Nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên các trường chính trị về nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
(LLCT) - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sau 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, xuất phát từ vị trí, vai trò là những “chiến sỹ tiên phong” trên mặt trận tư tưởng, lý luận ở các địa phương, cán bộ, giảng viên các trường chính trị đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, từ đó tích cực tham gia thực hiện nhiều nội dung, cách thức nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này. Tuy nhiên, trước yêu cầu của thực tiễn, đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, đồng bộ và hiệu quả để nâng cao hơn nữa nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường chính trị, từ đó đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh mới.
Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng - Ảnh: Internet
Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(1).
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người, từ Đại hội VII (1991), Đảng ta khẳng định “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(2).
Căn cứ vào bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế, căn cứ vào nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng ta đều đề ra những chủ trương, đường lối, chỉ đạo phù hợp, cụ thể về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong đó, Nghị quyết khẳng định: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước(3).
Tại Đại hội XIII (năm 2021) Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh và khẳng định: “Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam”(4). “Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(5).
Trường chính trị, với chức năng “tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương”(6), các trường chính trị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là trường chính trị) có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Quán triệt phương châm có tính nguyên tắc là kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả, ngay sau khi Nghị quyết 35 được ban hành, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có Hướng dẫn số 475-HD/HVCTQG-TCT về việc triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hướng dẫn 475 đã cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của các trường chính trị, nhấn mạnh việc quán triệt trong đảng bộ, chi bộ, học viên nhà trường về ý nghĩa, tầm quan trọng, vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, đặc biệt, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Hướng dẫn 475 cũng nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp của các trường chính trị trong việc lồng ghép nội dung Nghị quyết 35-NQ/TW vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng; vào tài liệu học tập của nhà trường; vào hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, cũng như trong công tác thông tin, tuyên truyền của nhà trường. Nhờ đó các trường chính trị không gặp khó khăn, lúng túng trong việc tổ chức triển khai quán triệt Nghị quyết 35; trong việc vận dụng Nghị quyết vào công tác chuyên môn, gắn việc thực hiện Nghị quyết với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị.
Sau hơn 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII, với sự chỉ đạo của các tỉnh ủy/thành ủy, sự hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp, cách thức nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Các trường đã từng bước chú trọng lồng ghép, tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong từng bài giảng của giảng viên; mở chuyên mục hoặc xây dựng các tuyến bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên website, trang tin điện tử của nhà trường. Đồng thời, tổ chức cho cán bộ, giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, tăng cường viết bài đăng tải trên các kênh truyền thông như: tạp chí, sách, báo, bản tin, tham gia đấu tranh trên không gian mạng theo định hướng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 các tỉnh ủy, thành ủy(7).
Bên cạnh đó, các trường chính trị đã tập trung đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gắn công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các Nghị quyết Trung ương khóa XII, khóa XIII... qua đó góp phần nâng cao nhận thức, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, giảng viên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, giảng viên các trường chính trị chưa thật sự có nhận thức và thái độ đúng đắn về tính cấp thiết, tầm quan trọng và nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt là chưa nhận diện đúng và trúng các quan điểm sai trái, thù địch của các tổ chức, cá nhân chống đối, cơ hội chính trị(8). Do vậy, đội ngũ này chưa có những hoạt động tương xứng để tham gia tích cực, thiết thực và hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Trong bối cảnh mới, trước sự chống phá ngày càng tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, đòi hỏi phải tiếp tục quan tâm nâng cao hơn nữa nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên của các trường chính trị về tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường chính trị về nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Công tác này cần được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, linh hoạt, lôi cuốn, hấp dẫn, như: thông qua trao đổi trong các buổi sinh hoạt chuyên môn; các buổi sinh hoạt chuyên đề ở chi bộ, sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức chính trị - xã hội trong nhà trường (công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh,…), tổ chức tọa đàm, hội thảo, viết bài chính luận, thuyết trình… về nhận diện âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch và đấu tranh phản bác, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ hai, chú trọng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, giảng viên các trường chính trị.
Đảng ta luôn coi rèn luyện và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng.
Trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch phản động luôn lợi dụng mọi sơ hở, yếu kém, lợi dụng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để lôi kéo, tuyên truyền, nhằm làm suy yếu nội bộ từ bên trong, làm cho cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì yêu cầu rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ giảng viên các trường chính trị càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi, nếu không có bản lĩnh chính trị, không có niềm tin son sắt vào Đảng, Nhà nước thì chỉ một phút lung lay, ngả nghiêng, mơ hồ, băn khoăn,… của giảng viên lý luận chính trị là họ có thể truyền tải đến học viên sự nghi ngờ, chao đảo, mất niềm tin vào Đảng, chính quyền, cơ quan, chế độ,…
Do đó, yêu cầu quan trọng, tiên quyết trong bối cảnh mới hiện nay là mỗi cán bộ, giảng viên các trường chính trị phải trau dồi, hun đúc lý tưởng cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị để luôn vững vàng, không dao động về tư tưởng chính trị, không ngả nghiêng, mơ hồ, dao động trong đấu tranh, để họ luôn nhận rõ phải, trái, giữ vững lập trường; tận trung với nước, tận hiếu với dân, quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.
Đây là yêu cầu vừa cấp bách, vừa thường xuyên của các trường chính trị, cũng như của từng chi bộ, tổ đảng, từng đảng viên trong nhà trường. Để làm được điều đó, cần triển khai nghiêm túc việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 15-10-2021 Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về 19 điều đảng viên không được làm, các quy định về nêu gương, tu dưỡng đạo đức cách mạng, thực hiện phê bình và tự phê bình nghiêm túc trong Đảng… để ““phú quý không dụ dỗ được ta, nghèo khổ không lay động được ta, oai lực không dọa nạt được ta”. Mà khó khăn gì chúng ta cũng vượt qua được, việc gì chúng ta cũng làm được”(9).
Thứ ba, chú trọng giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường chính trị.
Việc thường xuyên, tăng cường, chú trọng học tập lý luận chính trị có đóng góp rất lớn trong việc tăng cường nhận thức, thái độ và từ đó có hành vi đúng đắn trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã nêu rõ một trong chín biểu hiện của suy thoái về chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên là “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Bởi vậy, việc thường xuyên học tập lý luận chính trị, làm tốt công tác chính trị - tư tưởng là vấn đề luôn luôn phải đặt lên hàng đầu trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, “Công tác chính trị - tư tưởng có nhiệm vụ làm cho thế giới quan Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thấm nhuần trong Đảng và giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; nâng cao ý chí phấn đấu, xây dựng niềm tin vững chắc vào con đường xã hội chủ nghĩa”(10).
Thứ tư, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW tại các trường chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới, đi đôi với kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả thực hiện.
Quá trình học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết 35 trong cuộc sống phải được thường xuyên chú trọng, gắn kết chặt chẽ với thực tiễn cuộc sống, đi liền với xây dựng chương trình hành động của tổ chức, cá nhân và có kiểm tra, giám sát. Công tác phổ biến, quán triệt Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được triển khai ở các trường chính trị. Tuy nhiên, việc quán triệt nghị quyết không phải một lần là xong. Mỗi giai đoạn, chương trình kế hoạch hành động cần được đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị, thực tiễn cuộc sống đặt ra. Cán bộ, đảng viên thuộc lĩnh vực nào cần quán triệt cụ thể vào lĩnh vực đó. Thực hiện chương trình hành động chính là thực hiện nghị quyết, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Các trường chính trị cần có kế hoạch chi tiết, cụ thể về việc lồng ghép, tích hợp công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong chương trình nghiên cứu khoa học hằng năm theo tiến trình, lộ trình, nhiệm vụ cụ thể. Những trường chưa xây dựng chuyên mục, chưa đăng tải các bài viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên website hoặc cổng thông tin điện tử của nhà trường, cần khẩn trương triển khai, có quy chế cụ thể yêu cầu bắt buộc các giảng viên lý luận chính trị phải có bài đăng trên website, cổng thông tin, các bản tin, tạp chí của nhà trường, của các cơ quan Đảng, đoàn thể,… có quy định cụ thể về tính điểm thi đua đối với những giảng viên có bài đăng.
Các trường chính trị cần có những quy chế, quy định cụ thể, lồng ghép vào nội dung thi đua, đánh giá đối với cán bộ, giảng viên các trường chính trị về việc tham gia viết bài tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách cụ thể để mỗi cán bộ, giảng viên các trường chính trị tự giác, trách nhiệm, hứng thú trong việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, thông tin tuyên truyền.
Trên cơ sở đó, tích cực tham gia vào việc tham mưu, tư vấn xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương; tham gia góp ý, phản biện vào các quyết sách trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp từ Trung ương đến địa phương, qua đó, góp phần vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; cần có chế độ khen thưởng, kỷ luật kịp thời, đúng người, đúng việc. Đối với những cá nhân vi phạm (như đăng thông tin trên mạng xã hội có nội dung sai lệch, chia sẻ thông tin sai trái, lệch lạc, phản động,…) cần có hình thức xử lý thích đáng.
Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên được tham gia học tập các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị như: cao cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các lớp cập nhật kiến thức, các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành, trong đó kết hợp bổ sung kiến thức về chính sách, pháp luật của Nhà nước, lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…
Để làm được những vấn đề nêu trên, mỗi trường cần có cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm nhân lực, vật lực, tài chính, thời gian cho hoạt động này đạt hiệu quả cao nhất.
_________________
Ngày nhận bài: 12-12-2022; Ngày bình duyệt: 14-12-2022; Ngày duyệt đăng: 15-12-2022.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.289.
(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.151.
(3) Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
(4), (5) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.40-41., 33
(6) Ban Chấp hành Trung ương: Quy định số 09-/Qđi/TW ngày 13-11-2018 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
(7) Theo một kết quả khảo sát năm 2021-2022, trong số 993 cán bộ, giảng viên của 23 trường chính trị thuộc diện điều tra, có 92% cán bộ, giảng viên các trường chính trị đã trực tiếp tham gia hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong đó có 26,9% người tham gia bình luận, phản bác các thông tin xấu, độc; 40,5% tham gia viết tin, bài đăng trên các tạp chí, bản in, kênh truyền thông; 61,1% lồng ghép tích hợp trong các bài giảng và 47,0% tham gia tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt đảng, chính quyền, chuyên môn.
(8) Cũng theo kết quả khảo sát năm 2021-2022, tỷ lệ tiếp nhận thông tin có chứa đựng quan điểm sai trái, thù địch qua việc đưa tin, phản bác của báo, đài, các kênh truyền thông chính thống của cán bộ, giảng viên trẻ dưới 31 tuổi là 40,0%, thấp hơn so với độ tuổi từ 31-45 (62,9%) và độ tuổi trên 45 (67,7%).
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.538.
(10) ĐCSVN: Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương (khoá VI) tại Đại hội VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.18.
PGS,TS PHẠM ĐỨC KIÊN
Văn phòng Ban Chỉ đạo 35,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh