Hội thảo khoa học “Những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam”

08/07/2023 16:21

(LLCT) - Sáng 7-7-2023, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam". GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Hội thảo. Đồng chủ trì có PGS, TS Lưu Văn Quảng, Viện trưởng Viện Chính trị học; TS Đào Ngọc Báu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Hội thảo khoa học “Những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam”

GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo - Ảnh: hcma.vn

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số vụ, viện của Học viện, đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ban  Đối ngoại Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cùng các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 16 đến ngày 22-10-2022, là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của Trung Quốc và thế giới. Thành công của Đại hội XX mở ra một chặng đường phát triển mới trong hành trình lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Là nước lớn, những điều chỉnh chính sách của Trung Quốc chắc chắn có tác động không nhỏ đến các quốc gia trong khu vực và toàn thế giới, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa - xã hội...

Việt Nam là quốc gia láng giềng, có đường biên giới trên bộ, trên biển với Trung Quốc, đặc biệt vấn đề biển Đông vẫn đang tồn tại và cần tiếp tục giải quyết, do đó việc nắm bắt những thay đổi về chính sách, đường lối đối ngoại, chiến lược an ninh - quốc phòng, chính sách kinh tế của Trung Quốc là hết sức cần thiết và có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

Tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 20 bài viết, báo cáo tham luận của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Với cách tiếp cận phong phú, khách quan, khoa học, các chuyên gia, nhà khoa học đã đi sâu phân tích, luận giải sâu sắc và làm sáng tỏ những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ đó đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam.

Nhìn một cách tổng thể, Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc là sự cụ thể hóa những đường lối đã được đề ra từ Đại hội XVIII và định hình ở Đại hội XIX. Nói cách khác, Đại hội XX vẫn tiếp tục những tư tưởng và đường lối phát triển đất nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình từ khi lên nắm quyền năm 2012.

Sáng tạo lý luận trong Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc

PGS, TS Nguyễn Minh Hoàn, Trưởng khoa Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh: Các thành tựu phát triển mà Trung Quốc đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn, phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch đông, lý luận Đặng Tiểu Bình và quan điểm phát triển khoa học của Hồ Cẩm Đào cùng với sự phát triển lý luận trong thời đại mới.

Sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một loạt các nội dung quan trọng đã được triển khai. Trước hết, Trung Quốc quán triệt học tập tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH đặc sắc Trung Quốc trong đó nhấn mạnh hai vấn đề: Một là, con đường mới hiện đại hóa mô hình Trung Quốc. Đây là quá trình tổng kết cơ sở lý luận và thực tiễn trong quá trình xây dựng CNXH kiểu Trung Quốc, không chỉ tạo nền tảng đại phục hưng dân tộc Trung Hoa, thực hiện giấc mơ Trung Quốc, mà còn góp phần dẫn dắt, tạo ra định hướng, sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới, qua đó vẽ lại bàn cờ địa chính trị thế giới. Hai là, xây dựng dân chủ nhân dân toàn quá trình nhằm so sánh, phê phán dân chủ hiến chính của phương Tây (đề cao chủ nghĩa tự do, hạ thấp vai trò của Chính phủ, hòng hạn chế vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản).

Tinh thần Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc được đúc rút từ quá trình Trung Quốc hóa, thời đại hóa, dân tộc hóa quan điểm của chủ nghĩa Mác. Trong giới lý luận của Trung Quốc gần 10 năm nay đã hình thành nên chủ nghĩa Mác sáng tạo, trong đó có trường phái tân kinh tế học của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. 

Về quan điểm xây dựng Đảng, Trung Quốc nhấn mạnh nguyên tắc tập trung dân chủ, trong đó có sự kế thừa và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: thực hiện hệ thống quy chế, chế độ pháp quy trong Đảng, lấy Điều lệ Đảng làm căn cứ, khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Trung Quốc nhấn mạnh nguyên tắc phải vạch ra sự thâm nhập của chủ nghĩa Mác phương Tây - thực chất là sự hậu thuẫn cho quan điểm CNXH dân chủ, từ đó bóc tách những quan điểm này nhằm tránh sự thâm nhập của quan điểm CNXH dân chủ vào xã hội Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc nghiên cứu về phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và phong trào cánh tả; tập trung nghiên cứu các hình thức biến thể của CNXH trên thế giới hiện nay và chỉ rõ các mặt hạn chế của các hình thức này xuất phát từ việc không quán triệt sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin

Đại hội XX đã chắt lọc toàn bộ quan điểm về sự biến đổi, phát triển của CNTB hiện đại. Hằng năm, Trung Quốc đều có niên giám nghiên cứu về CNTB, trong đó đưa ra các nhận xét, tổng kết cụ thể, chỉ ra những hạn chế của CNTB hiện đại, so sánh hiện đại hóa theo kiểu phương Tây và hiện đại hóa theo mô hình Trung Quốc. 

Để đưa ra đường lối, quan điểm trong Đại hội XX, Trung Quốc tập trung nghiên cứu logic tiên nhiệm của CNTB, gồm 5 yếu tố gây ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc là: thị trường tự do, dân chủ hiến chính, tam quyền phân lập, cạnh tranh đa đảng và xã hội dân sự.

Bàn về tư tưởng triết học của chủ nghĩa Mác trong Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, TS Đinh Văn Thụy, Phó Viện trưởng Viện Triết học khẳng định: Báo cáo chính trị của Đại hội XX gồm 15 phần, trong đó có 2 lần đề cập trực diện đến cụm từ “triết học”, đồng thời, sử dụng nhiều thuật ngữ phạm trù đặc trưng của triết học như chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử,… nhằm mục đích nâng cao tư duy lý luận cho đội ngũ cán bộ đảng viên, yêu cầu phải đẩy mạnh phát triển tư duy lý luận, bên cạnh tư duy chiến lược, tư duy lịch sử, tư duy pháp trị, tư duy đổi mới sáng tạo v.v.. 

Báo cáo thể hiện sự vận dụng các nguyên tắc của triết học Mác như nguyên tắc kế thừa, nguyên tắc toàn diện, nguyên tắc phát triển..., trong đó quan điểm “toàn diện” - xuất hiện rất nhiều lần: cải cách toàn diện, quản lý Đảng toàn diện, v.v.  Báo cáo chính trị cũng thể hiện sự vận dụng các cặp phạm trù của chủ nghĩa Mác Lênin trong nhận thức như: phạm trù bản chất - hiện tượng, phạm trù hệ thống - bộ phận, phạm trù trước mắt - lâu dài…; thể hiện sự vận dụng quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập, chỉ ra những mâu thuẫn chính, mẫu thuẫn phụ trong xã hội Trung Quốc, từ đó đưa ra giải pháp giải quyết các mâu thuẫn đó. 

Vận dụng lý luận về lực lượng sản xuất trong thực tiễn, Đại hội XX đã thể hiện quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc về phát triển lực lượng sản xuất trong đó chú trọng phát triển nhân tài và đầu tư mạnh mẽ vào khoa học, công nghệ. Báo cáo cũng thể hiện sự vận dụng chủ nghĩa Mác trong giải quyết mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, từ đó không ngừng viết nên chương mới trong quá trình Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác.

TS Ngô Xuân Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc nhận định: Điểm sáng tạo nổi bật trong Văn kiện Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc chính là nội dung hiện đại hóa mô hình kiểu Trung Quốc. Trong quá trình thúc đẩy mô hình hiện đại hóa với mục tiêu trở thành siêu cường, Trung Quốc nhấn mạnh tính đặc thù của quốc gia trên cơ sở vận dụng những tri thức chung của nhân loại. Trọng tâm của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay là hướng tới nâng cao chất lượng phát triển, sau khi đã đạt được tốc độ phát triển nhanh trong quá khứ.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo - Ảnh: hcma.vn

Những điểm mới về chính sách trong Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc 

PGS, TS Thái Văn Long, Phó Viện trưởng Viện quan hệ quốc tế phân tích những đóng góp mới của Đại hội XX đối với tư tưởng phát triển lấy con người làm trung tâm. Tư tưởng phát triển lấy con người làm trung tâm của Trung Quốc được đề ra từ rất sớm với 4 nội dung cốt lõi là: định vị con người là trung tâm trong sự nghiệp xây dựng CNXH; phát triển con người toàn diện là xuất phát điểm, là đích đến trong xây dựng CNXH; chú trọng phát triển con người toàn diện về năng lực, thể chất trí tuệ; trong quá trình phát triển toàn diện đất nước, Đảng Cộng sản Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phát triển tổng thể điều kiện bên ngoài để tạo điều kiện cho sự phát triển của con người.

Đại hội XX đã nhấn mạnh 3 đóng góp mới trong phát triển con người: (i) “con người là trung tâm” là một trong những yếu tố mang tính quyết định, tạo ra những thắng lợi to lớn trong 100 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền. Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất, đưa CNXH đặc sắc Trung Quốc bước vào thời kỳ mới, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cuộc chiến công kiên thoát nghèo, hướng tới xây dựng xã hội khá giả toàn diện.

(ii) Phát triển con người là nội dung trọng tâm của mô hình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, hướng đến phấn đấu đạt mục tiêu 100 năm lần thứ 2: hiện đại hóa với quy mô dân số lớn (trên 1.4 tỷ người); hiện đại hóa bảo đảm toàn thể nhân dân cùng thịnh vượng, văn minh, con người và thiên nhiên cùng tồn tại hài hòa; và hiện đại hóa theo con đường phát triển hòa bình.

(iii) Cụ thể hóa nội dung, đưa ra các giải pháp để thực hiện giấc mơ Trung Hoa, đó là kiên trì tư tưởng lấy con người làm trọng tâm, bảo vệ lợi ích nhân dân, phát triển dựa vào nhân dân, thành quả phát triển do nhân dân cùng thụ hưởng

Phân tích, luận giải về sự tự tin lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc, TS Nguyễn Bình, Viện Lịch sử Đảng nêu rõ: Hiện nay, Trung Quốc đã bước vào thế kỷ thứ hai dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự tự tin lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với công cuộc lãnh đạo xây dựng đất nước xuất phát từ những thắng lợi trong lịch sử 100 năm xây dựng và trưởng thành, trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nội chiến chống Quốc dân đảng và những thành tựu trong quá trình đổi mới đất nước.

Về mặt lãnh thổ, Trung Quốc đã thu hồi Hồng Kông, Macau và đang đặt vấn đề thu hồi Đài Loan. Về kinh tế, mức tăng trưởng trung bình 2 con số trong 30 năm là một kỳ tích. Từ một quốc gia phải vay nợ nước ngoài để phát triển kinh tế xã hội, Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới và hiện là nền kinh tế thứ 2 thế giới. Về quân sự, Trung Quốc đang nuôi tham vọng trở thành một quốc gia hùng mạnh về quân sự.

Đại hội XX  nhắc đến Đài Loan như là một phần lãnh thổ không thể thiếu của Trung Quốc, thể hiện sự tự tin về một ngày thống nhất Đài Loan không còn xa, là “nhiệm vụ nhất định phải hoàn thành”.

Đại hội XX cũng thể hiện sự tự tin rằng quá trình thực hiện bước nhảy vĩ đại, công cuộc cải cách mở cửa đất nước đã viết nên trang sử mới về kỳ tích phát triển kinh tế và xã hội, góp phần dẫn đến tiến trình lịch sử không thể đảo ngược về việc đại phục hưng dân tộc Trung Hoa.

Đánh giá xu hướng phát triển của Trung Quốc trong thời gian tới

Tại Hội thảo, đồng chí Phó Đức Dương, Tập sự Phó Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương đã đưa ra những nhận định, dự đoán về xu hướng phát triển của Trung Quốc trong thời gian tới.

Về chính trị, Trung Quốc tiếp tục xây dựng hệ thể chế chính trị XHCN đặc sắc Trung Quốc với vai trò tiên phong của Đảng Cộng sản, lấy nhân dân làm trung tâm, với nhiều điểm ưu việt, khác biệt so với mô hình của phương Tây. Nhấn mạnh hiện đại hóa mô hình Trung Quốc, Trung Quốc hóa, thời đại hóa chủ nghĩa Mác, nghĩa là chủ nghĩa Mác phải gắn với thực tiễn Trung Quốc, đặc biệt phải gắn với nền văn minh hàng nghìn năm của quốc gia này.

Về xây dựng đảng, trọng tâm của công tác xây dựng Đảng của Trung Quốc trong thời gian tới là giữ vững lập trường chính trị,  kiên trì thực hiện “hai xác lập, hai bảo vệ”, vũ trang lý luận trong toàn Đảng, tiến hành giáo dục toàn đảng quy mô lớn về tư tưởng Tập Cận Bình và CNXH đặc sắc Trung Quốc tăng cường xây dựng hệ thống tổ chức đảng trong sạch vững mạnh.

Về kinh tế - xã hội, Trung Quốc nhấn mạnh phát triển chất lượng cao, tập trung phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh đang bủa vây, kiềm chế Trung Quốc về khoa học công nghệ.

Về đối ngoại, Trung Quốc sẽ triển khai nhiều biện pháp để tăng cường tính tự chủ, chủ động; đưa ra vấn đề dân chủ nhân dân toàn quá trình để đối lập với quan điểm của Mỹ; tiếp tục triển khai chính sách ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc, xác định mối quan hệ với các nước láng giềng, các nước đang phát triển là một trọng tâm. Trung Quốc sử dụng mối quan hệ với các nước này với mục tiêu then chốt nhất là giải quyết mâu thuẫn chính, căn bản trong quan hệ đối ngoại - mối quan hệ với Mỹ. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các sáng kiến mang tầm toàn cầu, nhằm từng bước định hình luật chơi theo cách Trung Quốc mong muốn trên đấu trường quốc tế, xác lập vị thế và ảnh hưởng phù hợp với sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Phát biểu Kết luận Hội thảo, PGS, TS Lưu Văn Quảng, Viện trưởng Viện Chính trị học nhấn mạnh: Đại hội là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của Trung Quốc, xác định được những mục tiêu, lộ trình phát triển, quan điểm và biện pháp lớn trên các mặt đối nội, đối ngoại của Trung Quốc không chỉ trong nhiệm kỳ 5 năm mà còn cho cả chiến lược phát triển dài hạn tới giữa thế kỷ XXI. 

Những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc là chủ đề nhận được sự quan tâm đặc biệt và là vấn đề quan trọng trong chương trình nghiên cứu, giảng dạy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tại Hội thảo, các tham luận của các nhà khoa học tập trung vào nhiều khía cạnh liên quan đến các chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật, an ninh quốc phòng, đối ngoại… từ đó rút ra bài học kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam.

Về mặt lý luận, nghiên cứu sẽ cung cấp những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển khoa học công nghệ gắn với bảo vệ môi trường, chuyển đổi mô hình kinh tế từ phát triển dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang phát triển dựa vào khoa học và công nghệ, với phương châm “tự lập tự cường”, từ đó giúp cho Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh “địa chính trị” và “địa công nghệ” giữa các cường quốc. 

Về mặt thực tiễn, nắm bắt được những thay đổi trong chính sách và đường lối phát triển của Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam chủ động trong việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, có đối sách phù hợp trong giải quyết tranh chấp trên biển Đông, đồng thời giúp Việt Nam chủ động điều chỉnh chiến lược, chính sách đối ngoại để cân bằng lợi ích với các cường quốc theo phương châm không chọn phe, không chọn bên, chỉ hành xử dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế.

T.L