Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về “lãnh đạo đúng” trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay
(LLCT) - Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu những chỉ dẫn về hoạt động lãnh đạo của Đảng khi đã có chính quyền. Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong quan điểm của Hồ Chí Minh về lãnh đạo đúng, khẳng định đó là những nội dung thiết yếu về phương thức lãnh đạo của Đảng trên cơ sở Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy tối đa vai trò của nhân dân. Trên cơ sở đó làm rõ sự vận dụng sâu sắc quan điểm của Người trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta hiện nay.
Muốn lãnh đạo đúng, Đảng phải quan hệ chặt chẽ với nhân dân, luôn luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân. (Trong ảnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi các xã viên Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên) - Ảnh: thainguyen.gov.vn
Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời tháng 10-1947 gồm 6 chương, trong đó có chương V “Cách lãnh đạo”. Ở chương này, Người đã đưa ra định nghĩa mang tính kinh điển: “Lãnh đạo đúng nghĩa là: 1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta. 2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong. 3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được... muốn giải quyết vấn đề cho đúng,... người lãnh đạo ắt phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp người, với dân chúng”(1).
Theo Hồ Chí Minh, trước hết Đảng phải đề ra được đường lối đúng đắn trên cơ sở sáng kiến và nguyện vọng của nhân dân. Mọi quyết định, chủ trương lãnh đạo của Đảng phải hướng tới lợi ích cho nhân dân và vì nhân dân; lấy nhân dân làm động lực để xây dựng tổ chức và phương thức hoạt động; coi nhân dân là mục đích “cao nhất”, “tối thượng” để phục vụ một cách tốt nhất theo nguyên tắc: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(2).
Sau khi đề ra đường lối đúng, vấn đề quyết định là tổ chức thực hiện tốt đường lối. Lãnh đạo đúng không dừng ở việc định hướng mục tiêu, mà quan trọng là cả hoạt động tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu. Trong điều kiện có chính quyền, hoạt động lãnh đạo của Đảng không thể tách rời hoạt động quản lý của Nhà nước. Hồ Chí Minh coi chính quyền nhà nước là một thành tố của hệ thống chính trị, Nhà nước thực hiện việc quản lý xã hội trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, được nhân dân ủy quyền để thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, trở thành công bộc của nhân dân. Nhà nước vừa là cơ quan đại diện cho nhân dân, thực hiện quyền lực của nhân dân, vừa là cơ quan tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng.
Hồ Chí Minh coi kiểm soát là một nội dung lãnh đạo của Đảng và muốn kiểm soát đúng thì phải có quần chúng giúp sức. Người viết: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm soát khéo về sau khuyết điểm nhất định sẽ bớt đi. Song, muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín... không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà chờ người ta báo cáo, mà phải đi tận nơi, xem tận chỗ. Vì ba điều mà cần phải kiểm soát như thế. 1. Có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu. 2. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan. 3. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”(3).
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, cả ba nội dung của “lãnh đạo đúng” đều có vai trò đặc biệt quan trọng của nhân dân; phương thức để có lãnh đạo đúng chính là dựa vào nhân dân, phát huy tốt vai trò của nhân dân. Do đó, muốn lãnh đạo đúng, Đảng phải quan hệ chặt chẽ với các tầng lớp người, với dân chúng và luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân chúng. Nếu cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng thì nhất định sẽ thất bại. Theo Hồ Chí Minh, phải có sự gắn bó, phối hợp chặt chẽ giữa người lãnh đạo với nhân dân lãnh đạo mới đạt hiệu quả.
Người nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên phải biết hướng dẫn, cung cấp kiến thức, động viên, khích lệ để mỗi người dân biết cách phát huy tốt hơn tiềm năng của chính họ; chứ không phải chỉ hô hào đòi dân đóng góp; có trách nhiệm gần gũi, sâu sát để hiểu dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và giải quyết những vấn đề thiết thực cho quốc kế dân sinh. Cán bộ lãnh đạo các cấp phải tôn trọng, lắng nghe và học hỏi dân, gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, quan tâm giải quyết những kiến nghị, đề đạt của nhân dân: “Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”(4).
Người rất chú ý nâng cao chất lượng và tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ. Do đó, muốn thành công, phải loại bỏ những người mắc bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, bệnh hách dịch, cửa quyền: “Chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo. Những người mắc bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc, phải thải đi.
Ngoài ra còn có hai hạng người, cũng phải chú ý: Một là có những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và của Chính phủ... Cần phải mời các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật, để chữa tính kiêu ngạo, thói quan liêu cho họ và để giữ vững kỷ luật của Đảng và của Chính phủ. Hai là, hạng người nói suông. Hạng người này tuy là thật thà, trung thành, nhưng không có năng lực làm việc, chỉ biết nói suông... Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được. Những người như thế cũng không thể dùng vào công việc thực tế”(5).
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “lãnh đạo đúng”, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo bằng Cương lĩnh chính trị, các chiến lược lớn, các quyết sách và chủ trương lớn; Đảng ta đã ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và bổ sung, phát triển năm 2011; lãnh đạo Nhà nước ban hành Hiến pháp năm 1992 và sửa đổi, bổ sung năm 2001, Hiến pháp năm 2013; các chiến lược, các quyết sách và chủ trương lớn của Đảng được xây dựng và phát triển qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, được thể chế hóa, cụ thể hóa thành pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch hành động, tổ chức thực hiện. Các cấp ủy đảng ban hành nghị quyết, chủ trương bám sát thực tiễn và tổ chức chỉ đạo sâu sát, quyết liệt đến mọi tầng lớp nhân dân.
Về tổ chức thực hiện quyết định lãnh đạo, Đảng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục và công tác tổ chức, cán bộ.
Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước được tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn với các chương trình, kế hoạch công tác và tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Công tác tổ chức, cán bộ của Đảng được thực hiện thông qua việc Đảng giới thiệu những cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất và năng lực tham gia vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của các cấp chính quyền.
Về công tác kiểm tra, kiểm soát, thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và hành động gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị, Đảng xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý những cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, phai nhạt lý tưởng của Đảng trực tiếp làm phương hại đến vai trò lãnh đạo cũng như làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Đảng lãnh đạo thông qua hành động gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị. Các tổ chức đảng và đảng viên, nhất là tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, vừa phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng.
Việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào đổi mới phương thức lãnh đạo đã được Đảng ta quán triệt sâu sắc. Một trong những nội dung quan trọng được Nghị quyết Đại hội XII khẳng định là chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo, thay đổi lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, thực hiện sắp xếp lại bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả: “Tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn bộ hệ thống chính trị. Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp”(6).
Đại hội chủ trương hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước có chức năng tương đồng; sáp nhập các cơ quan hành chính theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; không tăng thêm các cơ quan trong các bộ, cơ quan ngang bộ; rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu cán bộ, công chức, chức danh cho từng loại công chức, từ đó xây dựng và triển khai kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn và sát với tình hình thực tế ở đơn vị, địa phương, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn mới. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đại hội XIII của Đảng đã nêu phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đổi mới phương thức lãnh đạo: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, kịp thời, đúng đắn của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; phát huy vai trò nêu gương, thúc đẩy đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị”(7). Đại hội XIII đã đặt ra và xác định những vấn đề trọng tâm về đổi mới phương thức lãnh đạo: “Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng Cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát... Các tổ chức của Đảng và đảng viên, nhất là tổ chức, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước vừa phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(8).
Đại hội XIII đã chủ trương đẩy mạnh đổi mới cách thức, hình thức, phương pháp, quy chế, quy định, quy trình làm việc của Đảng để tác động vào đối tượng lãnh đạo nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, đường lối, các nghị quyết và các nội dung lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới. Gắn đổi mới phương thức lãnh đạo với sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đại hội nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội và con người..., đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị. Tiếp tục hoàn thiện các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị... Đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm”(9).
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 540 (tháng 02-2023)
Ngày nhận bài: 28-12-2022; Ngày bình duyệt: 03-02-2023; Ngày duyệt đăng: 21-02-2023.
(1), (3), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.325-326, 327, 326-327.
(2), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4, Sđd, tr.65, 51-52.
(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.204.
(7), (8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.198, 196-197, 185.
PGS, TS LÊ VĂN CHIẾN
TS TRẦN NHẬT DUẬT
Viện Lãnh đạo học và Chính sách công,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh