Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư
(LLCT) - Thái Nguyên là một trong những tỉnh đạt nhiều thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và phát triển các khu công nghiệp. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công đó chính là việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) của Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên, tạo lập môi trường đầu tư và quản lý sau cấp phép đầu tư.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên (BQL) trực thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN trên địa bàn tỉnh; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất - kinh doanh cho nhà đầu tư trong KCN trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết 30C/NQ-CP, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 936/QĐ-UBND ngày 13-4-2011 về kế hoạch thực hiện CCTTHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước. Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc triển khai kế hoạch theo hai nội dung chính:
-Cải cách thủ tục hành chính liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư, BQL đã tham mưu UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo tập trung triển khai một số giải pháp chủ yếu như cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, tiết giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục để bảo đảm thời gian cho tất cả các lĩnh vực chỉ bằng 1/10 thời gian so với quy định.
BQL đã xây dựng Kế hoạch số 70/KH-BQL ngày 23-1-2017 về Cải cách hành chính năm 2017 và Kế hoạch số 318/KH-BQL ngày 11-4-2017 về công tác tuyên truyền cải cách hành chính năm 2017, nhằm phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của BQL để mỗi cá nhân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện công tác CCTTHC, thực thi công vụ; trách nhiệm của mỗi CBCCVC và người lao động tham gia vào quá trình CCTTHC.
Theo kết quả thẩm định của Sở Nội vụ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 874/QĐ-UBND ngày 12-4-2017 phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại tại BQL. Theo đó, BQL đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện việc khảo sát, xây dựng hệ thống một cửa và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, nhằm bảo đảm việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, hiệu quả, thuận tiện cho cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ban đã phối hợp với Bưu điện tỉnh xác nhận danh mục các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban sử dụng dịch vụ bưu chính công ích và áp dụng trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bên cạnh đó, Ban đã hoàn thiện bộ hồ sơ ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) các mẫu trình UBND tỉnh, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương thẩm định, đề nghị Bộ Công thương ủy quyền cho Ban cấp C/O các mẫu cho hàng hóa sản xuất trong các KCN tỉnh Thái Nguyên; hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh ủy quyền thẩm định hồ sơ, thủ tục môi trường đối với các dự án trong KCN.
Ban đã xây dựng chương trình tự kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; công khai minh bạch các hoạt động công vụ, quy hoạch, kế hoạch, các dự án đầu tư, công khai Thủ tục hành chính (TTHC) trên Trang Thông tin điện tử của Ban một cách nhanh chóng, kịp thời. Tổ công tác cải cách hành chính của đơn vị định kỳ vào tháng cuối quý kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định của thủ tục hành chính, kế hoạch cải cách hành chính của cơ quan; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cải cách hành chính, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ban về ý nghĩa, mục tiêu, sự cần thiết, tầm quan trọng của cải cách hành chính.
- Cải cách thủ tục hành chính trong quản lý sau cấp phép đầu tư
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp trong KCN sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Ban luôn chủ động hướng dẫn và đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật như: chế độ chính sách pháp luật đối với người lao động, các quy định về bảo vệ môi trường, báo cáo giám sát và đánh giá hoạt động đầu tư, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu... Thường xuyên nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong thực hiện TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, để tập trung tháo gỡ.
- Công tác quản lý doanh nghiệp: Thường xuyên phối hợp với các đơn vị tư vấn giám sát kiểm tra về tình hình đầu tư xây dựng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và xây dựng nhà máy theo quy hoạch và giấy phép xây dựng đã được cấp.
- Công tác quản lý xây dựng: Ban luôn chủ động giám sát và yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, nhà máy thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt; thường xuyên làm việc với các nhà thầu xây dựng hạ tầng để kiểm tra tiến độ thi công; đôn đốc, nhắc nhở các nhà thầu, các nhà đầu tư bảo đảm công tác an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
- Công tác quản lý lao động: BQL thực hiện việc rà soát, cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài đang làm việc trong các KCN của tỉnh; hướng dẫn đăng ký nội quy lao động; tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn đăng ký thang, bảng lương, thỏa ước lao động tập thể cho các doanh nghiệp.
- Công tác hỗ trợ pháp lý: Ban đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hội nghị hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp và công nhân lao động tại nhiều doanh nghiệp trong KCN, giải đáp những vướng mắc về chế độ cho người lao động. Qua đó, giúp người lao động và người sử dụng lao động nắm vững những nội dung cơ bản của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động...
CCTTHC đã góp phần mang lại những kết quả quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển các KCN của tỉnh Thái Nguyên, là yếu tố góp phần vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 14%/năm của tỉnh. Tính đến hết tháng
9-2017, trong các KCN tỉnh Thái Nguyên có 177 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 88 dự án FDI và 89 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 7,04 tỷ USD và 12.950 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện là 6,51 tỷ USD và 6.450 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong KCN đã giải quyết việc làm cho trên 90 nghìn lao động. Riêng 9 tháng đầu năm 2017, các KCN đã nộp ngân sách 4.000 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 3.000 lao động.
Đẩy mạnh CCTTHC tại BQL các KCN góp phần vào chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnhPCI của Thái Nguyên không ngừng được cải thiện và xếp hạng cao. Năm 2013, chỉ số PCI của tỉnh xếp thứ 25/63; năm 2014 là 8/63; năm 2015 và 2016 giữ vững vị trí 7/63tỉnh, thànhtrong cả nước.Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Thái Nguyên cũng đều duy trì ở mức khá. Chỉ số PAPI năm 2016 đạt 39,98 điểm, tăng 2,25 điểm so với năm 2015, xếp thứ 3/9 tỉnh vùng Đông Bắc và 19/63 tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, chỉ số PAR INDEX của tỉnh trong 3 năm trở lại đây giảm 32 bậc so với năm 2014 và 2015, xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố (với tổng điểm là 69,3 điểm).
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, CCTTHC tại BQL vẫn còn những hạn chế, bất cập. Nguyên nhân là: các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện còn chồng chéo, không thống nhất và khó triển khai; việc áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình quản lý và cải cách TTHC còn chậm; đội ngũ cán bộ và chuyên viên am hiểu sâu về TTHC còn thiếu và yếu...; năng lực, trình độ và kỹ năng của đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được những đòi hỏi của nền hành chính hiện đại, việc báo cáo kết quả rà soát TTHC để xây dựng phương án đơn giản hóa trình lên cơ quan có thẩm quyền còn chậm...
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo điều kiện, môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong thời gian tới BQL cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
- Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND đối với tổ chức, hoạt động của BQL; thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về đổi mới, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
- Nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại BQL; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại đã được UBND tỉnh phê duyệt và áp dụng trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Rà soát hệ thống văn bản và TTHC để sắp xếp, hệ thống hóa phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn của nền hành chính hiện đại, hiệu quả, mô hình một cửa thông thoáng, thuận lợi.
- Tăng cường quản lý theo hướng hỗ trợ, phục vụ, hướng dẫn,... như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của lãnh đạo tỉnh. Cụ thể, BQL cần thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển ổn định; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, xây dựng, môi trường, bảo đảm các chế độ chính sách cho người lao động...
- Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa và điện tử hóa quá trình quản lý nói chung, thực hiện các TTHC nói riêng. Cụ thể, BQL sẽ xây dựng đề án trình UBND tỉnh về cải cách thủ tục hành chính trong việc quản lý các khu công nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2021 và tầm nhìn 2030.
- Tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện TTHC tại các KCN, đề xuất, tham mưu kịp thời UBND tỉnh để ban hành, điều chỉnh và hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời quá trình cải cách TTHC tại BQL nói riêng và tỉnh nói chung.
- Tăng cường tổ chức, triển khai các khóa tập huấn, hội thảo và tọa đàm chuyên đề về cải cách thủ tục hành chính cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý của Ban, đồng thời tổ chức các tọa đàm chính sách về chủ đề CPI, PAPI và Par Index, giữa BQL với các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp của tỉnh. BQL cần tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ CBCC.
TS Lê Thị Hà
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh