Dấu ấn của đồng chí Võ Văn Kiệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
(LLCT) - Đồng chí Võ Văn Kiệt, tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, là nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Cách mạng Việt Nam, người cộng sản mẫu mực, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với 86 năm tuổi đời, 69 tuổi Đảng, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông luôn nêu cao tấm gương sáng của một đảng viên kiên trung, một lãnh đạo sâu sát thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, có những quyết định mang ý nghĩa chiến lược đối với gây dựng và phát triển phong trào đô thị Sài Gòn - Gia Định, giữ vững và phát triển phong trào Khu 9, góp phần quan trọng vào đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng.
Những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cách mạng miền Nam ở vào thời kỳ vô cùng khó khăn, cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng tiếp tục bị phá vỡ, nhiều đồng chí hy sinh. Về tổ chức, đây là giai đoạn các đảng bộ bị thiệt hại nặng nề. Hệ thống tổ chức đảng từ cấp xứ xuống đến các chi bộ bị đánh phá ác liệt. Số cán bộ cấp ủy bị thiệt hại lớn, số lượng đảng viên sụt giảm chưa từng thấy. Để các cơ quan lãnh đạo của Đảng có bộ máy tổ chức gọn nhẹ, vững chắc, dễ bám trụ hoạt động trong điều kiện bí mật, Bộ Chính trị quyết định “Bỏ Cục Trung ương miền Nam, thành lập Xứ ủy Nam Bộ và các Khu ủy”(1). Xứ ủy Nam Bộ là cấp trực thuộc Trung ương, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Nam Bộ. Phạm vi lãnh đạo của Xứ ủy gồm các Đảng bộ: Liên tỉnh miền Tây, Liên tỉnh miền Trung, Liên tỉnh miền Đông và Khu bộ Sài Gòn - Chợ Lớn. Theo chủ trương của Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Bộ, Liên tỉnh ủy miền Tây được thành lập. Đồng chí Võ Văn Kiệt giữ chức Phó Bí thư Liên tỉnh ủy miền Tây(2).
Từ cuối năm 1959, đồng chí Võ Văn Kiệt, Xứ ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Liên tỉnh ủy miền Tây được Xứ ủy điều động về Sài Gòn - Chợ Lớn. Đồng chí giữ chức Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn(3) (sau sáp nhập với Gia Định thành Khu Sài Gòn - Gia Định) thay đồng chí Nguyễn Văn Linh để khôi phục tổ chức.
Đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ đạo xây dựng địa bàn Sài Gòn - Gia Định nhằm khôi phục và phát triển lực lượng, đưa phong trào cách mạng chuyển sang một bước ngoặt mới
Trong những năm 1958 - 1959, cách mạng miền Nam ở vào thời kỳ đen tối nhất. Các đồng chí cán bộ lãnh đạo vừa phải đối phó với những cuộc ruồng bố, càn quét gắt gao của chính quyền Ngô Đình Diệm, vừa chịu sức ép lớn từ phía cơ sở và những người dân ủng hộ cách mạng. Chưa bao giờ Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Gia Định bị tổn thất và khó khăn như giai đoạn này. Hầu hết những cơ sở cũ mà đồng chí Võ Văn Kiệt nhận bàn giao đều vỡ. Nhiều khu ủy viên vừa nối được liên lạc đã bị bắt. Nhiều đồng chí lãnh đạo từ khu ủy, tỉnh ủy đến huyện ủy, quận ủy bị bắt, hy sinh.
Đồng chí Võ Văn Kiệt (lúc này bí danh là Chín Dũng) cùng các đồng chí lãnh đạo nhanh chóng nắm số đảng viên còn lại của Sài Gòn - Chợ Lớn, tiến hành ráo riết công tác giáo dục chính trị tư tưởng và sắp xếp tổ chức. Qua thực tiễn, đồng chí nhận thấy nội thành Sài Gòn không thể tách rời với vùng nông thôn ngoại thành thuộc tỉnh Gia Định, cơ quan lãnh đạo thành phố cũng không thể không có vùng căn cứ ở nông thôn để đứng chân.
Đồng chí Võ Văn Kiệt nhận thấy phương thức đồng khởi kết hợp chính trị, vũ trang giành chính quyền làm chủ nông thôn có mặt không phù hợp với vùng đô thị. Vũ trang ở đô thị không phải chỉ là chuyện "đánh đấm" - muốn đánh một trận hiệu quả ở đô thị thì phải chuẩn bị nhiều năm, với nhiều lực lượng phối hợp, đặc biệt phải dựa vào thế hợp pháp của người dân vùng địch, dựa vào các khu xóm lao động để lập kho vũ khí, phát huy khả năng dân vận của chiến sĩ biệt động. Đánh một đòn hiểm ở đô thị thì ảnh hưởng chính trị gấp nhiều lần một trận đánh ở nông thôn. Thế nhưng nếu địa bàn bị chia cắt, nội đô bị đơn độc trong chiến đấu thì phong trào đô thị khó lên. Nông thôn là nơi cách mạng có cơ sở vững chắc. Có thể tạo thế liên hoàn giữa nông thôn và đô thị nếu phối hợp được nhuần nhuyễn 3 vùng chiến lược: nông thôn, rừng núi và đô thị. Nông thôn ngoại thành từng bước giành được thế làm chủ, sẽ là căn cứ của lực lượng cách mạng khu Sài Gòn - Gia Định, nơi đứng chân và nơi xây dựng đào tạo các loại lực lượng hậu cần, bảo đảm hỗ trợ, xung kích... cho hoạt động vũ trang - chính trị ở vùng ven đô và nội đô. Có được sự hỗ trợ từ thế liên hoàn đó thì xây dựng được lực lượng, tiến hành được những trận đánh ngay trong lòng địch, có tác động chính trị hết sức lớn(4).
Nhanh chóng nắm bắt và đánh giá tình hình, đồng chí kiến nghị với Xứ ủy sáp nhập hai Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Gia Định(5). Mục tiêu chiến lược là: lấy Gia Định làm bàn đạp thâm nhập Sài Gòn - Chợ Lớn. Để tạo ra một thế trận mới và điều kiện thực hiện nhiệm vụ mới trên cơ sở thống nhất địa bàn trong và ven đô, từ ý kiến đề xuất thận trọng và sắc sảo của đồng chí Võ Văn Kiệt, đầu năm 1960, Xứ ủy chấp thuận giải thể Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định, hợp nhất thành lập Khu Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư(6). | Với tầm tư duy chiến lược, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở, ở mỗi giai đoạn đầy khó khăn, thử thách, đồng chí Võ Văn Kiệt trên những cương vị khác nhau, đã đóng góp quan trọng vào quá trình lãnh đạo cách mạng trên từng địa bàn được phân công, khôi phục, giữ vững và phát triển tổ chức, phong trào cách mạng, hơn nữa là góp phần quan trọng vào đường lối chỉ đạo cách mạng của Đảng trong những thời điểm khó khăn, quyết liệt. Ðồng chí là hình ảnh cao đẹp về một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, một người cộng sản chân chính trong trái tim của nhân dân. |
Quyết định này có ý nghĩa chiến lược thúc đẩy sự khôi phục và phát triển của phong trào. Địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn và Gia Định tạo nên một vùng chiến lược có các lợi thế về thiên thời, địa lợi, nhân hòa trong phương châm 3 vùng chiến lược của cách mạng Việt Nam. Cuối năm 1959 đầu 1960, phong trào cách mạng Nam Bộ có những chuyển biến mới quan trọng, bắt đầu chuyển sang thế tiến công. Phong trào đồng khởi ở nông thôn đã tác động mạnh đến khu Sài Gòn - Gia Định. Từ tháng 2-1960, nhân dân nhiều vùng nông thôn ở Gia Định nổi dậy giành quyền làm chủ xóm, ấp. Ở nội thành Sài Gòn - Gia Định, Thành ủy chủ trương đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, chĩa mũi nhọn vào chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, kết hợp với đòi quyền dân sinh, dân chủ cho quần chúng lao động.
Qua 2 đợt Đồng khởi, đến giữa năm 1961, vùng nông thôn ngoại thành Sài Gòn - Gia Định đã có 30 xã được giải phóng, giáp liền với vùng giải phóng của Tây Ninh, Bình Dương, tạo ra vùng căn cứ tương đối an toàn cho Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và cả Xứ ủy Nam Bộ(7). Địa bàn này thực tế đã trở thành "vành đai đỏ" để đánh địch. Vùng ven Gia Định luôn là bàn đạp để các lực lượng biệt động đứng chân, thường xuyên hoạt động, tập kết quân cho những trận đánh lớn, bí mật chuẩn bị cho các bước, các điều kiện bảo đảm để tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của lực lượng biệt động và các tiểu đoàn mũi nhọn, cùng một lúc tấn công vào nội đô. Địa bàn vùng ven thành phố cũng là nơi triển khai 5 cánh quân tiến vào giải phóng thành phố Sài Gòn mùa Xuân 1975.
Đây là thành công lớn có đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt với tư duy và sự chỉ đạo nhạy bén ở một địa bàn trọng yếu Sài Gòn - Gia Định.
Tích cực, nhanh chóng, kiên quyết chỉ đạo xây dựng lực lượng, cơ sở cách mạng nội thành
Sau khi hợp nhất, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định với sự chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Khu ủy, chủ trương rút kinh nghiệm về tổ chức và công tác bí mật, chấn chỉnh phương thức hoạt động bí mật, ngăn cách giữa bí mật và công khai nhằm bảo tồn và tích lũy lực lượng lâu dài.
Tiếp thu sự chỉ đạo của Xứ ủy, quán triệt Nghị quyết Trung ương 15 và Nghị quyết Khu ủy, đồng chí Võ Văn Kiệt chủ trương: bằng mọi cách, nhanh chóng, kiên quyết đưa nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nòng cốt bí mật có nguy cơ bị giặc bắt vào ngay vùng căn cứ Tây Ninh, Củ Chi. Trong 9 tháng đầu năm 1960, gần trăm cán bộ của phong trào thanh niên học sinh, sinh viên nội thành Sài Gòn được tạm thời điều lắng ra vùng căn cứ.
Đồng chí Võ Văn Kiệt đã tích cực chỉ đạo kết hợp với việc điều hành cơ sở cách mạng nội thành để tổ chức các lớp học chính trị, gấp rút đào tạo một đội ngũ đông đảo cán bộ có trình độ chính trị, năng lực công tác đáp ứng phong trào cách mạng của thanh niên học sinh, sinh viên (TNHSSV) Sài Gòn - Gia Định.
Giữa năm 1960, Khu ủy mở nhiều lớp đào tạo cán bộ cốt cán cho phong trào đô thị và nông thôn. Các lớp học tại vùng căn cứ "Rừng Già" tại căn cứ Dương Minh Châu (Bắc Tây Ninh), căn cứ "Rừng Xanh" vùng Bời Lời (xã Đông Thuận, Tây Ninh) đã đào tạo cho phong trào những cán bộ ưu tú đầu tiên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức lớp "Rừng Già", đồng chí Võ Văn Kiệt tích cực chuẩn bị xây dựng lại tập thể lãnh đạo TNHSSV khu Sài Gòn - Gia Định để nhanh chóng thay thế Ban vận động HSSV thành phố Sài Gòn bị đánh phá thiệt hại nghiêm trọng. Đây là sự chỉ đạo kịp thời và có tính chiến lược, quyết định đối với phong trào TNHSSV khu Sài Gòn - Gia Định.
Xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang phù hợp thực tiễn cách mạng đô thị Sài Gòn - Gia Định
Qua thực tiễn phong trào, đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Khu ủy nhận thấy cách tổ chức lực lượng vũ trang như ở các tỉnh đồng bằng Nam Bộ có vùng giải phóng rộng lớn chỉ thích hợp với địa bàn huyện Củ Chi, còn các huyện khác phải có hình thức tổ chức du kích, tự vệ thích hợp. Đó là tổ chức du kích mật, tự vệ mật, hoạt động theo phương châm: đánh đau, đánh hiểm nhưng không gây tiếng vang, giấu được mình để tồn tại được lâu dài ở các vùng địch còn chiếm đóng hoặc đang tranh chấp. Sự chỉ đạo kịp thời, phù hợp đã tạo cho phong trào chiến tranh du kích với lực lượng du kích, tự vệ công khai và bí mật phát triển thêm nhanh, đánh địch càng có hiệu quả(8).
Năm 1961, Trung ương Cục miền Nam được thành lập. Đồng chí Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) giữ trọng trách Ủy viên Trung ương Cục miền Nam(9).
Thực hiện chủ trương của Thường vụ Trung ương Cục về uốn nắn những lệch lạc trong và sau đồng khởi, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chủ trương lọc lại và củng cố các cơ sở cũ đã có, đồng thời đi sâu nhanh chóng xây dựng và phát triển cơ sở mới. Nhằm khai thác khả năng cách mạng và để thích hợp với từng đối tượng ngành, giới, Khu ủyđã thành lập các Ban vận động, tập trung cho phát triển thực lực cách mạng và công tác nội thành(10).
Đồng chí Lê Đức Anh nhớ về giai đoạn này, năm 1963, khi được cử vào Nam, về Bộ Chỉ huy Miền, sau khi ông báo cáo với Trung ương Cục ý kiến chỉ đạo (đồng chí Lê Đức Anh nhấn mạnh là “Ý kiến của anh Lê Duẩn và anh Văn Tiến Dũng”), theo đó: Phải xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang cả trong đô thị và vùng ven. Đồng chíTrần Văn Trà, Tư lệnh Miền nói: “Vấn đề đô thị phải mời anh Sáu Kiệt”(11). Đồng chí Võ Văn Kiệt khi đó đang ở Củ Chi, được mời ngay lên Miền để nghe chủ trương mới.
Thành công trong lãnh đạo cách mạng được đồng chí Võ Văn Kiệt đề ra là phải xây dựng được lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang trong nội thành Sài Gòn - Gia Định. Vũ trang là xây dựng biệt động giữa Sài Gòn. Biệt động hay trinh sát phải là người tại chỗ. Trên cương vị Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo làm và làm kiên quyết. Những đội biệt động Sài Gòn được thành lập và trở thành một lực lượng vũ trang đặc biệt nằm ngày trong sào huyệt địch.
Nhờ chuyển hướng chỉ đạo, trong vài năm, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã xây dựng được 8 tiểu đoàn biệt động, có khả năng tiến công địch ngay trong nội đô, không kể hai tiểu đoàn tập trung của nông thôn Gia Định. Những trận đánh xuất sắc là trận đánh ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tháng 1-1964, diệt nhiều phi công Mỹ; trận đánh rạp chiếu bóng Kinh Đô dành riêng cho sĩ quan Mỹ ngày 16-2-1964 diệt hàng chục tên; trận đánh chìm chiến hạm Card trọng tải 15.000 tấn ngay trên sông Sài Gòn ngày 1-5-1964... Đặc biệt trận đánh sập khách sạn Brinh, nơi trú đóng của hơn 200 sĩ quan Mỹ, trận đánh tòa Đại sứ Mỹ ở đường Hàm Nghi đầu năm 1965 làm Phó Đại sứ Mỹ bị thương. Đó là những đòn phủ đầu quân viễn chinh Mỹ khi chúng đang chuẩn bị vào miền Nam Việt Nam.
Khu ủy dưới sự chỉ đạo sắc sảo của Ban Thường vụ và người đứng đầu là Bí thư Võ Văn Kiệt đã chèo lái cuộc đấu tranh ở đô thị qua nhiều bước ngoặt, phối hợp cùng quân và dân miền Nam tiến vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968(12).
Nhờ tài năng chỉ đạo và tầm nhìn xa của một đồng chí lãnh đạo lớn trong kháng chiến, đặc biệt trong lãnh đạo phong trào đô thị, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã vượt qua thời kỳ mai phục, từ mức độ tiến công lẻ tẻ, đơn tuyến, hoặc với từng tổ nhỏ, đã đạt trình độ đánh được những đòn thối động có ảnh hưởng trong và ngoài nước với những đơn vị qui mô lớn, có các bộ phận trinh sát, hậu cần, xung kích..., có khả năng trở thành những mũi đột phá những điểm hiểm yếu, như đã diễn ra trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.
2. Đồng chí Võ Văn Kiệt kiên quyết chỉ đạo giữ đất, giữ dân, chống địch lấn chiếm, kiên định con đường bạo lực cách mạng để giành thắng lợi cuối cùng
Năm 1969, Trung ương Cục cử đồng chí Võ Văn Kiệt về làm Bí thư Khu ủy Khu 9 (T3). Năm 1972, đồng chíVõ Văn Kiệt được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, tiếp tục làm Bí thư Khu ủy Khu 9. Từ sau Hiệp định Paris ký kết đến năm 1975, đồng chí Võ Văn Kiệt được điều về công tác ở Trung ương Cục, là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam phụ trách Mặt trận, dân vận và binh vận.
Trước khi về căn cứ Khu ủy Khu 9, đồng chí Võ Văn Kiệt đi một số tỉnh vừa nắm tình hình thực tế vừa chỉ đạo trực tiếp, rồi mới về họp với Khu ủy và Quân ủy. Tình hình đã nắm chắc rồi, nghe báo cáo tại cuộc họp chỉ để tham khảo thêm. Đồng chí Phạm Văn Hùng: "Có thể coi đây là một trong những phong cách làm việc của Anh Tám Thuận (tên hoạt động ở Khu 9): sâu sát cơ sở, thực tế, nắm chắc tình hình, từ thực tế và đường lối chủ trương của Đảng mà đề ra chủ trương, nghị quyết sát đúng, phù hợp"(13).
Đồng chí Võ Văn Kiệt nắm tình hình và truyền đạt Nghị quyết 10 của Trung ương Cục. Đồng chí Võ Văn Kiệt cùng các đồng chí trong Khu ủy bằng đường công khai hợp pháp xuống cơ sở để kiểm tra, nắm lại phong trào(14). Đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ đạo “phải mở rộng công tác dân vận. Muốn lôi kéo dân về phải tập trung công tác binh vận, lôi kéo dân, lôi kéo thanh niên cầm súng cho địch trở về. Muốn thắng địch phải đẩy mạnh hoạt động vũ trang"(15).
Nhờ có chủ trương đúng đắn, cán bộ kiên quyết bám cơ sở, đến cuối năm 1971, phong trào Khu 9 hồi phục và phát triển đều.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trước tình hình địch vi phạm Hiệp định, Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu, một mặt điện xin ý kiến của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Trung ương Cục, về mặt quân sự xin ý kiến của Bộ Chỉ huy Miền; một mặt quyết tâm đưa phong trào tiến công và phản công trừng trị quân địch vi phạm Hiệp định Paris, trước mắt đẩy lùi và làm thất bại kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm và bình định Chương Thiện của đối phương.
Đồng chí Võ Văn Kiệt cho rằng: Mệnh lệnh tối cao lúc này là phải giữ đất, giữ dân. Đồng chí Võ Văn Kiệt điện cho Trung ương Cục và Bộ Chính trị: Nếu không chống địch lấn chiếm, để mất đất, mất dân lúc này là mất tất cả.
Trên thực tế, trong quá trình đấu tranh với địch, nhất là sau khi Mỹ rút quân (29-3-1973), ta đã bộc lộ những thiếu sót khuyết điểm: "Một số ít đồng chí trong cơ quan lãnh đạo đã có xu hướng hoà hoãn, chủ trương ngừng tiến công một thời gian, xoá bỏ hình thái da báo, để ổn định mặt trận. Tuy nhiên, sau các cuộc thảo luận trong Bộ Chính trị và có ý kiến các chiến trường, xu hướng ấy đã không được chấp nhận"(16).
Đặc biệt tại Hội nghị binh vận Miền (họp tháng 4-1973) lại đề ra "5 cấm chỉ"(17) và chỉ đạo không được dùng vũ trang đánh địch... Đây là sai lầm lớn của lãnh đạo, gây ảnh hưởng xấu tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, để mất đất mất dân. Những thiếu sót, khuyết điểm trong nhận thức tình hình và lãnh đạo đấu tranh dẫn đến ở một số địa bàn quan trọng, nhất là các tỉnh thuộc Khu V,VI, VII, để địch đẩy mạnh lấn chiếm, bình định đã giành được một số đất và dân thuộc vùng làm chủ của ta(18).
Hội nghị Thường vụ Trung ương Cục họp từ ngày 9 đến 10-3-1973, thống nhất nhận định tình hình miền Nam và nhấn mạnh nhiệm vụ cụ thể của cách mạng miền Nam trong giai đoạn trước mắt là ngoài bạo lực vũ trang, chính trị, cần phải phát huy tác dụng của Hiệp định, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự và pháp lý; tùy tình hình từng vùng, từng nơi để lựa chọn, vận dụng phương châm, phương thức đấu tranh chính trị hay vũ trang cho thích hợp.
Ở Tây Nam Bộ, ngay từ cuối tháng 1 đầu tháng 2-1973, Ban Thường vụ Khu ủy họp bất thường và sau đó triệu tập Hội nghị mở rộng, thảo luận và nhất trí với nhận định của Ban Thường vụ Trung ương Cục.
Do đặc điểm Khu 9 là vùng đồng bằng đông dân, ta và địch trong thế cài răng lược, nếu ta co lại, địch sẽ lấn tới ngay. Ta mất đất, mất dân là mất thế chiến lược. Khu ủy chủ trương, trong bất cứ tình huống nào cũng không được bỏ đất, bỏ dân. Hội nghị Thường vụ Khu ủy chủ trương tiếp tục tiến công, lấy đấu tranh vũ trang làm nòng cốt cho đấu tranh chính trị và binh vận. Chủ trương này được các cấp từ Khu đến cơ sở nhất trí cao.
Hội nghị Thường vụ Khu ủy nhận thấy Trung ương Cục phần nào chưa sát và chưa nắm chắc tình hình đặc điểm của Khu 9, nên chủ trương của Trung ương Cục (lấy đấu tranh chính trị làm chính - kết hợp đấu tranh vũ trang, rút phần lớn lực lượng vũ trang về tập trung chỉnh huấn) không phù hợp đối với Khu 9(19).
Khu ủy đã rút kinh nghiệm xương máu trong những năm thi hành Hiệp định Giơnevơ, giai đoạn Mỹ lật lọng không chịu ký Hiệp định Paris. Khu ủy yêu cầu các cấp chấp hành nghiêm chỉnh Nghị quyết của Thường vụ, nơi nào bỏ đất, bỏ dân là cấp ủy nơi đó có tội lớn với Đảng, với dân.
Đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng với Thường vụ đưa ra “Kế hoạch thời cơ” ngay khi Hiệp định Paris đang được chuẩn bị ký kết, kịp thời bẻ gãy Chiến dịch “Tràn ngập lãnh thổ” của Tổng thống Việt Nam cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu.
Theo tinh thần đó, quân và dân miền Tây Nam Bộ vừa đánh địch bình định lấn chiếm, vừa tố cáo địch vi phạm Hiệp định Paris và đã giành được những thắng lợi bước đầu. Sau hai tháng, bằng kinh nghiệm và thực tiễn ở chiến trường, Khu ủy Tây Nam Bộ kiên trì đề nghị Trung ương Cục và Trung ương Đảng chủ trương: "Đẩy mạnh ba mũi tiến công kết hợp pháp lý của Hiệp định Paris, kiên quyết chặn bàn tay hiếu chiến của Mỹ - ngụy" và nêu rõ: "nếu không chống địch lấn chiếm thì không còn đất để ở, mất dân, mất đất thì không còn gì cả".
Khó khăn của Khu 9 lúc đó là làm thế nào để vận dụng được và chấp hành chủ trương của cấp trên. Khu ủy xác định chịu trách nhiệm trước Trung ương về chủ trương của mình. Tháng 4-1973, Trung ương Cục triệu tập Hội nghị rút kinh nghiệm. Đồng chí Võ Văn Kiệt được cử đi dự Hội nghị, với chủ trương và quan điểm đã được thống nhất trong Thường vụ Khu ủy. Sau khi nghe báo cáo, các đồng chí Trung ương Cục tán thành chủ trương của Khu 9.
Bộ Chính trị sau đó đã triệu tập đại diện các khu, đại diện Trung ương Cục, đại diện Bộ Tư lệnh Miền ra Hà Nội. Ngày 30-4-1973, đồng chí Võ Văn Kiệt ra Trung ương họp, báo cáo tình hình. Mặc dù lúc đầu còn có những ý kiến trái ngược nhau, nhưng chủ trương và đề nghị của Khu ủy Tây Nam Bộ được đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục ủng hộ và được đồng chí Võ Văn Kiệt phản ảnh trực tiếp thực tế chiến trường tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (7-1973). Sau nhiều tuần tranh luận, Chiến trường Khu 9 đã là một thực tế có sức thuyết phục cao, chủ trương sau Hiệp định Paris được Bộ Chính trị xác định lại: Tiếp tục con đường bạo lực cách mạng.
Với tầm tư duy chiến lược, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở, ở mỗi giai đoạn đầy khó khăn, thử thách, đồng chí Võ Văn Kiệt trên những cương vị khác nhau, đã đóng góp quan trọng vào quá trình lãnh đạo cách mạng trên từng địa bàn được phân công, khôi phục, giữ vững và phát triển tổ chức, phong trào cách mạng, hơn nữa là góp phần quan trọng vào đường lối chỉ đạo cách mạng của Đảng trong những thời điểm khó khăn, quyết liệt. Ðồng chí là hình ảnh cao đẹp về một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, một người cộng sản chân chính trong trái tim của nhân dân.
_________________
Ngày nhận: 12-11-2022; Ngày bình duyệt: 17-11-2022; Ngày duyệt đăng: 22-11-2022.
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.281.
(2) Phó Bí thư Liên tỉnh ủy miền Tây (1954-1960), Phó Bí thư Khu ủy Khu 9 năm 1957-1959. Xem Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Viện Lịch sử Đảng. GS, TS Trịnh Nhu (Chủ biên): Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.1431.
(3) Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định 1960-1964 và 1966-1970.
(4) Theo Nguyễn Trọng Xuất: Đồng chí Võ Văn Kiệt với lực lượng vũ trang đô thị, In trong Dấu ấn Võ Văn Kiệt, Tạp chí Xưa và Nay - Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2008, tr.125-127.
(5),(7),(8) Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, tập II (1954-1975) Sơ thảo, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.95, tr.102, tr.101
(6), (10)Lịch sử Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.316-317, tr.334.
(9) Xem Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Viện Lịch sử Đảng. GS, TS Trịnh Nhu (Chủ biên): Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.1385.
(11) Nhiều tác giả: Võ Văn Kiệt người thắp lửa, NXB Trẻ, 2010, tr.21.
(12) Ngày 27-9-1967, đồng chí Lê Đức Thọ điện gửi đồng chí Nguyễn Văn Linh thông báo một số tình hình và chỉ đạo việc bố trí nhân sự cho Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Theo đó, đồng chí Võ Văn Kiệt làm Phó Bí thư Khu ủy, trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Tháng 7-1968, Bộ Chỉ huy Miền quyết định các phân khu giao lại địa bàn các quận nội thành lại cho Phân khu 6. Thành ủy Sài Gòn - Gia Định được tăng cường do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư[1].
(13) Nhiều tác giả: Võ Văn Kiệt người thắp lửa, Nxb Trẻ, 2010, tr.23.
(14), (19) Bài nói chuyện của đồng chí Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) Bí thư Thành ủy Sài Gòn, nguyên là Bí thư Khu ủy Khu 9 cũ, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30-12-1975. Tài liệu lưu Phòng tư liệu Viện Lịch sử Đảng.
(15) Theo cuốn Dấu ấn Võ Văn Kiệt, Tạp chí Xưa và Nay - Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2008, tr231.
(16) Võ Nguyên Giáp: Đồng chí Lê Duẩn - Người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam (trong cuốn Lê Duẩn - Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.39-40).
(17) "5 cấm chỉ": Cấm tiến công địch; cấm đánh địch đi càn quét, lấn chiếm; cấm bắn pháo vào đồn địch; cấm bao vây đồn bốt địch; cấm xây dựng xã ấp chiến đấu. Ngoài 5 cấm chỉ trên, Trung ương Cục còn chỉ đạo các cấp phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pari, không được dùng vũ trang đánh địch và dùng đấu tranh chính trị làm chính. (Tây Nam Bộ 30 năm kháng chiến, xuất bản 12-2000, tr.707).
(18) Tính đến giữa năm 1973, ở Khu V, địch đã lấn chiếm 320 ấp, 26 vạn dân; Khu VI và VII ta mất 308 ấp, 29 vạn dân; Khu VIII mất 120 ấp và 10 vạn dân.
PGS, TS TRỊNH THỊ HỒNG HẠNH
Viện Lịch sử Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh