Những thách thức trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở nước ta hiện nay
(LLCT) - Với hệ thống di sản văn hóa (DSVH) phong phú, đa dạng hiện diện ở khắp các vùng miền, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát huy sức mạnh, tiềm năng của DSVH đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy DSVH đang đứng trước những thách thức. Nhận diện những thách thức này là yêu cầu cần thiết để có những biện pháp nhằm phát huy thế mạnh của nguồn lực nội sinh quan trọng này trong bối cảnh hiện nay.
1. Hệ thống di sản văn hóa của Việt Nam
Với truyền thống lịch sử hàng nghìn năm và sự ưu ái của thiên nhiên, trên đất nước ta có hệ thống các DSVH phong phú, độc đáo, từ những DSVH vật thể như cung đình, đền, chùa, kiến trúc… đến những DSVH phi vật thể như tín ngưỡng, phong tục, lễ nghi, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống…, góp phần tạo nên nét độc đáo, đặc sắc của nền văn hóa dân tộc.
Hiện cả nước có 8 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận, bao gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Vịnh Hạ Long (1994), Đô thị cổ Hội An (1999), Khu đền tháp Mỹ Sơn (1999), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003), Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long (2010), Thành nhà Hồ (2011) và Quần thể danh thắng Tràng An (2014). 8 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bao gồm: Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Huế (2008), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2008), Quan họ Bắc Ninh (2009), Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (2010), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012), Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ (2013), Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh (2014), Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt (2016). 2 di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp gồm: Ca trù (2009) và hát Xoan Phú Thọ (2011). 4 di sản tư liệu: Mộc bản triều Nguyễn (2009), bia đá các khoa thi tiến sỹ triều Lê và Mạc (2011), Mộc bản kinh phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm (2012) và Châu bản triều Nguyễn (2014).
Bên cạnh các di sản thế giới, là hàng nghìn di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt, cấp tỉnh(34 di tích quốc gia đặc biệt, 3.168 di tích quốc gia); danh lam thắng cảnh và hàng nghìn lễ hội (theo thống kê của Cục Văn hóa Cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước có 7.966 lễ hội được tổ chức mỗi năm, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 544 lễ hội tôn giáo, 322 lễ hội lịch sử cách mạng…), các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống (như múa rối, chèo, tuồng, cải lương…), tạo nên mạng lưới DSVH rộng khắp, mang dấu ấn của nềnvăn minh nông nghiệp lúa nước và truyền thống sinh hoạtphong phúngàn đời của cha ông.
Sự phong phú, đa dạng của hệ thống DSVH là một lợi thế quan trọng để phát triển đất nước. Bên cạnh vai trò giáo dục thế hệ trẻ có ý thức về nguồn cội; hiểu biết sâu sắc về truyền thống lịch sử; tự hào về quê hương đất nước; giúp con người sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; điều chỉnh hành vi, hướng con người đến giá trị nhân văn của chân, thiện, mỹ; DSVH còn được khẳng định, đánh giá là nguồn lực quan trọng trong phát triển ngành du lịch, dịch vụ; thu hút đầu tư, tạo dấu ấn đối với bạn bè quốc tế, đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia.
Tuy nhiên, DSVH không phải là những tài sản bất biến, mà qua thời gian, và những tác động xấu của yếu tố khách quan lẫn chủ quan đang đặt ra nhiều vấn đề về khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH.
2. Những thách thức trong bảo tồn, phát huy DSVH
- Sự xuống cấp của nhiều DSVH vật thể
Trải qua thời gian, trước những tác động của thiên nhiên, khí hậu, nhiều công trình kiến trúc bị xuống cấp. Trong khi đó, công tác quản lý và đề xuất các phương án bảo tồn, tu bổ của cơ quan quản lý, giới chuyên môn chưa kịp thời, còn những lúng túng, bất đồng trong việc đề xuất giải pháp. Ban quản lý một số di tích đã tự ý thuê nhân công sửa chữa, tu bổ và làm mới di tích theo lối hiện đại, gây những phản ứng trái chiều trong dư luận.
Tại Hà Nội, hiện có 5.847 di tích, trong đó có 1 khu di sản thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.167 di tích cấp quốc gia và 1.179 di tích cấp thành phố, nhưng theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 2.000 di tích xuống cấp, trong đó hơn 200 di tích xuống cấp nghiêm trọng cần được tu bổ.
Thừa Thiên Huế, địa phương có quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới, hiện các di tích ở đây đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp. Nhưng đến nay mới chỉ có hơn 130 công trình di tích được trùng tu, phục hồi, vẫn còn khoảng 400 công trình di tích đang ở trong tình trạng hư hỏng nặng. Việc bảo tồn, trùng tu các di tích ở Huế đang đứng trước thách thức do hầu hết các di tích có kiến trúc bằng gỗ đang đến chu kỳ phải sửa chữa, nếu không khắc phục kịp thời thì việc sụp đổ như di tích Phu Văn Lâu là không thể tránh khỏi.
