Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo, thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị được giao

04/09/2020 10:43

Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo, thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị được giao

Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là một trong những đảng bộ lớn, có vai trò quan trọng trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Hiện toàn Đảng bộ Học viện có 33 đảng bộ, chi bộ cơ sở, trong đó có 127 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với tổng số 1.869 đảng viên phân bố ở các chi, đảng bộ đơn vị chức năng, đơn vị nghiên cứu, giảng dạy tại Trung tâm Học viện, các Học viện trực thuộc tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ. Đội ngũ đảng viên của Đảng bộ Học viện đa số là giảng viên, cán bộ khoa học, cán bộ nghiệp vụ có trình độ cao về chuyên môn và lý luận chính trị, đang trực tiếp tham gia vào công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của hệ thống chính trị và công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đảng ủy Học viện nhiệm kỳ 2015-2020 được Đại hội Đảng bộ Học viện tín nhiệm bầu gồm 33 đồng chí, trong đó Ban Thường vụ Đảng ủy gồm 11 đồng chí(1). Hầu hết các đồng chí trong Đảng ủy Học viện đều là những cán bộ khoa học, cán bộ quản lý có học hàm, học vị, có uy tín và kinh nghiệm, đã tham gia nhiều khóa cấp ủy các cấp. Nhiều đồng chí trong Đảng ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy có chuyên môn sâu về công tác xây dựng Đảng. Đó là những điều kiện rất thuận lợi để Đảng ủy Học viện nói riêng, Đảng bộ Học viện nói chung xác định đúng nội dung nhiệm vụ, đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo Học viện thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ với những kết quả nổi bật.

1. Xác định đúng nội dung, đổi mới phương thức lãnh đạo phù hợp với đặc điểm, tình hình của Học viện theo yêu cầu mới, có trọng tâm, trọng điểm, tạo thay đổi mạnh về nhận thức, quyết liệt về hành động

Với vai trò là lãnh đạo chính trị, Đảng bộ Học viện luôn đề cao vai trò, trách nhiệm, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không lấn sân, bao biện, làm thay công việc của Ban Giám đốc và các đoàn thể, đồng thời không buông lỏng vai trò lãnh đạo. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Học viện nhiệm kỳ 2015-2020 có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm trong từng năm với những phương châm hành động cụ thể như: Đột phá - Sáng tạo - Chất lượng - Hiệu quả (năm 2017), Dân chủ - Sáng tạo - Đồng bộ - Chất lượng (năm 2018), Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hiệu quả  (năm 2019) và Dân chủ - Kỷ cương - Gương mẫu - Sáng tạo - Hiệu quả (năm 2020). Nhằm đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy đã ban hành 40 nghị quyết, trong đó có 10 nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác của Học viện đạt hiệu quả thiết thực. Điển hình là Nghị quyết số 13-NQ/ĐU ngày 7-2-2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy về tăng cường kỷ cương kỷ luật ở Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay; Nghị quyết số 14-NQ/ĐU ngày 7-2-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện về phát triển Học viện Chính trị khu vực IV đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Nghị quyết số 16-NQ/ĐU ngày 14-3-2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy về thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 31-NQ/ĐU ngày 18-10-2019 của Ban Thường vụ Đảng ủy về thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949-2019); Nghị quyết số 35-NQ/ĐU ngày 28-2-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới...

Một trong những kết quả nổi bật, có tính đột phá trong nhiệm kỳ là Đảng bộ Học viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường quản lý hệ thống, tính đồng bộ, thống nhất trong hoạt động của các đơn vị trực thuộc Học viện, giữa Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị trực thuộc. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo phương châm “cơ bản, hệ thống, thực tiễn, hiện đại”. Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vừa phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, vừa cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chú trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Huy động các nguồn lực bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về chuyên môn đối với các trường chính trị tỉnh, thành phố, các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương cũng như các mặt công tác khác.

Cùng với quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Học viện, những năm qua, các chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc đã thực hiện nghiêm những quan điểm, nguyên tắc, quy định về quản lý hệ thống, tập trung đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, tổ chức đảng, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của chi bộ, đảng bộ trong từng năm và trên từng mặt công tác, tạo những thay đổi mạnh về nhận thức, trách nhiệm, quyết liệt về hành động, đồng bộ và thống nhất trong thực hiện các nội dung nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng bộ Học viện.

2. Tập trung lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ 2015 - 2020 với quyết tâm cao, nhiều đổi mới sáng tạo, chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ, có bước đột phá

Thứ nhất, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới đồng bộ, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Ngay đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng việc tổng kết kịp thời 5 năm thực hiện Nghị quyết số 387-NQ/ĐU ngày 4-11-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện “Một số chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay”, tiếp đến tổng kết đánh giá 5 năm công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị và công tác đào tạo đại học và sau đại học (2014-2019); xây dựng Đề án: “Tiếp tục đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong bối cảnh đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế” trình Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng được các đơn vị chuyên môn rà soát, cập nhật tinh thần mới trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết Trung ương khóa XII, bổ sung những vấn đề mới của thực tiễn để ban hành Bộ Giáo trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính và Bộ Giáo trình cao cấp lý luận chính trị sử dụng thống nhất trong toàn hệ thống Học viện, các trường chính trị tỉnh, thành phố, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể trực thuộc Trung ương và các cơ sở đào tạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Chương trình, nội dung bồi dưỡng các chức danh, đặc biệt là chương trình Lớp Bồi dưỡng kiến thức mới cho các đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương khóa XII và chương trình bồi dưỡng cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng được xây dựng công phu, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, hiện đại, phù hợp với từng đối tượng người học.

Quy mô đào tạo, bồi dưỡng được điều chỉnh theo hướng tăng số lượng các lớp bồi dưỡng chức danh; đa dạng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, điều kiện thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị(2). Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới theo phương châm “lấy học viên làm trung tâm, lấy giảng viên làm động lực và nhà trường làm nền tảng”, tăng cường tương tác, đối thoại giữa giảng viên và học viên, sinh viên; chọn lựa địa điểm đi nghiên cứu thực tế điển hình, phù hợp; phát huy hiệu quả việc đổi mới phương pháp và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy, đặc biệt trong thời gian diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Đảng bộ Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giảng dạy trực tuyến đối với các hệ lớp. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên nêu cao tính Đảng, bảo đảm tính khoa học, giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, giữ gìn, phát huy phẩm chất của người cán bộ Trường Đảng.

Công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng(3), nhất là quản lý học viên được tăng cường, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, góp phần khắc phục một bước tình trạng “ngại học, lười học” lý luận chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên, học viên. Các khâu của công tác đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới theo nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, đúng kế hoạch, đúng quy định. Các quy chế, quy định được ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ; đồng thời đẩy mạnh phân cấp quản lý, giảm bớt các khâu trung gian.

Công tác khảo thí, bảo đảm chất lượng được thực hiện nghiêm, chặt chẽ trong toàn hệ thống Học viện; đa dạng hóa các hình thức thi, kiểm tra, đánh giá. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện một số khâu của công tác quản lý đào tạo trong toàn hệ thống đã phát huy tác dụng tích cực.

Thứ hai, tập trung lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đóng góp thiết thực vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Các chương trình nghiên cứu khoa học được triển khai đồng bộ, có chiều sâu, đạt nhiều kết quả tích cực(4). Hoạt động nghiên cứu khoa học trong toàn hệ thống đã bám sát các định hướng, chương trình công tác của Trung ương Đảng, Chính phủ; đồng thời, cung cấp luận cứ khoa học để đổi mới, hoàn thiện nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng bài giảng của giảng viên; chú trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch(5), góp phần khẳng định uy tín, vị thế của Học viện. Chuyển biến rõ nét nhất trong nhiệm kỳ 2015-2020 là việc lãnh đạo, chỉ đạo chắt lọc các kết quả nghiên cứu, xây dựng các báo cáo chuyên đề, báo cáo kiến nghị trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ. Từ năm 2017-2018, Học viện đã xây dựng 24 báo cáo kiến nghị có chất lượng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; năm 2019 và đầu năm 2020 đã xây dựng hơn 40 báo cáo kiến nghị gửi các Tiểu ban xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Đảng bộ Học viện đã lãnh đạo tổ chức thành công 26 hội thảo quốc tế; 24 hội thảo quốc gia; 77 hội thảo cấp bộ; 338 hội thảo cấp cơ sở và nhiều cuộc tọa đàm khoa học cấp viện, khoa, thu hút nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia, tạo sự lan tỏa tích cực trong xã hội. Công tác quản lý khoa học có nhiều đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực. Nguồn lực phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học được tăng cường đáng kể. Công tác thông tin khoa học, hợp tác quốc tế về khoa học và công tác xuất bản, tạp chí, bản tin phục vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đều có bước chuyển biến tích cực, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện.

Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng có nhiều đổi mới, bảo đảm tính đảng, tính khoa học, tính thực tiễn, có sức hấp dẫn, góp phần giáo dục truyền thống vẻ vang của Đảng(6). Công tác nghiên cứu di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, biên soạn tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam được chú trọng, tích cực góp phần vào công tác tuyên truyền, phổ biến, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và ghi nhận những cống hiến, đóng góp của các lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thứ ba, tăng cường lãnh đạo các mặt công tác khác, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phục vụ đắc lực nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học

Để góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Học viện, trong nhiệm kỳ, Đảng bộ Học viện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các mặt công tác khác.

Một là,quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác trường chính trị theo tư duy quản lý hệ thống, tạo sự chuyển biến đồng bộ, có chiều sâu, tính thống nhất trong hoạt động của hệ thống trường chính trị tỉnh, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. Đảng bộ Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo việc tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 184-QĐ/TW, phối hợp đề xuất Ban Bí thư ban hành Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với nhiều nội dung mới; định hướng các trường chính trị từng bước xây dựng mô hình trường chính trị chuẩn. Đảng bộ Học viện đã chỉ đạo tổ chức gần 60 đoàn công tác của đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy, một số bộ, ngành và các trường chính trị, trường bộ, ngành; lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc chuẩn hóa chương trình, giáo trình; xây dựng và ban hành các bộ quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng; tập huấn kỹ năng lãnh đạo, quản lý và kiến thức, phương pháp cho hơn 2.000 lượt cán bộ, giảng viên các trường chính trị, trường bộ, ngành; tổ chức 02 Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, v.v.. Nhờ đó, vai trò, vị thế của Học viện và của các trường chính trị tỉnh, thành phố ngày càng được khẳng định, đề cao trong hệ thống chính trị và trong xã hội.

Hai là,tăng cường lãnh đạo việc quản lý hệ thống một cách toàn diện, đồng thời có sự phân công, phân cấp, phối hợp, giám sát và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị trực thuộc; đồng bộ hóa và thống nhất về cơ cấu tổ chức, công tác chuyên môn, công tác đảng, đoàn thể, chế độ chính sách. Các chương trình công tác toàn Học viện được thực hiện có kế hoạch, bảo đảm khoa học, hợp lý và thông suốt. Chế độ thông tin, báo cáo từng bước được hoàn thiện, đi vào nền nếp, bảo đảm phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện.

Ba là,chỉ đạo đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế theo hướng vừa rộng mở, vừa đi vào chiều sâu, thiết thực, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của Học viện. Các đối tác truyền thống được duy trì, củng cố, đồng thời mở rộng một số đối tác mới theo nhu cầu lấy bên ngoài phục vụ bên trong, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện.

Bốn là,coi trọng lãnh đạo đổi mới công tác quản lý tài chính, tài sản theo hướng đồng bộ, hệ thống, chặt chẽ, đồng thời bảo đảm tự chủ cho các đơn vị. Việc mua sắm tài sản công được thực hiện tập trung, đồng bộ, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiết kiệm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh. Học viện đã triển khai dự án “Mô hình quản trị Học viện thông minh”, kết nối giao ban trực tuyến đến các Học viện trực thuộc, các trường chính trị, tạo bước đột phá quan trọng hướng tới quản lý, điều hành thông qua hệ thống công nghệ thông tin.

Năm là,chú trọng lãnh đạo công tác thông tin khoa học theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu tra cứu tài liệu trực tuyến của bạn đọc trong và ngoài Học viện. Công tác xuất bản, tạp chí bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Sáu là,tăng cường công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện và khắc phục những bất cập, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng các mặt công tác(7). Công tác thi đua - khen thưởng đã đi vào nền nếp, thực chất và hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, kịp thời khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Công tác xã hội hóa, an sinh xã hội, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt.

3. Tiếp nối truyền thống vẻ vang, quyết tâm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng và phát triển Học viện xứng đáng là Trường Đảng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh

Có thể khẳng định, nhiệm kỳ 2015-2020, với tinh thần trách nhiệm cao, Đảng bộ Học viện mà hạt nhân là Đảng ủy đã quyết tâm đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ của Học viện, đạt kết quả tốt, tiếp nối truyền thống vẻ vang hơn 70 năm và nâng cao vị thế, uy tín của Học viện với vai trò là Trường Đảng cao cấp Trung ương mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp nối truyền thống và những kết quả đạt được trong các nhiệm kỳ qua, khắc phục những hạn chế, bất cập, đặc biệt để phát huy và khẳng định vị thế trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội; trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý; tiếp tục xây dựng và phát triển Học viện thành trung tâm quốc gia hàng đầu, có uy tín cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cao cấp và nghiên cứu lý luận chính trị từng bước hiện đại, hội nhập, mang đậm bản sắc Trường Đảng cao cấp Trung ương, có uy tín, vị thế cao ở khu vực Đông Nam Á và châu Á, Đảng bộ Học viện nhiệm kỳ 2020 - 2025 cần xác định và thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, hạt nhân là Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy và các cấp ủy, tổ chức đảng

Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; quy chế phối hợp giữa cấp ủy với lãnh đạo cơ quan, đơn vị nhằm thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng bộ Học viện bằng xác định rõ trách nhiệm, mối quan hệ công tác của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi tổ chức, đơn vị. Nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết, quyết định, xác định đúng và trúng nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm từng năm và cả nhiệm kỳ; đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý theo hướng hiện đại.

Hai là, tập trung lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trước yêu cầu mới

(1) Lãnh đạo việc đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, học viên, trước hết là đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chọn lọc, thiết thực, sát với đối tượng và mục tiêu đào tạo, vừa bảo đảm tính khoa học, cơ bản và hệ thống, vừa tăng cường tính hiện đại, thực tiễn, cập nhật những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đa dạng hóa loại hình đào tạo. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm tra, đánh giá, kiên quyết khắc phục tình trạng “ngại học, lười học” lý luận chính trị.

(2) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận để có những công trình khoa học lớn, có dấu ấn và giá trị khoa học, góp phần vận dụng sáng tạo và bổ sung, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới cũng như phục vụ tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đẩy mạnh xây dựng các báo cáo kiến nghị cho Đảng, Nhà nước, khẳng định vai trò là cơ quan nghiên cứu, tham mưu, tư vấn hàng đầu cho Đảng về công tác lý luận, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Lãnh đạo thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo nội dung và phương pháp nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, đảng bộ các địa phương, bộ, ngành; tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu di sản tư tưởng Hồ Chí Minh và biên soạn tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

(3) Lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trường chính trị theo mô hình trường chính trị chuẩn, tập trung chỉ đạo nội dung, hướng dẫn chuyên môn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của các trường chính trị. Đổi mới nội dung, hình thức hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị, trường bộ, ngành; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

 (4) Tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh quản lý hệ thống, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các mặt hoạt động của Học viện, đặc biệt là cải cách hành chính trong thực hiện các hoạt động quản lý, các quy trình nghiệp vụ; triển khai và vận hành mô hình quản trị Học viện thông minh.

(5) Lãnh đạo chú trọng mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, kinh nghiệm của thế giới trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân sự cao cấp và trong nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý tiên tiến.

(6) Lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên các lĩnh vực hoạt động của Học viện; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận, hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra; công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và công tác phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm.

(7) Lãnh đạo đổi mới công tác thông tin khoa học, hiện đại hóa hệ thống phục vụ thông tin để kết nối hệ thống thông tin khoa học trong toàn Học viện với một số trung tâm thông tin khoa học trong và ngoài nước. Nâng cao hiệu quả lãnh đạo công tác báo chí, xuất bản; hiện đại hóa các tạp chí, bản tin điện tử và thông tin khoa học; bảo đảm hệ thống tạp chí, bản tin, nhà xuất bản của Học viện hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

(8) Lãnh đạo tăng cường đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ thông tin bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là ở các Học viện trực thuộc; vừa tận dụng nguồn lực vật chất hiện có, vừa trang bị các phương tiện hiện đại; chú trọng sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời tích cực thực hiện các hình thức xã hội hóa, hợp tác công - tư ở những hạng mục, công trình phù hợp theo quy định của Nhà nước.

