Phát triển đội ngũ nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay
TS NGUYỄN HUY PHÒNG
Viện Văn hóa và Phát triển,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(LLCT) - Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, đội ngũ nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, đội ngũ này gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhận diện đúng thực trạng để có giải pháp khắc phục là việc làm cần thiết để văn học, nghệ thuật ngày càng phát triển, đáp ứng niềm mong đợi của công chúng và đời sống nghệ thuật hiện nay.
Các tác giả nhận giải A tại Lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2021 - Ảnh: cand.com.vn
1. Vai trò của đội ngũ nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật
Trong đời sống văn học, nghệ thuật (VHNT), bên cạnh đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò nòng cốt trong sáng tạo, thực hành, gìn giữ và phát triển nền văn học nghệ thuật thì đội ngũ những nhà nghiên cứu lý luận, phê bình (NCLLPB) là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời, định hướng và thúc đẩy sự phát triển của VHNT.
Vai trò của đội ngũ NCLLPB thể hiện nổi bật ở các phương diện:
Định hướng sự phát triển của VHNT. Bằng những nghiên cứu chuyên sâu về nền tảng lý luận VHNT, đặc biệt là ở những nước có nền nghệ thuật phát triển cũng như thông qua thực tiễn đời sống VHNT, kinh nghiệm sáng tác của các nghệ sĩ lớn, người làm NCLLPB sẽ đúc kết để tìm ra quy luật vận động, bản chất, chức năng của nghệ thuật, thiên chức của người nghệ sĩ. Qua đó, góp phần định hướng về mặt lý luận, tạo phông nền tri thức cơ bản để người sáng tác, đặc biệt là những nghệ sĩ trẻ mới vào nghề nhận thức đúng và rõ bản chất và những nét độc đáo, riêng biệt của nghệ thuật so với các loại hình ý thức xã hội khác.
Lý giải những hiện tượng nghệ thuật mới, cảnh báo những hiện tượng lệch lạc trong đời sống nghệ thuật. Nghệ thuật gắn liền với quá trình sáng tạo, với những hiện tượng mới, cây bút mới, tác phẩm mới không ngừng xuất hiện. Bằng nghiên cứu lý luận có tính vượt trước, mở đường, người làm NCLLPB sẽ góp phần tích cực để những cái mới được ra đời, khẳng định. Cái mới trong nghệ thuật, trong nhiều trường hợp không dễ được công chúng, cộng đồng đón nhận, thậm chí nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Do đó, người làm NCLLPB bằng góc nhìn khách quan, biện chứng, trong sự đối sánh, tương quan đa chiều sẽ góp phần chỉ ra được cái hay, cái đẹp, mặt tích cực, tiến bộ, đặc biệt là tính phát hiện của những tác phẩm mới.
Mặt khác, bên cạnh những tín hiệu tích cực, những tác phẩm hay, xuất sắc thì trong đời sống VHNT luôn tiềm ẩn những hiện tượng phức tạp, đặc biệt là những khuynh hướng cực đoan, những biểu hiện chệch hướng của một số cây bút thiếu lập trường tư tưởng và bản lĩnh nghề nghiệp, bị dụ dỗ, lôi kéo, sẵn sàng “bẻ cong ngòi bút”, viết nên những tác phẩm có nội dung gây bất lợi đến tình hình an ninh chính trị, xuyên tạc lịch sử, bôi đen hiện thực cuộc sống, chạy theo thị hiếu tầm thường và nhu cầu giải trí thuần túy của một bộ phận công chúng mà xao nhãng chức năng, nhiệm vụ chính yếu của văn học, nghệ thuật là đề cao chân, thiện, mỹ. Những hiện tượng đó cần tiếng nói thẳng thắn, kịp thời của những nhà NCLLPB nhằm phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi, bảo đảm môi trường nghệ thuật lành mạnh, trong sạch với những giá trị nhân văn, nhân bản được thực thi, lan tỏa.
Định hướng thẩm mỹ của công chúng. Trong đời sống nghệ thuật, người làm NCLLPB vừa là người đồng hành hoặc có thể xuất hiện sau khi quá trình sáng tác của người nghệ sĩ đã hoàn tất. Họ chính là cầu nối giữa nghệ sĩ, tác phẩm với công chúng nghệ thuật. Vì thế cùng với đội ngũ phát hành, kinh doanh dịch vụ văn hóa phẩm, người làm lý luận phê bình góp phần quảng bá, giới thiệu và lan tỏa giá trị của những tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng.
Hiện nay, bên cạnh mô hình VHNT truyền thống diễn ra trong đời thực là sự xuất hiện của loại hình VHNT hiện đại thông qua mạng internet, mở ra những cơ hội mới cho người sáng tạo và cơ hội lựa chọn, tiếp cận nghệ thuật của công chúng. Tuy nhiên, trên không gian mạng, bên cạnh những tác phẩm hay, có chất lượng, không ít tác phẩm có nội dung xấu, độc, tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi của bạn đọc. Vì thế, việc đội ngũ NCLLPB nhanh nhạy, kịp thời với những bình luận sắc sảo, hấp dẫn sẽ góp phần khẳng định cái hay, cái đẹp của những tác phẩm mới; đồng thời cảnh báo những tác phẩm kém chất lượng, có nội dung lệch lạc, phản văn hóa, từ đó định hướng thị hiếu nghệ thuật của công chúng, giúp công chúng lựa chọn được những tác phẩm có giá trị, phù hợp.
Không chỉ đồng hành với đội ngũ văn nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo, với công chúng bạn đọc khi lựa chọn, tiếp nhận tác phẩm mà hành trình NCLLPB cũng là quá trình sáng tạo với những kiến giải, phát hiện mới, thú vị. Mỗi công trình NCLLPB là một sáng tạo độc đáo, làm phong phú và bổ sung thêm những giá trị, góc nhìn đa chiều về tác phẩm nghệ thuật, tôn vinh vẻ đẹp và những giá trị của tác phẩm đó trong đời sống.
2. Tình hình phát triển đội ngũ nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật
Những kết quả đạt được
Những năm qua, cùng với những chuyển biến tích cực của đội ngũ sáng tác, đội ngũ NCLLPB từng bước trưởng thành, lớn mạnh; số lượng và chất lượng các công trình NCLLPB ngày càng được nâng cao.
Nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là công chúng nghệ thuật về vai trò, vị thế của công tác NCLLPB ngày càng sâu sắc và toàn diện. Một số công trình NCLLPB chuyên sâu gây được tiếng vang lớn trong đời sống nghệ thuật; nhiều nhà nghiên cứu, lý luận phê bình trẻ xuất hiện và khẳng định được bản lĩnh, uy tín và trình độ chuyên môn.
Có được những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ NCLLPB là sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho VHNT phát triển, trong đó có lĩnh vực NCLLPB.
Từ đổi mới đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến lĩnh vực NCLLPB, như: Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 28-11-1987 của Bộ Chính trị khóa VI về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa VHNT và văn hóa phát triển lên một bước mới; Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 8-6-1989 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật; Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14-01-1993 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt; Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16-7-1998 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Việc lần đầu tiên Đảng ta ban hành nghị quyết chuyên đề về VHNT vào năm 2008, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng ta với VHNT - một lĩnh vực rất quan trọng của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.
Đánh giá về những kết quả nổi bật trong công tác NCLLPB văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới, Đảng ta khẳng định: “Công tác lý luận văn học nghệ thuật có bước đổi mới, lý giải khoa học hơn quan hệ giữa văn học, nghệ thuật với chính trị, giữa hiện thực và nghệ thuật. Tư tưởng văn học, nghệ thuật truyền thống của cha ông được quan tâm nghiên cứu. Các thành tựu văn học, nghệ thuật thế kỷ XX được đánh giá lại thỏa đáng. Một số phương pháp nghiên cứu văn học, nghệ thuật phi truyền thống được vận dụng, bước đầu đem lại kết quả tốt. Phê bình văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới có tác dụng tích cực đối với sáng tác, phát hiện cái tốt, ủng hộ cái mới, tiến bộ trong hoạt động sáng tạo”(1).
Nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển NCLLPB, Quốc hội, Chính phủ xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện về vật chất, tinh thần và môi trường làm việc thuận lợi để đội ngũ NCLLPB yên tâm công tác và cống hiến. Các chính sách của Nhà nước tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ NCLLPB chuyên nghiệp; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, tôn vinh những công trình NCLLPB văn học, nghệ thuật có giá trị; bảo đảm quyền tác giả và các quyền liên quan; về chế độ thù lao, nhuận bút đối với các công trình NCLLPB; về tiền lương và bảo hiểm xã hội, tiêu biểu như: Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và rà soát các chế độ chính sách đối với hoạt động VHNT và văn nghệ sĩ; chế độ tài trợ, đặt hàng đối với các tác phẩm VHNT; chính sách khuyến khích sáng tác trong các hoạt động VHNT thực hiện theo Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 25-4-2016 phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội văn học, nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 - 2020; Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 của Chính phủ về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 133/2018/NĐ-CP ngày 01-10-2018 của Chính phủ.
Theo đó, tác giả có tác phẩm thuộc các thể loại văn học; công trình nghiên cứu lý luận, phê bình về văn học đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định được Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; tặng Bằng Chứng nhận “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.
Để tập hợp đội ngũ, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà NCLLPB, Đảng, Nhà nước và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm, hỗ trợ về cơ sở vật chất, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, văn nghệ; thành lập các Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương và địa phương. Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gồm có các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam. Trong các hội VHNT chuyên ngành đều có các phòng ban, bộ phận chuyên trách về lĩnh vực NCLLPB.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động NCLLPB cũng như tư vấn cho Đảng, Nhà nước trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực VHNT; kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các nhân tố mới trong hoạt động lý luận, phê bình, góp phần xây dựng đời sống VHNT phong phú, lành mạnh, xây dựng nhân cách, đạo đức con người Việt Nam; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc trong VHNT, bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, ngày 10-9-2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Quyết định số 81-QĐ/TW về việc thành lập Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Đến nay, Hội đồng đã trải qua 4 nhiệm kỳ, có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác NCLLPB văn học, nghệ thuật.
Bên cạnh đó, nhằm cung ứng và tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, trình độ NCLLPB, các cơ sở đào tạo chuyên ngành về VHNT, trong đó có lĩnh vực NCLLPB đã tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng những cây bút lý luận phê bình trẻ, có tài năng. Cùng với đó, lực lượng NCLLPB trẻ đang công tác tại các viện nghiên cứu chuyên ngành, các cơ quan thông tấn báo chí thường xuyên được cử đi học tập các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về lý luận, phê bình nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của những công trình, bài viết.
Những bất cập, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đội ngũ NCLLPB văn học, nghệ thuật ở nước ta có những khó khăn, bất cập. Nghiên cứu lý luận, phê bình nghệ thuật vẫn chưa được xem là một nghề chuyên nghiệp, một bộ phận công chúng và cơ quan ban ngành chưa thực sự coi trọng, đánh giá đúng vai trò, vị trí của công tác NCLLPB. Nhiều cây bút NCLLPB trẻ không gắn bó với nghề khi mức lương, nhuận bút cho một tác phẩm, công trình lý luận, phê bình còn quá khiêm tốn so với thời gian, công sức mà họ bỏ ra.
So với lĩnh vực sáng tác, quảng bá tác phẩm, lĩnh vực NCLLPB những năm qua có sự trầm lắng. Đội ngũ các nhà lý luận, phê bình chuyên nghiệp ngày thưa vắng dẫn đến thiếu những công trình lý luận, phê bình để dẫn dắt, định hướng thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Hiện nay, đội ngũ NCLLPB chủ yếu là các nhà lý luận, phê bình “tay ngang”, “phê bình kiêm nhiệm” hoặc làm nghề “tay trái”.
Đối với các công trình NCLLPB, hiện đang thiếu vắng những công trình có tính lý luận chuyên sâu, chuyên ngành và mới dừng lại ở những bài nghiên cứu nhỏ lẻ, những bài báo mang tính chất thông tin, giới thiệu về tác giả, tác phẩm do các nhà báo, phóng viên mảng văn hóa, văn nghệ đưa tin, bình luận.
Do thiếu tính chuyên nghiệp nên khi đời sống VHNT có những hiện tượng mới, phức tạp nảy sinh, có nhiều luồng dư luận đánh giá trái chiều trước giá trị, nội dung của một tác phẩm thì lại thiếu vắng tiếng nói và sự định hướng kịp thời của các chuyên gia, nhà NCLLPB. Vì thế, NCLLPB chưa bắt nhịp được với thực tiễn sáng tác, sự kiện văn hóa và sự phát triển của đời sống VHNT.
Phê bình VHNT là một chuyên ngành hẹp, khó, đòi hỏi sự sắc sảo về lý luận và am hiểu thực tiễn, tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, nhạy bén với cái nhìn mang tính phát hiện để giúp công chúng có thêm những góc nhìn khi đánh giá, cảm nhận vẻ đẹp và sức hấp dẫn của tác phẩm. Do tính chất đặc thù nên lĩnh vực NCLLPB nghệ thuật, nhất là với các loại hình nghệ thuật truyền thống, phê bình nghệ thuật hậu hiện đại là các chuyên ngành rất khó để tuyển sinh và thu hút người học. Ở nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật, hiện đang thiếu hụt lượng lớn các chuyên gia đầu ngành, các nghệ sĩ, giảng viên có trình độ, tiêu biểu là trong lĩnh vực phê bình âm nhạc. “Số lượng hội viên nghiên cứu âm nhạc chỉ khoảng 100 trong hơn 1.000 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; còn lĩnh vực phê bình trên báo chí - truyền thông thì hiện tượng khen chê tùy tiện, PR, quảng bá trá hình thay vì tìm kiếm giá trị, vẻ đẹp đích thực của tác phẩm đã làm nhiễu loạn hệ giá trị tác phẩm trong mắt công chúng”(2). Điều này đặt ra nhiều thách thức trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, trao truyền tri thức, kinh nghiệm cho đội ngũ các nhà NCLLPB kế cận.
Nhận định về những hạn chế trong công tác lý luận, phê bình VHNT thời kỳ đổi mới, Nghị quyết của Đảng chỉ rõ: “Hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác. Lý luận văn nghệ và mỹ học mácxít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó. Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, văn hóa phê bình bị hạ thấp...” (3).
Những bất cập, hạn chế trên cần được nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, khách quan để thấy được nguyên nhân, từ đó tìm kiếm những giải pháp nâng cao chất lượng công tác NCLLPB nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay.
3. Giải pháp tăng cường đội ngũ nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật
Để tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ NCLLPB văn học, nghệ thuật đáp ứng tốt yêu cầu mới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của công tác NCLLPB và đội ngũ NCLLPB đối với sự vận động, phát triển của nền VHNT nước nhà cũng như định hướng nhu cầu, thị hiếu của công chúng nghệ thuật với khát vọng không ngừng vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ. Việc phê bình kịp thời, chính xác những hiện tượng nghệ thuật mới, phức tạp nảy sinh bằng lý luận sắc bén và những lập luận chặt chẽ sẽ tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của công chúng; bảo đảm đời sống VHNT trong sạch, lành mạnh, nhân văn, khoa học.
Hai là, đổi mới cơ chế, chính sách bằng việc xây dựng, ban hành những chính sách đặc thù, dành riêng cho lĩnh vực NCLLPB. Hiện các chính sách mới tập trung vào hỗ trợ, phát triển đội ngũ văn nghệ; khuyến khích hoạt động sáng tạo nghệ thuật, quảng bá tác phẩm, chứ chưa có chính sách riêng về lý luận phê bình. Việc hoàn thiện chính sách về lý luận phê bình với những quy định cụ thể về xây dựng, phát triển đội ngũ; về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng; chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội; xây dựng quỹ hỗ trợ hoạt động NCLLPB; vấn đề bản quyền với những tác phẩm NCLLPB... sẽ góp phần hình thành đội ngũ NCLLPB chuyên nghiệp, yên tâm công tác và tận tâm với nghề.
Ba là, quan tâm, chú trọng công tác tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ NCLLPB trẻ, bảo đảm tính liên tục giữa các thế hệ, tránh hụt hẫng. Rà soát và tăng cường chất lượng, hiệu quả các cơ sở đào tạo chuyên sâu về lý luận phê bình nghệ thuật, nhất là đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đương đại.
Thiết lập mạng lưới các cơ sở đào tạo về NCLLPB ở các trường đại học, các học viện, các viện nghiên cứu chuyên ngành, bảo đảm sự cân đối giữa các vùng, miền, các lĩnh vực nghệ thuật. Khắc phục tình trạng nhiều lĩnh vực nghệ thuật thiếu vắng các chuyên gia, nhà lý luận phê bình có chuyên môn, trình độ và bản lĩnh nghề nghiệp.
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, các hội văn học, nghệ thuật địa phương cần tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ NCLLPB từ đội ngũ hội viên của hội; đồng thời phát huy tinh thần chủ động, tích cực tham gia NCLLPB văn học, nghệ thuật của các phóng viên, biên tập viên báo chí. Các cơ quan truyền thông đại chúng cần xây dựng những chuyên trang, chuyên mục về NCLLPB với dung lượng, thời lượng tương xứng, cần thiết.
Bốn là, phát huy tinh thần trách nhiệm của các cây bút lý luận, phê bình. Trong khi chưa có chính sách cụ thể đối với lĩnh vực đặc thù này, mỗi nhà NCLLPB cần nỗ lực vươn lên, khắc phục những khó khăn, phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân và tình yêu nghệ thuật để góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng của lý luận, phê bình nghệ thuật. Người làm NCLLPB cần dấn thân, am hiểu sâu sắc thực tiễn, trau dồi bản lĩnh chính trị, đề cao dũng khí, bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái hay, cái đẹp; kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái, bảo đảm môi trường, đời sống VHNT thực sự trong sạch, lành mạnh. Người sáng tác và người phê bình phải làm chủ ngòi bút của mình, không ngừng rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ, chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân về công việc của mình... Nâng cao tính lý luận, trình độ khoa học, trình độ thẩm mỹ, hiểu biết thực tế sáng tác và thực tế cuộc sống sâu sắc hơn nữa trong công tác phê bình văn học, nghệ thuật. Các nhà nghiên cứu, phê bình cần lắng nghe và coi trọng dư luận. Phê bình phải khách quan, trong sáng, nghiêm túc và có tính chiến đấu cao, khắc phục tình trạng nể nang hoặc thô bạo, lối phê bình một chiều, hời hợt, hình thức, sách vở.
Năm là, bố trí nguồn lực cần thiết để đầu tư, xây dựng hệ thống các thiết chế văn hóa nghệ thuật (như bảo tàng, nhà hát, cung văn hóa, câu lạc bộ); hình thành các không gian sáng tạo, gặp gỡ, đối thoại để người làm NCLLPB có điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi, từ đó thể hiện năng lực, sở trường và có những cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực NCLLPB nghệ thuật.
Có chính sách tôn vinh, khen thưởng và đãi ngộ xứng đáng với những cây bút lý luận phê bình trẻ, tài năng, có những công trình, tác phẩm lý luận, phê bình hay, xuất sắc, gây được tiếng vang và có tác động lớn tới sự vận động, phát triển của nền nghệ thuật nước nhà.
Là bộ phận hữu cơ, không thể tách rời với quá trình sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ, những người làm NCLLPB cần đi trước, đón đầu, dự báo được những tình huống, kịch bản có thể xảy ra để định hướng sáng tác cũng như định hướng nhu cầu, thị hiếu của công chúng nghệ thuật.
Bối cảnh mới với nhiều khuynh hướng, trường phái, trào lưu nghệ thuật xuất hiện, bên cạnh những hiện tượng tích cực là sự xâm lăng của những tác phẩm có nội dung xấu, độc. Bằng trí tuệ, tài năng; tinh thần trách nhiệm và tình yêu nghệ thuật, các nhà lý luận, phê bình cần nỗ lực, vươn lên để khẳng định mình, có nhiều đóng góp, cống hiến, thúc đẩy VHNT phát triển, thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần giáo dục, bồi dưỡng và hình thành nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người - nguồn lực quan trọng nhất để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 545 (tháng 7-2023)
Ngày nhận bài: 5-6-2023; Ngày bình duyệt: 10-7-2023; Ngày duyệt đăng: 24-7-2023.
(1), (3) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.67, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.646, 648-649.
(2) Mai Lữ: “Chuyên nghiệp hóa đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật”, https://nhandan.vn, truy cập ngày 02-6-2023.