Quảng Nam cũng là địa phương có sự hội tụ của nhiều di tích (2 di sản văn hóa thế giới, 48 di tích cấp quốc gia, 242 di tích cấp tỉnh) nhưng hầu hết các di tích cấp tỉnh đang xuống cấp. Bên cạnh đó là hàng loạt các di tích ở các địa phương khác cũng đang ở tình trạng xuống cấp trầm trọng chưa được đầu tư, tu bổ.
Sự xuống cấp của các di sản ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị lịch sử, kiến trúc, cảnh quan; ảnh hưởng đến tâm lý và nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân, đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý, bảo tồn di tích đối với các cơ quan chức năng.
- Nhiều DSVH phi vật thể bị mai một, lãng quên
Việt Nam tự hào là đất nước có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo như: tuồng, chèo, ca trù, hát xẩm, hát xoan; các làn điệu dân ca ví, giặm, hò vè… nói lên nét sinh hoạt tinh thần độc đáo của cư dân nông nghiệp lúa nước. Tuy nhiên, nhiều DSVH phi vật thể đang có nguy cơ mai một vì nhiều lý do: sự không mặn mà của công chúng; sự thưa vắng của các nghệ nhân, nghệ sĩ thực thụ; đầu tư chưa tương xứng; chế độ đãi ngộ cho nghệ sĩ còn nhiều bất cập; thiếu những kịch bản hay, trong khi đó, nhiều loại hình nghệ thuật mới được du nhập vào nước ta, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của công chúng, nhất là giới trẻ.
- Không gian, cảnh quan kiến trúc di sản bị xâm hại
Tình trạng tự ý xây dựng công trình kiến trúc mới, chiếm dụng làm phá vỡ cảnh quan, môi trường di sản vẫn diễn ra. Điển hình như vụ việc công trình Hương Nghiêm pháp đường cao 2 tầng, 1 gác mái ở di tích quốc gia chùa Hương xây dựng khi chưa có phép. Chùa Một Mái, Am Dược, vườn tháp Huệ Quang là những công trình quan trọng của di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (Quảng Ninh) cũng được xây mới hoàn toàn, phá bỏ những kiến trúc cổ…
Có thể nói, việc trùng tu, tôn tạo di tích được thực hiện một cách tùy tiện, tự phát, không tham khảo ý kiến của các nhà khoa học và cộng đồng, để lại nhiều bài học đắt giá về cách thức ứng xử với di sản của các đơn vị có liên quan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị di sản.
Bên cạnh đó, hiện tượng nhiều hộ dân chiếm dụng không gian di tích gây mất mỹ quan. Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, tại 104 di tích đã được xếp hạng của Thủ đô đang có trên 1.200 hộ dân sinh sống và 11 cơ quan ở nhờ. Điển hình, di tích chùa Đồng Quang (quận Đống Đa) có tới 15 - 16 hộ sinh sống; cụm chùa Quang Hoa - Thiền Quang - Pháp Hoa (quận Hai Bà Trưng) có trên 40 hộ; chùa Liên Phái (quận Hai Bà Trưng), chùa Ngũ Xã (quận Ba Đình), chùa Quang Minh (quận Đống Đa), chùa quán Huyền Thiên (quận Hoàn Kiếm) cũng có rất nhiều hộ dân sinh sống. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, không gian di sản.
- Hiện tượng khai thác quá mức di sản
Thời gian qua, với mục tiêu phát triển nhanh ngành du lịch, chúng ta đã khai thác tối đa giá trị kinh tế của di sản khiến nhiều điểm tham quan di tích quá tải, lộn xộn, nhất là vào dịp lễ hội đầu năm. Lễ phát ấn Đền Trần (Nam Định), Lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), Lễ hội cướp phết (Hiền Quan, Phú Thọ)… với cảnh chen chúc, giẫm đạp nhau của người tham gia lễ hội đã làm mất đi tính thiêng của lễ hội.
Phát triển ngành công nghiệp không khói qua khai thác hợp lý hệ thống DSVH là hướng phát triển lâu dài, bền vững của nhiều quốc gia. Nhưng ở nước ta, cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp; đội ngũ hướng dẫn viên còn mỏng, sự hiểu biết về lịch sử, giá trị di sản còn hạn chế nên việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam chưa hiệu quả, khó thu hút khách nước ngoài quay lại tham quan.
Do thói quen tùy tiện và ý thức bảo vệ tài sản công cộng chưa cao nên ở hầu hết các di sản tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; nạn mất trộm, mua bán cổ vật diễn ra phức tạp (tính từ cuối năm 2015 đến tháng 10-2016, có gần 20 ngôi chùa trên cả nước bị kẻ gian đột nhập lấy cắp cổ vật). Hiện tượng kinh doanh nhà hàng, bán đồ lưu niệm trong phạm vi quần thể di tích với những hình ảnh phản cảm, như sự xuất hiện các quầy bán thịt thú rừng; quán nhậu; trò chơi cá cược đỏ đen ăn tiền…; gần đây nhất, một số cơ sở kinh doanh trong Vịnh Hạ Long tổ chức tour ăn tiệc tối trong các hang đá, làm dấy lên sự lo ngại về sự xâm hại di sản thiên nhiên.
- Công tác quản lý di sản còn bất cập
DSVH là tài sản của cộng đồng, do chủ thể nhân dân tại các địa phương phối hợp với chính quyền địa phương đứng ra quản lý, tổ chức, bảo tồn. Tuy nhiên, qua cách tổ chức một số lễ hội, sự tham gia của người dân, của cộng đồng trong điều hành, tổ chức, quản lý lễ hội còn mờ nhạt. Việc tổ chức lễ hội thường do ban quản lý di tích, chính quyền địa phương phối hợp với công ty tổ chức sự kiện hay ủy thác cho nhà tài trợ đứng ra điều hành. Do vậy, chưa phát huy được vai trò quan trọng của nhân dân trong khâu tổ chức, quản lý và vận hành lễ hội.
Sự chồng chéo, không rõ chức năng, nhiệm vụ của các bên liên quan trong quản lý di sản dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”; tiền công đức của người dân bị sử dụng sai mục đích; vấn đề tu bổ, tôn tạo mạnh ai nấy làm; biến di sản thành phương tiện để trục lợi…
Có thể nói công tác quản lý DSVH thời gian qua còn tồn tại nhiều bất cập, là nguyên nhân chính dẫn đến những sai phạm trong tổ chức, điều hành, khai thác di sản. Sự phân công, phân cấp còn chồng chéo; đội ngũ cán bộ quản lý di sản còn yếu, chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ; chế độ chính sách chưa tương xứng với công việc, trọng trách. Công tác đánh giá hiện trạng, sưu tầm tài liệu khảo cổ học; đề án bảo tồn, phát huy di sản chưa thực sự đi vào thực chất, còn nặng về giấy tờ, thủ tục… Đây là những trở ngại lớn trong bảo tồn, phát huy DSVH hiện nay.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Để phát huy giá trị DSVH, khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác bảo tồn, tôn tạo, khai thác di sản, để di sản trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng trong phát triển bền vững, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí quan trọng, tiềm năng và thế mạnh của DSVH trong đời sống cộng đồng.
Thứ hai, thực hiện nghiêm Luật DSVH và những công ước quốc tế về di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Có cơ chế, chính sách đầu tư thích đáng trong việc tôn tạo, bảo tồn nâng cấp di sản; tránh tình trạng “bỏ rơi, lãng quên” DSVH. Đặc biệt, đối với các DSVH phi vật thể, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong việc khôi phục, gìn giữ và làm lan tỏa những giá trị nhân văn đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Việc trùng tu tôn tạo di sản văn hóa cần có sự khảo cứu khoa học trên cơ sở học tập kinh nghiệm bảo tồn di sản của các nước tiên tiến, tránh làm mới hoàn toàn di sản hoặc phá dỡ làm lại theo mô hình, kiến trúc không phù hợp. Tăng cường việc bảo tồn không gian văn hóa di sản; xử lý nghiêm những hành vi xâm hại cảnh quan, không gian di sản.
Thứ ba, cần có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách, có chuyên môn về bảo tồn DSVH. Có chính sách đãi ngộ đặc thù cho các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ làm công tác văn hóa. Khai thác hợp lý giá trị của di sản trong phát triển du lịch, dịch vụ để không ngừng quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi di sản và môi trường.
Thứ tư, đối với các địa phương có DSVH cần phải có chiến lược, kế hoạch trong khai thác, bảo tồn, phát huy thế mạnh của di sản trong đời sống cộng đồng. Huy động mọi nguồn lực xã hội hóa trong bảo tồn, tôn tạo di sản. Xây dựng cảnh quan, không gian di sản lành mạnh, thân thiện, nhân văn.
____________
Tài liệu tham khảo
1. Nhiều tác giả: Di sản lịch sử và những hướng tiếp cận mới, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2011.
2. Nhiều tác giả: Di sản văn hóa trong xã hội Việt Nam đương đại, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2014.
3. Tổng Cục Du lịch: Di sản thế giới ở Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2013.
TS Nguyễn Huy Phòng
Viện Văn hóa và Phát triển
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh