chính phủ thống nhất, một luật pháp thống nhất, một lợi ích dân tộc thống nhấtmang tính giai cấp và một hàng rào thuế quan thống nhất”(10). Nó “làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới”(11), những thành quả hoạt động tinh thần của một dân tộc  “trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc” và “lôi cuốn đến cả những dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh”(12).  “Nó buộc tất cả các dân tộc phải thực hành phương thức sản xuất tư sản, nếu không sẽ bị tiêu diệt; nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập  cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản. Nói tóm lại, nó tạo ra cho nó một thế giới theo hình dạng của nó”(13).

Đánh giá cao những thành tựu và cống hiến ấy của chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản, song với quan điểm duy vật lịch sử, mà đặc biệt là quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, những lực lượng sản xuất mà giai cấp tư sản tạo ra, là cơ sở cho sự hình thành quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhưng đến lượt mình, “lực lượng sản xuất hiện đại chống lại những quan hệ sản xuất hiện đại, chống lại những quan hệ sở hữu đang quyết định sự tồn tại và sự thống trị của giai cấp tư sản”. “Xã hội tư sản hiện đại, với những quan hệ sản xuất và trao đổi tư sản của nó, với những quan hệ sở hữu tư sản, đã tạo ra những tư liệu sản xuất và trao đổi hết sức mạnh mẽ như thế, thì giờ đây, giống như một tay phù thủy không còn đủ sức trị những âm binh mà y đã triệu lên”(14).

Mâu thuẫn đó đã dẫn đến “cuộc khủng hoảng thương nghiệp diễn đi diễn lại một cách chu kỳ và ngày càng đe dọa sự tồn tại của toàn bộ xã hội tư sản. Mỗi cuộc khủng hoảng đều phá hoại không những một số lớn sản phẩm đã được tạo ra, mà cả một phần lớn chính ngay những lực lượng sản xuất đã có nữa”(15) và giai cấp tư sản khắc phục những cuộc khủng hoảng ấy: “Một mặt, bằng cách cưỡng bức phải hủy bỏ một số lớn lực lượng sản xuất; mặt khác, bằng cách chiếm những thị trường mới và bóc lột triệt để hơn nữa những thị trường cũ”(16).

Trên quan điểm duy vật lịch sử và với sự lập luận lôgíc đó, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra kết luận: “Những vũ khí mà giai cấp tư sản đã dùng để đánh đổ chế độ phong kiến thì ngày nay quay lại đập vào chính ngay giai cấp tư sản. Nhưng giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản”(17). Cách tiếp cận đó đã khẳng định tính khoa học, bản chất sáng tạo, tính khách quan, giá trị bền vững về phương pháp luận trên quan điểm duy vật lịch sử triệt để trong phân tích và đánh giá vai trò của giai cấp tư sản trong tiến trình phát triển của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen xác định nguồn gốc, đặc trưng cơ bản của giai cấp vô sản với tư cách là sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp và nền sản xuất công nghiệp. Cũng như các giai cấp khác trong lịch sử phát triển của xã hội, giai cấp vô sản là sản phẩm của một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đến xã hội tư bản: “Xã hội ngày càng chia thành hai phe lớn thù địch với nhau, hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản”(18). Và cùng với sự tiến triển của lịch sử, giai cấp vô sản cũng  phát triển với những biểu hiện và đặc trưng mới.

Trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, giai cấp vô sản và giai cấp tư sản vừa có mối quan hệ ràng buộc, vừa có quan hệ đối kháng. Quan hệ ràng buộc đó làm cho “Giai cấp tư sản, tức là tư bản, mà lớn lên thì giai cấp vô sản, giai cấp công nhân hiện đại... cũng phát triển theo”; “Thành thử giai cấp tư sản đã cung cấp cho những người vô sản những tri thức của bản thân nó, nghĩa là những vũ khí chống lại bản thân nó”(19). Hơn nữa, “từng bộ phận trọn vẹn của giai cấp thống trị bị sự tiến bộ của công nghiệp đẩy vào hàng ngũ giai cấp vô sản”. Những bộ phận ấy cũng đem lại cho giai cấp vô sản nhiều tri thức.

C.Mác và Ph.Ăngghencũng chỉ ra, “lúc mà đấu tranh giai cấp tiến gần đến giờ quyết định thì quá trình tan rã của giai cấp thống trị, của toàn bộ xã hội cũ, mang một tính chất dữ dội và khốc liệt đến nỗi một bộ phận nhỏ của giai cấp thống trị tách ra khỏi giai cấp này và đi theo giai cấp cách mạng, đi theo giai cấp đang nắm tương lai trong tay... một bộ phận của giai cấp tư sản cũng chạy sang hàng ngũ giai cấp vô sản, đó là bộ phận những nhà tư tưởng tư sản đã vươn lên nhận thức được, về mặt lý luận, toàn bộ quá trình vận động lịch sử”(20). “Thành thử giai cấp tư sản đó cung cấp cho những người vô sản những tri thức của bản thân nó, nghĩa là những vũ khí chống lại bản thân nó”(21).

Như vậy, giai cấp vô sản là sản phẩm của nền đại công nghiệp. Cùng với sự phát triển của nền đại công nghiệp, các giai cấp khác đều dần dần bị phân hóa, suy tàn và tiêu vong, chỉ có giai cấp vô sản là lớn lên cùng với sự phát triển của công nghiệp. Từ sự phân tích đó, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghenđã đi đến kết  luận “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”(22).

Trong Tuyên ngôn, với cách nhìn khách quan và thái độ dứt khoát,C.Mác và Ph.Ăngghen phê phán không khoan nhượng đối với giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản. Sau khi trở thành giai cấp thống trị, nắm trong tay quyền lực kinh tế, quyền lực chính trị, giai cấp tư sản, chủ nghĩa tư bản đã thay những quan hệ cổ truyền bằng những “lợi ích trần trụi và lối tiền trao cháo múc” và “bóc lột công nhiên vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn thay cho sự bóc lột được che đậy bằng những ảo tưởng tôn giáo và chính trị”. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghenđã chỉ ra: “Giai cấp tư sản, tức là tư bản, mà lớn lên thì giai cấp vô sản, giai cấp công nhân hiện đại - tức là giai cấp chỉ có thể sống với điều kiện là kiếm được việc làm, và chỉ kiếm được việc làm, nếu lao động của họ làm tăng thêm tư bản - cũng phát triển theo. Những công nhân ấy, buộc phải tự bán mình để kiếm ăn từng bữa một, là một hàng hoá, tức là một món hàng đem bán như bất cứ một món hàng nào khác; vì thế, họ phải chịu hết mọi sự may rủi của cạnh tranh, mọi sự lên xuống của thị trường với mức độ như nhau”(23). Với phương pháp tiếp cận đó, Tuyên ngônđã khẳng định, giai cấp vô sản không chỉ là “sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”, mà còn là “giai cấp thực sự cách mạng” và chính nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đã đưa họ lên địa vị đó. Sự áp bức và bóc lột của giai cấp tư sản, mâu thuẫn nội tại trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mà do chính bản thân nó đã dẫn đến “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản bắt đầu ngay từ lúc họ mới ra đời”(24).

Với luận chứng đó, Tuyên ngônđã rút ra kết luận: “... cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, chính cái nền tảng trên đó giai cấp tư sản đã sản xuất và chiếm hữu sản phẩm của nó, đã bị phá sập dưới chân giai cấp tư sản”(25), và “giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí để giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản”. Bởi vậy, “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”.

Trong điều kiện khách quan giữa thế kỷ XIX, C.Mác và Ph.Ăngghen không thể dự kiến một cách cụ thể về các giai đoạn phát triển như hiện nay của chủ nghĩa tư bản và tuy một số điểm cụ thể đã không còn phù hợp. Song xét về bản chất, về những mâu thuẫn cơ bản trong chủ nghĩa tư bản thì những gì diễn ra càng chứng minh khó có phương pháp phân tích nào có thể vượt qua được phương pháp của C.Mác và Ph.Ăngghen thể hiện trong Tuyên ngôn. Hiện nay, sự tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, trình độ quốc tế hóa lực lượng sản xuất và nền kinh tế thế giới, chủ nghĩa tư bản đã nắm trong tay phần lớn của cải, phương tiện để giải quyết những vấn đề toàn cầu bức xúc, nhưng nó không giải quyết được mà còn làm cho những vấn đề: phân hóa giàu nghèo, mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc trở thành phổ biến và ngày càng sâu sắc, nguy hiểm hơn trên phạm vi thế giới.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã sử dụng phép biện chứng trên quan điểm duy vật vào việc nhận thức những cơ sở khách quan và các nhân tố chủ quan của sự phát triển xã hội, đã phân tích sâu sắc, chính xác quá khứ, hiện tại và tương lai của xã hội, đã xây dựng quan điểm khoa học về sự phát triển của xã hội loài người. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnđã luận chứng một cách khoa học tiến trình phát triển của lịch sử dựa trên sự phân tích quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Vận dụng quy luật đó vào sự phân tích bản chất kinh tế - xã hội của chủ nghĩa tư bản ở thế kỷ XIX, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnđã vạch ra bản chất của chủ nghĩa tư bản, quy luật vận động và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, vai trò to lớn và tính tất yếu về mặt lịch sử của chế độ tư bản; phân tích những mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản, từ đó chứng minh xã hội tư bản nhất định sẽ bị thay thế bằng xã hội cộng sản.  Chính chủ nghĩa tư bản về khách quan đã và đang chuẩn bị những điều kiện và tiền đề cho sự thay thế đó.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản,khi phân tích con đường và những hình thức mà giai cấp vô sản trong tiến trình thực hiện sứ mệnh lịch sử xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và xây dựng thành công CNXH, C.Mác và Ph.Ăngghen đã vạch rõ quy luật chủ yếu của cuộc cách mạng vô sản mà bước đầu tiên của nó “là biến giai cấp vô sản thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”. Tiếp đó, “Giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị, và để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất”(26).Tuyên ngônnêu 10 biện pháp mà nhà nước của giai cấp vô sản ở những nước tiên tiến nhất có thể áp dụng để cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới. Đồng thời, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Trong những nước khác nhau, những biện pháp ấy dĩ nhiên sẽ khác nhau rất nhiều”(27).

Lịch sử hơn 70 năm tồn tại, phát triển, khủng hoảng và sụp đổ của Liên Xô  kéo theo sự đổ vỡ của các nước XHCN Đông Âu và hiện nay với sự xuất hiện các mô hình CNXH thời kỳ đổi mới: “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, “chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, “chủ nghĩa xã hội ở Lào”... cùng trào lưu “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” ở khu vực Mỹ Latinh đã chứng minh rằng ở đâu, lúc nào vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin thì lúc đó, nơi đó CNXH thành công và phát triển. Ngược lại, ở đâu, lúc nào các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin bị hiểu sai, vận dụng sai, rơi và giáo điều thì nơi đó, lúc đó CNXH rơi vào trì trệ, khủng hoảng và thất bại. Trong Lời tựa cho bản tiếng Đức xuất bản 25 năm sau, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùytheo hoàn cảnh lịch sử”. Đó chính là giá trị bền vững về phương pháp luận, nguyên lý chỉ đạo để giai cấp công nhân trong  quá trình cải tại xã hội cũ và xây dựng xã hội mới phải luôn luôn sáng tạo, không rập khuôn, máy móc, giáo điều. Không có một con đường, mô hình chung cho tất cả các nước trong quá trình xây dựng xã hội mới.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra việc xây dựng xã hội mới bằng con đường cách mạng để đạt mục đích cuối cùng: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. C.Mác và Ph.Ăngghen đã vượt qua các nhà nhân đạo chủ nghĩa trước đó và đã đặt tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa trên một cơ sở thực tiễn. Và chính thực tiễn đã cho thấy chủ nghĩa nhân đạo chỉ trở thành chủ nghĩa nhân đạo hiện thực khi nó được hình thành và phát triển dưới chế độ XHCN, nơi mà sự tự do thật sự của cá nhân có được trên cơ sở việc xác lập sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Không thể có một quốc gia ổn định, không có bạo lực, không phải chịu bom rơi, đạn nổ, khi quốc gia đó còn sử dụng mọi phương tiện, kỹ thuật, bạo lực giáng lên đầu các dân tộc khác. Hơn nữa, trong Cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, khi mà một nhóm người, một tổ chức cực đoan có thể đe dọa đến sự tồn vong của cả một vùng, thậm chí cả một quốc gia, khu vực. Thực tiễn diễn ra trên thế giới hiện nay ngày càng khẳng định tính bền vững, giá trị đích thực của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

170 năm kể từ khi Tuyên ngôn của Đảng cộng sảnra đời, lịch sử tiếp tục chứng minh rằng CNXH khoa học mà những nguyên lý cơ bản đã được trình bày trong Tuyên ngôn luôn là ánh sáng soi đường cho nhân loại tiến tới tương lai tốt đẹp của mình. Đúng như V.I.Lênin đã từng khẳng định, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản“có giá trị bằng hàng bộ sách: tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”(28).

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2017

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.11-12.

(2), (3), (4), (5), (6) (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23), (24), (25), (26), (27) Sđd, t.4, tr.615, 626, 628, 596, 597, 598, 599, 603, 603, 601, 602, 602, 604, 604, 605, 605, 597, 609, 609-610, 609, 610, 605, 607, 613, 626, 627.

(28) V.I.Lênin: Toàn tập,t.2, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.10.

 

PGS, TS Đinh Thế Định 

ThS Bùi Thị Cần

Thông tin tuyên truyền