Tỉnh Bắc Ninh bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa phi vật thể - Dân ca quan họ Bắc Ninh

19/12/2019 14:32

(LLCT) - Ngày 30 - 9 -2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban Liên chính phủ theo Công ước 2003, UNESCO đã bỏ phiếu công nhận Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một động lực to lớn cho tỉnh Bắc Ninh phát huy di sản văn hóa trong hội nhập và giao lưu, đối thoại văn hóa và tôn trọng sự đa dạng văn hóa. 

Tỉnh Bắc Ninh bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa phi vật thể - Dân ca quan họ Bắc Ninh

1.Kết quả bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa phi vật thể Dân ca quan họ Bắc Ninh

Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được sưu tầm trước năm 1954, bởi nhiều thế hệ các nhà sưu tầm theo cách ghi chép lại bằng văn bản, bằng cách ký âm của âm nhạc phương Tây nhiều bài hát quan họ. Trong các sưu tập dân ca Việt Nam, và các bộ sách về Lịch sử văn học Việt Nam, công bố từ năm 1954 đến nay, đều đã có ghi chép, thống kê về Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Ngay sau khi DCQHBN được UNESCO công nhận là di sản VHPVT đại diện của nhân loại (2009), thực hiện chương trình cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO, với vai trò là địa phương có di sản, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh xác định một số biện pháp bảo vệ di sản DCQHBN. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010- 2015) nhấn mạnh: “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại- dân ca quan họ Bắc Ninh và ca trù... Huy động các nguồn lực và sức sáng tạo trong xã hội để đầu tư xây dựng các thiết chế, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, quản lý và bảo vệ di tích, di sản văn hóa”(1).

Công tác tuyên truyền, quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh được quan tâm đặc biệt. Để tuyên truyền, quảng bá nhận diện di sản, UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức thành công Festival năm 2010 gắn với Lễ đón Bằng công nhận DCQHBNlà di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Các năm từ 2011 đến nay, Tỉnh đều tổ chức Chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ”; năm 2014 tổ chức Festival Bắc Ninh năm 2014. Đây là những chương trình nghệ thuật được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, dàn dựng công phu trên cơ sở khai thác những giá trị tinh hoa trong lề lối sinh hoạt, giai điệu âm nhạc, lời ca của DCQHBN để hình thành chủ đề riêng của từng chương trình. Các chương trình nghệ thuật đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tăng cường quảng bá dân ca Quan họ Bắc Ninh với bạn bè trong nước và quốc tế. Các chương trình đều được truyền hình trực tiếp trên một số kênh truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Hà Nội, Truyền hình Bắc Ninh và truyền hình một số tỉnh bạn và hàng nghìn băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền quảng bá trong tỉnh.

Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tỉnh thường xuyên tuyên truyền về DCQHBN. Trong các bản tin thời sự, Đài đã tổ chức sản xuất và phát sóng các tin, bài, phóng sự tuyên truyền sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh về quy hoạch vùng di sản, xây dựng, bảo tồn, tôn tạo các không gian, di tích lịch sử văn hóa, thiết chế văn hóa, lễ hội gắn liền với văn hóa sinh hoạt Quan họ; tuyên truyền về các ấn phẩm, hoạt động truyền dạy, các hội thi hội diễn và các giá trị đặc sắc của Quan họ… Đài đã sản xuất nhiều chương trình, như: Văn hóa Quan họ, giới thiệu, giải thích những giá trị đặc sắc của ca từ và lời ca trong Dân ca Quan họ cổ, giải thích điển tích, điển cố Dân ca Quan họ cổ; tục kết bạn trong sinh hoạt Quan họ; hình thức hát thờ trong thơ ca Quan họ; “Ký sự 49 làng Quan họ”, giới thiệu về lịch sử, văn hóa, truyền thống của từng làng Quan họ, đồng thời lồng ghép quảng bá làn điệu Dân ca Quan họ do các nghệ nhân ở các làng thể hiện; Chương trình Điểm hẹn văn hóa; Tạp chí Văn nghệ; Về miền Quan họ; Về miền di sản...

Truyền hình Bắc Ninh dành nhiều thời lượng để tuyên truyền nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao ý thức tự tôn, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, các cộng đồng dân cư về bảo tồn và phát huy giá trị DCQHBN; khích lệ các nghệ nhân làm tốt vai trò lưu giữ và truyền dạy DCQHBN trong cộng đồng thông qua các buổi hoạt động sinh hoạt văn hoá Quan họ như liên hoan, hội thi, hội diễn, lễ hội...

Từ năm 2009 đến năm 2015, Tỉnh Bắc Ninh đã triển khai xây dựng hoàn thiện WEBSIDE “Dân ca quan họ Bắc Ninh” đưa vào hoạt động. Đây là một kênh thông tin để tuyên truyền, quảng bá về dân ca quan họ Bắc Ninh đạt hiệu quả cả về chiều rộng và chiều sâu; giúp mọi người dễ dàng cập nhật, khai thác, tìm hiểu sâu sắc hơn về sinh hoạt văn hoá quan họ, về những giá trị độc đáo và tinh hoa của dân ca quan họ Bắc Ninh, về con người Quan họ, cũng như truyền thống lịch sử văn hiến của tỉnh Bắc Ninh...

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, từ tháng 8 -2017 đến nay, Chương trình hát Quan họ trên thuyền cùng các hoạt động văn hóa hưởng ứng diễn ra ở phố đi bộ được tổ chức định kỳ đã trở thành điểm nhấn đặc sắc trong hoạt động văn hóa, du lịch của tỉnh, góp phần tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị DCQHBNngày càng phát triển trường tồn và lan tỏa. Chương trình hát Quan họ trên thuyền đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân và du khách. Đặc biệt, chương trình có sự tương tác, giao lưu giữa khán giả, du khách với các liền anh, liền chị Quan họ và các Câu lạc bộ của các làng Quan họ gốc…Đây là hoạt động thiết thực nhằm duy trì sức sống của Dân ca Quan họ trong đời sống đương đại.

Cùng với việc tổ chức tuyên truyền quảng bá tại địa phương, UBND tỉnh đã có các chương trình đưa các nghệ sỹ Nhà hát DCQHBN, nghệ nhân DCQHBNđi tham gia các chương trình giao lưu, giới thiệu và quảng bá DCQHBNtrong và ngoài nước.Từ năm 2015 đến năm 2019, Nhà hát DCQHBNđã tổ chức nhiều buổi biểu diễn, quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh tới bạn bè trong nước và quốc tế phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tham gia biểu diễn quảng bá tại nước ngoài, như: Lào, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Đức, Cộng hòa Séc, Anh, Nga... tham dự Liên hoan Nghệ thuật truyền thống châu Á - Thái Bình Dương 2019 tại Đài Loan.

Từ năm2010 đến năm 2015, Bắc Ninh đã đầu tư xây dựng, hỗ trợ các trang thiết bị liên quan trực tiếp đến công tácbảo tồn, phát huy giá trị di sảnvăn hóa. Xây dựng hoàn thiện 2 chòi hát Dân ca Quan họ trên khuôn viên di tích đồi Lim thuộc thị trấn Lim, huyện Tiên Du với kiến trúc chồng diêm 8 mái, đao cong. Đây là công trình nhằm phục vụ hoạt động giao lưu hát DCQHBNtại lễ hội Lim hàng năm - Một không gian lễ hội đặc trưng của vùng Quan họ; điểu chỉnh Quy hoạch không gian văn hóa đồi Lim,xây dựng hạng mục biểu trưng DCQHBNvà bổ sung thêm chòi hát Quan họ cho phù hợp với kiến trúc cảnh quan, công năng sử dụng của khu vực đồi Lim. Hỗ trợ Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo Hậu cung, đình Viêm Xá, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh - Thủy tổ Quan họ; đầu tư mua sắm thiết bị âm thanh cung cấp cho 45 CLB Quan họ thuộc các làng Quan họ gốc; thành lập Nhà hát DCQHBN trên cơ sở nâng cấp Đoàn DCQHBN, để biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhu cầu thưởng thức của nhân dân và khách quốc tế...

Thực hiện chương trình cam kết với UNESCO về bảo vệ Di sản VHPVT của nhân lọai, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chính sách tích cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản VHPVT. Đặc biệt việc thực hiện 6 tiểu Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa DCQHBN” giai đoạn 1 (2010- 20120), Bắc Ninh đã đầu tư gần 37 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 13,5 tỷ đồng cho công tác bảo tồn DCQHBN. Chính vì vậy, Di sản DCQHBN không chỉ lan tỏa trong 44 làng quan họ gốc, mà đến năm 2019 đã mở rộng ra nhiều làng quan họ thực hành.  

Công tác truyền dạy Dân ca Quan họ Bắc Ninh được chú trọng. Cùng với việc tổ chức các lớp truyền dạy, các nghệ nhân thường xuyên thực hiện truyền dạy cho các con, cháu và những người yêu thích Quan họ tại gia đình. Phong trào truyền dạy và học hát DCQHBNngày càng được phát triển và đạt hiệu quả. Hội những người yêu DCQHBN trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh được thành lập với sự tham gia của đông đảo hội viên, quy tụ hàng nghìn người yêu thích DCQHBN đang sinh sống, học tập, công tác trong tỉnh, trong nước và quốc tế.Việc đưa DCQHBN vào truyền dạy trong trường phổ thông được tỉnh quan tâm, chú trọng. Từ năm 2011, tỉnh Bắc Ninh đã đưa DCQHBN vào giảng dạy tại các trường học cho các em học sinh từ cấp mầm non cho đến phổ thông.

Tăng cường công tác sưu tầm, chỉnh lý, bảo tồn DCQHBN. Từ năm 2009, Tỉnh chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các hình thức hát Quan họ truyền thống, một số phong tục đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa Quan họ; sưu tầm, ghi âm, ghi hình các bài bản Quan họ cổ; ký âm các lời ca Quan họ đã sưu tầm được.

Theo thống kê, đến năm 2019, sau 10 năm DCDQHBN được UNESCO công nhận là Di sản VHPVT thì trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 44 làng Quan họ gốc, 369 CLB Quan họ thực hành với nhiều người tham gia sinh hoạt ở các độ tuổi khác nhau. Ở tất cả các CLB các thành viên của CLB hoạt động theo kế hoạch và phân công nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và văn hóa của địa phương, họ tham gia rất nhiệt tình và trách nhiệm.

Dân ca quan họ Bắc Ninh được phát triển, lan tỏa đến nhiều địa phương, tỉnh thành trong cả nước, riêng tỉnh Bắc Giang, ngoài 5 làng Quan họ gốc thì đến nay đã có 84 CLB Quan họ thực hành; trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 17 CLB Quan họ tiêu biểu hoạt động thường xuyên với đông đảo người yêu thích Dân ca Quan họ tham gia.

Tổng hợp số câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thành lập trên cả nước

Stt

Tỉnh/thành phố

Số Câu lạc bộ

1

Thành phố Hà Nội

04

2

Thành phố Hồ Chí Minh

17

3

Bắc Giang

84

4

Bình Dương

02

5

Bình Định

01

6

Bình Phước

01

7

Đắk Lắk

06

8

Gia Lai

01

9

Khánh Hòa

01

10

Kom Tum

01

11

Lai Châu

06

12

Lâm Đồng

03

13

Vĩnh Phúc

12

14

Vũng Tàu

01

Tổng số

140

Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáoCông tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh sau 10 năm được UNESCO công nhận

là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Bên cạnh đó, hầu hết các lễ hội ở tỉnh Bắc Ninh, ngoài phần lễ được tổ chức với các nghi lễ riêng của từng di tích, còn phần hội đều có các hoạt động mang đậm sinh hoạt văn hóa Quan họ như: Thi têm trầu cánh phượng, hát Quan họ hội. Hát Quan họ đã trở thành nét đặc trưng bao trùm lên lễ hội vùng Kinh Bắc, thành nét văn hóa thường nhật trong đời sống sinh hoạt của người dân Bắc Ninh. Quan họ được hát mừng khi nhà có việc vui như: Cưới hỏi, tân gia, mừng thọ hay khi các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp khai trương, Hội nghị và hát Quan họ phục vụ khách du lịch khi về với quê hương Bắc Ninh...

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về việc tôn vinh các nghệ nhân, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 40/2015/QĐ-UBND về việc Xét tặng danh hiệu danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh thay thế Quyết định số 93/2009/QĐ-UBND về “Quy chế xét tặng danh hiệu Nghệ nhân DCQHBN”. Theo đó, năm 2017 toàn tỉnh có 47 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh, trong đó có 30 người thuộc loại hình Dân ca Quan họ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Số nghệ nhân Dân ca Quan họ được phong tặng (qua 2 đợt: đợt 1 năm 2010 và đợt 2 năm 2017) đến năm 2019 là 71 nghệ nhân.Tuy nhiên, trong số đó có 22 nghệ nhân đã mất, các nghệ nhân còn lại nhiều cụ tuổi cao, sức khỏe yếu.

Chính sách đãi ngộ nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh được quan tâm. Hỗ trợ kinh phí đối với các làng Quan họ, câu lạc bộ Quan họ; đầu tư tu bổ, xây dựng một số thiết chế văn hóa và đầu tư trang thiết bị liên quan phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Từ năm 2015 đến năm 2019, tỉnh Bắc Ninh đã dành nhiều kinh phí đầu tư hỗ trợ kinh phí cho các làng Quan họ, CLB Quan họ. Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 466-KL/TU về quy định hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành trong tỉnh; mức tặng quà cho các làng Quan họ gốc ngoài tỉnh, các câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong và ngoài tỉnh

Công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa dân ca Quan họ Bắc Ninh gắn với việc phát triển kinh tế và du lịch được Tỉnh quan tâm thực hiện. Với lợi thế và tiềm năng là một tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, với trên 500 lễ hội được tổ chức hàng năm, hàng nghìn di tích có giá trị văn hóa tâm linh như: chùa Dâu, chùa Bút Tháp, Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, đền Bà Chúa Kho, chùa Phật Tích, Đền Đô.. là điều kiện để Bắc Ninh phát triển du lịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình lãnh đạo bảo tồn, phát huy các giá trị di sản VHDCQHBN, Đảng bộ Tỉnh vẫn còn một số hạn chế như chưa tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng từ cán bộ, đảng viên đến nhân dân về vinh dự, tự hào, cũng như trách nhiệm của mỗi một tổ chức, cá nhân và mỗi người dân dối với di sản văn hóa DCQHBN. Việc đầu tư, phân bổ kinh phí thực hiện các dự án thuộc Đề án “Bảo tồn và phát giá trị di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù 2013-2020” và Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống giai đoạn 2013-2020"còn chậm, do vậy các nhiệm vụ của đề án hầu như chưa được thực hiện.

2. Một số giải pháp tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca quan họ Bắc Ninh

Để bảo bảo tồn, phát huy tốt giá trị di sản văn hóa DCQHBN,tỉnh Bắc Ninh xác định sẽ thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa DCQHBNtrên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường các chương trình, bài viết chuyên luận về bảo tồn và phát huy giá trị di sản DCQHBNtrên sóng truyền hình VTV, các báo, đài, tạp chí Trung ương; trên các phương tiện truyền thông của tỉnh: BTV, Báo Bắc Ninh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Mở chuyên mục giới thiệu, quảng bá DCQHBNtrên cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chương trình chuyên sâu về DCQHBNtrên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV)…, đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại về di sản DCQHBN; tiếp tục phát hành đĩa CD, VCD về DCQHBN; Sản xuất phim 3D DCQHBN-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại bằng tiếng Việt và tiếng Anh; xuất bản sách DCQHBN- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Phát hành, tái bản một số cuốn sách, tập gấp giới thiệu về DCQHBN;tổchức các hoạt động giao lưu DCQHBNvới các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh. Tổ chức đưa một số đoàn đi trình diễn DCQHBNở một số nước, nhất là những nơi có đông Việt Kiều.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá di sản DCQHBNdưới các hình thức Pano tấm lớn; các hình thức biểu diễn nghệ thuật… đưa các đoàn nghệ thuật của Nhà hát DCQHBN, các nghệ nhân tại địa phương tham gia các hội diễn, liên hoan ca múa nhạc toàn quốc; tham gia quảng bá tại các Festival trong nước và quốc tế.

Phát huy giá trị di sản văn hóa DCQHBNtrong việc phát triển bền vững ngành du lịch để góp phần vào việc phát triển kinh tế- xã hội... Thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch đưa di sản văn hóa phi vật thể DCQHBNtrở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của di sản văn hóa thế giới.

Thứ hai, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đãi ngộ, tôn vinh với nghệ nhân, nhất là những nghệ nhân được phong tặng “Báu vật nhân văn sống” ở các làng Quan họ; hoàn thiện danh sách nghệ nhân, tiếp tục xét tặng danh hiệu, vinh danh nghệ nhân DCQHBNtheo Quyết định số 40/2015/QĐ-UBND ngày 17-12-2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh; thực hiện phong tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật Thi đua khen thưởng; tạo mọi điều kiện để nghệ nhân truyền dạy Quan họ Bắc Ninh cho thế hệ sau tại các gia đình và ở cộng đồng theo địa bàn làng xã...; thăm hỏi động viên, hỗ trợ kinh phí cho các câu lạc bộ DCQHBNtiêu biểu đang hoạt động trên cả nước.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác đào tạo, truyền dạy Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong trường học và cộng đồng dân cưNâng cao chất lượng đào tạo chính quy đối với học sinh năng khiếu nghệ thuật, đặc biệt là học sinh năng khiếu Quan họ tại trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnh; Tiếp tục thực hiện chương trình giảng dạy Dân ca Quan họ trong hệ thống các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non trên địa bàn tỉnh; coi trọng chất lượng hoạt động truyền dạy DCQHBNtrong các câu lạc bộ Quan họ, các lớp truyền dạy tại cộng đồng. Phát triển các Câu lạc bộ, mở rộng công tác truyền dạy DCQHBNtại các địa phương trong và ngoài tỉnh; phát huy vai trò của các nghệ nhân đã được phong tặng tham gia truyền dạy Dân ca Quan họ; phát huy vai trò của nhà trường trong việc giảng dạy tri thức về DCQHBN. Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc phục hồi tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến DCQHBN, khôi phục việc hát thi lấy giải của các làng Quan họ; nhận diện, kiểm kê DCQHBN định kỳ theo từng năm; nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản thông qua việc xuất bản và cung cấp cho cộng đồng những ấn phẩm về DCQHBN dưới mọi hình thức; thành lập hiệp hội nghệ nhân Quan họ Bắc Ninh, trên cơ sở các CLB Quan họ ở các làng hiện nay, xây dựng chương trình hoạt động cho hiệp hội để tổ chức phi chính phủ này đóng vai trò tích cực trong việc truyền dạy Quan họ cho thế hệ trẻ.

Thứ tư, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Hoàn thành đầu tư xây dựng các nhà chứa đã được phê duyệt còn lại; Bổ sung nội thất cho các nhà chứa Quan họ đã xây dựng xong và đang đầu tư; Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà hát DCQHBNtại Viêm Xá, Hòa Long, thành phố Bắc Ninh.

Thứ năm, phục dựng không gian văn hóa Quan họ cổ.Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các nhà chứa Quan họ; hỗ trợ cộng đồng (các làng Quan họ gốc) khôi phục lại tục kết chạ và tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa Quan họ tại các nhà chứa Quan họ; phục dựng các hình thức diễn xướng DCQHBNcổ; tổ chức chương trình Hát DCQH trên thuyền định kỳ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu toàn diện về DCQHBN-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tập trung bổ sung, hoàn thiện tư liệu và kết quả nghiên cứu, làm rõ những nội dung của giá trị Quan họ Bắc Ninh cổ, những phát hiện mới về Quan họ Bắc Ninh, kể cả ở những làng Quan họ thuộc vùng phụ cận; phân loại, hệ thống tư liệu để lưu trữ và phục vụ cho việc tiếp cận của cộng đồng đối với các tư liệu để bảo tồn và phát triển Quan họ Bắc Ninh trong xã hội đương đại.

Tiếp tục tập trung thực hiện Quyết định số 188/QĐ- UBND, ngày 16-4-2018 về việc bảo tồn và phát huy giá trị DCQHBN - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đến năm 2022...

____________________

1. Tỉnh ủy Bắc Ninh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, tr.119-120.

Tài liệu tham khảo

  1. Tỉnh ủy Bắc Ninh (2018), Kết luận số 205-KL/TU ngày 15/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh”, Bắc Ninh.
  2. Tỉnh ủy Bắc Ninh (2018), Kết luận số 222-KL/TU ngày 28/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đến năm 2022, Bắc Ninh.
  3. Tỉnh ủy Bắc Ninh (2018), Thông báosố 940-TB/TU ngày 28/3/2018 Thông báo Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương biên soạn, xuất bản sách quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Bắc Ninh.
  4. Tỉnh ủy Bắc Ninh (2018), Thông báosố 1065-TB/TU ngày 7/12/2018 của Thường trực Tỉnh ủy về tổ chức trao đổi kinh nghiệm công tác và giao lưu văn hóa 2 tỉnh Bắc Ninh- Bạc Liêu, Bắc Ninh.
  5. Tỉnh ủy Bắc Ninh (2018), Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, Bắc Ninh.
  6. Tỉnh ủy Bắc Ninh (2019), Kết luận số 466 ngày 30/1/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy định hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành trong tỉnh; mức tặng quà cho các làng Quan họ gốc ngoài tỉnh, các câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong và ngoài tỉnh, Bắc Ninh.
  7. Tỉnh ủy Bắc Ninh (2019), Kết luận số 609-KL/TU ngày 23/9/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương công nhận làng Quan họ thực hành trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đợt 1 năm 2019, Bắc Ninh.

Lê Thị An

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh