Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong xây dựng và phát triển đất nước

27/03/2023 08:00

(LLCT) - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định: người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Bài viết làm rõ đặc điểm, vai trò và đề xuất giải pháp phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong xây dựng và phát triển đất nước

Người phụ nữ Việt Nam ở Kenya (đứng giữa) lan tỏa tình yêu áo dài đến bạn bè quốc tế - Ảnh: vnexpress.net

1. Đặc điểm, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Tại Chương 1, Điều 3, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 ghi rõ: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”.

Hiện nay, quan niệm về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) được hiểu là: người Việt Nam định cư ở nước ngoài; người Việt Nam ra nước ngoài theo diện xuất khẩu lao động, ra nước ngoài học tập (lưu học sinh, du học sinh), công tác, làm chuyên gia, cố vấn cho nước ngoài; người Việt Nam ra nước ngoài đoàn tụ gia đình…

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay có khoảng 5,3 triệu người sinh sống và làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển(1). Con số này sẽ tiếp tục tăng do hoạt động kinh doanh, học tập, lập nghiệp của NVNONN, do sự đa dạng, mở rộng đến các nước và vùng lãnh thổ có điều kiện định cư và khởi nghiệp thuận lợi; thành phần “kiều dân mới”, bao gồm kết hôn với người nước ngoài, lao động, du học sinh có xu hướng tăng. Vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao; cộng đồng đang có sự thay đổi tích cực về chất, nhất là về tiềm lực kinh tế và trình độ chuyên môn, năng lực sáng tạo.

NVNONN cần cù, năng động, biết vượt khó, khả năng thích nghi và hội nhập nhanh vào đời sống xã hội sở tại. Có đông người Việt Nam đã định cư lâu dài, cuộc sống ổn định, địa vị kinh tế và pháp lý tại nước sở tại được củng cố, trình độ dân trí được nâng cao. Hiện ước tính trong cộng đồng NVNONN có khoảng 500.000 người là trí thức, chuyên gia, có trình độ đại học trở lên, đang làm việc tại các cơ sở khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài; nhiều người trong số đó có trình độ, năng lực cao, có uy tín trong giới khoa học quốc tế.... 

Một thế hệ trí thức mới gốc Việt hình thành, phát triển tập trung ở Bắc Mỹ, Tây Âu và châu Úc ở nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, điều khiển học, sinh học, quản lý kinh tế, ngân hàng, thị trường chứng khoán(2)

Trong đó, đa số NVNONN định cư lâu dài ở các nước phát triển như Mỹ, Ôxtrâylia, Canađa và các nước Tây Âu. Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về NVNONN, có khoảng 80% đã nhập quốc tịch nước cư trú nhưng hầu hết vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Còn lại ở các khu vực khác, như Nga, Đông Âu, người Việt tại đây còn có tâm lý tạm cư, khi đạt mục tiêu về kinh tế và có điều kiện thuận lợi thì về nước. 

Trước đại dịch Covid-19, số lượng sinh viên Việt Nam học tập ở nước ngoài ngày càng tăng, lên đến 170.000 người. Số du học sinh này cùng thế hệ kiều bào trẻ thứ hai, thứ ba được đào tạo bài bản ở các nước phát triển với tư duy mới, được tiếp cận với công nghệ, thông tin hiện đại, tạo ra những thay đổi tích cực trong cách nhìn và quan hệ của cộng đồng NVNONN đối với đất nước. Hệ thống mạng lưới chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào tăng lên về số lượng, có khoảng 80 hội doanh nhân, chuyên gia, trí thức kiều bào tích cực triển khai hoạt động kết nối với trong nước(3)

Dù bất cứ nơi đâu, cộng đồng NVNONN luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, vui mừng khi đất nước phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng. NVNONN đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước và là cầu nối giữa Việt Nam và các nước. Nổi bật là, thời gian gần đây có xu hướng thế hệ trẻ NVNONN trở về nước lập nghiệp; hình thành mạng lưới kiều bào trẻ, có nhiều sáng kiến đóng góp cho đất nước, thúc đẩy phát triển thương mại, đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế, quảng bá văn hóa và hình ảnh đất nước tới bạn bè quốc tế.

Hằng năm, số kiều bào về nước thăm thân, du lịch, đầu tư ngày càng tăng; lượng kiều hối ngày càng nhiều hơn (năm 2022, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới, 19 tỷ USD(4)), nhất là khi các Luật đầu tư nước ngoài, Luật khuyến khích đầu tư trong nước có hiệu lực… Các doanh nghiệp kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh dẫn dắt trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư của kiều bào góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển giao công nghệ trong nước(5). NVNONN cũng chủ động khởi xướng, tổ chức nhiều chương trình, dự án nhân đạo tại Việt Nam.

Do địa bàn rộng, NVNONN còn gặp một số khó khăn nhất định

Một là, NVNONN là cộng đồng đa dạng, khá phức tạp về thành phần xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc, địa bàn cư trú ở nước ngoài. Tính liên kết, gắn bó còn hạn chế; sinh sống phân tán, sinh hoạt cộng đồng còn khó khăn, việc duy trì sử dụng tiếng Việt và giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam là một thách thức lớn đối với tương lai phát triển của NVNONN. Dù nhiều người thành đạt nhanh ở các nước phát triển (như Mỹ và châu Âu), song tiềm lực kinh tế của cộng đồng NVNONN nhìn chung còn hạn chế, thu nhập bình quân đầu người thấp so với mức bình quân của người sở tại (khoảng hơn một nửa NVNONN có cuộc sống ổn định, còn lại vẫn phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội)...

Hai là, do quy định pháp luật khác nhau của các nước sở tại, quyền và lợi ích chính đáng của một bộ phận người Việt Nam ở một số nước và vùng lãnh thổ chưa được bảo vệ. Tại một số địa bàn khu vực Đông Nam Á, Đông Âu và châu Phi, một bộ phận người Việt Nam gặp khó khăn về địa vị pháp lý và quy chế cư trú, làm ăn, kinh doanh. Họ chưa có địa vị pháp lý vững chắc và không rõ ràng do sự thay đổi trong chính sách di trú của nước sở tại, gây khó khăn cho đồng bào ta,… Ngoài ra, một số người đi du lịch, lao động, du học sinh sau khi hết thời hạn đã cố ý ở lại cư trú bất hợp pháp.

Tình trạng tội phạm của NVNONN tại một số địa bàn có xu hướng tăng về số lượng cũng như tính chất nghiêm trọng, phức tạp làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam: tình trạng người Việt Nam cư trú lao động bất hợp pháp xảy ra tại nhiều nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, một số nước châu Âu, Mỹ, gần đây có xu hướng gia tăng tại Ôxtrâylia, khu vực Trung Đông và châu Phi…, trở thành đối tượng kiểm tra chủ yếu của nước sở tại trong các đợt truy quét người nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp; bị phản ánh trên các phương tiện truyền thông nước ngoài. 

Tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào một số nước châu Âu (chủ yếu là Anh, Pháp, Đức) là vấn đề nhức nhối khi cơ quan chức năng các nước đã liên tục bắt giữ các đối tượng, đường dây đưa người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp hoặc quá cảnh sang nước thứ ba, gây bức xúc cho người dân và chính quyền sở tại. 

Tội phạm mua bán người, mại dâm liên quan đến người Việt có biểu hiện gia tăng ở một số quốc gia. Thời gian gần đây xuất hiện các đường dây lừa đảo, lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lôi kéo đưa người Việt Nam sang các nước Đông Nam Á để lao động, nhưng thực chất là bán cho các công ty đánh bạc trực tuyến. Tội phạm ma túy do người Việt Nam thực hiện ở nước ngoài chiếm tỷ lệ cao so với tội phạm người nước ngoài bị bắt giữ ở nước sở tại, chủ yếu diễn ra ở Séc, Ôxtrâylia, Anh, Trung Quốc, Lào, Mianma, Mỹ… 

Tình trạng người Việt Nam vi phạm luật pháp nước sở tại, như tổ chức đánh bạc, trộm cắp, mại dâm, tín dụng đen, mua bán vận chuyển sản phẩm từ động vật hoang dã bị cơ quan chức năng của Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaixia, một số nước Trung Đông, châu Phi phát hiện bắt giữ, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh NVNONN trong bạn bè quốc tế.

Ba làvì ở xa Tổ quốc, NVNONN còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định trong việc tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác về tình hình đất nước. Một bộ phận NVNONN xa Tổ quốc trong thời gian dài, không được trực tiếp chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, lại bị các thế lực thù địch, phản động thông qua các trang mạng xã hội, internet, facebook, Sky, Wechat, QQ, Whatsapp, Youtube, Twitter… tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình đất nước… 

Một bộ phận cá nhân và tổ chức NVNONN có hoạt động chống phá, cản trở quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và nước sở tại(6). Các đối tượng người Việt cực đoan ở nước ngoài móc nối những phần tử bất mãn trong nước, cung cấp tiền, tài liệu tuyên truyền xuyên tạc chế độ, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng thường thông tin phiến diện về những khó khăn của nền kinh tế đất nước, thổi phồng một số hiện tượng tiêu cực, yếu kém của chính quyền các cấp; lợi dụng sơ hở trong quản lý kinh tế, đất đai, sự cố về môi trường do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gây ra; sử dụng chiêu bài dân chủ nhân quyền để để kích động, xúi giục người dân biểu tình chống phá; lợi dụng sự thiếu hiểu biết, mong muốn được ở lại làm việc, cư trú của một số sinh viên, lao động; sử dụng chiêu bài “bất đồng chính kiến” để xin tị nạn chính trị, rồi lôi kéo tham gia các hoạt động chống phá… Điển hình là các hành động biểu tình quá khích diễn ra ở nhiều nơi và kéo dài sau sự cố môi trường do Công ty Formosa gây ra ở miền Trung, Bô xít ở Tây Nguyên…).

2. Giải pháp phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp phát triển đất nước

Về tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu rộng các chủ trương, quan điểm, phương châm và định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về công tác NVNONN trong tình hình mới, các nhiệm vụ trong Nghị quyết 169/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác NVNONN giai đoạn 2021-2026... Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cần tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh tới tất cả các cơ quan, tổ chức, đoàn thể; để các cấp, các địa phương nhận thức thống nhất, sâu sắc, đúng đắn quan điểm “công tác về NVNONN là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân”, “NVNONN là bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”...

Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại. Cộng đồng NVNONN là cầu nối hữu nghị rất quan trọng giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Kịp thời thông tin về tình hình đất nước và quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chú trọng tuyên truyền kịp thời những nội dung thời sự, được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Hình thức, phương pháp thông tin tuyên truyền cần đa dạng, phong phú, kịp thời, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin truyền thống và các phương tiện truyền thông hiện đại,internet, mạng xã hội,… nhằm truyền tải những thông tin chân thực nhất đến NVNONN, nhất là những thành tựu, điển hình, nhân tố mới trong hội nhập quốc tế, những chủ trương, chính sách đối ngoại liên quan tới phát triển kinh tế, thúc đẩy đầu tư, thương mại… Đội ngũ làm công tác thông tin, tuyên truyền phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, nhạy bén, sáng tạo vì lợi ích của đất nước, quê hương, cộng đồng NVNONN.

Thứ ba, đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ NVNONN giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam(7), gây dựng, trợ giúp để mỗi NVNONN trở thành “đại sứ văn hóa Việt Nam”, “đại sứ nhân dân” ở nước ngoài. Qua đó, nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc, tình cảm gắn bó, yêu mến quê hương, đất nước; đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống; đồng thời, tôn trọng pháp luật, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của nước sở tại.

Về tổ chức thực hiện

Thứ nhất, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến NVNONN. Tiếp tục phối hợp rà soát các văn bản về chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến NVNONN để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng thực tế và lợi ích chính đáng của đồng bào. Đồng thời, tập trung giải quyết những tồn đọng, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thời gian qua. Đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế thu hút, tranh thủ nguồn “chất xám”, tiềm lực về đầu tư, sự ảnh hưởng tích cực của cộng đồng, cá nhân kiều bào và các tiềm năng, thế mạnh của NVNONN để đóng góp cho sự phát triển và hội nhập sâu rộng của đất nước.

Thứ hai, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại, triển khai các biện pháp tổng thể hỗ trợ đồng bào ở những địa bàn khó khăn để đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi, thành công vào xã hội sở tại. Đưa nội dung này vào các chương trình hoạt động đối ngoại của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm tác động tới các cấp chính quyền sở tại trong việc hỗ trợ các quyền lợi cho cộng đồng NVNONN. Tăng cường đi thăm, tiếp xúc, nói chuyện, đối thoại với kiều bào, thể hiện sự quan tâm, động viên với kiều bào, trực tiếp ghi nhận và giải đáp các kiến nghị, phản ánh của bà con, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực trong phát huy nguồn lực NVNONN.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc minh bạch hóa các thủ tục về xuất nhập cảnh, đăng ký công dân, đăng ký thường trú cho người hồi hương, tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục, hồ sơ thuế, hải quan…, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các dự án đầu tư của NVNONN. Tạo điều kiện thuận lợi cho NVNONN về thăm quê hương, về nước sinh sống; tổ chức gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho cá nhân, doanh nghiệp NVNONN. Sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho NVNONN được mua và sở hữu nhà ở trong nước, đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, cấp Giấy xác nhận gốc Việt Nam, tham gia bảo hiểm xã hội tại Việt Nam hoặc tiếp tục hưởng chế độ hưu trí và bảo hiểm xã hội của nước sở tại sau khi về Việt Nam cư trú.

Kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự và ngân sách làm công tác NVNONN từ Trung ương đến địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ở các địa bàn có đông cộng đồng người Việt Nam sinh sống; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn công tác NVNONN. Ủy ban Nhà nước về NVNONN (thuộc Bộ Ngoại giao) là cơ quan quản lý nhà nước về công tác đối với NVNONN, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, bộ, ngành và địa phương, thực hiện cức năng của mình và triển khai có hiệu quả nhiệm vụ chính trị. Mạng lưới các cơ quan đại diện ở nước ngoài với Cục (phòng) lãnh sự, Ban Công tác cộng đồng(8) cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của kiều bào.

Thứ ba, thường xuyên đổi mới và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tổ chức, vận động phù hợp với đặc điểm và nguyện vọng của NVNONN. Nâng cao hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động xây dựng cộng đồng hướng về quê hương, đất nước; mỗi phong trào, cuộc vận động cần xác định rõ nội dung, mục tiêu và thật sự có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn; đáp ứng quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của NVNONN; cách thức triển khai các phong trào phải đa dạng, đúng thời điểm và đúng đối tượng, bảo đảm phát huy hiệu quả vai trò to lớn của NVNONN. 

Cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đại diện luôn theo sát định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến; thường xuyên phải có giải pháp để nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay, các mô hình mang lại hiệu quả thực tế, góp phần thực hiện các nhiệm vụ, nội dung mà các phong trào, cuộc vận động đề ra. Từ đó, tạo sự lan tỏa từ những mô hình tiêu biểu, với những giá trị nhân văn, những tấm gương của tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc để tạo động lực thúc đẩy cống hiến trong cộng đồng đối với quê hương, đất nước.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia công tác NVNONN. Tăng cường lực lượng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực tư pháp, an ninh, phòng, chống tội phạm, ngăn chặn hiệu quả nạn buôn người, xuất nhập cảnh, cư trú trái phép, đẩy lùi tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật nước sở tại. Để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật nước sở tại, Bộ Ngoại giao cần chỉ đạo tăng cường nắm tình hình NVNONN, kịp thời trao đổi, phối hợp với lực lượng công an phát hiện kịp thời xử lý công dân Việt Nam ở nước ngoài vi phạm luật pháp nước sở tại, làm tốt công tác bảo hộ công dân và thông tin đối ngoại đối với từng vụ việc cụ thể.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác lao động giữa Việt Nam với các nước theo hướng mở rộng các ngành nghề, phù hợp với lao động Việt Nam, góp phần giảm số lượng lao động bất hợp pháp, siết chặt quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp đưa công dân Việt Nam đi lao động, làm việc ở nước ngoài, góp phần ngăn chặn lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường quản lý nhà nước về công tác cấp phép cho các công ty du lịch lữ hành quốc tế, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm xảy ra, không để việc sử dụng các hoạt động du lịch, lữ hành quốc tế để người Việt Nam lợi dụng trốn, ở lại nước ngoài bất hợp pháp. 

Bộ Quốc phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực biên giới, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, phối hợp với Bộ Công an điều tra xử lý nghiêm các đối tượng, đường dây đưa người Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép, mua bán người, để đối tượng gây án trốn ra nước ngoài. 

Ủy ban nhân dân các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật, chính sách xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam, góp phần ngăn ngừa các hoạt động vi phạm pháp luật.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh thông tin đối ngoại về các quan điểm, chính sách, biện pháp của Việt Nam về chống các tội phạm buôn người, nhập cư bất hợp pháp, cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài, đấu tranh ngăn chặn, phản bác các thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. 

Đối với số người Việt phản động ở nước ngoài, cần kết hợp chặt chẽ giữa vận động với đấu tranh. Đây là cuộc đấu tranh bền bỉ, lâu dài và phức tạp, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa trong nước và ngoài nước, sự am hiểu luật pháp, phong tục tập quán và các nhân tố tích cực ở nước sở tại. Trước hết, phải xây dựng được lực lượng nòng cốt, tranh thủ được những nhân vật có uy tín, có ảnh hưởng tới cộng đồng, thông qua đó để tác động tới số đông NVNONN. Đẩy mạnh việc tiếp xúc các nhóm, cá nhân có xu hướng trung lập, thúc đẩy họ chuyển sang lập trường tích cực; có các biện pháp đấu tranh phù hợp với các nhóm và cá nhân chống đối…

Vềcông tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết

Công tác kiểm tra, giám sát cần được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ, nghiêm minh và phát huy được vai trò giám sát của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và cộng đồng NVNONN. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm quy định của Đảng.

Chú ý đến tính đặc thù của từng cộng đồng NVNONN, không rập khuôn, cứng nhắc, vì trong các cộng đồng NVNONN, ở mỗi địa bàn đều có tính chất, bản sắc khác nhau. Mỗi ngành, địa phương trong nước cần thực hiện chính sách linh hoạt, sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn đất nước, địa phương, ngành mình công tác mà thực hiện các kế hoạch hiệu quả.

Vềthực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên ngành ngoại giao, thủ trưởng các cơ quan đại diện ở nước ngoài

Công tác NVNONN là một trong bốn trụ cột của công tác đối ngoại, công tác ngoại giao, đội ngũ cán bộ, đảng viên ngành ngoại giao cần nghiêm túc nghiên cứu, nắm vững những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với công tác NVNONN trong giai đoạn mới. Làm tốt công tác: “Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tâm huyết”(9), đáp ứng yêu cầu trách nhiệm công vụ và mong muốn của NVNONN.

Cán bộ, đảng viên ngành ngoại giao, nhất là người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan đại diện phải gương mẫu để đưa chủ trương, nghị quyết vào thực tiễn công tác, phù hợp với từng địa bàn, cụ thể hoá bằng các kế hoạch hoạt động, có các đề án tiếp tục vận dụng, triển khai. Mỗi cơ quan đại diện phải là “mái nhà chung” cho NVNONN, thấm đượm tình nghĩa đồng bào, con Lạc cháu Hồng, con Rồng cháu Tiên “phải yêu giống nòi”, “phải thương nhau cùng”...

Có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời nhằm tạo ra động lực thi đua yêu nước, hướng về Tổ quốc của NVNONN. Trong tình hình mới, công tác NVNONN phải tập hợp được đông đảo đồng bào trong và ngoài nước thành lực lượng xã hội rộng rãi tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Khen thưởng, đãi ngộ thỏa đáng đối với người có công, cán bộ cốt cán nhằm động viên kịp thời và tạo động lực cho lòng yêu nước, hướng về quê hương, Tổ quốc của NVNONN(10). Các phong trào thi đua cần thiết thực, tiết kiệm, tránh hình thức, sáo rỗng; lấy hiệu quả về chính trị, kinh tế - xã hội làm thước đo đánh giá từng phong trào thi đua. Có chế độ đãi ngộ, tạo điều kiện để NVNONN phát huy cao độ tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, tích cực lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho bản thân mình, cho cộng đồng và cho đất nước.

__________________

Ngày nhận bài: 27-02-2023; Ngày bình duyệt: 10-3-2023; Ngày duyệt đăng: 27-3-2023.

(1) Xem: Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, ban hành ngày 12-8-2021.

(2) Xem: “5 công tác trọng tâm về đồng bào ta ở nước ngoài”, bài phỏng vấn Thứ trướng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đăng trên tạp chí Thời đại, thoidai.com.vn, ngày 30-10-2021.

(3), (5) Lương Thanh Nghị: Nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoàihttp://mattran.org.vn/doi-ngoai-kieu-bao/nguon-luc-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-42719.html, ngày 4-2-2022.

(4) Xem: “Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới”, tại congannhandan online, cand.com.vn

(6) NVNONN có ba loại thái độ chính trị khác nhau: những người gia đình có liên quan đến chính quyền Việt Nam Cộng hoà cũ, số người thuộc loại này đang giảm, phần lớn đã mất; loại trung gian chiếm số đông, họ ít quan tâm đến chính trị mà chỉ lo làm ăn kinh tế, quan tâm đến gia đình ở trong nước, có những tình cảm nhất định đối với quê hương, nguồn cội; những người xuất thân là công nhân, cán bộ ra nước ngoài lao động, học tập rồi ở lại, thường xuyên giữ quan hệ với gia đình, hay về thăm, làm ăn, hoan nghênh chủ trương, chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước, ủng hộ công cuộc đổi mới. Đây là xu thế chung của cộng đồng NVNONN hiện nay và tương lai, cần tranh thủ nhóm trung gian và tích cực của NVNONN để hạn chế sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

(7) Ngày 8-9 hằng năm là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

(8) Tại các địa bàn nơi có đông người Việt, trong cơ quan đại diện có tổ chức ban công tác cộng đồng để điều phối các hoạt động của cơ quan đại diện trong công tác đối với NVNONN.

(9) Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12-8-2021 của Bộ Chính trị Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

(10) Nhiều hình thức khen thưởng như: danh hiệu “Vinh danh nước Việt”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân vận”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngoại giao”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp công tác về NVNONN”,… cho những người có nhiều đóng góp trong thực hiện công tác NVNONN.

ThS NGUYỄN THỊ THU TRANG

TS LÊ THỊ THU HỒNG

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh