Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong điều tra vụ án hình sự giữa Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện - Từ kinh nghiệm thực tiễn huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên
(LLCT) - Định Hoá là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, có 23/23 xã được công nhận là xã An toàn khu; cách thành phố Thái Nguyên 50 km về phía Tây Bắc, địa hình khá phức tạp, hiểm trở. Trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình thực tiễn công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong điều tra các vụ án hình sự trên địa bàn, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp.
Huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: thainguyen.org.vn
1. Thực trạng quan hệ phối hợp trong điều tra các vụ án hình sự giữa Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát nhân dân huyện Định Hóa
Trong thời gian qua, công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên không ngừng được tăng cường, về cơ bản đã kiềm chế và kéo giảm tội phạm, song vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Định Hóa đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý tội phạm, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, huy động các lực lượng để phát hiện, điều tra các vụ án hình sự và đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện trong điều tra các vụ án hình sự còn những hạn chế nhất định.
Thứ nhất, quan hệ phối hợp giữa Cơ quan CSĐT và VKSND huyện trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm
Trong thời gian qua, Cơ quan CSĐT Công an huyện Định Hoá đã tiến hành tiếp nhận, phân công điều tra viên, cán bộ điều tra giải quyết đối với 519 tin báo, tố giác về tội phạm. Tất cả các tin báo, tố giác về tội phạm sau khi tiếp nhận và phân công đều được Cơ quan CSĐT thông báo cho VKSND huyện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để VKSND tiến hành phân công kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm của CQĐT. Kết quả giải quyết: Cơ quan CSĐT Công an huyện đã khởi tố vụ án hình sự đối với 367 tin (chiếm tỷ lệ 70,7%), kết thúc xác minh, không khởi tố vụ án hình sự đối với 141 tin (chiếm tỷ lệ 27,2%).
Quan hệ phối hợp giữa Cơ quan CSĐT và VKSND huyện luôn được lãnh đạo hai đơn vị quan tâm, chú trọng nhằm bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiếp nhận, phân loại và giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố được thường xuyên, kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả. Định kỳ hàng tháng, cán bộ làm công tác thống kê, tổng hợp của Cơ quan CSĐT huyện sẽ tiến hành rà soát, đối chiếu số liệu trong công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết nguồn tin về tội phạm do Cơ quan CSĐT quản lý, giải quyết với số liệu do VKSND huyện quản lý, theo dõi nhằm tránh trường hợp phát sinh thiếu sót, chênh lệch số liệu giữa hai cơ quan.
Bên cạnh đó, VKSND huyện cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra việc tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm của lực lượng công an cấp xã trên địa bàn huyện Định Hoá để so sánh, đối chiếu với tin báo, tố giác về tội phạm do Cơ quan CSĐT đã thông báo cho VKSND huyện nhằm phát hiện những thiếu sót trong việc tiếp nhận, phân loại, giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan CSĐT huyện, trường hợp có tin báo, tố giác về tội phạm mà CQĐT chưa kịp thời phân công giải quyết sẽ kiến nghị yêu cầu giải quyết theo quy định.
Thứ hai, quan hệ phối hợp trong điều tra vụ án hình sự
Theo thống kê từ năm 2017 đến năm 2022, Cơ quan CSĐT huyện đã tiến hành khởi tố, điều tra 367 vụ án hình sự và 526 bị can(1).
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, Cơ quan CSĐT huyện đều thực hiện nghiêm việc gửi các quyết định và tài liệu có liên quan đến VKSND huyện để thực hiện quyền kiểm sát và xem xét phê chuẩn.
Do tất cả các vụ án trước khi khởi tố đều được trao đổi, thống nhất quan điểm với VKSND huyện nên trong thời gian thống kê không phát sinh trường hợp nào VKSND huyện huỷ bỏ quyết định khởi tố của CQĐT.
Các vụ án hình sự sau khi khởi tố đều được điều tra viên, cán bộ điều tra tiến hành điều tra theo đúng quy định của pháp luật dưới sự kiểm sát chặt chẽ của kiểm sát viên, bảo đảm tính pháp lý của các nguồn chứng cứ, hiệu quả của quá trình điều tra vụ án hình sự. Hầu hết các vụ án hình sự được khởi tố đều được Cơ quan điều tra kết luận điều tra và đề nghị Viện kiểm sát nhân dân truy tố theo đúng quy định, không phát sinh trường hợp nào oan sai hay bỏ lọt tội phạm.
Thứ ba, quan hệ phối hợp trong giai đoạn kết thúc điều tra vụ án hình sự
Trong 6 năm (2017-2022), Cơ quan CSĐT huyện đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 301 vụ án hình sự (chiếm 83% tổng số vụ án đã khởi tố), 447 bị can (chiếm 85% tổng số bị can bị khởi tố). Hầu hết các vụ án hình sự do Cơ quan CSĐT huyện thụ lý đều được điều tra và kết luận trong thời hạn theo luật định, chỉ có một số vụ án có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có nhiều quan điểm trái chiều dẫn đến phải gia hạn điều tra, tạm đình chỉ điều tra.
Do đa số các vụ án hình sự sau khi hoàn thành việc củng cố tài liệu, chứng cứ, đủ căn cứ để kết luận điều tra, Cơ quan điều tra đều trao đổi và thống nhất quan điểm với Viện KSND huyện nên tỷ lệ các vụ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại thấp, chủ yếu vì nguyên nhân phát sinh tình tiết mới trong giai đoạn truy tố, xét xử mà Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân không tự bổ sung được hoặc do thay đổi các quy định của pháp luật.
2. Những kết quả đạt được và hạn chế
Trong những năm qua, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói chung và địa bàn huyện Định Hoá nói riêng có biểu hiện gia tăng, đặc biệt là nhóm tội phạm xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, nhân phẩm, danh sự của người khác và nhóm tội xâm phạm sở hữu.
Bên cạnh đó, do sự phát triển của công nghệ thông tin nên các hình thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng đa dạng, gây khó khăn cho quá trình phòng ngừa, đấu tranh, loại tội phạm gia tăng về số lượng, tính chất nghiêm trọng. Tuy vậy, với sự nỗ lực của ban ngành, cơ quan chức năng, tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự trên địa bàn huyện Định Hoá đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giữ vững được an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện tốt nhất thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm đời sống nhân dân.
Trong những năm qua, quan hệ phối hợp trong điều tra các vụ án hình sự giữa Cơ quan CSĐT và Viện KSND huyện đã đạt được những kết quả sau:
Thứ nhất, hai cơ quan đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, phân loại, quản lý tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, bảo đảm 100% các tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, VKSND huyện luôn thực hiện tốt quyền công tố, kiểm sát giai đoạn khởi tố và điều tra vụ án hình sự Cơ quan CSĐT huyện nhằm bảo đảm quá trình điều tra vụ án hình sự được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu, vật chứng làm nguồn chứng cứ để chứng minh tội phạm, phục vụ cho quá trình truy tố, xét xử vụ án ở những giai đoạn tiếp theo.
Kiểm sát viên được phân công luôn chủ động bám sát các hoạt động điều tra của điều tra viên, khi nhận thấy việc thực hiện biện pháp điều tra là cần thiết, nhưng điều tra viên chưa tiến hành sẽ chủ động yêu cầu tiến hành nhằm bảo đảm việc điều tra kịp thời, khách quan, đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án hình sự.
Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra các vụ án hình sự, kiểm sát viên và điều tra viên luôn tích cực, chủ động trong việc trao đổi thông tin, tài liệu liên quan để cùng nhau đánh giá, nhận xét một cách khách quan, toàn diện vụ án hình sự.
Thứ ba, Cơ quan CSĐT và VKSND huyện Định Hoá đã thực hiện tốt công tác phối hợp trong việc bắt người, tạm giữ, tạm giam và áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn như bắt, giữ người, tạm giam, tạm giữ, Cơ quan CSĐT huyện luôn tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, đảm bảo các quyền lợi của cá nhân, tổ chức, đồng thời thực hiện đầy đủ việc thông báo bằng văn bản cho VKSND huyện ngay sau khi áp dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm sát viên thực hiện quyền kiểm sát một cách kịp thời, nhanh chóng và khách quan, không để xảy ra tình trạng chậm, muộn dẫn đến xâm phạm các quyền cơ bản của công dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình điều tra vụ án hình sự vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: vi phạm thời gian tiếp nhận, phân loại, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố; vi phạm thời hạn, quy trình, thủ tục khichuyển giao tài liệu, vật chứng trong quá trình xác minh, giải quyết nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự giữa Cơ quan CSĐT Công an huyện và VKSND huyện Định Hoá; sự phối hợp trong việc lập hồ sơ, thu thập chứng cứ, thực hiện các hoạt động điều tra giữa điều tra viên và kiểm sát viên trong quá trình điều tra vụ án hình sự còn chưa chặt chẽ,…
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong điều tra vụ án hình sự từ kinh nghiệm thực tiễn huyện Định Hóa
Thứ nhất, một trong số những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất khi thực hiện công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra và VKSND, giữa điều tra viên và kiểm sát viên trong quá trình điều tra vụ án hình sự là do các quy định của pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự còn có những điểm chưa rõ ràng, thiếu đầy đủ hoặc chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, dẫn đến việc áp dụng không đồng bộ, từ đó nảy sinh tình trạng khó thống nhất quan điểm, khiến vụ án đi vào bế tắc, không thể giải quyết dứt điểm.
Để khắc phục tình trạng đó, cần phải có các biện pháp cụ thể nhằm nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng để thống nhất thực hiện từ Trung ương đến địa phương.
Thứ hai, cần thống nhất nhận thức của các điều tra viên, kiểm sát viên và cán bộ của hai cơ quan về vai trò, tầm quan trọng của quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và VKSND trong quá trình điều tra các vụ án hình sự. Sự phối hợp kịp thời, nhịp nhàng và chặt chẽ giữa hai cơ quan ngay từ giai đoạn tiếp nhận nguồn tin về tội phạm đến giai đoạn khởi tố, điều tra là tiền đề quan trọng, quyết định sự thành công của toàn bộ vụ án, đồng thời đảm bảo thực hiện tốt các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm, xâm phạm đến các quyền cơ bản của công dân.
Từng điều tra viên, kiểm sát viên phải nhận thức được rằng việc thực hiện tốt quan hệ phối hợp giữa hai cơ quan là trách nhiệm quan trọng để bảo đảm sự công minh của pháp luật, đem lại sự công bằng cho nhân dân, góp phần bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, điều tra viên, kiểm sát viên phải tích cực rèn luyện, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội nhằm nâng cao kiến thức về các quy định của pháp luật, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng thời phải giữ gìn những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người chiến sỹ trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm.
Thứ ba, thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ các nguyên tắc về quan hệ phối hợp trong điều tra các vụ án hình sự giữa Cơ quan điều tra và VKSND. Chỉ khi các nguyên tắc này được thực hiện một cách chính xác, triệt để thì quá trình điều tra vụ án hình sự mới có thể khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên trao đổi thông tin, tài liệu liên quan đến vụ án hình sự giữa Cơ quan điều tra và VKSND, kết hợp với các việc tổ chức các buổi sơ kết, tổng kết kinh nghiệm nhằm đánh giá kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện phối hợp, tìm ra những điểm mạnh để phát huy và phát hiện ra các tồn tại, thiếu sót để cùng nhau khắc phục.
Thứ tư, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra và viện trưởng VKSND cấp huyện trong điều tra các vụ án hình sự. Với vai trò là người đứng đầu của cơ quan tiến hành tố tụng, yêu cầu đặt ra đối với thủ trưởng cơ quan điều tra và viện trưởng VKSND là phải bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình hoạt động của từng điều tra viên, kiểm sát viên trong công tác chuyên môn để chỉ đạo, hướng dẫn cấp dưới thực hiện một cách đầy đủ, có hiệu quả các quy định của pháp luật trong điều tra vụ án hình sự, đồng thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong quá trình công tác để kịp thời xử lý, khắc phục, đặc biệt là những trường hợp xâm phạm đến các quyền cơ bản của công dân.
Để làm được điều đó, đòi hỏi thủ trưởng CQĐT và viện trưởng VKSND cấp huyện phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đối với cán bộ cấp dưới ngay từ khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố và thực hiện xuyên suốt trong quá trình xác minh, khởi tố, điều tra và truy tố. Cụthể là thực hiện tốt các nội dung sau:
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời đôn đốc, hướng dẫn việc chấp hành pháp luật trong điều tra vụ án hình sự của cán bộ cấp dưới. Nghiêm túc xử lý, tổ chức kiểm điểm, kỷ luật khi phát hiện có sai phạm, vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình điều tra vụ án hình sự, quá trình xử lý phải nghiêm minh, khách quan, không bao che, thiên vị, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người đứng đầu.
- Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết. Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo phải khách quan, toàn diện nhằm tìm ra những tồn tại, thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án hình sự của cán bộ cấp dưới để giải quyết triệt để, tránh trường hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp.
- Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra, giải quyết vụ án hình sự được thông suốt, hiệu quả.
Thứ năm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện và tăng cường nguồn kinh phí phục vụ hoạt động điều tra, xử lý tội phạm.
Cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, viễn thông, tình hình vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng; phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đặc biệt là nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện của cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện đang ngày càng được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công tác chuyên môn. Vi vậy, để nâng cao khả năng phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, đòi hỏi cần có những biện pháp phù hợp, trong đó chú trọng việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện và tăng cường nguồn kinh phí phục vụ hoạt động điều tra xử lý tội phạm.
Thứ sáu, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, bồi dưỡng nhận thứccho đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên về mối quan hệ phối hợp trong điều tra các vụ án hình sự giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra và VKSND cấp huyện thông qua các giải pháp sau:
- Xây dựng kế hoạch tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên thuộc Cơ quan Cảnhsát điều tra và VKSND, trong đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cũng như những định hướng mang tính chiến lược, xây dựng đội ngũ đủ về số lượng, đạt về chất lượng.
- Tăng cường sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về nghiệp vụ điều tra thông qua các vụ án cụ thể đã thụ lý, khởi tố, điều tra và truy tố nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được và những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục để tích luỹ kinh nghiệm cho lực lượng điều tra viên, kiểm sát viên trong quá trình điều tra tội phạm.
Chú trọng công tác tự bồi dưỡng theo hình thức “cầm tay, chỉ việc” và tự đào tạo. Điều tra viên, kiểm sát viên đã công tác lâu năm, có nhiều kinh nghiệm cần thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ những điều tra viên, kiểm sát viên mới bổ nhiệm và những cán bộ điều tra, chuyên viên mới nhận công tác.
Ngược lại, điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, chuyên viên trẻ cần tích cực học tập, trau dồi kiến thức, phải có ý thức cầu thị, không ngại khó, ngại khổ, không được giấu khiếm khuyết nhằm nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công tác chuyên môn. Đồng thời cũng phải hỗ trợ cán bộ thế hệ trước về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác.
- Chú trọng tổ chức hội nghị tập huấn, các lớp bồi dưỡng, đào tạo lại, cập nhật kiến thức về chiến lược, chiến thuật điều tra, kỹ năng điều tra tổng hợp, kỹ năng điều tra các loại án cụ thể, các kiến thức bổ trợ cho nghiệp vụ điều tra, kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự nhằm nâng cao khả năng, chất lượng công tác của lực lượng điều tra viên và kiểm sát viên của hai cơ quan
- Cải tiến nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng điều tra viên, cán bộ điều tra, chuyên viên nhằm trang bị kiến thức pháp luật vững vàng, các kiến thức chuyên ngành, nghiệp vụ cần thiết.
- Thực hiện tốt việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực và phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, có tinh thần đoàn kết, có ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong công việc. Chỉ khi có lập trường tư tưởng vững vàng, yên tâm công tác thì mới có thể phát huy hết năng lực nội tại và sức sáng tạo của bản thân.
Cần xây dựng quy chế phối hợp giữa Cơ quan điều tra và VKSND cấp huyện nhằm thống nhất cách thức, phương thức thực hiện quan hệ phối hợp giữa hai cơ quan. Quy chế được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp, luật pháp và các quy định của từng ngành nhằm bảo đảm quá trình thực hiện không xảy ra thiếu sót, sai lầm.
_________________
(1) Cụ thể: Năm 2017 khởi tố, điều tra 41 vụ án hình sự và 72 bị can; năm 2018 khởi tố, điều tra 40 vụ án hình sự và 47 bị can; năm 2019 khởi tố, điều tra 61 vụ án hình sự và 111 bị can; năm 2020 khởi tố, điều tra 61 vụ án hình sự và 84 bị can; năm 2021 khởi tố, điều tra 71 vụ án hình sự và 88 bị can; năm 2022 khởi tố, điều tra 88 vụ án hình sự và 124 bị can.
PHẠM THẾ ANH
Huyện ủy Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên