Nghiên cứu lý luận

Quan điểm của Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và sự vận dụng trong cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch hiện nay

31/10/2023 14:02

(LLCT) - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác tư tưởng và đặc biệt quan tâm bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin. Bài viết phân tích quan điểm của Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống những quan điểm sai trái, phi mácxít, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Bài viết thuộc đề tài cấp Bộ: "Bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong tình hình mới" do TS Đào Thị Minh Thảo làm Chủ nhiệm.

TS ĐẶNG THỊ PHƯƠNG DUYÊN
Trường Đại học Công đoàn

(LLCT) - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác tư tưởng và đặc biệt quan tâm bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin. Bài viết phân tích quan điểm của Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống những quan điểm sai trái, phi mácxít, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Bài viết thuộc đề tài cấp Bộ: "Bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong tình hình mới" do TS Đào Thị Minh Thảo làm Chủ nhiệm.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và sự vận dụng trong cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là cơ sở khoa học cho đường lối xây dựng Đảng cũng như bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Ảnh: laichau.gov.vn

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng, coi “công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất”(1), có ý nghĩa quyết định đến đường lối chính trị của Đảng. Đồng thời, Người cũng luôn coi trọng công tác bảo vệ, phát triển hệ tư tưởng của Đảng. Vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh để lại những bài học vô cùng sâu sắc đối với cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.

1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Một là, khẳng định tầm quan trọng, tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin

Để thực hiện mục tiêu của cách mạng, vấn đề đầu tiên là phải xác định được hệ tư tưởng dẫn đường cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Sự bế tắc về con đường cách mạng ở Việt Nam những năm 1920 đã cho thấy tính cấp thiết cần có một hệ tư tưởng khoa học, đáp ứng yêu cầu khách quan của lịch sử. Kết quả hoạt động thực tiễn và lý luận nhiều năm đã đưa Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ nhận thức sâu sắc bản chất khoa học, cách mạng, nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(2).Sở dĩ như vậy là bởi, đây là học thuyết duy nhất từ trước đến nay quan tâm đến vận mệnh của các dân tộc bị áp bức, gắn cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp với giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đó cũng là khát vọng của dân tộc ta. Do đó,“Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản(3).

Hồ Chí Minh luôn khẳng định, hệ tư tưởng lý luận của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, mỗi đảng viên đều phải nghiên cứu”(4). Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin không những là kim chỉ nam mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Sáclơ Phuốcniô ngày 15-7-1969, Hồ Chí Minh khẳng định,cách mạng Việt Nam giành được nhiều thắng lợi to lớn là do nhiều nhân tố, nhưng “trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác -Lênin”(5). Người coi V.I.Lênin là “ngôi sao chỉ đường tiến tới sự nghiệp giải phóng vĩ đại của nhân dân bị áp bức”.

Hai là, phê phán những khuynh hướng tư tưởng sai trái, lệch lạc, phi mácxít

Khẳng định vai trò của hệ tư tưởng vô sản, của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng phê phán gay gắt những tư tưởng đi ngược lại với quan điểm của chủ nghĩa Mác. Trong thời kỳ hoạt động cách mạng sôi nổi tại Pháp, Hồ Chí Minh đã nhận rõ thực chất của chủ nghĩa cơ hội tiểu tư sản trong Quốc tế II, với sự ủng hộ chính sách thuộc địa của chủ nghĩa tư bản, với chính sách phân biệt chủng tộc (công nhân da trắng và công nhân da màu). Người viết: “Trong chính sách thuộc địa của Quốc tế thứ hai, bất cứ ở đâu cũng lộ rõ bộ mặt thật của tổ chức tiểu tư sản này. Bởi vậy, cho tới tận Cách mạng Tháng Mười, ở các nước thuộc địa, học thuyết xã hội chủ nghĩa đã bị coi là một thứ học thuyết chỉ dành riêng cho những người da trắng, một thứ thủ đoạn mới để lừa dối và bóc lột người bản xứ”(6).

Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao những cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin và bảo vệ tư tưởng của V.I.Lênin trong việc giải quyết đúng đắn vấn đề thuộc địa. Hiểu chủ nghĩa Lênin và con đường cách mạng vô sản, Ngườitích cực hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và trong Quốc tế III, “tiến công mạnh mẽ những kẻ chống lại Lênin và Quốc tế thứ ba”, Người “không chỉ tranh luận trong chi bộ”,mà còn đi đến các chi bộ khác để đặt câu hỏi:“Nếu các đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu các đồng chí không đoàn kết với các dân tộc thuộc địa, thì các đồng chí làm thứ cách mạng gì?”(7).

Với kinh nghiệm hoạt động quốc tế phong phú và sự nhạy bén về chính trị, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ bản chất và mưu đồ của những phần tử tờrốtxkít. Bởi chủ nghĩa Tơrốtxky và những phần tử tờrốtxkít đã phá hoại phong trào cách mạng ở nhiều nước, như Liên Xô, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha và trong Quốc tế cộng sản. Năm 1939, khi hoạt động ở Trung Quốc, Người viết thư gửi Trung ương Đảng ở trong nước để trao đổi nhiều vấn đề về đường lối, chính sách của Đảng, trong đó có đề cập đến việc chống phái tờrốtxkít. Trong bàiVề chủ nghĩa Tờrốtxki, đăng trên báo Notre Voix, ngày 23-6-1939, Người chỉ rõ: “Bọn tờrốtxkít không chỉ là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, mà còn là kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ. Đó là bọn phản bội và mật thám tồi tệ nhất”(8).

Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ, “Trong tất cả các nước, bọn tờrốtxkít đều dùng những tên gọi hoa mỹ để che dấu những công việc kẻ cướp bẩn thỉu của chúng”(9). Trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương 1936 - 1939, những phần tử tờrốtxkít đã công khai phá hoại đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, lôi kéo, lừa bịp nhân dân với những khẩu hiệu “tả” khuynh. Từ nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đề nghị các đồng chí trong Đảng cần phải cảnh giác đối với những phần tử này: “Đối với bọn tờrốtxkít, không thể có thỏa hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị”(10).

Nhận rõ tính chất nguy hiểm của chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trong lời phát biểu tại Hội nghị Đại biểu các Đảng Cộng sản và Công nhân các nước xã hội chủ nghĩa (tháng 11-1957), Người nhắc lại tinh thần của Bản Tuyên bố của Hội nghị, “chúng ta cần phải tăng cường giáo dục theo tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin và đấu tranh chống những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa như chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sôvanh, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại, đặc biệt là chủ nghĩa xét lại”(11).

Hồ Chí Minh chỉ rõ, nguyên nhân của mọi thắng lợi trong suốt thời kỳ lãnh đạo cách mạng Việt Nam là do “Đảng ta luôn luôn đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và của nhân dân, biết vận dụng lý luận Mác -Lênin vào tình hình thực tế của nước ta và đề ra đường lối, chính sách đúng đắn. Đảng ta không ngừng đấu tranh chống những khuynh hướng cải lương của giai cấp tư sản và những khuynh hướng manh động của tầng lớp tiểu tư sản trong phong trào dân tộc; chống luận điệu “tả” của bọn tơrốtxkít trong phong trào công nhân; chống khuynh hướng hữu và “tả” trong Đảng khi quy định và chấp hành chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng ở mỗi thời kỳ”(12).

Mọi tư tưởng cơ hội, cải lương, phản cách mạng, phi mácxít hay giả danh mácxít đều nguy hại cho cách mạng. Đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin cũng là bảo vệ đường lối chính trị của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng. Đó là yêu cầu tất yếu của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào.

Ba là, phê phán cách nghĩ, cách làm giáo điều, dập khuôn máy móc

Hồ Chí Minh thấm nhuần nguyên tắc căn bản của phương pháp biện chứng mácxít là thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, Người nhận thức rõ lý luận cách mạng không phải là giáo điều, nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng, lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc mà đầy tính sáng tạo, do đó, "phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác - Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc từng nơi”(13). Người chỉ rõ những sai lầm có thể mắc phải trong nhận thức và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như trong chỉ đạo thực tiễn. “Tả" khuynh thì sẽ bị cô lập, sẽ xa rời nhân dân ta và nhân dân thế giới và sẽ thất bại. Hữu khuynh thì bi quan tiêu cực, nhân nhượng vô nguyên tắc. Không tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, làm nhụt tinh thần phấn đấu của nhân dân. Quên tác phong gian khổ; chỉ mong muốn một đời sống yên ổn dễ dàng”(14). Và Người kết luận, “Khuynh hướng “tả” cũng như hữu đều là sai lầm, đều sẽ bị địch lợi dụng, đều có hại cho ta mà lợi cho địch”(15).

Nắm vững những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác, lại có vốn kinh nghiệm và hiểu biết thực tiễn sâu sắc, Hồ Chí Minh đã phê phán thẳng thắn quan điểm phiến diện, giáo điều, rập khuôn máy móc của một số người về giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp ở Việt Nam: “nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”(16).

Khi miền Bắc bắt tay vào cải tạo XHCN, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ việc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, cải tạo giai cấp tư sản cũng cần có cách thức khác, “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác”(17). Rõ ràng, việc xây dựng đường lối, chính sách cũng như việc thực hiện đường lối đó không thể máy móc, giáo điều mà phải luôn chú ý đặc điểm, hoàn cảnh riêng của Việt Nam. Trong Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc (ngày 7-9-1957), Người đặc biệt nhấn mạnh việc vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn Việt Nam, phải trên cơ sở nắm vững điều kiện đặc biệt của nước ta “là một xã hội vừa mới thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, hết sức lạc hậu”.

Hồ Chí Minh đặc biệt phê phán bệnh giáo điều, xét lại. Đó là do vừa không nắm vững lý luận, vừa xa rời thực tế, thiếu tính sáng tạo trong vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng. “Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều. Nhưng nếu quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em, thì sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại”(18). Vì thế, Người luôn yêu cầu vừa coi trọng việc học tập, nghiên cứu lý luận, vừa gắn lý luận với thực tiễn. “Chúng ta phải khắc phục bệnh giáo điều đồng thời phải đề phòng chủ nghĩa xét lại”(19). Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, không chỉ là “làm theo” chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác - Lênin mà là vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo lý luận vào hoàn cảnh cụ thể, làm cho lý luận đó thể hiện một cách sinh động trên thực tiễn và mang lại hiệu quả.

Bốn là, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn kiên trì học tập hệ tư tưởng của Đảng, không ngừng nâng cao trình độ lý luận

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(20). Người thấy rõ, “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(21). Do đó, Người cho rằng, “giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”(22).

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Sự ra đời của Đảng đánh dấu bước trưởng thành về chất của phong trào công nhân, từ trình độ tự phát lên trình độ tự giác. Tuy nhiên, để giai cấp công nhân và Đảng của nó thực sự giữ vững vai trò lãnh đạo và luôn đạt đến trình độ tự giác, việc học tập, thấm nhuần hệ tư tưởng của Đảng là một yêu cầu tất yếu. Vì vậy, ngay trong giai đoạn Đảng tập trung cho mục tiêu đấu tranh giành độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, muốn hoàn thành những nhiệm vụ to lớn của cách mạng, bên cạnh việc “đấu tranh không nhân nhượng, chống tư tưởng bè phái”, Đảng “phải tổ chức học tập có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin để nâng cao trình độ văn hóa và chính trị cho các đảng viên”(23).

Tuy nhiên, theo Hồ Chí Minh, học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, nâng cao hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là thuộc lòng câu chữ một cách máy móc mà là “học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”(24).

Trong Diễn văn khai mạc lớp học tập lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc, Người chỉ rõ, một trong những nhược điểm lớn của Đảng là “trình độ lý luận còn thấp kém”, vì thế trước những nhiệm vụ cách mạng ngày càng mới và phức tạp, “trong việc lãnh đạo, Đảng ta không khỏi lúng túng, không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm”(25). Người phê phán gay gắt đối với những biểu hiện sai lệch trong nhận thức và hành động của một số cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là những cán bộ đảng viên “học sách vở Mác - Lênin, nhưng không học tinh thần Mác - Lênin. Học để trang sức, chứ không để vận dụng vào công việc cách mạng. Đó cũng là chủ nghĩa cá nhân(26).

Việc học tập lý luận, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên, là để mỗi cán bộ, đảng viên làm giàu tư duy khoa học, kiên định về chính trị, đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tư tưởng của Đảng là tư tưởng của giai cấp công nhân, nó đấu tranh cho lợi ích của toàn dân. Vì vậy, trong Đảng không thể có những tư tưởng, lập trường và tác phong trái với tư tưởng, lập trường và tác phong của giai cấp công nhân”(27)… “Trong Đảng không thể có những phần tử lạc hậu và đầu cơ… những phần tử hèn nhát lung lay”(28). Người nhấn mạnh phải xây dựng Đảng trên cả ba mặt, tư tưởng, chính trị và tổ chức, trong đó, về tư tưởng “nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin”… “giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng. Đảng phải tăng cường tư tưởng của giai cấp công nhân và gột rửa những tư tưởng trái với nó”(29). Do ảnh hưởng của chế độ thực dân và phong kiến, nên những tư tưởng phi vô sản có thể ảnh hưởng trong Đảng, nên Người yêu cầu “Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận, mở rộng tự phê bình và phê bình, đấu tranh vào những tư tưởng “phi vô sản””(30).

Hồ Chí Minh coi trọng việc học tập tư tưởng, lý luận, xem đó là việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong Báo cáo tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, Người chỉ rõ mục đích của vấn đề này là nhằm “nâng cao trình độ tư tưởng và chính trị của cán bộ và đảng viên, tẩy bỏ tư tưởng phi vô sản và tiểu tư sản, thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, đoàn kết toàn Đảng để Đảng làm tròn nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang của mình”(31). Vì vậy, Người yêu cầu, “Mỗi đảng viên, mỗi chi bộ, mỗi cấp ủy đảng phải luôn luôn tăng cường công tác tư tưởng của Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng, bảo đảm chặt chẽ kỷ luật và tổ chức của Đảng”(32).

2. Bài học đối với cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng Đảng không tách rời nhiệm vụ bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin. Người chỉ rõ sự nguy hại của tư tưởng, thái độ, hành vi phản động, phản khoa học, phi mácxít trong đảng và trong phong trào công nhân, đồng thời đã để lại cho chúng ta những bài học quý giá về tính khoa học, tinh thần kiên quyết, kiên định, triệt để trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là cơ sở khoa học cho đường lối xây dựng Đảng cũng như bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Một là, không ngừng nâng cao trình độ lý luận của mỗi cán bộ, đảng viên và trong toàn Đảng. Việc xem thường lý luận hoặc học lý luận không đến nơi là vô cùng nguy hiểm, là biểu hiện của sự “tự chuyển hóa” từ trong nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, là sự tự xa rời hệ tư tưởng cũng như lý tưởng của Đảng. Nguy hiểm hơn, việc học tập và hiểu không đúng, không đầy đủ về chủ nghĩa Mác, sẽ làm méo mó lý luận khoa học đó, khi thực hành sẽ vận dụng sai lầm, dẫn đến những hậu quả tai hại.

Hai là, luôn đề cao cảnh giác trước những luận điệu, thủ đoạn chống phá tinh vi của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị, mưu toan “trộn lẫn” phải trái, đúng sai, vu cáo, xuyên tạc và phủ nhận hiện thực lịch sử. Cảnh giác trước những mưu toan “làm mới” hệ tư tưởng để xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cảnh giác trước những thủ đoạn “dân túy”, nhân danh “cách mạng”, “yêu nước”, “lợi ích dân tộc” để kích động, chia rẽ, lôi kéo quần chúng. Tỉnh táo và thận trọng, sáng suốt và nhạy bén trong việc nhận diện những biểu hiện của các trào lưu tư tưởng phi mácxít, đặc biệt là chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại, từ đó có những chủ trương và biện pháp đấu tranh phù hợp và kịp thời.

Ba là, kết hợp nhuần nhuyễn tính đảng, tính khoa học và tinh thần cách mạng tiến công trong đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng. Phải đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, với những luận cứ, luận chứng khoa học, thuyết phục. Muốn vậy phải mài sắc vũ khí tư tưởng, hiểu thật sâu sắc, toàn diện hệ tư tưởng của Đảng, không nửa vời, không chắp vá.

Bốn là, để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, không chỉ dừng ở sự trung thành, kiên định đối với hệ tư tưởng đó, mà còn là sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận đó cho phù hợp với yêu cầu khách quan của lịch sử. Vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải từng bước hiện thực hóa lý luận khoa học đó, để lý luận đó thể hiện sinh động trong thực tiễn, thông qua các quyết sách chính trị phù hợp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và mang lại giá trị thực tiễn cụ thể. Đó là minh chứng có sức mạnh nhất để đập tan mọi âm mưu bóp méo, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

_________________

Ngày nhận bài: 11-9-2023; Ngày bình duyệt: 13 -9-2023; Ngày duyệt đăng: 16-10-2023.

(1), (4), (14), (15), (22), (27), (28), (29), (30) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.554, 275, 553, 554, 279, 275, 276, 279-280, 280.

(2), (6), (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Sđd, tr.289, 233-234, 289.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd,tr.30.

(5), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.590, 585.

(8), (9), (10), (23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Sđd, tr.154, 154, 167, 168.

(11), (13), (18), (19), (24), (25), (26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.189-190, 95, 97-98, 98, 611, 91, 611.

(12), (21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.416, 563.

(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.312.

(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.391.

(31) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.398.

(32) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr.363.