Ba là, lãnh đạo quyết tâm thực hiện thắng lợi ba khâu đột phá

(1) Lãnh đạo đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đẩy mạnh đổi mới phương pháp đào tạo và quản lý đào tạo theo hướng hiện đại. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trực tiếp phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng và tham gia có hiệu quả vào quá trình cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động đề xuất Trung ương Đảng và Chính phủ một số chương trình nghiên cứu có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

(2) Tập trung lãnh đạo xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ giảng viên có phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Chiến lược phát triển Học viện đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

(3) Hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật của Học viện, trong đó tập trung triển khai dự án “Xây dựng mô hình quản trị thông minh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”; xây dựng “Trung tâm chia sẻ tri thức quốc tế”, tăng cường trao đổi, chia sẻ tri thức, phối hợp nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, phục vụ đào tạo, bồi dưỡng theo chuẩn mực quốc tế, chất lượng cao, có tính lan tỏa lớn, mở rộng hợp tác với bên ngoài, thu hút nhân tài và tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên Học viện làm việc trong môi trường quốc tế. 

Nhìn lại nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy Học viện và các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của Ban Giám đốc Học viện và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo, nhân tố quan trọng quyết định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Học viện. Phát huy những kết quả đạt được, tranh thủ thời cơ và thuận lợi, khắc phục khó khăn, thách thức, nhiệm kỳ 2020-2025 đòi hỏi Đảng ủy Học viện, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và mỗi cán bộ, đảng viên của Học viện cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết một lòng, không ngừng đổi mới, sáng tạo để triển khai có hiệu quả cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ Học viện đã đề ra, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

__________________

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025

(1) Đến tháng 8-2020, một số đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ nghỉ quản lý và chuyển công tác. Hiện nay, Ban Chấp hành Đảng bộ có 25 đồng chí, Ban Thường vụ Đảng ủy có 8 đồng chí.

(2) Về đào tạo cao cấp lý luận chính trị: Năm 2015 là 2.443 học viên (hệ tập trung), 12.438 học viên (không tập trung) và 1.058 học viên (hoàn chỉnh); năm 2017: 3.222 học viên (hệ tập trung), 8.190 học viên (không tập trung) và 1.148 học viên (hoàn chỉnh) đến năm 2019 với 2.739 học viên (tập trung), 8.418 học viên (không tập trung) và 2.073 học viên (hoàn chỉnh). Về đào tạo đại học, sau đại học, tính đến tháng 12-2019, số học viên, sinh viên hiện đang theo học tại hệ thống Học viện gồm đại học là 19.396 học viên, sinh viên; 6.412 học viên cao học và 1.102 nghiên cứu sinh, trong đó tại Trung tâm Học viện là 1.006 học viên (đại học), 2.153 học viên (cao học) và 464 nghiên cứu sinh. Bồi dưỡng chức danh là 26.675 học viên.

(3) Ngày 18-10-2018, Giám đốc Học viện ban hành Quy chế đào tạo Cao cấp lý luận chính trị (Quyết định số 6125-QĐ/HVCTQG), đã tạo ra thay đổi khác biệt so với trước trong quản lý đào tạo, tác động trực tiếp đến quá trình tổ chức giảng dạy của giảng viên và quá trình đánh giá việc học tập, rèn luyện của học viên.

(4) Trong 5 năm qua, Học viện đã triển khai 218 đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hoặc do Trung ương giao; 148 đề tài khoa học cấp bộ trọng điểm; 348 đề tài cấp bộ; 04 dự án điều tra, khảo sát; 70 đề tài cơ sở không phân cấp; 932 đề tài cơ sở phân cấp.

(5) Nổi bật là các Chương trình: Nghiên cứu luận cứ khoa học để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở Việt Nam; Những giải pháp đột phá nhằm thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; Chương trình nghiên cứu khoa học quốc gia KX.02/16-20: “Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin - Cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới”; Chương trình cấp bộ trọng điểm giai đoạn 2019-2020: Nghiên cứu đề xuất định hướng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật”; Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; Nghiên cứu đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân...

(6) Chỉ đạo kịp thời việc tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” và triển khai thực hiện trên quy mô lớn Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18-1-2018 “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”.

(7) Giai đoạn 2015-2019, Học viện thành lập 60 đoàn thanh tra về giáo dục, đào tạo, kinh tế - xã hội; hơn 40 kết luận thanh tra các loại; tiếp nhận và giải quyết 82 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp 58 lượt công dân đến làm việc liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng

Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy,

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương