Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
(LLCT) - Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, là sức mạnh nội sinh của dân tộc trong quá trình phát triển. Thừa Thiên Huế là tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm bảo tồn nét văn hóa độc đáo của từng dân tộc và tính đa dạng của văn hóa Huế.
Đồng bào dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế chuẩn bị nghi thức cúng dâng tấm Zèng - Ảnh: tienphong.vn
Việt Nam là quốc gia có 54 dân tộc cùng sinh sống, tạo nên tính phong phú, thống nhất, đa dạng về văn hóa. Mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Nhận thức rõ vai trò của văn hóa các dân tộc, Đại hội XIII của Đảng khẳng định “bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc”(1) với phương châm “có chính sách cụ thể phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số”(2).
Đối với các dân tộc ít người đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong tiến trình phát triển, dưới sự tác động của nhiều yếu tố, một số giá trị văn hóa của các dân tộc ít người đang đứng trước những thách thức lớn. Chính vì vậy, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc ít người nhằm thực hiện nguyên tắc “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”(3) luôn là vấn đề được đặt ra đối với Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế, hướng tới phát triển “trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường…”(4).
1. Nét văn hóa của đồng bào dân tộc ít người tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 63.000 người dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 5,5% dân số toàn tỉnh. Các dân tộc ít người như Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Cơ Tu, Chăm, Hoa, Bru-Vân Kiều và một số nhóm nhỏ các dân tộc khác sinh sống chủ yếu ở các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới, rải rác ở một số huyện Phong Điền, Phú Lộc và thị xã Hương Trà.
Đồng bào các dân tộc thiểu số trong quá trình quần cư đã định hình những giá trị văn hóa riêng biệt, mang bản sắc của dân tộc mình, góp phần tạo nên tính đa dạng và phong phú của Huế, vùng đất vốn được xem là trung tâm văn hóa, di sản của Việt Nam và thế giới.
Các dân tộc thiểu số có đời sống văn hóa đa dạng, phong phú, thể hiện trong các yếu tố như phương tiện và tập quán cư trú,… Người Cơ Tu có nhà cộng đồng (Gươl) mang nhiều giá trị kiến trúc, thẩm mỹ, văn hóa gắn liền với đời sống thường nhật cũng như tâm linh của cộng đồng. Người Tà Ôi (Pa Cô, Pa Hy…) có nhà dài (Moong/Moòng), dù hiện nay không còn hiện hữu nhưng những dấu ấn vẫn in sâu trong tâm trí người dân. Bên cạnh ngôi nhà cộng đồng là các kiến trúc khác như nhà ở (rông), nhà rẫy (xu), kho lúa (zâng)…; trang sức, trang phục, nhạc cụ truyền thống, những vật dụng sinh hoạt hằng ngày của các dân tộc, những nét kiến trúc của người Hoa,…
Nghề dệt Zèng truyền thống của người Tà Ôi, Pa Cô đã cho ra đời những tấm vải zèng với nhiều màu sắc, hoa văn trang trí là những biểu tượng gắn với tự nhiên, đời sống tín ngưỡng của đồng bào, được sử dụng để may trang phục trong các dịp lễ cũng như sinh hoạt thường nhật, sử dụng trong các nghi thức cúng tế, làm sản phẩm trao đổi là nét văn hóa đặc trưng.
Văn hóa phi vật thể như ngôn ngữ, ẩm thực, sử thi, nghệ thuật dân vũ, tín ngưỡng thờ đa thần, các nghi lễ vòng đời, phong tục đặc sắc gắn với lễ hội của các dân tộc… Đặc biệt, không gian sống gắn với rừng của đồng bào các dân tộc ít người miền núi phía Tây Thừa Thiên Huế góp phần tạo nên nét riêng của mỗi tộc người và tính phong phú, đa dạng của văn hóa Huế.
Văn hóa phi vật thể thể hiện sự phong phú, đa dạng trong hình thái tín ngưỡng, lễ hội, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”. Trong đời sống tín ngưỡng, đồng bào các dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Bru-Vân Kiều,… đều theo tín ngưỡng đa thần, trong đó thờ cúng Giàng là hình thức phổ biến. Đối với người Pa Cô, mỗi Giàng đều có quy ước và lễ cúng riêng của Giàng đó. Nếu trong làng có người có hành vi phạm đến Giàng thì cả làng phải tổ chức lễ cúng để tạ tội. Ngày nay, đời sống kinh tế - xã hội phát triển, người dân ốm đau thường đến trạm y tế, bệnh viện để chữa trị, việc cúng Giàng khi đau ốm không còn phổ biến. Dù vậy, những hình thức tín ngưỡng đó vẫn còn in sâu trong tâm thức của đồng bào, đó là dấu ấn văn hóa trong đời sống.
Bên cạnh các yếu tố liên quan đến tín ngưỡng vạn vật hữu linh, các dân tộc thiểu số miền Tây Thừa Thiên Huế thể hiện đời sống tinh thần đa dạng, đặc trưng, biểu hiện trên các yếu tố như: nghi lễ, lễ hội (lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ đâm trâu…); dân ca, dân nhạc (Ra rooi, ru con, Cha chấp, Câr lơi…), dân vũ (Giàng đăq, Tân tung za zá, Ân zựt…), nói lý, hát lý v.v.. Văn hóa ẩm thực thể hiện sự phong phú trong các món ăn gắn liền với môi trường sinh thái núi rừng, sông suối và có sự đa dạng trong cách chế biến, cách ăn…
Các dân tộc thiểu số miền Tây Thừa Thiên Huế lấy canh tác nương rẫy làm nguồn sống chính. Hoạt động canh tác nương rẫy có đặc tính tự cung tự cấp, đóng kín; các quan hệ xã hội chủ yếu là các mối quan hệ nội tại. Bên cạnh nương rẫy, đồng bào còn có các hoạt động kinh tế như: săn bắn, đánh cá, hái lượm, chăn nuôi, các nghề thủ công cổ truyền… Những hoạt động sản xuất này mang tính phụ trợ cho kinh tế nương rẫy. Mỗi gia đình các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Bru-Vân Kiều là một đơn vị kinh tế hoàn chỉnh, tính độc lập cao. Họ có tài sản riêng, gồm tài sản cá nhân và tài sản chung của gia đình.
Tổ chức và quan hệ xã hội truyền thống của các dân tộc thiểu số nơi đây được vận hành và duy trì dựa theo hình thức tự quản bằng luật tục. Quan hệ xã hội dựa trên nền tảng cộng cư, đề cao cộng đồng, thể hiện ở tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong sản xuất và cuộc sống. Hình thái gia đình truyền thống của các dân tộc ở miền Tây Thừa Thiên Huế là gia đình phụ quyền, đề cao vai trò của người đàn ông trong quản lý và quyết định những việc hệ trọng, dù vậy, cơ bản vẫn phản ánh mối quan hệ tương trợ bình đẳng. | Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc ít người nhằm thực hiện nguyên tắc “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”(3) luôn là vấn đề được đặt ra đối với Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế, hướng tới phát triển “trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường…” |
2. Thực trạng hoạt động gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa vì sự phát triển bền vững của các dân tộc ít người ở Thừa Thiên Huế
Nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa các dân tộc ít người đối với quá trình phát triển của Huế, bằng những việc làm trong thực tiễn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện công tác bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc ít người trên địa bàn với mục tiêu: “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Huế. Bảo tồn, nâng cao giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Khai thác, phát huy các lễ hội, các loại hình nghệ thuật truyền thống phục vụ nhân dân và phát triển du lịch. Phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số”(5). Gìn giữ văn hóa các dân tộc ít người với quan điểm: gìn giữ các giá trị văn hóa song song với thực hiện các chính sách về kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc miền núi, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc ít người đã được các sở, ban ngành thực hiện nghiêm túc và mang lại hiệu quả nhất định(6). Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” được Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, sau hơn 10 năm thực hiện đã đạt được những thành công bước đầu trong công tác gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số.
Đối với các giá trị văn hóa vật thể
Từ kinh phí của chính quyền địa phương và nhân dân đóng góp, các huyện Nam Đông, A Lưới từ năm 2008 đến 2020 đã xây dựng gần 40 nhà Gươl, Nhà Moong, nhà Rông(7). Đây là những thiết chế quan trọng phục vụ sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là các sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tại huyện Nam Đông đã thực hiện Dự án “Bảo tồn làng văn hóa truyền thống các dân tộc”, huyện A Lưới đã xây dựng Đề án “Bảo tồn văn hóa vật thể các dân tộc thiểu số ở A Lưới”(8). Nhiều huyện có nhà trưng bày các giá trị văn hóa vật thể do người dân tích cực và chủ động tham gia sưu tầm, hiến tặng như vật dụng hằng ngày trong sinh hoạt, sản xuất, trang phục dân tộc...(9).
Đối với văn hóa phi vật thể
Xác định các giá trị văn hóa phi vật thể mang tính bản sắc của các dân tộc là một trong những đều căn cốt của quá trình gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Từ gìn giữ không gian sống, ngôn ngữ, lễ hội, văn hóa ẩm thực đến các nghi lễ vòng đời làm nên bản sắc riêng của từng dân tộc đã được thực hiện từng bước cẩn trọng và khoa học nhằm làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy hiệu quả các giá trị do văn hóa phi vật thể mang lại.
Các nghiên cứu cho thấy, sự yêu thích, hiểu biết và tác động của lễ hội truyền thống đối với cộng đồng dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế tương đối cao. Trong tổng số 300 người được hỏi tại huyện A Lưới (huyện tập trung đông đồng bào dân tộc ít người ở Thừa Thiên Huế )(10), 100% đều trả lời thích tham gia hoặc đã từng tham gia lễ hội truyền thống của dân tộc ít người và mục tiêu tham gia các lễ hội là khác nhau(11).
Biểu đồ 1: Mục tiêu tham gia các lễ hội truyền thống của các dân tộc ít người
Nguồn: Nghiên cứu của tác giả
Thực hiện thành công Đề án “Điều tra, khảo sát và đối chiếu tiếng nói, chữ viết của người dân tộc thiểu số Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu”, hoàn thiện bộ từ điển Việt - Pa Cô - Ta Ôi, Pa Cô - Ta Ôi - Việt(12). Đây là cơ sở khoa học nhằm bảo tồn và phát huy giá trị ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các lớp học tiếng Pa Cô, Cơ Tu cho các đối tượng có nhu cầu được tổ chức hằng năm. Ngôn ngữ các dân tộc được đưa vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục có người dân tộc thiểu số theo học; dịch và chuyển lời 20 ca khúc viết về Đảng, Bác Hồ và ca ngợi quê hương A Lưới nhằm phổ biến và sử dụng rộng rãi ngôn ngữ dân tộc, góp phần ca ngợi truyền thống cách mạng, phát huy giá trị của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số.
Ngành Văn hóa - Thể thao đã thực hiện Đề tài khoa học “Sưu tầm dân ca, dân nhạc, dân vũ đồng bào các dân tộc thiểu số” và một số đề án về các lễ hội ở vùng có đồng bào dân tộc ít người sinh sống, đề án bảotồn và phát triển một số nghề thủ công truyền thống. Từ đó, đánh giá tình hình và thực trạng văn hóa các dân tộc thiểu số, đề ra giải pháp, đề xuất các chính sách đầu tư cho văn hóa khu vực miền núi nhằm bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật của các dân tộc thiểu số.
Bằng những cố gắng không ngừng của chính quyền và người dân các dân tộc thiểu số, năm 2016, nghề dệt Zèng của dân tộc Tà Ôi, năm 2019, Lễ hội truyền thống ADa Koonh (lễ hội Mừng lúa mới) của dân tộc Pa Cô được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhằm bảo tồn các nét văn hóa độc đáo của các loại hình dân ca, dân vũ, nhạc cụ, hằng năm tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức 2 đến 3 lớp do các nghệ nhân truyền dạy. Dân ca, dân vũ được đưa vào giảng dạy tại các nhà trường trên địa bàn huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống(13). Mỗi làng văn hóa đều có đội văn nghệ dân gian hoạt động trong các ngày lễ lớn, ngày hội cộng đồng(14).
Luân phiên hai năm một lần, ngành Văn hóa và Thể thao, Du lịch tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông và A Lưới tổ chức “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế”(15). Qua đây đã thu hút đông đảo nghệ nhân, diễn viên, vận động viên và quần chúng nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tham gia. Hoạt động này đã phục hồi, phát triển các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian và lễ hội truyền thống, ẩm thực của các địa phương một cách mạnh mẽ.
Tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động thành lập đoàn nghệ nhân, diễn viên tham gia các hoạt động định kỳ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức như “Ngày văn hóa các dân tộc miền Trung”, “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Gia Lai năm 2013”. Các sản phẩm từ dệt Zèng của người Tà Ôi tham gia trình diễn tại ngày hội thời trang quốc tế... Các trại sáng tác văn học, nghệ thuật được mở hằng năm tại các huyện miền núi cũng là một hoạt động nhằm không ngừng phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số(16). Phong tràoToàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trong những năm qua cũng góp phần không nhỏ vào công tác gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc ít người trên địa bàn.
Bên cạnh những thành công đã đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Một số giá trị văn hóa vật thể không giữ được nguyên vẹn như kiến trúc nhà của người thiểu số, trang phục dân tộc không còn được sử dụng rộng rãi, đặc biệt đối với giới trẻ, tỷ lệ người trẻ hiểu biết về lễ hội, phong tục, tập quán của dân tộc mình còn thấp(17). Nghệ nhân các ngành nghề truyền thống ngày càng ít. Các lễ hội mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn khó giữ được các giá trị nguyên bản. Các nghi lễ, tín ngưỡng của cộng đồng thay đổi trước tác động của sự thay đổi về không gian sống, điều kiện kinh tế...
3. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Thứ nhất, phát huy vai trò của chủ thể của người dân tại các vùng có người dân tộc thiểu số sinh sống
Người dân, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số và những người cùng định cư tại vùng có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống là những người thực hiện công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy một cách có hiệu quả nhất đối với các giá trị văn hóa của mình. Vì vậy, cần tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để họ yêu quý hơn, tự hào hơn và ra sức bảo vệ để hưởng thụ tốt nhất những giá trị văn hóa dân tộc mình.
Quá trình phát triển kinh tế, giao lưu với các giá trị văn hóa khác và quá trình biến đổi không gian sống đã tác động không nhỏ đến văn hóa các dân tộc ít người. Vì vậy, cần xác định gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ít người không phải là việc làm trong thời gian ngắn mà là quá trình lâu dài, bắt đầu từ sự khởi động của các cấp chính quyền sau đó là sự chuyển giao cho các chủ thể thực hiện và hưởng thụ chính là người dân.
Quan tâm hơn nữa vai trò của các già làng, trưởng bản,những người có uy tín ở địa phương. Đây chính là những “vốn tư liệu” quý trong quá trình nghiên cứu về văn hóa cộng đồng các dân tộc ít người và là kênh thông tin quan trọng trong truyền bá, giữ gìn các giá trị văn hóa cộng đồng.
Bên cạnh nâng cao vai trò người dân, cần quan tâm đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng dân tộc ít người. Thừa Thiên Huế hiện có 46 xã có đồng bào dân tộc ít người sinh sống, các xã đều có cán bộ làm công tác văn hóa với trình độ từ cao đẳng trở lên. Tuy nhiên, trước yêu cầu của quá trình đổi mới, cần thực hiện các chế độ đãi ngộ và thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa này.
Thứ hai, kết hợp gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa cần thực hiện trên cơ sở khoa học, khách quan, tôn trọng các giá trị vốn có
Gìn giữ những giá trị văn hóa nhằm bảo tồn tính đa dạng trong cộng đồng các dân tộc, đồng thời bảo tồn được bản sắc của các tộc người, phát huy mặt tích cực và dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tiếp nhận những giá trị tiên tiến của thời đại làm phong phú thêm vốn văn hóa của dân tộc mình.
Trong quá trình hội nhập và đan xen các hoạt động văn hóa, bên cạnh đó là sự phát triển về kinh tế dẫn đến sự thay đổi trong lối sống, phương thức canh tác... Trong những năm tới, nếu không có nghiên cứu quy mô và bài bản thì một số giá trị mang tính bản sắc của các dân tộc ít người sẽ chỉ còn lại trong những câu chuyện kể hoặc mang giá trị phục dựng là chủ yếu. Muốn làm được điều này phải đánh giá trên cơ sở tham vấn các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu chuyên sâu nhằm bảo đảm tính hợp lý, tính khoa học trong quá trình bảo tồn và cần có nguồn kinh phí hợp lý, được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, không hiệu quả trong quá trình thực hiện(18).
Thứ ba, tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo điều kiện vật chất bền vững cho việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương, tạo sức bật cho phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt các chính sách đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi cho đồng bào, đặc biệt là các hộ nghèo. Các cơ quan chuyên môn, đơn vị làm công tác khoa học - kỹ thuật của tỉnh và các huyện tăng cường cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, kỹ thuật xuống địa bàn cơ sở công tác, trực tiếp hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến nông lâm sản...
Chú trọng việc khôi phục và giữ gìn bản sắc văn hóa trên cơ sở khoa học, đó là bảo tồn các giống lúa, cây trồng, vật nuôi đặc trưng của các dân tộc ít người. Chính quyền các cấp khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển một số ngành nghề truyền thống. Thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế tập thể, đầu tư khôi phục, phát triển một số ngành nghề truyền thống; giúp đỡ các hợp tác xã làm nghề truyền thống vốn vay ưu đãi, hướng dẫn kỹ thuật, mặt bằng nhà xưởng, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; gắn phát triển làng nghề truyền thống với phát triển văn hóa và du lịch theo mô hình làng văn hóa - du lịch cộng đồng.
Thứ tư, tiếp tục thể chế hóa các quy định pháp luật về hoạt động văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ít người và điều chỉnh, sửa đổi các cơ chế, chính sách cho phù hợp
Quá trình hoạt động văn hóa nói chung, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa lễ hội nói riêng gồm hàng loạt những hành vi, diễn ra trên nhiều bình diện khác nhau do rất nhiều chủ thể tiến hành, có lúc mang tính đơn lẻ, có lúc cần sự phối hợp của nhiều tổ chức, cá nhân. Vì vậy, đối với quá trình giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa lễ hội cần có một hành lang pháp lý rõ ràng để các chủ thể của quá trình này tiến hành hoạt động.
Phát huy dân chủ nhằm nâng cao vai trò, phát huy nội lực của đồng bào các dân tộc ít người trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của mình. Các cấp ủy đảng tăng cường công tác kiểm tra tại cơ sở, vừa trực tiếp vừa thông qua đội ngũ đảng viên là người dân tộc ít người để lắng nghe, tìm hiểu nguyện vọng của nhân dân về đời sống văn hóa hiện nay, về các giải pháp giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, từ đó ra nghị quyết lãnh đạo chính quyền về công tác này.
_________________
Ngày nhận bài: 17-02-2023; Ngày bình duyệt: 20-02-2023; Ngày duyệt đăng: 06-4-2023
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.135.
(2), (3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Sđd, tr.202, 50.
(4) Bộ Chính trị: Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn 2045.
(5) Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế: Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế, 2020, tr.62.
(6) Hằng năm luôn có các cuộc tiếp xúc và làm việc của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Văn hóa - xã hội của Hội đồng nhân tỉnh với Ban dân tộc tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan về các vấn đề văn hóa - xã hội tại các vùng dân tộc ít người. Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Ban Dân tộc tỉnh đã ký kết Chương trình hợp tác “đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi qua các giai đoạn 2011 - 2015, 2018 - 2022.
(7), (9) Xem: Báo cáo tổng kết của Ủy ban nhân dân huyện A Lưới “Bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị dân tộc thiểu số tại huyện A Lưới giai đoạn 2014-2020”.
(8) Huyện Nam Đông tiến hành xây dựng làng văn hóa người Cơ Tu rộng 80.000m2,địa điểm Thôn Dỗi, xã Thượng Lộ và thôn A Xăng, xã Thượng Long.
(10) Đối tượng được hỏi là người dân và công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước (gọi chung là cán bộ) có cả dân tộc ít người.
(11) Số liệu được rút ra từ đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở đã được nghiệm thu: Gìn giữ các giá trị lễ hội truyền thống dân tộc Tà Ôi, do tác giả bài viết này thực hiện, Đề tài kết thúc năm 2019.
(12) Được xây dựng dựa trên kết quả của Đề tài khoa học cấp tỉnh“Biên soạn từ điển Việt - PaCô - Tà Ôi, Pa Cô - TàÔi - Việt”,do Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam chủ trì thực hiện.
(13) Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND, ngày 14-3-2022 về việc triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”.
(14) Hiện A Lưới có 60 đội dân ca, dân vũ chuyên phục vụ các lễ hội cộng đồng.
(15) Đến năm 2022 đã tổ chức được 14 lần.
(16) Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Nam Đông phối hợp với Liên hiệp hội văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức trại sáng tác với chủ đề “Mùa xuân di sản văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số” tại xã Thượng Long. Qua trại sáng tác, có hơn 50 tác phẩm với nhiều thể loại như nhiếp ảnh, âm nhạc, phong tục dân gian, mỹ thuật… được sáng tác với nhiều tác giả, góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu trên địa bàn huyện Nam Đông.
(17) Xem: Gìn gữ phát huy bản sắc văn hóa lễ hội dân tộc Tà Ôi trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, Báo cáo tổng kết đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2019, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh.
(18) Theo khảo sát từ nhóm nghiên cứu đề tài: Gìn giữ phát huy giá trị các lễ hội truyền thống các dân tộc ít người tại huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến lễ hội truyền thống không được tổ chức thường xuyên, câu trả lời từ nguyên nhân thiếu kinh phí là 76%, cao so với các nguyên nhân khác như sự thờ ơ của người dân, công tác tổ chức lễ hội của chính quyền chưa tốt...
ThS HOÀNG HUYỀN THANH
Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh - Thừa Thiên Huế