Vai trò của các cơ quan tố tụng trong việc xử lý hành vi bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay
(LLCT) - Theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, hành vi bạo lực gia đình là sự vi phạm nghiêm trọng các quyền con người và tự do cơ bản của phụ nữ. Ở Việt Nam, khung pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình cũng đã được xây dựng. Tuy nhiên, tính hiệu quả của việc thực thi các quy định pháp luật này vẫn còn là một thách thức, kể cả từ phía hệ thống tư pháp hình sự, dẫn đến tình trạng các khiếu nại, khiếu kiện về bạo lực gia đình gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ. Bài viết làm rõ hơn vai trò của các cơ quan tố tụng đối với việc thực hiện trách nhiệm xử lý các hành vi bạo lực gia đình và nêu lên một số kiến nghị nhằm hoàn thiện bộ máy các cơ quan bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình ở Việt Nam.
1. Sự cần thiết phải nâng cao vai trò của các cơ quan tố tụng trong xử lý các hành vi bạo lực gia đình
Các cơ quan tham gia tố tụng có nghĩa vụ quan trọng trong việc giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình nhằm bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình khi họ cần sự giúp đỡ của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Yêu cầu về nghĩa vụ này xuất phát từ những lý do sau:
Thứ nhất, trong vài thập kỷ gần đây, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong nhận thức về bình đẳng giới, đặc biệt là vấn đề bạo lực gia đình. Đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình không còn bị coi là một vấn đề riêng tư mà là một vấn đề của toàn xã hội. Hơn thế nữa, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có những quy định rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, bao gồm cả các cơ quan thực thi pháp luật. Tiếp theo việc phê chuẩn Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biện đối xử với phụ nữ (CEDAW) vào năm 1982, khung khổ pháp lý về bảo vệ phụ nữ nói chung, bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình nói riêng đã dần dần được hình thành và không ngừng được hoàn thiện. Hiến pháp Việt Nam năm 2013, Luật Bình đẳng giới 2006, Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 và nhiều quy định trong nhiều bộ luật quan trọng khác đều đưa ra các quy định về trách nhiệm của các bên liên quan bao gồm cả cơ quan trong hệ thống nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Sự phát triển về mặt nhận thức và sự thay đổi của hệ thống pháp luật đã tạo ra sự chuyển biến đáng kể trong cách thức giải quyết vấn đề bạo lực gia đình trong đó có việc mở rộng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình từ tuyên truyền phổ biến thông tin, phòng ngừa bạo lực sang xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi bạo lực, đặc biệt là các hành vi có dấu hiệu tội phạm. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi sự tham gia tích cực, chủ động của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thứ hai, mặc dù trong vài thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định trên lĩnh vực thúc đẩy bình đẳng giới, tuy nhiên, định kiến giới và các khuôn mẫu văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục là rào cản hạn chế hiệu quả hoạt động của các cơ quan tố tụng khi giải quyết và xử lý hành vi bạo lực gia đình. Xuất phát từ quan niệm coi bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư, chỉ nên giải quyết trong khuôn khổ gia đình, nên các vụ việc bạo lực gia đình, kể cả khi gây hậu quả nghiêm trọng thường ít được đưa ra ra các cơ quan tố tụng để giải quyết. Ngay cả khi vụ việc được đưa ra các cơ quan tố tụng, do hạn chế về mặt nhận thức đối với vấn đề bình đẳng giới, trong nhiều trường hợp, cán bộ thực thi pháp luật còn có thái độ phân biệt đối xử hoặc thiếu trách nhiệm trong việc hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình, dẫn tới tình trạng tỷ lệ bỏ cuộc giữa chừng của các vụ án về bạo lực gia đình cao. Theo Báo cáo nghiên cứu Tiếp cận công lý trong hệ thống pháp lý đa kênh: Nghiên cứu điển hình về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam, tình trạng phân biệt đối xử khi tiếp nhận, xử lý các tin báo, khiếu nại về bạo lực gia đình còn khá phổ biến, “vì quan niệm mang khuôn mẫu giới khá phổ biến trong các cán bộ thực thi pháp luật và chính quyền địa phương. Điều này cũng giải thích vì sao phụ nữ - nạn nhân của bạo lực gia đình lại hoài nghi về thái độ, trách nhiệm và sự trợ giúp của cán bộ địa phương”(1).
Thứ ba, bạo lực gia đình là một thực trạng phổ biến ở Việt Nam. Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc thực hiện năm 2010 cho thấy, cứ ba phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có một người (34%) cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục(2). Nếu xem xét đến tất cả ba hình thức bạo hành gia đình chính là bạo lực thể xác, tình dục và tinh thần, thì 58% phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình kể trên.
Sự phụ thuộc quá nhiều vào biện pháp hòa giải đã dẫn tới tình trạng các đơn tố giác, khiếu nại bị bỏ qua các giai đoạn của quá trình tố tụng. Nạn nhân của bạo lực gia đình vẫn mới chỉ chủ yếu tìm kiếm sự giúp đỡ của các cơ quan, các đoàn thể thông qua cơ chế ngoài tư pháp như hòa giải, kể cả trong trường hợp có vi phạm hành chính và hình sự hơn là tìm kiếm đến các cơ quan tư pháp. Chính vì vậy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các vụ việc xâm hại có liên quan đến bạo lực gia đình không tiếp cận được hệ thống tư pháp chính là sự thiếu thân thiện của hệ thống này đối với việc giải quyết đơn thư, khiếu nại về bạo lực gia đình. Tình trạng nhận thức chưa đúng về mức độ nghiêm trọng của hành vi bạo lực gia đình trong đội ngũ cán bộ thuộc các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử dẫn tới việc cho rằng bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư cần giải quyết trong phạm vi gia đình hay các cơ chế hòa giải tổ dân phố vẫn còn khá phổ biến. Chính vì vậy, trong Kết luận khuyến nghị gần đây nhất về việc thực hiện công ước CEDAW của Việt Nam, Ủy ban CEDAW đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam cần tiến hành việc đào tạo bắt buộc cho đội ngũ công an, luật sự, kiểm sát viên, công an, thẩm phán về việc áp dụng các quy định pháp luật hình sự đối với các vụ việc bạo lực gia đình trẻ em gái và phụ nữ(3).
2. Vai trò bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình của các cơ quan tố tụng
Trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình thuộc về mọi cá nhân, gia đình và toàn bộ hệ thống chính trị mà nòng cốt là hệ thống các cơ quan tư pháp. Phòng, chống bạo lực gia đình cần được đặt trong bối cảnh pháp lý đa kênh bao gồm cả hệ thống tư pháp của nhà nước, một phần có chức năng tư pháp (quasi-judicial) và hệ thống ngoài tư pháp(4).
Các cơ quan tiến hành tố tụng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình. Theo Điều 34 của Luật Tố tụng hình sự năm 2015, các cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án. Đây là ba cơ quan chịu trách nhiệm thực thi pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, Điều 41 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định rõ: “Cơ quan Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện nhiệm vụ thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình”. Vai trò phòng, chống bạo lực gia đình của hệ thống các cơ quan tố tụng được quy định trách nhiệm rất cụ thể cho từng cơ quan và cá nhân.
Như vậy, để giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình cần có sự tham gia của nhiều cơ quan và thủ tục trong hệ thống trong và ngoài tư pháp. Tùy theo hoàn cảnh và mức độ cụ thể của vụ việc bạo lực gia đình mà việc giải quyết có thể được thực hiện dưới hình thức hòa giải hay xử phạt vi phạm hành chính. Khi các vụ việc nghiêm trọng thì nạn nhân có thể tìm đến sự giúp đỡ của các cơ quan tố tụng và áp dụng các biện pháp tố tựng hình sự. Phần dưới đây xem xét vai trò cụ thể của các cơ quan quan trọng trong quá trình tố tụng là cơ quan công an, Viện Kiểm sát và Tòa án đối với việc giải quyết các vụ việc về bạo lực gia đình.
a) Trách nhiệm của cơ quan công an
Cơ quan công an đóng vai trò thiết yếu trong việc phòng ngừa và bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Đây là cơ quan tuyến đầu của hệ thống tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận các vụ việc về bạo lực gia đình. Sự tham gia của công an vào việc giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình được thực hiện ở cả hai cấp độ: Công an cơ sở và công an điều tra, giải quyết các vụ án khi có dấu hiệu liên quan đến tội phạm hình sự.
Cơ quan công an ở cấp cơ sở có trách nhiệm phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; đảm bảo an ninh trật tự và thực thi pháp luật. Họ thường được đề nghị can thiệp khi hành vi bạo lực xảy ra hoặc ngay sau đó. Đây cũng là cơ quan có trách nhiệm điều tra ban đầu mọi hành vi bạo lực và tiến hành điều tra theo hướng tôn trọng quyền và nhu cầu của tất cả các bên liên quan.
Cơ quan công an điều tra sẽ bắt đầu tham gia khi hành vi vi phạm được coi là cấu thành tội phạm. Cán bộ điều tra có trách nhiệm làm rõ hành vi vi phạm thông qua nghiên cứu sự việc hoặc hoàn cảnh của vụ việc và xác định biện pháp hành pháp phù hợp với sự việc hoặc hoàn cảnh. Sau khi có quyết định khởi tố vụ án, cơ quan điều tra tiến hành điều tra để thu thập chứng cứ xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tính chất mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra thông qua một số biện pháp điều tra. Các chứng cứ bao gồm vật chứng, lời khai (của người bị hại, người làm chứng,…), các loại biên bản về hoạt động điều tra, kết luận giám định. Cán bộ điều tra làm rõ hành vi vi phạm thông qua nghiên cứu sự việc hoặc hoàn cảnh của vụ việc và xác định biện pháp hành pháp phù hợp với sự việc hoặc hoàn cảnh. Đối với các vụ việc bạo lực gia đình, quá trình tiến hành điều tra thường gặp khá nhiều rào cản.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cơ quan công an có nghĩa vụ phải tiếp nhận và giải quyết các tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trong thực tế, do những ảnh hưởng về mặt khuôn mẫu văn hóa, xã hội mà việc giải quyết các vụ việc về bạo lực gia đình chưa thực sự hiệu quả. Nhiều cán bộ thực thi pháp luật vẫn coi bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư, dẫn tới việc nạn nhân ngại không muốn tố giác tội phạm bạo lực gia đình.
Theo “Nghiên cứu về chất lượng dịch vụ tư pháp hình sự hiện nay dành cho nạn nhân bạo lực gia đình ở Việt Nam” do UNODC tiến hành năm 2011 thì tỷ lệ vụ việc bạo lực gia đình được báo lên cơ quan công an là rất thấp, trong các vụ việc bạo lực được đề cập trong nghiên cứu, chỉ có 43% là nhận được sự chú ý của cơ quan điều tra(5). Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do nạn nhân muốn tự giải quyết vấn đề riêng của họ trong phạm vi gia đình. Họ không muốn bất kỳ ai biết đến câu chuyện của mình hoặc cho rằng vấn đề không đủ nghiêm trọng để tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Đặc biệt, đối với một số vấn đề nhạy cảm như bạo lực tình dục thì việc tố cáo tội phạm càng trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, nghiên cứu cũng cho rằng, trong trường hợp vụ việc được báo cho cơ quan thực thi pháp luật thì có tới 34% các vụ việc, công an đã khuyên nạn nhân nên tự giải quyết trong gia đình hoặc liên hệ với cơ quan khác (như Hội Phụ nữ hoặc tổ hòa giải). Điều này xuất phát từ việc thiếu nhận thức và hiểu biết đầy đủ trách nhiệm của cán bộ thực thi pháp luật đối với việc giải quyết bạo lực gia đình của cán bộ công an. Chính vì vậy, công an, bao gồm cả công an cơ sở và cơ quan điều tra khi hành vi bạo lực gia đình cấu thành tội phạm hình sự cần có các nghĩa vụ cụ thể:
- Tiến hành điều tra hiệu quả khi có bằng chứng cáo buộc về bạo lực với phụ nữ.
- Việc điều tra phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng quyền và nhu cầu của nạn nhân, không tạo thêm gánh nặng cho nạn nhân.
- Cần có hành động hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân
- Cần có biện pháp cụ thể để ngăn ngừa tội phạm, đảm bảo trật tự công cộng và thực thi pháp luật(6).
Cụ thể hơn, trong trường hợp các vụ việc bạo lực gia đình, cán bộ thực thi pháp luật, đặc biệt là công an điều tra cần lưu ý để không bỏ lọt tội phạm và đảm bảo sự bảo vệ cần thiết cho nạn nhân.
b) Trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân
Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan chịu trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp với nhiệm vụ chính là đảm bảo việc xét xử các vụ hình sự đúng và minh bạch cũng như theo dõi và thực thi luật pháp của các cơ quan như tòa án, thanh tra hình sự, cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cơ quan kiểm sát đóng vai trò là cầu nối giữa cơ quan công an và tòa án. Khi vụ việc bạo lực gia đình được chuyển đến cơ quan điều tra và được kết luận là có dấu hiệu tội phạm thì sẽ được chuyển sang Viện Kiểm sát để đề nghị truy tố. Truy tố là giai đoạn tiếp theo để giải quyết của các vụ án về bạo lực gia đình. Viện Kiểm sát có thẩm quyền trong việc: i) truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng; ii) trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung trong trường hợp phát hiện thấy còn thiếu những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà Viện Kiểm sát không thể bổ sung hoặc khi có căn cứ để khởi tố bị can về một tội phạm khác hoặc có người đồng phạm khác hoặc khi có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng; iii) đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án khi có đủ căn cứ như trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra(7).
Đây là giai đoạn thực hiện các hỗ trợ về mặt thủ tục pháp lý cho nạn nhân và cũng là giai đoạn nạn nhân thường bỏ cuộc, rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Do tính chất đặc thù là thủ phạm và nạn nhân có mối quan hệ thân thiết, trong nhiều trường hợp là quan hệ vợ chồng nên nạn nhân của bạo lực gia đình sau khi trình báo với công an thì thường có xu hướng đã từ chối việc truy tố thủ phạm vì lo sợ chồng/bạn đời của mình phải chịu trách nhiệm hình sự và bị giam giữ . Đây chính là một trở ngại lớn cho việc thu thập thông tin và thực hiện các thủ tục pháp lý. Ngoài ra, một số nạn nhân của bạo lực gia đình có thể không muốn tiếp tục quá trình tố tụng vì ngại tiếp xúc với người tiến hành tố tụng, sợ mất thời gian, tiền bạc và mất niềm tin về sự công minh của người tiến hành tố tụng; Chính vì vậy, Viện Kiểm sát là một mắt xích quan trọng trong việc hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình tiếp cận công lý.
b) Trách nhiệm của Tòa án nhân dân
Tòa án là cơ quan cuối cùng của quá trình tố tụng có vai trò xét xử tội phạm và đưa ra phán quyết phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. Khi có đủ căn cứ để xét xử, kiểm sát viên sẽ chuyển hồ sơ sang tòa án để xét xử. Hồ sơ bao gồm tất cả các tài liệu về quá trình giải quyết vụ án, các biên bản lấy lời khai, vật chứng, chứng cứ, kết luận điều tra và bản cáo trạng. Điểm đáng lưu ý là tính chất của bạo lực gia đình thường khác với các dạng bạo lực khác. Nạn nhân của bạo lực gia đình thường không hợp tác hoặc có xu hướng giảm nhẹ bạo lực trong lời khai do người phạm tội là người thân trong gia đình.
Tòa án đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, bảo đảm trình tự tố tụng với bị cáo và tuyên phạt phù hợp với tội danh. Khi xét xử hình sự, thẩm phán cần đảm bảo việc tôn trọng nạn nhân và trừng phạt thỏa đáng đối với kẻ phạm tội. Phán quyết của Tòa án đối với các vụ việc bạo lực gia đình không chỉ có ý nghĩa để trừng phạt kẻ phạm tội mà còn chuyển tải thông điệp tới cộng đồng rằng bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật và không thể dung thứ. Cán bộ tòa án, đặc biệt là thẩm phán đóng vai trò quan trọng vì thẩm phán là người đưa ra quyết định tác động tới cuộc sống của nạn nhân, thủ phạm và trong nhiều trường hợp cả các thành viên khác trong gia đình, bao gồm trẻ em. Họ có thể góp phần cải thiện quyền tiếp cận của người dân với tòa án, giúp liên lạc thông suốt giữa các bộ phận khác nhau của tòa án, nâng cao hiệu quả trong thủ tục của tòa và tạo ra môi trường an toàn cho nạn nhân và nhân chứng. Cụ thể, thẩm phán và cán bộ tòa án có thể góp phần đảm bảo để quá trình điều tra và thu thập chứng cứ có tính đến nhu cầu và quan điểm riêng của các nạn nhân bạo lực gia đình và đảm bảo tuân thủ chuẩn mực trong thu thập chứng cứ để có thể thu được những chứng cứ có giá trị.
Khi xem xét các lời khai của nạn nhân, thẩm phán cần lưu ý rằng có thể có một thời gian trì hoãn từ khi bạo lực xảy ra đến khi nạn nhân quyết định trình báo. Sự chậm trễ này không phải là hiếm trong các vụ bạo lực gia đình. Nạn nhân có thể sợ bị kỳ thị, bị bẽ mặt hoặc sợ mọi người không tin, sợ bị trả thù, có thể lo lắng do phụ thuộc về tài chính vào chồng, không tin tưởng hoặc không hiểu biết về hệ thống tư pháp hình sự. Đáng tiếc là ở nhiều nước, các chuyên gia tư pháp lại cho rằng sự chậm trễ này có nghĩa là nạn nhân không đáng tin cậy. Tòa án không nên có bất kỳ kết luận tiêu cực nào về việc nạn nhân chậm trình báo. Cụ thể là thẩm phán khi đánh giá mức độ đáng tin cậy của nạn nhân thì không nên dựa vào việc trình báo muộn để có kết luận bất lợi cho nạn nhân.
Một trong những khó khăn trong hoạt động xét xử các vụ án bạo lực gia đình là tính chất phức tạp và nhạy cảm của các vụ án bạo lực gia đình. Thẩm phán cần có quyết định kịp thời để tránh rủi ro cho nạn nhân. Hơn nữa, việc chậm trễ xét xử có thể làm nạn nhân thay đổi nguyện vọng , rút đơn kiện. Mặc dù hiện nay chưa có con số thông kê cụ thể về số vụ việc bỏ cuộc trong giai đoạn xét xử nhưng tỷ lệ các vụ việc được đưa ra xét xử tại tòa án không cao.
3. Giải pháp nâng cao vai trò của các cơ quan tư pháp trong xử lý bạo lực gia đình ở nước ta hiện nay
Để giải quyết những thách thức, rào cản hiện nay, gia đình, quá trình tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử và nâng cao vai trò của các cơ quan tố tụng trong việc xử lý bạo lực gia đình cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, liên quan đến hạn chế lớn nhất hiện nay là sự tồn tại các quan niệm định kiến giới, cán bộ của các các cơ quan tiến hành tố tụng cần được tập huấn nâng cao năng lực thông qua các chương trình đào tạo chuyên môn, các buổi tập huấn chuyên sâu để họ cân nhắc vấn đề nhạy cảm về giới và các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thống nhất nhận thức chung của xã hội, của các cơ quan tố tụng về xử lý bạo lực gia đình phải được coi là giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Thứ hai, mặc dù khung pháp luật về bạo lực gia đình ở Việt nam đã có quy định tương đối đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhận thức và hiểu biết về pháp luật phòng chống bạo lực gia đình trong đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật vẫn còn hạn chế. Vì vậy, đội ngũ cán bộ này cần đươc cung cấp thông tin, tài liệu về pháp luật để đảm bảo các quy định này được thực thi trong thực tiễn.
Thứ ba, xuất phát từ thực trạng là việc giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình thường bị phụ thuộc nhiều vào biện pháp hòa giải, kể cả khi vụ việc đã được trình báo ở cơ quan công an, các cơ quan tố tụng cần tăng cường tính trách nhiệm của mình để đảm bảo các tố cáo tội phạm không bị bỏ rơi, đều được đi qua các giai đoạn của quá trình tố tụng.
Thứ tư, cần có sự cải cách để giảm thiểu các thủ tục rườm rà, gây trở ngại cho quá trình tiếp cận của nạn nhân với các cơ quan tư pháp. Do tính chất nhạy cảm của bạo lực tình dục, việc nạn nhân thường phải tường trình vụ việc nhiều lần: công an cấp xã tiến hành lấy lời khai ban đầu, sau đó cán bộ điều tra thẩm tra lại lời khai, trong một số trường hợp khi có mâu thuẫn với lời khai của nghi can, nạn nhân lại tiếp tục bị triệu tập để lấy lời khai lại, đối chất với nghi phạm... điều này tạo ra sự mệt mỏi và chán nản, dẫn đến bỏ cuộc của nạn nhân.
Thứ năm, việc đối xử với nạn nhân bạo lực gia đình trong quá trình tố tụng chưa được chú trọng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tính riêng tư, tác động tâm lý của nạn nhân. Để giải quyết tình trạng này cần lựa chọn cán bộ tiến hành tố tụng có kinh nghiệm, bản lĩnh trong giải quyết các vụ bạo lực gia đình. Một thực tế hiện nay là cán bộ điều tra lấy lời khai của nạn nhân chỉ chủ yếu là nam giới cũng có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý của nạn nhân và hiệu quả của công tác điều tra.
Thứ sáu, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ quyền phụ nữ và bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Hiện nay, một số hình thức bạo lực tình dục, chẳng hạn bạo lực tình dục trong hôn nhân chưa được ghi nhận trong pháp luật hình sự của Việt Nam.
______________________
(1) Lê Thị Thục, Lê Thúy Hằng, Nguyễn Thị Thanh Hải, Chu Thị Thúy Hằng: Tiếp cận công lý trong hệ thống pháp lý đa kênh: Nghiên cứu điển hình về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam, Nxb Lao động, 2015, tr.69.
(2) Tổng cục thống kê: Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu, 2010.
(3) Ủy ban CEDAW, Kết luận cuối cùng cho Việt Nam, 2015.
(4) Xem thêm về hệ thống pháp lý đa kênh tại: Lê Thị Thục, Lê Thúy Hằng, Nguyễn Thị Thanh Hải, Chu Thị Thúy Hằng, Tiếp cận công lý trong hệ thống pháp lý đa kênh: Nghiên cứu điển hình về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam, Nxb Lao động, 2015.
(5) UNODC, Nghiên cứu về chất lượng dịch vụ tư pháp hình sự hiện nay dành cho nạn nhân bạo lực gia đình ở Việt Nam, 2011.
(6) UNODC, Handbook on effective police responses to violence against women, United Nations New York, 2010 , https://www.unodc.org.
(7) Bộ luật Tố Tụng hình sự 2015.
TS Nguyễn Thị Thanh Hải
Viện Quyền con người,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh