Nâng cao hiệu quả nghiên cứu thực tế có thời hạn của cán bộ, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay

05/09/2023 16:37

TS TRẦN THỊ MỸ HƯỜNG

Viện Lịch sử Đảng, 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Thực hiện chủ trương gắn lý luận với thực tiễn trong công tác đào tạo cán bộ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh hoạt động đi nghiên cứu thực tế tại địa phương, bộ ngành Trung ương và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo điều kiện cho cán bộ có cơ hội được rèn luyện thực tiễn, nâng cao năng lực và trình độ.

Nâng cao hiệu quả nghiên cứu thực tế có thời hạn của cán bộ, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ công bố và trao quyết định luân chuyển, biệt phái cán bộ vào công tác tại Học viện Chính trị khu vực IV năm 2018 - Ảnh: HCMA

“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(1). Thực hiện lời chỉ dạy của Người, Đảng ta luôn chú trọng công tác cán bộ, huấn luyện cán bộ cả lý luận và thực tiễn để mỗi cán bộ từ công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế “có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo”(2). Trong thời kỳ đổi mới, công tác cán bộ được Đảng xác định là một trong những yếu tố quan trọng có tính quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng đất nước. Do vậy, Đảng ta chủ trương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ toàn diện cả về lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn. Đây là định hướng lớn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã vận dụng, triển khai trong xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị.
1. Nhận thức rõ ý nghĩa và sự cần thiết của việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ toàn diện, gắn với thực tiễn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn quán triệt phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ngày 20-5-2013, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1441/QĐ-HVCT-HCQG Quy định về việc đi nghiên cứu thực tế hằng năm; luân chuyển, biệt phái, đi thực tế dài hạn.
Rút kinh nghiệm từ thực tế, ngày 01-6-2017, Giám đốc Học viện ra Quyết định số 2450 -QĐ/HVCTQG ban hành Quy chế cử cán bộ, công chức, viên chức luân chuyển, biệt phái, nghiên cứu thực tế tại đơn vị, địa phương, bộ, ngành. Quy chế nêu rõ: “Nghiên cứu thực tế là việc Giám đốc Học viện (hoặc Giám đốc Học viện trực thuộc theo phân cấp), căn cứ yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ quyết định cử cán bộ đi nghiên cứu thực tế tại địa phương, bộ, ngành theo hình thức ngắn hạn hoặc dài hạn”(3). Thời gian đi nghiên cứu thực tế, tùy theo yêu cầu của cán bộ đi nghiên cứu thực tế, có thể kéo dài từ 01 đến 02 năm, có thể chia làm nhiều đợt, mỗi đợt không dưới 03 tháng.
Việc cử cán bộ đi thực tế được quy định theo đúng quy trình các bước: Hằng năm, Học viện yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thông báo đến cán bộ, viên chức trong đơn vị về đăng ký nhu cầu đi nghiên cứu thực tế, biệt phái và xây dựng kế hoạch; căn cứ vào đăng ký và kế hoạch của cán bộ, viên chức về việc đi nghiên cứu thực tế, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị xem xét, trình Ban Giám đốc Học viện xem xét, quyết định cử cán bộ đi nghiên cứu thực tế (gửi qua Vụ Tổ chức - Cán bộ).
Sau khi được sự đồng ý của Ban Giám đốc, Vụ Tổ chức - Cán bộ gửi văn bản tới cơ quan ban, bộ, ngành, địa phương để trao đổi, giới thiệu cán bộ đến nghiên cứu thực tế và đề xuất các nội dung, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, viên chức thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu thực tế.
Sau khi được sự đồng ý tiếp nhận của cơ quan ban, bộ, ngành, địa phương, Học viện sẽ ra quyết định cử cán bộ, viên chức đi nghiên cứu thực tế theo các nội dung, thời gian và địa điểm đã được thống nhất; Cán bộ thực hiện nhiệm vụ đi nghiên cứu thực tế theo quyết định của Giám đốc Học viện và được tiếp nhận trở lại công tác sau khi kết thúc đợt nghiên cứu thực tế.
Để động viên và hỗ trợ cán bộ đi nghiên cứu thực tế, cán bộ, viên chức đi biệt phái, nghiên cứu thực tế cũng được hưởng các quyền lợi nhất định(4). Trong đó, cán bộ được hưởng nguyên lương và phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi khác (nếu có) tại đơn vị cử đi; cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ biệt phái, được ưu tiên xem xét để bổ nhiệm, nâng lương trước thời hạn, cử đi học tập, tham quan, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài; được đơn vị tiếp nhận đến biệt phái thanh toán tiền thù lao giảng dạy, hướng dẫn theo chế độ như giảng viên mời ngoài, được hưởng phúc lợi (nếu có) của đơn vị tiếp nhận đến biệt phái; Cán bộ trong thời gian biệt phái có thể tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học; nhưng không làm chủ nhiệm, thư ký các đề tài khoa học; không tham gia giảng dạy tại đơn vị cử đi.
Đối với các trường hợp biệt phái đến cơ quan, đơn vị ngoài tỉnh, thành phố nơi đơn vị đặt trụ sở cơ quan người đi biệt phái, hằng tháng được hỗ trợ một khoản tiền bằng 2,5 lần mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước; được bố trí nhà ở công vụ; được thanh toán chi phí đi lại theo quy định hiện hành khi về thăm gia đình, tối đa 02 lần/năm trong thời gian biệt phái(5). Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên yên tâm đi thực tế, nâng cao tri thức và kinh nghiệm thực tiễn, phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và tư vấn chính sách của cán bộ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
2. Thực hiện chủ trương của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từ năm 2018 đến năm 2022, công tác đưa cán bộ đi biệt phái, nghiên cứu thực tế được tiến hành đều đặn, thường xuyên. Trong 05 năm, Học viện đã cử 35 cán bộ, viên chức đi nghiên cứu thực tế, biệt phái. Trong đó, năm 2018, Học viện đã cử 15 đồng chí đi thực tế tại ban, ngành, địa phương; năm 2019, có 7 đồng chí. Năm 2020 và 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp nên số cán bộ đi thực tế giảm (năm 2020 có 4 đồng chí và năm 2021 có 2 đồng chí). Đến năm 2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các mặt hoạt động của Học viện hoạt động trở lại trạng thái bình thường, công tác đưa cán bộ đi nghiên cứu thực tế tại bộ, ngành địa phương được đẩy mạnh. Do vậy, số cán bộ đi thực tế là 8 đồng chí, tăng gấp hai lần so với năm 2020, gấp 4 lần so với năm 2021(6).
Về thời gian đi thực tế, trong tổng số 35 cán bộ đi thực tế, có 19 cán bộ đi thực tế 12 tháng (52,28%); 11 cán bộ đi thực tế 6 tháng; còn lại là đi 3 tháng, 1,5 tháng(7).
Trong 5 năm, 100% cán bộ đi thực tế đều lựa chọn đi về các địa phương, một số cán bộ đi tỉnh miền núi khó khăn, như Lai Châu… Địa điểm xa nhất là huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tại các địa phương, mỗi cán bộ đi nghiên cứu thực tế đều có cách tiếp cận khác nhau trong việc lựa chọn cơ quan, đơn vị đến thực tế:
Thứ nhất, cán bộ, giảng viên lựa chọn đi những cơ quan, đơn vị gần với chuyên môn của mình để tìm hiểu sâu tình hình thực tiễn, từ đó soi chiếu lý luận vào thực tiễn cũng như kiểm nghiệm lý luận qua thực tiễn. Đối với các cán bộ tiếp cận từ yêu cầu này thì quá trình đi thực tế có nhiều thuận lợi, nhanh chóng bắt nhịp với công việc của đơn vị đến thực tế; chủ động trong công tác tham mưu và tham gia vào quá trình giải quyết các công việc. Một số đồng chí có nhiều đóng góp đối với địa phương, cơ quan đến thực tế, được lãnh đạo địa phương ghi nhận.
Thứ hai, cán bộ lựa chọn đi những cơ quan, đơn vị không gần với chuyên môn của mình để tìm hiểu về một vấn đề mới mẻ, bổ sung thêm tri thức thực tiễn cũng như tăng cường các kỹ năng xử lý tình huống. Với trường hợp này, cán bộ gặp nhiều khó khăn hơn, từ tiếp cận công việc cũng như quá trình tham gia xử lý các vấn đề thực tiễn tại nơi đến thực tế. Cán bộ đến thực tế địa phương chủ yếu quan sát, học hỏi, nắm bắt và bổ sung kiến thức, ít có khả năng cũng như cơ hội được tham mưu hay tham gia vào quá trình giải quyết, xử lý công việc do sự hạn hẹp về kiến thức và sự hiểu biết về một lĩnh vực không đúng với chuyên môn, chuyên ngành được đào tạo, xa với công việc đang thực hiện ở Học viện.
Tuy nhiên, dù ở cách tiếp cận nào thì việc đi nghiên cức thực tế vẫn là một trong những giải pháp, cách thức cần thiết và có hiệu quả thiết thực trong việc bổ sung kiến thức thực tiễn, nâng cao chất lượng toàn diện cho đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy.
Cán bộ đi nghiên cứu thực tế luôn chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, có nhiều sáng tạo trong công việc. Nhiều đồng chí đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải pháp trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cán bộ đi nghiên cứu thực tế đã khắc phục mọi khó khăn, vượt qua những lúng túng ban đầu, chủ động nắm bắt tình hình tại cơ sở, gắn bó, gần gũi với cán bộ, công chức và nhân dân nơi đến nghiên cứu thực tế. Từ đó, vừa thực hiện nhiệm vụ được giao, vừa tạo sự tin tưởng và thân thiện với cán bộ và nhân dân nơi đến thực tế. Từ quá trình đi nghiên cứu thực tế, cán bộ, giảng viên đã có sự trưởng thành về chuyên môn, nghiệp vụ; biết vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức thực tế vào giảng dạy; bài giảng được bổ sung nhiều chất liệu thực tiễn có giá trị.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế:
Một số cấp ủy và thủ trưởng đơn vị, cũng như một số cán bộ, viên chức chưa coi trọng đúng mức ý nghĩa và tầm quan trọng của chủ trương đưa cán bộ đi nghiên cứu thực tế. Do vậy, chưa quán triệt sâu rộng trong đơn vị và chưa quyết liệt trong xây dựng kế hoạch và cử cán bộ đi thực tế. Việc cử cán bộ đi thực tế còn ít, mang tính chiếu lệ, cốt để đáp ứng yêu cầu số lượng; không ít trường hợp cán bộ thuộc đối tượng nhưng ngại đi thực tế, viện lý do để trì hoãn, chưa coi đây là trách nhiệm và cơ hội để học tập, rèn luyện. Trong quá trình nghiên cứu thực tế, một số cán bộ chưa xác định mục tiêu nghiên cứu cụ thể, chưa thật sự gắn bó, hòa nhập với công việc tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Một số địa phương chưa nắm rõ mục đích, yêu cầu của cán bộ đến nghiên cứu thực tế nên không phân công công việc cụ thể, khiến cán bộ, viên chức phải mất một thời gian để làm quen với môi trường làm việc mới. Một số ít cán bộ chưa thực hiện nghiêm túc quy chế, nội quy làm việc tại cơ quan, địa phương đến thực tế, chưa có sự thâm nhập sâu sắc thực tiễn.
Cán bộ đi thực tế trẻ, kỹ năng tham mưu, quản lý còn hạn chế, vì vậy, vẫn còn lúng túng trong thâm nhập vào công việc ở địa phương. Bên cạnh đó, một số cán bộ đi thực tế trong thời gian ngắn (3 tháng, 5 tháng) chưa đủ để nắm bắt, nghiên cứu sâu các vấn đề thực tiễn, cộng với sự khác biệt về môi trường, phong cách làm việc nên cán bộ ít được bố trí công việc phù hợp. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thường để cán bộ đến thực tế chủ động xác định công việc cần làm mà ít giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của cá nhân. Do đó, chất lượng, hiệu quả của việc đi thực tế không cao.
Mỗi cán bộ đi thực tế thường chỉ chuyên sâu một chuyên ngành nhất định, thông thạo lĩnh vực mà mình đang công tác, trong khi nhiệm vụ của các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương rất đa dạng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là một thử thách với cán bộ.
Công tác phối hợp quản lý và thực hiện chế độ đối với cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế giữa các cơ quan liên quan chưa thường xuyên.
3. Để nâng cao hiệu quả công tác đi nghiên cứu thực tế tại đơn vị, địa phương, bộ, ngành của cán bộ Học viện trong thời gian tới, cần quan tâm một số nội dung sau:
Một là, tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện, thủ tưởng các cơ quan, đơn vị đối với việc thực hiện chủ trương đưa cán bộ đi thực tế địa phương.
Hai là, thủ trưởng các đơn vị cần quán triệt sâu sắc trong cán bộ, giảng viên về yêu cầu, nhiệm vụ đi nghiên cứu thực tế và coi đây là hoạt động đào tạo, bồi dưỡng có tính bắt buộc đối với đội ngũ giảng viên; xây dựng kế hoạch đi nghiên cứu thực tế hàng năm cho cán bộ giảng viên với lộ trình rõ ràng (số người đi; thời gian đi; địa điểm; mức độ tham gia công việc); lấy kết quả nghiên cứu thực tế là tiêu chí để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, giảng viên. Ngược lại, đội ngũ cán bộ giảng viên Học viện cần hiểu đúng về ý nghĩa, sự cần thiết của việc đi nghiên cứu thực tế. Từ đó, mỗi giảng viên tự giác, tích cực thực hiện chủ trương đi nghiên cứu thực tế để qua đó học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý.
Ba là, quan tâm chế độ chính sách đối với cán bộ đi thực tế. Hiện này, chưa có quy định tiêu chuẩn bắt buộc đối với việc đi nghiên cứu thực tế trong việc nâng ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý, chỉ xác định là một tiêu chí “ưu tiên cán bộ đi nghiên cứu thực tế ”, nên chưa tạo được sự quan tâm cao của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Do vậy, cần có chính sách khuyến khích đối với cán bộ đi thực tế như tăng chế độ hỗ trợ phụ cấp đối với cán bộ đi nghiên cứu thực tế; thực hiện chế độ khen thưởng để động viên, khuyến khích giảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tạo điều kiện cho việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu tổng kết thực tiễn bằng hình thức giao cho cán bộ đi nghiên cứu thực tế thực hiện đề tài khoa học cấp cơ sở gắn với lĩnh vực công tác, thực tế tại địa phương trong thời gian đi nghiên cứu thực tế.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện chủ trương đưa cán bộ đi biệt phái, thực tế địa phương. Qua đó, kịp thời rút kinh nghiệm, có những điều chỉnh về nội dung, hình thức đi thực tế cũng như cơ chế, chính sách đối với cán bộ đi thực tế cho phù hợp; nhắc nhở, xử lý cán bộ, giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu thực tế theo quy định. Kết thúc mỗi đợt đi thực tế, cần tổ chức họp tổng kết, rút kinh nghiệm. Trong đó, giảng viên cần có báo cáo quá trình đi nghiên cứu thực tế, kết quả nghiên cứu thực tế và dự kiến áp dụng vào công việc; nêu kiến nghị đề xuất nếu có.
Chủ trương đưa cán bộ đi nghiên cứu thực tế đơn vị, địa phương, bộ, ngành có ý nghĩa quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nghiên cứu thực tế giúp cán bộ, giảng viên của Học viện có thêm nhiều kiến thức thực tiễn, từ đó gắn lý luận với thực tiễn, giúp cho bài giảng sinh động hơn, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên nói riêng và công tác đào tạo đội ngũ cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị của Học viện nói chung. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, hoạt động đi thực tế tại đơn vị, địa phương, bộ, ngành cần được tiến hành thường xuyên, trở thành nhu cầu thiết yếu đối với mỗi cán bộ, giảng viên Học viện trong quá trình học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực công tác, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

_________________

Ngày nhận bài: 10-8-2023; Ngày bình duyệt: 12-8-2023; Ngày duyệt đăng: 5-9-2023.

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr 309, 311-312.

(3), (5) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Quy chế cử cán bộ, công chức, viên chức luân chuyển, biệt phái, nghiên cứu thực tế tại đơn vị, địa phương, bộ, ngành, tr.1.

(4) Quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 10 Quy chế cử cán bộ, công chức, viên chức luân chuyển, biệt phái, nghiên cứu thực tế tại đơn vị, địa phương, bộ, ngành ban hành kèm theo Quyết định số 2450/QĐ-HVCTQG ngày 08-6-2017 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định về quyền lợi đối với cán bộ, viên chức được biệt phái

(6) Vụ Tổ chức - Cán bộ: Báo cáo về công tác cử cán bộ, công chức, viên chức nghiên cứu thực tế tại đơn vị, địa phương, bộ, ngành, Hà Nội, ngày 15-2-2023, tr.4-6.

(7) Tổng hợp từ Báo cáo về công tác cử cán bộ, công chức, viên chức nghiên cứu thực tế tại đơn vị, địa phương, bộ, ngành của Vụ Tổ chức - Cán bộ ngày 15-2-2023.