Chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã và quá trình triển khai ở các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long hiện nay

18/09/2017 10:48

(LLCT) - Thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ, trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã ở các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long được đặc biệt quan tâm tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã và quá trình triển khai ở các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long hiện nay

1.Về cán bộ cấp xã và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã

Điều 4, Luật Cán bộ, công chức (2008) xác định: Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong thường trực hội đồng nhân dân, ủy ban nhân, Bí thư, Phó bí thư đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội(1).

Về chức vụ, chức danh của cán bộ cấp xã (CBCX), Nghị định 92/2009/NĐ-CP, ngày 22-10-2009 của Chính phủ quy định CBCX có các chức danh, chức vụ: Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam); Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Về số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau: Cấp xã loại 1 không quá 25 người; Cấp xã loại 2 không quá 23 người; Cấp xã loại 3 không quá 21 người(2).

Luật tổ chức chính quyền địa phương (2015) quy định: Ủy ban nhân dân xã loại I có không quá hai Phó Chủ tịch; xã loại II và loại III có một Phó Chủ tịch(3).

Như vậy, CBCX có 11 chức danh, tùyvào đặc điểm của từng loại xã, phường, thị trấn số lượng cán bộ cơ cấu vào chức danh phù hợp.

Về đào tạo cán bộ cấp xã, “Đào tạo là quá trình truyền thụ, tiếp nhận có hệ thống những tri thức, kỹ năng theo quy định của từng cấp học, bậc học”(4). Đào tạo cán bộ cấp xã là quá trình trang bị một cách có hệ thống kiến thức cơ bản theo một chương trình có mục tiêu nhất định, nhằm hình thành và phát triển các tri thức, kỹ năng, kỹ sảo, nghiệp vụ công tác. Qua đó, người CBCX có năng lực theo tiêu chuẩn nhất định và có khả năng đảm đương nhiệm vụ. Đào tạo CBCX thường thực hiện một lầnvà thườngđược tổ chức chặt chẽ, tập trung hoặc bán tập trung.

Về bồi dưỡng cán bộ cấp xã, “Bồi dưỡng là hoạt động trang bị, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc”, “Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch là trang bị kiến thức, kỹ năng hoạt động theo chương trình quy định cho ngạch công chức”; “Bồi dưỡng theo vị trí việc làm là trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp cần thiết để làm tốt công việc được giao”(5).

Như vậy, xét một cách tổng quát thì khái niệm “đào tạo cán bộ” bao hàm cả ý nghĩa “bồi dưỡng cán bộ”, vì vậy “đào tạo, bồi dưỡng cán bộ” thường được sử dụng trong thực tế. Tuy nhiên, bồi dưỡng cán bộ có những đặc điểm cơ bản khác với đào tạo: nội dung chủ yếu hướng vào những quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, cập nhật nhưng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; hình thức đa dạng, linh hoạt; thời gian thường  một vài ngày, hoặc một vài tuần đến một vài tháng,...

2. Chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã trong thời kỳ mới

Trong thời kỳ mới, Trung ương Đảng ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác cán bộ, trong đó có khâu đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) như: Kết luận số 37-KL/TW ngày 02-02-2009 về “Tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01-02-2013 của Bộ Chính trị “về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Hội nghị Trung ương 7 khóa XI đã ra Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”.Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. 

Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26-5-2014 “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý”. Ban Bí thư ra Kết luận số 117-KL/TW ngày 20-11-2015 “về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

Các văn kiện của Đảng thể hiện sự quan tâm công tác cán bộ trong đó nhấn mạnh công tác ĐTBD cán bộ các cấp. Triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ đã kịp thời cụthể hoáthành các cơ chế, chính sách. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05-3-2010 “về đào tạo, bồi dưỡng công chức”. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành: Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 về “phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12-8-2011 “phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡngcán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015”;Quyết định số 1033/QĐ-TTg ngày 30-6-2011 “về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011 - 2015”; Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13-6-2012 về “phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”; Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25-01-2016 “phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡngcán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2025”.

Các Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ đã ra thông tư hướng dẫn về sử dụng ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; về biên soạn, thẩm định chương trình, tài liệu và tổ chức ĐTBD, quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chính sách đối với giảng viên tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡngcán bộ. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành chương trình, quy chế đào tạo bồi dưỡng cán bộ.

3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí chiến lược của cả nước, giàu tiềm năng phát triển kinh tế và có tính đặc thù về dân tộc, tôn giáo.Toàn vùng có 13 tỉnh, thành phố; 124 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.624 đơn vị hành chính cấp xã.

Các tỉnh thành ở ĐBSCL đã quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, trong đó tập trung tăng cường công tác ĐTBD, kịp thờicụ thể hóa công tác ĐTBD cán bộ cơ sởphù hợp với yêu cầu, điều kiện của địa phương:

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu ra Chỉ thị số 19/CT-TU ngày 31-12-2012 “về tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị” và đã có các kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể: Kế hoạch số 21-KH/TU “về đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và bố trí, sắp xếp cán bộ trong quy hoạch cấp ủytỉnh và huyện, thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020” và Kế hoạch số 20-KH/TU “về đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sắp xếp nguồn cán bộ kế cận từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo”. Trong đó, đã đề ra các biện pháp về ĐTBD cán bộ trong quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và lựa chọn 150 cán bộ trẻ để đưa đi đào tạo, luân chuyển, từng bước bố trí, sắp xếp vào các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã.

UBND tỉnh Bạc Liêu đã ra Quyết định số 32/2006/QĐ-UBND ngày 06-12-2006 “về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡngcán bộ, công chức giai đoạn 2006 -2010”; Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 11-8-2008 “ban hành đề án đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2008 - 2010 và định hướng 2020”; Quyết định số 4107/QĐ-UBND ngày 28-12-2011 “về việc ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2011-2015”.

Thành ủy Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 10-KH/TU ngày 22-01-2007 “về quy hoạch và đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2006 - 2020”; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18-5-2012 “về đào tạo cán bộ cơ sở, quận, huyện và thành phố đạt chuẩn”; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 27-12-2016 “về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 28-12-2012 “về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015”; Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 22-01-2013 “về việc triển khai đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, giai đoạn 2013 - 2015”.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 27-6-2011 “Về nâng cao chất lượng công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Tỉnh ủy đã xây dựng các đề án, kế hoạch thực hiện đề án đào tạo và bổ nhiệm 100 phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn từ nguồn sinh viên mới tốt nghiệp đại học, ra Quy chế thu hút nhân tài, tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo; xây dựng cơ chế phát huy tính năng động, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ... Tiến hành ĐTBD hàng nghìn lượt cán bộ cơ sở theo các chương trình của tỉnh, Trung ương;

UBND tỉnh Tiền Giang ban hành và thực hiện Chỉ thị 07/2006/CT-UBND ngày 08-3-2006 “về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức xã”; Quyết định 22/2009/QĐ-UBND ngày 25-8-2009 “về chính sách đào tạo, bồi dưỡngvà thu hút cán bộ, công chức hành chính, viên chức sự nghiệp giai đoạn 2009 - 2015”; Quyết định 29/2010/QĐ-UBND ngày 31-12-2010 “về thực hiện số lượng, chức danh cán bộ chuyên trách, công chức xã; số lượng, chức danh và một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, ấp”; Quyết định 26/2011/QĐ-UBND ngày 19-9-2011 “về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã”. Quyết định 01/2012/QĐ-UBND ngày 02-02-2012 “về chính sách đào tạo, bồi dưỡngcán bộ, công chức và thu hút nguồn nhân lực”.

Các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang... đã quán triệt chủ trương của Trung ương, ban hành nhiều văn bản về công tác ĐTBD cán bộ theo từng giai đoạn, các UBND tỉnh đã cụ thể hóa thành các kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện theo giai đoạn hoặc kế hoạch cụ thể hàng năm.

Các văn bản chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền tỉnh, thành phố được xây dựng dựa trên những nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ CBCX, xác định rõ đối tượng, thời gian, nội dung, kinh phí cho ĐTBDđội ngũ CBCX từng giai đoạn. Trên cơ sở đó ban tổ chức, sở nội vụ, đơn vị chức năng, trường chính trị tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện thị, thành phố đã xây dựng và thực hiện theo kế hoạch cụ thể, đã gắn ĐTBD với quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ. Nhìn chung các tỉnhđã thực hiện kế hoạch ĐTBD theo ba nội dung chủ yếu là: ĐTBD CBCX theo chức danh; ĐTBD CBCX theo vùng (vùng đô thị gồm phường, thị trấn và vùng nông thôn - xã); ĐTBD nguồn CBCX.

Trường Chính trị ở các tỉnh, thành ĐBSCL được giao nhiệm vụ chính trong việc thực hiện kế hoạch ĐTBD đội ngũ CBCX. Hàng năm, các trường chủ động phối hợp với sở nội vụ, ban tổ chức tỉnh ủy, các huyện, thị, thành uỷ, các ngành để khảo sát nhu cầu ĐTBD và tiếp nhận ý kiến tư vấn về đối tượng, nội dung, thời gian, địa điểm, kinh phí để xây dựng kế hoạch ĐTBD cán bộ của tỉnh, thành phố. Nhờ vậy,đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị có thẩm quyền triển khai công tác ĐTBD từ đầu năm và đạt được kế hoạch đề ra.

Qua 10 năm (2006 - 2016), các tỉnh, thành đã tiến hành ĐTBD CBCX được 203.404 lượt cán bộ. Trong đó, đào tạo trình độ LLCT cho 11.045 lượt(cao cấp lý luận chính trị là 3.154, trung cấp lý luận chính trị - hành chính là 6.321, sơ cấp lý luận chính trị 1.570 lượt người.Đào tạo chuyên môn cho 13.434 lượt người, trong đó: sau đại học là 158,  đại học là 6.892, cao đẳng là 302, trung cấp là 6.082 lượt người. Bồi dưỡng cho 178.925 lượt người. Mặc dù chủ trương, chính sách về ĐTBD CBCX được các cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành ĐBSCL quan tâm triển khai có hiệu quả, song cũng vẫn có một số vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ĐTBD CBCX, trong thời gian tới các cấp ủy ở đồng bằng song Cửu Long cần quan tâm một số nội dung sau:

- Các cấp ủy, chính quyền ở các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL cần quan tâm hơn nữa việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, của Trung ương và ban hành, chỉ đạo kịp thời về ĐT, BD CBCX.

- Cần tổ chức rà soát và đánh giá tính hiệu quả của việc thực hiện các chủ trương, chính sách đã ban hành. Đồng thời quy chiếu với các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Trung ương để điều chỉnh cho phù hợp. Nhất là các quan điểm được thể hiện trong nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, quan điểm của Bộ Chính trị, kế hoạch của chính phủ về ĐT, BD cán bộ, công chức.

- Chủ trương, chính sách ban hành cần phải có sự nhất quán trong thực hiện việc ĐTBD CBCX. Tránh trường hợp trong khu vực lại có sự quá khác biệt về chính sách về ĐTBD cán bộ, nhất là chế độ hỗ trợ kinh phí ĐTBD. Hoặc ngay trong một đơn vị tỉnh, chính sách giữa huyện này, huyện kia, đơn vị này đơn vị kia mức rất khác nhau, không áp dụng quy chuẩn chung. Điều này dẫn đến sự so sánh trong cán bộ cơ sở.

- Trong việc ban hành chủ trương, chính sách ĐTBD cán bộ cấp xã phải vừa phù hợp với tình hình cụ thể vùng ĐBSCL, vừa tạo động lực, khuyến khích, để cán bộ cấp xã có thể tham gia tốt nhất vào hoạt động ĐTBD.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chú trọng việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện chủ trương, chính sách về ĐTBD CBCX.

________________                                                                   

(1) Luật Cán bộ, công chức 2008, tr.3.

(2) Nghị định 92/2009/NĐ-CP, tr.2.

(3) Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tr.3.

(4), (5) Nghị định số 18/2010/NĐ-CP, tr.2.

Ths Trần Thanh Sang

                                                                      Trường Chính trị Sóc Trăng