Công tác tuyên truyền chính trị ở Việt Nam qua mạng xã hội Zalo

10/02/2023 21:37

(LLCT) - Hiện nay, mạng xã hội Zalo đang trở thành một trong những phương tiện tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được công chúng đón nhận. Thông qua mạng Zalo,người dùng cập nhật các thông tin nhanh, chính xác, ngăn chặn thông tin xấu độc, lan tỏa những thông tin chính thức, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong thời đại kỷ nguyên số. Bài viết đề xuất những giải pháp trong công tác quản lý nhà nước, với các cơ quan chức năng quản lý mạng xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí và những người dùng mạng Zalo nhằm sử dụng có hiệu quả mạng xã hội này trong tuyên truyền chính trị ở Việt Nam. 

Công tác tuyên truyền chính trị ở Việt Nam qua mạng xã hội Zalo

Mạng xã hội Zalo - Ảnh minh họa: IT

Mạng xã hội (MXH) Zalo xuất hiện từ năm 2012 (là ứng dụng của VNG - Công ty Công nghệ Việt Nam) với những tính nănglivestream, gõ @ để gửi bài hát Zing MP3 hoặc gửi ảnh GIF, tin nhắn bí mật tự xóa khi xem xong, cuộc gọi video cho mọi người, sao lưu và khôi phục tin nhắn... đã đem lại cho công chúng nhiều sự trải nghiệm thú vị. Tính đến quý I năm 2021, có hơn 65% người Việt Nam thường xuyên sử dụng Zalo (1,7 tỷ tin nhắn mỗi ngày) để liên lạc, làm việc và học tập(1)

Hiện nay, ở Việt Nam duy nhất MXH Zalo có đủ sức cạnh tranh với các mạng xã hội từ nước ngoài. Tiếp đến là Mocha (12 triệu thành viên), Gapo (6 triệu thành viên) và Lotus (2,5 triệu thành viên)(2). Đặc biệt, trong báo cáo “Thị trường quảng cáo số Việt Nam 2021: Chiến lược đón đầu và đột phá” (do Adsota phát hành ngày 1-6): Zalo hiện là ứng dụng nhắn tin được yêu thích nhất(3).

Với khả năng chia sẻ thông tin (file, hình ảnh chất lượng HD) lên tới 20MB và có thể thực hiện với nhiều file cùng một lúc giúp Zalo là sự lựa chọn số một của người dùng Việt Nam, đặc biệt là công chức, sinh viên và giới văn phòng. MXH Zalo đã đem lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân trong công việc, kết nối, chia sẻ và cập nhật thông tin, phục vụ nhu cầu giải trí và tham gia giám sát xã hội. Chính điều đó đã góp phần quan trọng vào việc phát huy quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí… của công dân. Nhiều cơ quan, tổ chức đã sử dụng Zalo như là một trong những phương thức tuyên truyền hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

1. Thực trạng công tác tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội Zalo ở nước ta hiện nay

Khi khoa học - công nghệ chưa phát triển, công tác tuyên truyền chính trị ở nước ta chủ yếu bằng hình thức tuyên truyền miệng. Sự giao tiếp và đối thoại giữa người nói và người nghe đã chuyển tải được nhiều nội dung quan trọng mà các phương tiện thông tin đại chúng khác không thực hiện được. Song, khi các loại hình truyền thông đa phương tiện phát triển mạnh, có thể truyền tải một lượng thông tin lớn, đa chiều, công chúng có thể tiếp nhận thông tin vào mọi lúc, ở mọi nơi từ nhiều nguồn, nhiều phương tiện khác nhau một cách tiện lợi nhất. Việc tiếp cận và sử dụng các phương pháp tuyên truyền hiện đại (trong đó có Zalo) tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là cần thiết để đạt được hiệu quả cao nhất.

Khi tìm kiếm cụm từ “zalo tuyên truyền pháp luật” trên Google, khoảng 22.300.000 kết quả hiển thị trong 0,32 giây và cụm “zalo tuyên truyền chủ trương của Đảng” khoảng 2.920.000 kết quả trong 0,26 giây đã thể hiện mức độ phổ biến của ứng dụng Zalo trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Đồng thời, Zalo là một nền tảng công nghệ cung cấp các giải pháp hỗ trợ cho địa phương trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp, phổ biến thông tin đến người dân một cách nhanh nhất. Theo số liệu khảo sát tháng 12-2021, cả nước có hơn 6.000 tài khoản Zalo của các cơ quan cấp bộ, tỉnh/thành phố, địa phương, công an, y tế, giáo dục, điện, nước… được thiết lập (tăng 160% so với năm 2020)(4).

Bên cạnh việc cập nhật nhanh thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình địa phương, thông qua MXH Zalo, cấp ủy, chính quyền các cấp đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, cũng như những bức xúc của người dân; qua đó, góp phần tuyên truyền, định hướng dư luận, nâng cao hiệu quả công tác dân vận tại cơ sở, đúng với chủ trương của Chính phủ: “Chuyển đổi số tác động mọi người dân, do đó phải lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho phát triển chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân và doanh nghiệp. Mọi người dân đều phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số”(5).

Trong công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã gửi 70 bản tin, 508 tin, bài đến hơn 7 triệu tài khoản người dùng Zalo trên địa bàn Thành phố. Trên tài khoản Zalo chính thức của “Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội”, người dân chỉ cần tìm “Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội”, hoặc quét mã QR và nhấn cụm từ “Quan tâm”, các tin tức chính thống về Hà Nội cũng như công tác bầu cử trên địa bàn thủ đô sẽ được cập nhật đến người dân mỗi ngày(6).

Từ năm 2016, Bộ Y tế đã tạo khảo sát về nhu cầu thông tin của người dân khi theo dõi tài khoản Zalo chính thức của Bộ. Theo đánh giá của dư luận, chỉ khảo sát 1 câu với thời gian trả lời trong vài giây nhưng đã phản ánh được mong muốn của người dân. Từ đó, Bộ Y tế có căn cứ để cung cấp các thông tin đúng qua kênh truyền thông này. Đã có hơn 14 tỷ tin nhắn thông báo khẩn gửi đến người dân cả nước từ Zalo chính thức của Bộ Y tế, các địa phương. 

Đặc biệt, khi cả nước bước vào giai đoạn “bình thường mới”, nền tảng Zalo còn được ứng dụng để hỗ trợ giải quyết các vấn đề dân sinh cấp thiết: giúp người tra cứu trợ cấp bảo hiểm tai nạn, kết nối việc làm cho người lao động…(7)

Từ năm 2021, lực lượng công an sử dụng MXH Zalo để phục vụ công tác tiếp nhận tin báo an ninh trật tự, tuyên truyền phòng ngừa tội phạm trên toàn quốc. Mô hình Zalo an ninh được nhiều đơn vị, địa phương triển khai mạnh mẽ. Đến cuối năm đã có hơn 3.580 trang Zalo anh ninh được thiết lập(8). Bộ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh: “phải nghiên cứu, triển khai các hình thức tuyên truyền phù hợp đến các tầng lớp nhân dân, như qua các trang mạng xã hội: Facebook, Zalo, Youtube, Twitter...”(9)

Ở địa phương, kênh giao tiếp Zalo mang tên “Đội CNTT Công an TT Huế” thành lập (3-2022) phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh trật tự. Qua trang Zalo này, mọi công dân có thể tìm kiếm đầy đủ, kịp thời các thông tin liên quan đến việc thực hiện các thủ tục hành chính, công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; số điện thoại của Công an các xã, phường trên địa bàn… các thông tin đều được tích hợp trên thanh công cụ tìm kiếm nhanh gồm 03 mục: Số ĐT Hỗ trợ; Tìm hiểu PL; Trang TTĐT CA TT-Huế.

2. Sử dụng Zalo trong công tác tuyên truyền chính trị ở Việt Nam hiện nay

Công tác tuyên truyền chính trị có vai trò quan trọng, giữ vị trí quyết định trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Để làm tốt công tác này trong bối cảnh mới, phải xem MXH nói chung và Zalo nói riêng là một kênh tuyên truyền hiện đại, tiện ích để nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; là công cụ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần quan trọng làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội. 

Tuyên truyền chính trị là một trong những vũ khí sắc bén đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; góp phần quan trọng trong việc giáo dục, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi đường lối chính trị của Đảng.

Sự phát triển của MXH đã làm xuất hiện một hình thức truyền thông chính trị mới, khác xa so với những hệ thống trước đó(10). Việc sử dụng MXH trong công tác tuyên truyền của các cấp ủy, chính quyền trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, giúp người dùng cập nhật các thông tin chính xác, nhanh chóng, ngăn chặn những thông tin xấu, độc, lan tỏa thông tin chính thống, tích cực đến người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong tình hình mới. 

Điểm mạnh của MXH Zalo là: tôn trọng sự riêng tư, tính năng thân thiện, mặc định bằng tiếng Việt cùng độ bảo mật tương đối cao, hệ thống cơ sở hạ tầng mạnh và đặt ở trong nước nên tốc độ truy cập Zalo rất nhanh, thu hút được nhiều người Việt sử dụng. Nó phù hợp với mọi lứa tuổi, dễ làm quen, dễ sử dụng, dễ thao tác.

MXH nói chung trong đó có Zalo đã làm thay đổi cách thức và chủ thể truyền thông, các phương tiện truyền thông truyền thống (báo in, đài phát thanh, truyền hình) với phương thức truyền thông một chiều, một nguồn phát tin - nhiều nguồn tiếp nhận, người nhận tin ít cơ hội để phản hồi, phản biện, truyền tin trở lại. Với Zalo, các thành viên tham gia vừa là người nhận tin, vừa là chủ thể truyền tin, có sự tương tác rõ rệt người nhận tin có thể trở thành chủ thể truyền tin và ngược lại; các cá nhân, tổ chức trong xã hội đều có thể trở thành chủ thể truyền thông thông qua MXH nội địa này, các dịch vụ trực tuyến, các công cụ phản hồi báo chí, trang tin điện tử...

Nhiều người dùng MXH được hỏi cho rằng, các nền tảng truyền thông xã hội là nguồn tin tức chính trị họ tiếp nhận mỗi ngày bởi khả năng lan truyền thông tin nhanh, dễ tiếp cận(11). Vì vậy, MXH như Zalo đã và đang trở thành một công cụ tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc tuyên truyền chính trị sẽ phát huy hiệu quả do không bị giới hạn về không gian, thời gian như hình thức truyền thống… Zalo còn có tác động mạnh mẽ trong định hướng nhận thức, tư tưởng, tình cảm, hành vi của mỗi người. Có thể thông qua đó để mỗi cá nhân tự ý thức những việc họ làm và điều chỉnh hành vi của mình đúng quy định của pháp luật và chuẩn mực của văn hóa, đạo đức dân tộc.

Với tính năng kết nối gần như không giới hạn và số lượng người sử dụng đông đảo, Zalo đã trở thành công cụ hữu hiệu để các cơ quan nhà nước sử dụng trong tiếp cận người dân. Đến nay, nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã sử dụng các phương tiện này để tăng cường kết nối với người dân, doanh nghiệp; truyền tải các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân mọi lúc, mọi nơi. Không chỉ để tiếp nhận phản hồi, góp ý của người dân và doanh nghiệp, nhiều cơ quan nhà nước đã sử dụng truyền thông xã hội như là một công cụ để cung cấp dịch vụ công (Chính phủ đã lập kênh giao tiếp Cổng thông tin điện tử Chính phủ trên Zalo, ngoài ra tạo thêm hai tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia”).

Sử dụng MXH Zalo trong công tác tuyên truyền chính trị của Đảng là hợp với xu thế phát triển. Nhận thức đúng đắn cả mặt tính cực và tiêu cực của Zalo, chủ động tìm hiểu, học hỏi các kỹ năng khi sử dụng MXH, các quy định pháp luật, các quy tắc cộng đồng, nâng tầm văn hóa sử dụng mạng xã hội là điều kiện để cán bộ tuyên truyền có thể tận dụng MXH để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền của Đảng trong thời kỳ mới.

3Những giải pháp cơ bản nhằm sử dụng có hiệu quả mạng xã hội Zalo trong tuyên truyền đường lối,chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hiện hay

Một là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin trên Zalo

Hiện nay, Việt Nam đã có những quy định pháp lý để quản lý thông tin trên MXH như Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, một số quy định, chính sách hiện hành không theo kịp với sự phát triển mạnh của MXH; nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu mới trong quản lý, điều hành. Chính phủ cần nhanh chóng điều chỉnh hệ thống pháp luật, có cơ chế, chính sách và cách thức tiếp cận đúng đắn, đầy đủ về MXH bằng văn bản, chế tài cụ thể. 

Với lượng thông tin khổng lồ trên MXH Zalo, cần tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại để phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các thông tin chưa qua kiểm chứng, những thông tin xấu, độc có ảnh hưởng đến ổn định chính trị, xã hội; chú trọng sử dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý, phân loại thông tin. Nâng cao năng lực phân tích, điều tra, nghiên cứu công chúng, đo lường thái độ của người sử dụng Zalo với những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, ý thức, trách nhiệm cho công dân khi tham gia MXH. Định hướng giáo dục giá trị cho giới trẻ biết và tránh được các biểu hiện lệch lạc về nhận thức và hành vi sai trái trên truyền thông xã hội; trang bị cho học sinh, sinh viên kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân, cách thức chắt lọc, tiếp nhận thông tin một cách đúng đắn, phù hợp. Phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân, nhất là những người điều hành website, blog, fanpage, các KOL (Key Opinion Leader), influencers (những người gây ảnh hưởng), giới trẻ trong xây dựng môi trường internet, MXH lành mạnh(12).

Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông chính thức trong định hướng, dẫn dắt MXH Zalo đi đúng hướng trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trước những sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tạo dựng được một “thế trận” MXH mạnh, đủ sức lấn át các dòng thông tin độc hại trên Zalo. Bảo đảm dòng thông tin chất lượng, kịp thời từ truyền thông chính thức là thông điệp chủ đạo, là bộ lọc tin cậy về các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm.

Tăng cường hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị hiện đại, xây dựng công cụ lọc và phát hiện tin giả, tin sai sự thật ngay từ khi manh nha xuất hiện trên MXH Zalo để kịp thời phòng ngừa, chủ động ngăn chặn sự lan truyền và cảnh báo sớm tin giả ngay khi nó mới xuất hiện.

Phát huy vai trò của những người điều hành kênh giao tiếp chính thức trên ứng dụng trong việc đăng tải thông tin tích cực trên mạng. Tổ chức phát động viết tin, bài, ảnh, quay video clip đưa thông tin tích cực về ngành mình và các lĩnh vực khác lên Zalo, góp phần đẩy lùi thông tin xấu độc trên MXH.

Hai là, tăng cường sự tham gia của các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội

Để định hướng được dư luận xã hội trên các trang MXH Zalo, các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội cần thiết lập các nhóm cộng đồng mạng: cung cấp, chia sẻ những thông tin tích cực, những bài viết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những bình luận có ý nghĩa tích cực. Bằng việc xây dựng và kết nối các tài khoản trên MXH Zalo để lan tỏa ra xã hội những giá trị chân chính. 

Từng bước xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng nhằm đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Bởi một khi “lòng tin” đã tạo lập được “thành trì niềm tin”, sẽ không một âm mưu, thủ đoạn nào của các thế lực thù địch có thể lợi dụng được.

Ba là, tăng cường sự tham gia của các cơ quan báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhà báo, rèn luyện sự nhạy bén nghề nghiệp, có như vậy mới khắc phục được tình trạng “điểm trắng”, “vùng trắng” về thông tin.

Thực hiện các biện pháp cụ thể để không có cơ hội cho việc cạnh tranh giữa các thông tin sai trái với các thông tin chính thức, lành mạnh của báo chí trong nước. Nâng cao chất lượng và số lượng của tuyến tin, bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đây là phương thức hữu hiệu nhất ngăn chặn, đẩy lùi một cách chủ động các thông tin sai trái của kẻ thù. 

_________________

Ngày nhận: 4-11-2022; Ngày bình duyệt: 15-11-2022; Ngày duyệt đăng: 8-02-2023.

(1) Phương Dung: Zalo trở thành ứng dụng nhắn tin được yêu thích nhất Việt Namhttps://ictnews.vietnamnet.vn/zalo-tro-thanh-ung-dung-nhan-tin-duoc-yeu-thich-nhat-viet-nam-286353.html, truy cập ngày 29-12-2022.

(2) Trọng Đạt: Mạng xã hội Việt Nam đang ở đâu so với Facebook, Google?,https://vietnamnet.vn/mang-xa-hoi-viet-nam-dang-o-dau-so-voi-facebook-google-688437.html, truy cập ngày 3-3-2022.

(3) Thảo Nguyên: Zalo trở thành ứng dụng nhắn tin được yêu thích nhất Việt Nam, Báo Thanh Niên điên tử, https://thanhnien.vn/zalo-tro-thanh-ung-dung-nhan-tin-duoc-yeu-thich-nhat-viet-nam-post1074730.html, truy cập ngày 3-3-2022.

(4) Cả 63 tỉnh, thành phố ứng dụng Zalo trong quá trình chuyển đổi số,https://nhandan.vn/ca-63-tinh-thanh-pho-ung-dung-zalo-trong-qua-trinh-chuyen-doi-so-post681475.html, truy cập ngày 24-3-2022.

(5) Nâng cao nhận thức, thống nhất hành động về chuyển đổi số, truy cập trênhttps://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/nang-cao-nhan-thuc-thong-nhat-hanh-dong-ve-chuyen-doi-so--676197/,  truy cập ngày 23-3-2022.

(6) Linh Tuệ: Hơn 7 triệu tài khoản Zalo được tiếp cận thông tin về bầu cửhttps://vtc.vn/ha-noi-hon-7-trieu-tai-khoan-zalo-duoc-tiep-can-thong-tin-ve-bau-cu-ar613230.html, truy cập ngày 23-3-2022.

(7), (8) An Hà: Cả 63 tỉnh, thành phố ứng dụng Zalo trong quá trình chuyển đổi sốhttps://nhandan.vn/thong-tin-so/ca-63-tinh-thanh-pho-ung-dung-zalo-trong-qua-trinh-chuyen-doi-so-681475/, truy cập ngày 24-3-2022

(9) Bộ Công an nghiên cứu tuyên truyền qua Zalo, Facebook, truy cập trên https://zingnews.vn/bo-cong-an-nghien-cuu-tuyen-truyen-qua-zalo-facebook-post763723.html, truy cập ngày 23-3-2022.

(10)       Blumler, J, Kavanagh, D: The third age of political communication: Influences and features, Political Communication, 1999.

(11)       Baumgartner, J, Morris, J: MyFaceTube politics: Social networking web sites and political engagement of young adults, Social Science Computer Review, 2010.

(12)       Võ Văn Thưởng: Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm, Báo Tuổi trẻ online, https://tuoitre.vn/su-dung-mang-xa-hoi-co-trach-nhiem-20190616170545024.htm, truy cập ngày 20-3-2022.

PGS, TS PHẠM HƯƠNG TRÀ

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

ThS LÊ NGUYỄN PHƯƠNG THẢO

Đại học Khoa học Huế