Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (2016-2020)

20/02/2023 15:07

(LLCT) - Con người là nguồn lực trọng yếu, có vai trò quyết định đến sự phát triển của đất nước. Bài viết làm rõ chủ trương về đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ở các lĩnh vực then chốt và những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII.

Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (2016-2020)

Giờ thực hành nghề Cơ điện tử tại trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp - Ảnh: tuyengiao.vn

Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là sự hình thành và lan tỏa siêu tốc của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Trong đó, “Các nước đang phát triển, nhất là những nước vừa và nhỏ đang đứng trước những cơ hội và khó khăn, thách thức lớn trên con đường phát triển”(1).

Đối với nước ta, sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới và chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế đã đem lại nhiều thành tựu nổi bật, làm cho “Thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(2). Nguồn lực trọng yếu, có vai trò quyết định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này là nguồn lực con người.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng (2011-2015), việc phát triển giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (NNL) đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục.

1. Chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Chủ trương của Đảng về phát triển GD-ĐT, nâng cao chất lượng NNL trong 5 năm cuối của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 là:

“Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học - công nghệ, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động”(3).

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Đẩy mạnh “Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề. Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan”(4).

Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập bằng cách quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển NNL; xây dựng chiến lược phát triển NNL cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực một cách đồng bộ, trong đó tập trung cho việc đào tạo, đào tạo lại NNL trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng thực hành. Phát triển hợp lý, hiệu quả các loại hình trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Đổi mới căn bản công tác quản lý GD-ĐT bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GD-ĐT; coi trọng quản lý chất lượng theo hướng “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; thực hiện giám sát của các chủ thể trong nhà trường và xã hội, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý các cấp, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”(5).

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD-ĐT đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo.

Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển GD-ĐT. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, ngân sách nhà nước chi cho GD-ĐT tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của ngân sách nhà nước. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách giá dịch vụ GD-ĐT. Đẩy mạnh xã hội hóa, trước hết xã hội hóa đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin.

“Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý. Khuyến khích thành lập viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Nghiên cứu sáp nhập một số tổ chức nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ với các trường đại học công lập”(6).

“Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ khoa học và công nghệ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình”(7).

Trong nhiệm kỳ, Đảng đã ban hành Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số

29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo”.

 Quốc hội khóa XIV trong 2 năm 2018-2019 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quyết định; riêng lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tính đến 31-12-2018 đã có 06 nghị định, 04 quyết định.

Quán triệt và cụ thể hóa những văn bản pháp luật nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong tổ chức thực hiện. Trong 5 năm 2016-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền 278 văn bản; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng và ban hành một số quyết định và nhiều thông tư về giáo dục nghề nghiệp nói chung, đào tạo nhân lực chất lượng cao nói riêng.

Kết quả xây dựng và ban hành văn bản pháp luật trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã góp phần tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho đổi mới GD-ĐT nói chung và đào tạo, phát triển NNL (nhất là NNL chất lượng cao, các lĩnh vực then chốt) nói riêng, kịp thời tạo hành lang pháp lý cho việc tháo gỡ những nút thắt phát sinh trong thực tiễn đổi mới GD-ĐT, phát triển NNL chất lượng cao.

2. Những kết quả đạt được về phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong những năm 2016-2020

Trong những năm 2016-2020, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phát triển GD-ĐT, nâng cao chất lượng NNL (nhất là NNL chất lượng cao, các lĩnh vực then chốt) tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện để khắc phục những hạn chế, rào cản nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu của Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Những chủ trương, chính sách về phát triển GD-ĐT, nâng cao chất lượng NNL được tổ chức triển khai thực hiện một cách mạnh mẽ, bài bản, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ và Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Nhờ đó, việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và đẩy mạnh, phát triển GD-ĐT, nâng cao chất lượng NNL được triển khai thực hiện tích cực, có hiệu quả theo hướng chuẩn hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Về đẩy mạnh phát triển hệ thống GD-ĐT: Mạng lưới cơ sở GD-ĐT tiếp tục được mở rộng về quy mô và tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành nghề, nhất là vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là nâng cấp chất lượng trường, lớp học; xây dựng hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm tất cả các cơ sở GD-ĐT đều có mạng internet. Việc chuyển đổi số được triển khai có hiệu quả, thực hiện được việc dạy và học trực tuyến trong bối cảnh phòng, chống đại dịch Covid-19. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến toàn quốc về GD-ĐT được hoàn thiện. Quản lý hệ thống GD-ĐT của nước ta đã được đổi mới theo hướng hiện đại, coi trọng quản lý chất lượng, gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản lý nhân sự và quản lý tài chính. Đã triển khai thí điểm trao quyền tự chủ cho 23 trường đại học và rút ra được nhiều bài học có giá trị để triển khai mở rộng hơn. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GD-ĐT.

Hệ thống GD-ĐT của nước ta hiện có 53.000 trường, với 23 triệu học sinh, sinh viên. Trong đó, số lượng cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng là hơn 440 trường; giáo dục nghề nghiệp khoảng 2.000 cơ sở. Tỷ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm 9,19%; khối đại học có tỷ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập cao nhất 27,7%, tiếp theo là khối mầm non, trung học phổ thông, tiểu học và trung học cơ sở. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục gồm 1,5 triệu người, gia tăng cả số lượng và chất lượng so với nhiệm kỳ trước. Riêng đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở bậc phổ thông đã có 70% đạt chuẩn.

Các địa phương đã thực hiện quy định về ưu đãi đất đai xây dựng trường, chính sách thuế, tín dụng nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập để đẩy mạnh xã hội hóa GD-ĐT. Theo số liệu của 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 10 năm qua, có gần 3.200 dự án tham gia xã hội hóa giáo dục với số vốn đăng ký khoảng 103 nghìn tỷ đồng để phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh(8).

Đã tạo được phong trào học tập suốt đời trong cả nước. Tính đến tháng 9-2020, tỷ lệ gia đình học tập đạt 72,77% tổng số gia đình trên cả nước; tỷ lệ dòng họ học tập đạt 66,51%; tỷ lệ cộng đồng học tập đạt 63,38%; tỷ lệ đơn vị học tập đạt 85,73%. Đã có 294 mô hình học tập tiêu biểu được tuyên dương vào ngày 01-12-2020.

Xây dựng và triển khai hệ thống giáo dục quốc dân và khung chương trình quốc gia mới, nhất là chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đã được ban hành và đang triển khai theo lộ trình. Nội dung, phương pháp dạy và học, thi cử, kiểm định chất lượng đào tạo đang được đổi mới tích cực, phù hợp hơn và giảm áp lực, chi phí xã hội. Đã chú trọng dạy và học đạo đức, kỹ năng sống, ngoại ngữ, giáo dục thể chất. Giáo dục mầm non đã hoàn thành phổ cập cho trẻ 5 tuổi, nâng tỷ lệ trẻ mẫu giáo đi học từ 85,8% năm 2015 lên 100% năm 2020. Giáo dục phổ thông tiếp tục phổ cập bền vững giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực được thế giới công nhận. Theo đánh giá PISA 2018, Việt Nam đạt 543 điểm khoa học, cao thứ 4 trong số 79 quốc gia. Điều đó chứng tỏ chất lượng giáo dục phổ thông của nước ta sánh ngang với các nước có nền giáo dục tiên tiến, vượt mức trung bình của học sinh các nước khối OECD. Theo Báo cáo khảo sát tình hình bảo đảm sức khỏe và giáo dục phổ thông của WB công bố ngày 16-9-2020, chỉ số vốn nhân lực Việt Nam tăng từ 0,66 lên 0,69 trong vòng 10 năm (2011-2020), cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập với Việt Nam, trong đó các chỉ số về giáo dục của nước ta nằm trong nhóm cao nhất thế giới.

GD-ĐT và quản trị đại học có bước đổi mới đáng kể. Chất lượng GD-ĐT đại học từng bước được nâng cao, mang tính đột phá, hướng đến khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; triển khai đào tạo theo khung trình độ quốc gia và chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu của xã hội và chủ động thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một số trường đại học, cao đẳng đã mở thêm những ngành học mới, như robot; trí tuệ nhân tạo; khoa học dữ liệu. Số lượng công trình công bố quốc tế năm 2019 đạt 12.307 bài, tăng gấp 10 lần so với năm 2013. Các công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.

Năm 2019, có 8 trường đại học được xếp trong nhóm 400 trường đại học hàng đầu châu Á và 8 trường đại học nằm trong nhóm 1.000-3.000 trường đại học tốt nhất thế giới; năm 2020 có 12 trường đại học được xếp hạng trong nhóm này. Hệ sinh thái đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bắt đầu phát triển. Xu thế lập nghiệp và khởi nghiệp của sinh viên đang có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều nhóm sinh viên có năng lực khởi nghiệp sáng tạo khá. Đến nay, cả nước đã có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó, các nhà khởi nghiệp dưới 30 tuổi phát triển nhanh trên tất cả các lĩnh vực: công nghệ, quản trị, tài chính, giải trí, nghệ thuật..., tầm ảnh hưởng đã vượt qua biên giới quốc gia, góp phần gia tăng giá trị cho xã hội.

Quản trị đại học được đổi mới thông qua thực hiện tự chủ, trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng. Đặc biệt là trong quản lý GD-ĐT và quản trị đại học Việt Nam đã chủ động sử dụng công cụ đánh giá và đối sách chất lượng theo thông lệ quốc tế để đánh giá kết quả thực hiện. Việc tham gia vào PISA, PASEC và xếp hạng đại học đã giúp Chính phủ nhận diện thực trạng hệ thống giáo dục của quốc gia.

Giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến đáng kể. Đến nay đã có 420 chuẩn đầu ra trình độ cao đẳng và trung cấp được ban hành, đáp ứng yêu cầu cơ bản các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế và các ngành, nghề phổ biến. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tích cực tiếp nhận, chuyển giao chương trình và công nghệ giáo dục nghề nghiệp tiên tiến của các nước phát triển; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28-02-2013 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án 371 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thực hiện chuyển giao chương trình và công nghệ đào tạo từ Ôxtrâylia và Đức, đào tạo thí điểm cho 2.000 sinh viên với mục tiêu khi tốt nghiệp, sinh viên đủ trình độ sẽ được cấp 2 bằng cao đẳng nghề của Việt Nam và của Ôxtrâylia hoặc Đức.

Hợp tác quốc tế về GD-ĐT được mở rộng, đạt nhiều kết quả tích cực. Việc mở rộng hợp tác với các nước trong thực hiện các đề án đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có hiệu quả.

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ, phát triển đội ngũ nhân lực có tay nghề cao. Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các chuyên gia và các tổ chức quốc tế thí điểm xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận năng lực theo tiêu chuẩn của Pháp, Bỉ, Hàn Quốc; thí điểm đào tạo theo mô hình “đào tạo kép” của Đức, Thụy Sỹ v.v.. Theo hướng đó, các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch đào tạo nhân lực chất lượng cao thông qua các chương trình hợp tác, liên kết với nước ngoài; xây dựng các chương trình đào tạo tiếp cận với các chuẩn khu vực và quốc tế.

Trong 5 năm 2016-2020, cả nước đã đào tạo được 8.781.901 người; trung bình mỗi năm đào tạo nghề được trên 2 triệu người. Riêng 2 năm 2017-2018, đào tạo nghề được 2,2 triệu người/năm, trong đó, cao đẳng và trung cấp nghề hơn 540 nghìn người/năm, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác hơn 1,6 triệu người/năm. Từ năm 2015-2018, kết quả đào tạo tại 45 trường được lựa chọn ưu tiên đầu tư để thành trường chất lượng cao là 640.082 người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 203.692 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 436.390 người.

Từ năm 2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo 22 bộ chương trình do Đức chuyển giao. Có 45 trường tham gia đào tạo thí điểm với tổng số sinh viên là 1.056 người. Năm học 2019-2020, trong điều kiện chịu sự tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước đã tuyển sinh đạt hơn 1.940.000 người, bằng 86% kế hoạch. Trong đó, tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp nghề 520.000 người; sơ cấp và đào tạo ngắn hạn đạt hơn 1.420.000 người.

Đội ngũ giáo viên dạy các chương trình chuyển giao được đào tạo tại các nước chuyển giao, được cấp chứng chỉ đủ điều kiện tham gia giảng dạy. Trong quá trình đào tạo, chuyên gia của nước chuyển giao liên tục giám sát, hướng dẫn giáo viên Việt Nam để tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo đúng tiêu chuẩn của nước chuyển giao.

Kết quả tổng hợp của đổi mới GD-ĐT và đào tạo, phát triển NNL (nhất là NNL chất lượng cao, các lĩnh vực then chốt) của đất nước trong 35 năm đổi mới nói chung, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII (2016-2020) nói riêng thể hiện trên một số nét tiêu biểu sau:

- Về giáo dục phổ thông, các kỳ thi học sinh giỏi khu vực và thi Olympic quốc tế những năm gần đây, đoàn Việt Nam đều xếp ở vị trí cao. Năm 2020, 100% học sinh Việt Nam tham dự đều đạt giải, trong đó có nhiều huy chương vàng và bạc. Báo cáo vốn nhân lực của Ngân hàng Thế giới năm 2020, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam xếp thứ 38/174 nền kinh tế, trong đó, kết quả giáo dục xếp thứ 15.

- Về giáo dục đại học đã có bước đổi mới mang tính đột phá, góp phần tích cực trong đào tạo, phát triển NNL (nhất là NNL chất lượng cao, các lĩnh vực then chốt). Nhờ đó, đến nay, đội ngũ nhân lực của nước ta đã có năng lực hấp thụ và làm chủ công nghệ trong nhiều lĩnh vực thiết yếu như điện, điện tử, cơ khí, dầu khí, đóng tàu, xây dựng, y tế, thông tin và truyền thông. Cụ thể, Việt Nam đã làm chủ công nghệ thiết kế, thi công các nhà máy thủy điện lớn, công trình ngầm, cầu dây văng, đường cao tốc, nhà cao tầng... đạt chuẩn quốc tế; đã chế tạo thành công thiết bị cơ khí thủy công và nâng hạ siêu trường, siêu trọng; đã sản xuất được những sản phẩm “Made in Việt Nam”; làm chủ các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực y tế (đặc biệt là kỹ thuật ghép đa tạng, sản xuất vắcxin...). Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Việt Nam đã sản xuất được các trạm BTS4G, 5G và nhiều thiết bị viễn thông khác. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đều đạt trình độ khá về công nghệ thông tin, thể hiện rõ nhất là trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính và phòng, chống đại dịch Covid-19.

- Đã tạo được bước chuyển biến tích cực trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của hệ thống chính trị và các cơ quan, đoàn thể, các bộ, ngành, địa phương, nhất là cán bộ cấp chiến lược và những người đứng đầu. Đã hình thành và từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng từ Trung ương đến các bộ, ngành và địa phương. Nội dung, chương trình thường xuyên được đổi mới, cập nhật dưới sự chủ trì biên soạn và đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Hằng năm, chỉ riêng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đào tạo và bồi dưỡng hơn 12 vạn cán bộ, cụ thể: đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung là 254 lớp với 11.204 học viên; hệ không tập trung là 409 lớp với 36.209 học viên; đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ hoàn chỉnh là 48 lớp với 5.539 học viên; đào tạo đại học 19.396 sinh viên; đào tạo thạc sỹ 6.412 học viên; đào tạo tiến sỹ 1.102 học viên. Về bồi dưỡng, trong 5 năm qua, bồi dưỡng 26.675 học viên. Trong đó, bồi dưỡng cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII 4 lớp; bồi dưỡng ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XII 20 học viên; bồi dưỡng bí thư cấp ủy cấp huyện 420 học viên; bồi dưỡng phó bí thư cấp ủy cấp huyện 329 học viên; bồi dưỡng cán bộ tổ chức, kiểm tra, dân vận, tuyên giáo 4.471 học viên; phối hợp bồi dưỡng tại các địa phương 15.430 học viên; đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào 458 học viên.

Với những kết quả phát triển GD-ĐT, nâng cao chất lượng NNL, đã phát huy được vai trò của cả hệ thống chính trị trong huy động sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, thực hiện tốt “ý Đảng, lòng Dân”. Điều đó đã giúp nước ta thực hiện được “mục tiêu kép” là vừa kiểm soát được đại dịch Covid-19, vừa giữ được tăng trưởng kinh tế dương ở mức 2,5%-3% năm 2020 và hoàn thành toàn bộ mục tiêu “Thiên niên kỷ”, đưa nước ta sang thời kỳ phát triển bền vững. Trên bình diện khu vực và quốc tế, nước ta đã thực hiện tốt vai trò là nước Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA lần thứ 41 năm 2020; Ủy viên Không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021. Với những thành công đó, nước ta đã trở thành tấm gương sáng về bản chất của chế độ chính trị do một Đảng Cộng sản lãnh đạo, đang phát triển đất nước theo định hướng XHCN nhằm mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 538 (tháng 12-2022)

Ngày nhận: 9-11-2022; Ngày bình duyệt: 15-12-2022; Ngày duyệt đăng: 19-12-2022.

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.71, 73, 114-115, 115-116, 116-117, 117-118, 122.

(8) Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII và Báo Hà Nội mới, tr.5, ngày 7-11-2020.

GS, TS HOÀNG NGỌC HÒA